4.0 và những người trẻ "lost track of time" (Phần 1)
Thế hệ gen Z sinh ra khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Máy móc hiện đại, robot đang dần thay thế...
Thế hệ gen Z sinh ra khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Máy móc hiện đại, robot đang dần thay thế con người trên hầu hết các lĩnh vực: y tế, giáo dục, ..., vừa giúp tăng năng suất lao động một cách đáng kể lại không phải để con người lao động chân tay quá vất vả như trước đây. Ví dụ, Nhà máy Kỹ thuật số cao của GE tại Hải Phòng đã sử dụng robot hàn, các quy trình không dùng cần cẩu mà hoàn toàn tự động, đã tăng hiệu quả hàn từ 12% lên 30%, quy trình sản xuất tăng năng suất thêm 5% và có doanh thu xuất khẩu 500 triệu USD, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam. Có thể thấy, sự phát triển của khoa học - kĩ thuật đã thực sự mở ra một trang mới cho cuộc sống của con người, góp phần nâng cao chất lượng sống, và tất nhiên, người chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này chính là những người trẻ khi song song với việc được hưởng một cuộc sống hiện đại hơn, văn minh hơn, họ cũng phải đương đầu với vòng xoay đào thải vô cùng khắc nghiệt. Ở cái thời đại mà máy móc đang dần thay thế con người, những nhà đầu tư muốn tìm kiếm những bộ óc thực sự tài giỏi và những con người có khả năng chịu áp lực cao để đương đầu với công việc và thích nghi với sự đổi thay mạnh mẽ của nhịp vận hành trên thế giới. Những ai không có năng lực thật sự sẽ phải chịu sự đào thải khắc nghiệt khi sự vội vã của cuộc sống và sự phát triển của thế giới không có chỗ dành cho kẻ lười biếng. Và hầu hết thế hệ trẻ cầm trên tay tấm bằng đại học bước vào đời với một tâm thế cống hiến hết sức để không bị tụt lại đằng sau mọi người. Và trong cái guồng quay khắc nghiệt ấy, tôi nghĩ, những người trẻ gắn liền với cụm từ "lost track of time" (làm việc quên thời gian).
Một lập trình viên phụ trách sửa phần mềm của cả công ti, một ngày 24 tiếng thì 20 tiếng cắm mặt vào máy tính là chuyện bình thường. Sáng vẫn đi làm như mọi người, đến đêm mọi người về hết, không dùng phần mềm đó nữa thì mới có thời gian ngồi sửa. Nhiều khi làm việc say sưa đến mức không biết đây là ngày thứ bao nhiêu mình ngủ trên cơ quan, và hôm nay thứ mấy cũng còn chẳng nhớ.
Một anh làm nghề chỉnh sửa video sáng đi quay video đến tận 11h đêm mới về, rồi ăn tạm cái bánh mì mua ngoài phố, và lại ngồi trước màn hình máy tính đến tận sáng hôm sau để chỉnh sửa cho kịp deadline theo yêu cầu của khách hàng. Đến khi làm xong thì gần như anh bị đơ vì không còn cả biết xem giờ là mấy giờ và mình đã bao nhiêu tiếng không ngủ.
Tất cả những câu chuyện trên, đều là minh chứng điển hình cho việc làm việc quên thời gian. Lost track of time, ở một góc độ nào đó, thực sự là một cách làm việc vô cùng hiệu quả. Khi ấy, não bộ tập trung ở mức cao nhất, không bị bất kì điều gì phân tâm mà chỉ chú tâm vào công việc ta đang làm. Ta cảm thấy như tách biệt hẳn với thế giới ngoài kia và chỉ còn mình ta với công việc, cứ thế làm cho đến khi xong mới thôi. Nhưng nếu vượt ra khỏi giới hạn thông thường, lost track of time thực sự mang lại những hậu quả khôn lường không chỉ với sức khoẻ mà còn ảnh hưởng đến tinh thần nữa.
Tác hại đầu tiên có thể kể đến là nó bào mòn sức khoẻ của những người trẻ một cách khủng khiếp. Những bữa ăn qua loa không đủ chất, gọi là lót dạ cho bụng đỡ kêu, rồi những đêm thức trắng đến tận sáng mai vẫn dậy đi làm bình thường, làm bạn với cafe và thuốc lá để ngăn cơn buồn ngủ ập đến, thực sự ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khoẻ mỗi con người. Những người thiếu ngủ sẽ có nguy cơ bị bệnh Alzheimer cao gấp 5 lần người bình thường, có 48% nguy cơ mắc tim mạch và 15% nguy cơ tử vong vì đột quỵ, gây ra các bệnh nguy hiểm khác như ung thư, mà điển hình là ung thư vú. Sự thiếu ngủ và ăn uống không đủ chất không chỉ gây ra các bệnh nguy hiểm về dạ dày, trí nhớ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần của người bệnh. Thông thường, họ sẽ dễ gắt gỏng, lâu dần gây ra bệnh trầm cảm, và thậm chí dẫn đến tự tử. Và chính xác đây là những gì mà người trẻ phải trải qua khi làm việc quên hết thời gian một cách quá mức, chắc ta vẫn còn nhớ một anh làm phim đã bị đột quỵ do làm việc quá sức xảy ra không lâu.
Không chỉ có nguy cơ bị trầm cảm từ việc thiếu ngủ và ăn uống không đủ chất, những người trẻ còn đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tương tự đến từ việc làm việc quên thời gian. Áp lực công việc đã đè nặng lên con người họ, khiến họ lúc nào cũng trong tâm thế phải cố thêm một chút nữa để hoàn thành cho xong rồi mới về nhà, mà ngoảnh đi ngoảnh lại không biết giờ là mấy giờ và mình ở đây được bao lâu rồi. Công việc dường như đã là hơi thở của họ, khiến họ chẳng còn thời gian chăm sóc bản thân, deadline đè khiến họ trở nên vô cùng căng thẳng, và điều này là rất rõ khi stress và trầm cảm trở thành hai căn bệnh vô cùng phổ biến của những người trẻ. Cái vòng xoáy cơm, áo, gạo tiền cùng sự phát triển của xã hội khiến họ không tài nào thoát ra nổi guồng quay khắc nghiệt ấy để sống chậm lại một chút mà lúc nào cũng trong tâm thế như bị ai đuổi. Cách mạng 4.0 cho ta nhiều thứ, nhưng cũng lấy đi máu, mồ hôi và nước mắt của những người trẻ, và trong số họ, có những người đã gục ngã trước cái vội vã của dòng đời.
(Còn tiếp)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất