Là một nhà quản lý dự án, tôi không ngừng tìm kiếm những cách mới để cải thiện hiệu suất cho nhóm của mình. Khi nghiên cứu các xu hướng công nghệ gần đây, tôi đã tình cờ biết đến Game hóa. Ý tưởng này thu hút sự chú ý của tôi và tôi bắt đầu tò mò về tiềm năng của nó. Game hóa dường như là một cách tiếp cận độc đáo và sáng tạo mà tôi có thể tận dụng. Vậy, Game hóa chính xác là gì?
Game hóa, ở dạng đơn giản nhất, là việc sử dụng các tính năng giống trò chơi trong các thiết lập không phải trò chơi, chẳng hạn như nơi làm việc. Bạn có thể sử dụng các yếu tố như huy hiệu và bảng thành tích, đồng thời tạo ra một hệ thống tính điểm để duy trì động lực và sự gắn kết của nhân viên. Hãy nghĩ về ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo, cách người dùng của họ thăng tiến trên bảng xếp hạng, kiếm huy hiệu nhờ đạt được các mốc nhất định trong quá trình học. Phải vậy. Đó chính là Game hóa.
Là một khái niệm thú vị, Game hóa có thể được sử dụng trong quản lý nhân sự, đặc biệt là để tăng sự gắn kết và thúc đẩy động lực làm việc của nhân viên. Bạn có biết khi nào nhóm của mình rơi vào vòng lặp công việc, lâu đến mức không ai còn cảm thấy vui thích gì nữa? Game hóa có thể là cứu cánh, trở thành cú hích cần thiết cho các tổ chức phát triển. Ví dụ, Game hóa có thể tăng động lực cho nhân viên bằng cách cung cấp cảm giác về sự tiến bộ và thành tích thông qua điểm, huy hiệu hoặc bảng xếp hạng, nó khiến công việc vốn quen nhàm trở nên thú vị như một trò chơi. Hơn tất cả, Game hóa giúp công việc của bạn thêm phần ý nghĩa.
Dưới đây là một vài ví dụ về cách Game hóa có thể giúp các tổ chức duy trì động lực và sự gắn kết của nhân viên:

Đào tạo và giới thiệu

Game hóa là một công cụ hiệu quả để đào tạo và giới thiệu. Bằng cách sử dụng các yếu tố giống như trò chơi để dạy các khái niệm và kỹ năng mới, Game hóa làm cho việc học trở nên tích cực và thú vị hơn, từ đó cải thiện khả năng ghi nhớ. Điều này đặc biệt hữu ích trong các ngành có nhiều thông tin phức tạp cần tiếp thu, hoặc khi nhân viên cần học các kỹ năng mới trong thời gian ngắn.
Hãy tưởng tượng tổ chức của bạn cần giới thiệu một hệ thống phần mềm mới cho nhân viên. Đây là một hệ thống phức tạp với nhiều tính năng và chức năng khác nhau, rất khó để học và ghi nhớ. Game hóa có thể giúp quá trình đào tạo này trở nên hiệu quả và thú vị hơn, bằng cách tạo ra một loạt thử thách gắn liền với các kỹ năng hoặc chức năng cụ thể trong phần mềm. Hãy sử dụng phần thưởng và phản hồi để tạo ra cảm giác thành tựu, từ đó thúc đẩy nhân viên tiếp tục học hỏi. Bạn cũng có thể điều chỉnh các khóa đào tạo theo nhu cầu cá nhân, cho phép nhân viên tập trung vào những lĩnh vực mà họ cần cải thiện nhất. Như vậy, Game hóa không chỉ giúp nhân viên lưu giữ thông tin trong thời gian ngắn mà còn làm cho toàn bộ quá trình trở nên thú vị hơn.
Đối với nhân viên mới, thay vì chỉ cung cấp các tài liệu hướng dẫn, một tổ chức có thể sử dụng Game hóa để tạo ra các thử thách hoặc câu hỏi tương tác về các chính sách của công ty. Điều này vừa làm cho quá trình học tập trở nên dễ dàng hơn vừa giúp nhân viên mới ghi nhớ thông tin hiệu quả hơn. EdappQstreamTrivie và Gametize là những nền tảng Game hóa tuyệt vời mà các tổ chức có thể sử dụng để đào tạo và giới thiệu nhân viên mới.

Hợp tác nhóm

Game hóa có thể thúc đẩy quá trình hợp tác và làm việc nhóm, đồng thời giúp xây dựng ý thức cộng đồng tại nơi làm việc. Bằng cách tạo ra các thử thách hoặc nhiệm vụ yêu cầu nhân viên làm việc cùng nhau, Game hóa khuyến khích họ cộng tác, xây dựng quan hệ với đồng nghiệp và cải thiện tương tác xã hội. Ví dụ, bảng thành tích giúp các đội biết được hiệu suất của nhau, thúc đẩy cạnh tranh thân thiện và khuyến khích tinh thần đồng đội. Nhân viên sẽ có động lực làm việc hơn khi nhận được phần thưởng trong các hoạt động xây dựng nhóm hoặc sự kiện xã hội như vậy. Centrical và Hoopla là những nền tảng Game hóa tuyệt vời dành cho cộng tác nhóm.

Quản lí dự án

Nếu bạn đang cần một công cụ để chia các dự án lớn thành các nhiệm vụ nhỏ, dễ quản lý để mang lại cảm giác tiến bộ cho nhân viên, hãy chọn Game hóa.
Tưởng tượng rằng công ty của bạn đang chuẩn bị cho một đợt ra mắt sản phẩm mới. Đây là một dự án phức tạp với nhiều nhiệm vụ khác nhau cần được hoàn thành, và việc cố gắng giải quyết mọi thứ cùng một lúc có thể khiến cả người quản lý dự án lẫn nhóm của họ bị choáng ngợp. Để giúp quản lý quá trình này, tổ chức của bạn quyết định Game hóa dự án bằng cách tạo ra một loạt các thử thách nhỏ mà các thành viên trong nhóm có thể hoàn thành dễ dàng. Mỗi khi hoàn thành một thử thách, mỗi thành viên sẽ kiếm được điểm hoặc phần thưởng. Như vậy, trong quá trình vượt qua chuỗi thử thách, các thành viên trong nhóm sẽ thấy được sự tiến bộ của chính họ và sự tiến bộ của nhóm nói chung. Hãy sử dụng Todoist hoặc NestedTask để làm cho các nhiệm vụ trở nên thú vị và hấp dẫn hơn, đồng thời nâng cao tinh thần cho nhân viên và khuyến khích làm việc nhóm.

Theo dõi hiệu suất

Game hóa có thể là một công cụ mạnh mẽ để theo dõi và cải thiện hiệu suất của nhân viên. Nó cải thiện sự tập trung của nhân viên bằng cách giúp họ xác định những mục tiêu rõ ràng. Ví dụ, một công ty tạo ra một loạt thách thức gắn với các chỉ số hiệu suất chính (KPI) cho từng nhân viên hoặc từng bộ phận. Khi nhân viên hoàn thành một thử thách, họ sẽ thấy được hiệu suất của mình so với KPI và so với đồng nghiệp. Điều này không chỉ giúp nhân viên giữ được động lực làm việc mà còn khiến cho môi trường công việc trở nên minh bạch và công bằng hơn. SpinifyInfluitive và Ambition là các ứng dụng cung cấp giải pháp theo dõi hiệu suất cho các tổ chức.
Khi sử dụng Game hóa để theo dõi hiệu suất, bạn cần lưu ý một số điểm sau. Thứ nhất, nếu các mục tiêu hoặc chỉ số được sử dụng để Game hóa không liên kết chặt chẽ với mục tiêu chung của tổ chức, việc theo dõi hiệu suất có thể đưa ra kết quả không chính xác. Thứ hai, hệ thống Game hóa có thể tạo ra môi trường căng thẳng cao độ hoặc cạnh tranh quá mức, trong một vài trường hợp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên.
Một hạn chế cơ bản của Game hóa đó là phương pháp này có thể không phù hợp với tất cả nhân viên của bạn. Một số nhân viên có thể thấy mất động lực, đặc biệt khi Game hóa đối lập với phong cách làm việc của cá nhân. Ví dụ, một số nhân viên có thể thấy được thúc đẩy nhiều hơn bởi các hình thức phản hồi truyền thống, họ muốn một cuộc trò chuyện trực tiếp với người quản lý hơn là nhận điểm hay huy hiệu. Với một số người khác, việc nhìn thấy nhiều con số 0 hơn trên tiền lương là động lực duy nhất đưa họ đến chỗ làm.
Một hạn chế khác là Game hóa có thể tốn nhiều thời gian để triển khai và duy trì. Nó đòi hỏi nhà quản lí phải lập kế hoạch cẩn thận và theo dõi liên tục để đảm bảo tính hấp dẫn của hệ thống Game hóa đối với nhân viên. Điều này đặc biệt khó khăn đối với các tổ chức có nguồn lực hoặc thời gian hạn chế.
Tuy nhiên, bất chấp những nhược điểm kể trên, Game hóa vẫn là một công cụ hiệu quả để quản lý con người. Bằng cách tập trung vào tinh thần đồng đội, đồng thời đảm bảo Game hóa phù hợp với nhu cầu và sở thích của từng nhân viên, tổ chức có thể tối đa hóa lợi ích của phương pháp này, đồng thời giảm thiểu mọi nhược điểm tiềm ẩn.
Bài viết gốc được đăng trên Blog Game hóa: