4 hiểu nhầm về nghề Kiểm toán
Mình sẽ chia sẻ về ý nghĩa của kiểm toán (audit) đối với doanh nghiệp và sự phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực kế - kiểm - tài chính....
Mình sẽ chia sẻ về ý nghĩa của kiểm toán (audit) đối với doanh nghiệp và sự phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực kế - kiểm - tài chính. Mình cũng sẽ đào sâu hơn để tìm sự giao thoa giữa audit và tech. Những điều mình học được từ kiểm toán mong sẽ giúp ích cho mọi người. Đây cũng là cách mình tìm kiếm và lưu giữ ý nghĩa của công việc hiện tại.
===
Khi bạn bè hỏi mình làm nghề gì, mình bảo mình là kiểm toán. Câu hỏi tiếp theo gần như sẽ luôn là "Kiểm toán là gì? Có phải kiểm tra kế toán hay không?".
Vì trả lời nhiều người quá, mà mình nghĩ là mình sẽ viết luôn một bài để bất kì ai hỏi mình, mình có thể ném bài này ra để bạn bè cùng biết :)))
Kiểm toán là gì?
Hiểu nôm na thì kiểm toán đúng là kiểm tra lại công việc của kế toán. Vậy công việc của kế toán là gì? Bất kể doanh nghiệp nào cũng có các hoạt động kinh doanh. Các giao dịch này cần được ghi chép lại bởi kế toán. Việc ghi chép lại dựa trên các quy định về kế toán theo luật (ví dụ, chi tiền mặt mua hàng hóa về bán thì phải ghi chép như thế nào). Từ đó, hình thành báo cáo tài chính (BCTC) thể hiện tình hình hoạt động của công ty. Vậy chất lượng của BCTC có thể bị ảnh hưởng bởi những người điều hành công ty, và cả năng lực của kế toán nữa đúng không?
Đọc thêm:
Tại sao lại cần kiểm toán?
Bất kể ai muốn đầu tư cũng sẽ phải tìm hiểu BCTC của doanh nghiệp. Một BCTC đáng tin cậy (tức là, được 1 bên kiểm toán độc lập "kiểm tra", đánh giá xem có tin cậy hay không) sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn hợp lý về tình hình hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp, và giúp quyết định xem có nên bỏ tiền vào công ty này hay không.
Ý nghĩa sâu xa hơn của kiểm toán là để làm "trọng tài" trong mối quan hệ giữa người sở hữu công ty (Hội đồng cổ đông - HĐCĐ) và người làm thuê (đứng đầu là Ban giám đốc - BGĐ). Ở các công ty lớn, người sở hữu công ty (HĐQT) thường sẽ không phải là người điều hành công ty (BGĐ). BGĐ được HĐQT trả lương để làm việc, để giúp công ty phát triển. Nếu công ty hoạt động tốt, BGĐ sẽ được thưởng. BCTC thể hiện tình hình hoạt động của công ty, cũng như khả năng điều hành, dẫn dắt công ty của BGĐ. Nếu làm nhiều lợi nhuận, có vẻ BGĐ đã hoàn thành KPI của mình. Tuy nhiên, BCTC được lập bởi kế toán, người cũng chịu sự tác động và kiểm soát của BGĐ. Vậy, nhỡ đâu BCTC cố tình bị sai lệch để tạo nên ảo giác công ty đang hoạt động tốt và được thưởng thêm thì sao? Chính vì thế, HĐQT thuê một đội ngũ chuyên gia để mổ xẻ, phân tích và kết luận xem liệu BCTC đó có tin tưởng được hay không, để đảm bảo, tài sản của công ty (tức là của HĐQT) được tận dụng và kiếm ra lợi nhuận. Những chuyên gia đó chính là kiểm toán. :))
Đọc thêm:
Nhắc đến kiểm toán, mình thấy mọi người có một vài suy nghĩ không chính xác về nghề này. Mình sẽ làm sáng tỏ ngay sau đây:
1. Kiểm toán rất bận và phải đi nhiều
Từ "mùa bận" và "mùa rất bận" của kiểm toán đã được nhắc đến rất nhiều. "Mùa bận" ám chỉ khoảng thời gian khách hàng, tức là các doanh nghiệp phải phát hành BCTC theo quy định của luật. Ví dụ, doanh nghiệp Việt Nam có năm tài chính là 31/12, và bắt buộc phải ra báo cáo trong vòng 3 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính. Chính vì vậy, từ tháng 1 - tháng 3 là thời gian cao điểm khi kiểm toán viên phải vắt cạn kiệt năng suất của mình để đưa ra "kết luận" (ý kiến kiểm toán) cho BCTC của khách hàng. Ở tất cả các công ty kiểm toán Việt Nam, thời điểm 3 tháng này là thời điểm bận kinh hoàng nhất. Trong năm còn có những dấu mốc nữa cũng khiến cuộc sống của kiểm toán tất bật, tùy vào từng công ty kiểm toán. Ví dụ, ở công ty mình làm, tháng 4 và tháng 5 sẽ có một số công ty phát hành BCTC theo IFRS (Chuẩn mực kế toán Quốc tế). Tháng 7 thì kiểm toán tăng tốc để các công ty ra báo cáo giữa niên độ (báo cáo cho giai đoạn 6 tháng đầu năm). Tháng 11 sẽ là ngày hội làm kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ (nhằm giảm khối lượng công việc cho mùa bận kinh hoàng - Tháng 1 đến Tháng 3). Tháng 12 thì bắt nhịp và chuẩn bị cho 3 tháng sau đó.
Đọc thêm:
Kể ra thì còn sót lại Tháng 6, Tháng 8-10, và đó chính là những tháng kiểm toán viên dùng ngày nghỉ hàng năm của mình để xả hơi, du lịch với bạn bè và gia đình, để hồi phục và lấy lại nguồn cảm hứng mới. Những lúc bận dồn dập được "bù đắp" bằng những ngày tháng tương đối "thảnh thơi" hơn.
Nếu so với những công việc bận đều, phải làm thường xuyên, hàng ngày như kế toán, tài chính, hay bác sĩ (nhịp chạy dường như không bao giờ dừng lại) thì kiểm toán như nghề giáo viên vậy, có nghỉ hè. Kể ra cũng không quá tệ đúng không? :))
Mọi người cũng sẽ nghĩ ngay kiểm toán là một người đi chu du mọi miền đất nước. Điều này không đúng ở chỗ, sẽ có nhiều khách hàng (lớn) tọa lạc ở Hà Nội. Kiểm toán như chúng mình có thể lựa chọn làm việc trong nhóm kiểm toán ở Hà Nội, nhận những công việc có khách hàng ở Hà Nội, mà do đó, sẽ được đi về trong ngày. Nhưng có lẽ, phần lớn mọi người cũng thích đi đây đi đó để biết hơn. Nó là một điểm bất ổn, nhưng là điều mà bất cứ ai vào nghề cũng háo hức.
2. Kiểm toán kiếm được nhiều tiền?!!!!
Đó đã từng là suy nghĩ của mình :))). Nhiều người lớn xung quanh mình cũng hiểu như thế. Một suy nghĩ hiểu nhầm trầm trọng là kiểm toán có thể "ăn tiền" từ khách hàng để có được BCTC đẹp hơn @@. Nâu nâu nâu!!!!!!
Tại sao?
Mình đã vỡ ra điều đó cho đến tận năm 3 Đại học, khi mình bắt đầu học môn Audit and Assurance (Kiểm toán và Đảm bảo). Môn học như để "tẩy não" những người hành nghề chuyên nghiệp phải có đạo đức nghề nghiệp, và những trường hợp mà đạo đức nghề nghiệp bị "đe dọa". Yếu tố tương đối quan trọng đe dọa tới đạo đức nghề nghiệp là mối quan hệ về các lợi ích tài chính của cá nhân kiểm toán (và của những người thân thuộc trong gia đình) với khách hàng mà kiểm toán đang kiểm toán BCTC. Ví dụ, nếu KTV giữ một khối lượng cổ phần tương đối lớn trong khách hàng, tức là, họ là cổ đông. Như vậy, về lợi ích cá nhân, họ muốn công ty của mình hoạt động tốt, có BCTC "đẹp", thu hút nhà đầu tư, giá cổ phiếu tăng cao, giá trị cổ phần của họ tăng lên, và họ giàu lên. Xét từ góc độ kiểm toán, họ sẽ tìm mọi ngóc ngách, bằng chứng để đưa ra đánh giá về BCTC. Nhưng vì có lợi ích cá nhân trong công ty mình đang kiểm toán, kiểm toán viên có thể sẽ cố tính đánh giá sai về BCTC của công ty. Do vậy, trường hợp này, KTV đó không được tham gia vào cuộc kiểm toán BCTC cho khách hàng đó.
Đọc thêm:
Cơ mà, đạo đức là mang tính cá nhân cơ mà, ai quản lý nổi?
Có đó. Các các hiệp hội nghề nghiệp và các công ty kiểm toán và quản lý yếu tố này rất chặt. Thứ nhất, có một bộ quy tắc quy định cách ứng xử của KTV trong các tình huống đe dọa đạo đức nghề nghiệp để KTV noi theo, cung như để các công ty kiểm toán đưa ra quy định của riêng họ, giám sát và đảm bảo KTV trong công ty kiểm toán tuân theo quy định này. Ví dụ, khi vào các công ty kiểm toán, mình sẽ được kê khai một form độc lập, trong đó, kê khai hết các mối quan hệ ruột thịt với những người "cấp cao", quan trọng trong các doanh nghiệp mà là khách hàng của công ty; kê khai việc sở hữu cổ phần, đầu tư vốn trong các công ty. Những kiểm toán viên mà có thể có mối quan hệ ruột thịt với lãnh đạo cấp cao trong công ty khách hàng thì sẽ không được tham gia vào nhóm kiểm toán cho công ty đó. Thứ hai, quy trình kiểm soát chất lượng kiểm toán BCTC tương đối khắt khe. Công việc của cấp dưới luôn luôn phải được xem xét, phản biện bởi cấp trên. Người review cao nhất trong công ty kiểm toán là audit partner (Phó TGĐ/TGĐ Kiểm toán). Nhưng audit partner cũng có thể bị review bởi global khi trụ sở chính của công ty kiểm toán ở nước ngoài sẽ review, và yêu cầu giải trình. Kết quả của những đợt review sẽ ảnh hưởng tới xếp hạng của cá nhân, uy tín về đạo đức và chuyên môn - những yếu tố then chốt trong nghề. Bản thân mình khi đi làm không muốn rủi ro về uy tín cá nhân và trình độ chuyên môn để làm điều đó :))) Vì nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng thăng tiến, khả năng làm việc sau này :)) (nói hơi nghiêm trọng nhưng nó như kiểu có “tiền án”, vết nhơ trong suốt cuộc đời vậy)
3. Kiểm toán đòi hỏi giỏi Toán
Ngày trước mình đã nghĩ thế. Nhìn chữ "toán" là thể hiện nhiều tính toán dã man rồi. Nhưng mình đã trật lất khi tiếp xúc với công việc này. Đương nhiên, ai giỏi Toán (tức là có tư duy logic tốt) thì làm nghề này cũng sẽ nhanh hơn. Nhưng nếu không giỏi Toán, thì thời gian, sự rèn luyện cũng bù lại điều đó. Vì bản chất, kiểm toán không cần giỏi Toán. Tại sao ư?
Khái niệm "giỏi Toán" là những người biết tính toán, giải toán, thông thạo các con số. Nếu nhìn từ khía cạnh này, thì kiểm Toán là người có khả năng xử lý các con số. Excel là kĩ năng cốt lõi, và việc dùng các hàm trong Excel để xử lý số liệu, xử lý các con số là bắt buộc. Ngoài ra, kiểm toán viên rất hay sử dụng thủ tục "phân tích", để phân tích biến động theo tháng, theo năm của một đối tượng nhất định, để xem liệu, sự biến động ấy có phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay không.
Đọc thêm:
Tuy nhiên, nếu xét về bản chất, như mình đã giải thích, kế toán ghi chép các giao dịch của công ty dựa trên quy định của luật (mình dùng từ "luật" để nói về những quy định bắt buộc nói chung để những bạn không học ngành này có thể hiểu được, còn từ trong nghề là "chuẩn mực"). Điều đó có nghĩa là, để kiểm toán đánh giá xem các giao dịch được ghi chép đúng hay chưa, kiểm toán sẽ dựa trên cơ sở là các quy định. Kiểm toán là một nghề "regulation-based". Mà đã dựa trên regulation-based thì đâu cần giỏi Toán nhỉ? Điều quan trọng của nghề là kiến thức chuyên môn, tức là, kiến thức về các quy định yêu cầu cách ghi chép của kế toán. Kiến thức này được trau dồi dựa trên đọc luật và kinh nghiệm làm việc của kiểm toán.
Cần kĩ năng Excel và bản chất "regulation-based" có vẻ lại mâu thuẫn với nhau hay không? Thực ra là không đâu. Thứ nhất, Excel là công cụ. Thứ hai, các hàm tính toán mà kiểm toán sử dụng tương đối đơn giản (Đơn giản tức là, cộng giá trị theo đối tượng :)), thay vì phải làm model dự báo (như dân tài chính), chạy phần mềm thống kê, phân tích phương sai, vân vân mây mây. Thứ ba, yếu tố cốt lõi vẫn là sự hiểu biết về chuẩn mực kế toán - quy định ghi chép đối với các giao dịch, từ cơ sở đó, mới bắt đầu phân tích và đánh giá. Và khi KTV càng giữ vị trí cao hơn, công việc tính toán càng giảm đi. Bởi, con số chỉ mang tính tương đối. Chính sự hiểu biết về doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, thị trường, kinh nghiệm phán đoán khả năng BCTC bị sai lệch mới là cái đánh giá và phán đoán xem nên áp dụng chuẩn mực kế toán như thế nào.
4. Kiểm toán và tài chính giống nhau?!!!!
Mình đã từng nghĩ thế. Nhưng không nhé. Thật bất ngờ, mình thông não điều này vào năm thư 3 Đại học :)) Có 2 điểm khác biệt chính.
Thứ nhất, kiểm toán là người dựa trên quá khứ. Các dữ liệu để đánh giá BCTC là những giao dịch đã được kế toán ghi chép trong giai đoạn được đánh giá (ý là, BCTC cuối năm thì đánh giá giao dịch cả năm; BCTC giữa năm thì đánh giá giao dịch nửa năm). Ngược lại, tài chính là người dựa vào tương lai. Họ ước tính, lên kế hoạch (budgeting), họ dự đoán (forecasting), tất cả đều dựa vào ước tính và kì vọng của họ vào tương lai. Xem Sharktank các bạn sẽ nghe về các thuật ngữ như ROI (lợi nhuận trên khoản đầu tư), dòng tiền, thời gian hoàn vốn, vv... trước khi quyết định xem có đầu tư vào một dự án hay không. Điều đó là bởi vì, họ cần xem dự án trong tương lai có thể hồi vốn và sinh lời không. Cơ mà, điều đó đều dựa trên ước tính về tương lai của người làm tài chính.
Thứ hai, tư duy của kiểm toán khác với tư duy của tài chính trong vấn đề quản trị rủi ro - 1 người dựa trên sự thận trọng, tránh rủi ro, và một người biết giá của rủi ro và chấp nhận nó. Kiểm toán viên dựa trên rủi ro của công ty (rủi ro kinh doanh - business risk, rủi ro pháp lý - legal risk và rủi ro hoạt động - operational risk) để đưa ra quyết định xem sẽ dành bao nhiêu công sức (nhân lực, thời gian) để kiểm toán BCTC của công ty đó. Kiểm toán sẽ cố gắng làm để control mọi thứ trong risk mà mình đã định ra (hay còn gọi là mức độ trọng yếu). Người làm tài chính quản trị rủi ro để có thể mang lại lợi nhuận cao hơn. Có người thích risk cao, risk trung bình và risk thấp. Risk càng cao thì mong muốn return càng cao. Và việc lựa chọn đầu tư như thế nào là tùy xem mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư.
Lời kết
Nói chung, công việc của KTV nằm ở chỗ hiểu và biết áp dụng luật để đưa ra đánh giá phù hợp về BCTC công ty - những văn bản thể hiện tình hình hoạt động của công ty. Họ cũng là người tiếp xúc với đa dạng loại hình doanh nghiệp, để có thể đánh giá rủi ro của doanh nghiệp (business risk, legal risk và operational risk). Phải chăng vì thế họ trở nên có "giá"?
Câu cuối là một dấu chấm hỏi, vì bản thân mình cũng chưa rõ những gì mình học được sẽ được định giá bao nhiêu, trong tương lai =))). Mình đã bảo là mình đang đi tìm ý nghĩa của nghề audit với doanh nghiệp và với chính bản thân mình rồi mà. :))
Bài viết cùng tác giả:
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất