4.0 và những người trẻ "Lost track of time" (Phần 2)
Nhìn những người trẻ gục ngã trước áp lực nặng nề ấy, ai mà không xót cho được? Mà không chỉ xót thôi đâu, mà còn lo cho bản thân mình...
Nhìn những người trẻ gục ngã trước áp lực nặng nề ấy, ai mà không xót cho được? Mà không chỉ xót thôi đâu, mà còn lo cho bản thân mình nữa đấy, lo vì biết đâu có một ngày mình cũng vậy thì biết làm thế nào? Và có khi nào bạn tự hỏi, ta học những lý thuyết khô khan, chạy đua với công việc đến quá sức để làm gì khi ta còn chưa biết yêu thương bản thân. Thế hệ gen Z, cuộc sống gắn liền với laptop, smartphone, deadlines,..., có thể họ biết rất nhiều thứ, giỏi nhiều lĩnh vực, nhưng họ, đặc biệt là những người bị lost track of time, phải học một điều, đó là học cách sống chậm.
Có một điều kì lạ là càng trưởng thành thì thời gian trôi càng nhanh. Ngày bé, ta mong mãi mới đến Tết, vậy mà lớn lên rồi, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết năm, thậm chí là hết cả thập kỉ. Nói như Thuyết tương đối thì đó là thời gian tâm lí của mỗi người. Nó không giống như thời gian vật lí khi được đo lường chính xác bằng giờ, phút, giây, thời gian vật lý nhanh hay chậm tuỳ vào mức độ con người cảm nhận cuộc sống. Và đặc biệt với những người "lost track of time", họ cảm thấy thời gian trôi nhanh lắm vì họ chỉ biết công việc thôi, có để ý đến thời giờ thôi. Lúc nào cũng mang trong mình cái cảm giác như bị ai đuổi, đã bao giờ những người trẻ học cách sống chậm lại hay chưa?
Làm được điều này vô cùng đơn giản, mỗi ngày chỉ cần dành một khoảng thời gian ngắn để suy nghĩ về bản thân và cuộc sống. Rời xa màn hình laptop, và cũng đừng vội quờ lấy cái điện thoại, chỉ cần uống một tách trà và nghĩ về ngày hôm nay. Liệt kê những điều bạn chưa làm được và những điều đã đạt được, hay thậm chí là liệt kê những điều khiến bạn cảm thấy căng thẳng để cảm thấy nhẹ lòng. Gắn liền với những người trẻ lost track of time là căn bệnh stress, những lúc như thế, hãy dừng việc lại, đừng làm gì cả, hít thở sâu và viết ra những bực bội trong lòng sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Thứ hai, hãy tập cho mình thói quen đọc sách. Không cần đọc nhiều, mỗi tuần chỉ cần đọc một quyển nhỏ, về bất cứ điều gì mà bạn thích. Bao lâu rồi bạn bị công việc cuốn đi mà không dành thời gian đọc sách? Bao lâu rồi tủ sách nhà bạn chưa có bàn tay người? Sự kì diệu của những câu chữ sẽ làm dịu đi cơn sóng đang cuộn trào trong tâm hồn bạn, và những trang văn, trang thơ sẽ khiến bạn nhìn cuộc đời theo một góc nhìn khác, không chỉ là deadline, không chỉ là công việc, mà còn là những mảnh ghép khác thú vị hơn, những niềm vui tuy nhỏ bé mà bình dị và gặp những con người dung dị, hiền hoà chứ chẳng phải là ông sếp cáu bẳn, khó tính.
Và cuối cùng, hãy biết yêu thương bản thân mình hơn. Sau năm 25 tuổi, bạn sẽ nhận ra sức khoẻ của mình xuống một cách kinh khủng, và lúc đó bạn sẽ thấy nuối tiếc vì lúc đó, tiền bạc thì có mà chẳng mua được sự quý giá của sức khoẻ. Ngày hôm nay đi làm về sớm một chút, ngủ sớm đi một chút, dùng điện thoại ít đi một chút, và ngày mai lại là một ngày hứng khởi để bắt đầu. Cuối tuần, hãy biết từ chối những công việc làm thêm vô lý, để dành thời gian mà tận hưởng bên bạn bè, người thân, hoặc thậm chí là một mình.
Giữa cái ồn ào của cuộc sống, ngồi một mình thưởng tách trà nóng, và tự hỏi bao lâu rồi mình chưa ngủ đủ 8 tiếng một đêm? Bao lâu rồi mình không có thời gian cho bản thân? Và bao lâu rồi ta chưa về nhà, về với bình yên, về với ruộng đồng? Những người trẻ, sống chậm lại để cảm thấy cuộc đời này thật chill!
Mọi người có thể đọc phần 1 của bài viết tại đây:
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất