Vì nó có thể làm cho cuộc sống sinh viên của mình trở nên dễ dàng hơn.
Du học là một cuộc phiêu lưu thực sự đối với bất kì bạn sinh viên nào. Đối với một số người, nó có thể là quyết định tốt nhất trong cuộc sống của họ và cho những người khác, có lẽ không quá nhiều.
Đối với mình, du học là một trải nghiệm tuyệt vời, đôi khi đầy thách thức với đủ hỉ nộ ái ố, nhưng mang đầy giá trị, mà nếu có làm lại thì mình vẫn sẽ luôn chọn đi du học. Nhưng mình cũng ước rằng mình có một chút chuẩn bị tốt hơn để sẵn sàng cho những gì đang chờ đợi phía trước. Việc chuẩn bị tốt sẽ thường làm cho mọi thứ dễ dàng hơn nhiều trong một số tình huống.
Tạm biệt Việt Nam ở tuổi 20, mình đi sang đại học Kyushu, Nhật Bản để du học đại học trong vòng 4 năm. Chương trình của mình được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Trước khi đi, mình đã nghiên cứu nhiều về nơi mình sẽ đến bằng cách đọc các bài chia sẻ kinh nghiệm trên mạng xã hội, trên báo chí . Một số thứ rất hữu ích, nhưng có một số thứ mình đã thực sự cân nhắc nhiều mà không ai nói cho mình biết.


1. Học cách nấu ăn ngon hơn

Không biết các bạn thế nào, nhưng mình có rất ít kinh nghiệm nấu ăn trước khi đi du học. Mì ăn liền và trứng rán là những món ăn tủ của mình, chấm hết. Căn hộ mình sống ở Nhật có bếp, tủ lạnh, lò vi sóng. Bộ 3 đơn giản nhưng hoàn hảo để nấu ăn. Thời gian đầu mình sống dựa vào mấy món tủ bên trên, và ăn ở canteen. Tuy nhiên đồ ăn ở canteen không ngon, và không thể kéo dài việc lặp đi lặp lại mấy món ăn đơn điệu, mình bắt đầu học nấu ăn từ Youtube.
Khoảng 3 tháng sau, kỹ năng nấu nướng của mình đã cải thiện đáng kể và mình bắt đầu ăn uống lành mạnh hơn, hạn chế đồ ăn ở canteen và thực phẩm ăn liền.
Nấu ăn thực sự không khó nếu bạn tìm được công thức đồ ăn đủ dễ và bạn làm theo công thức được hướng dẫn. Mình thường chỉ chọn những công thức nấu ăn có từ 3-5 nguyên liệu, và gia vị chỉ yêu cầu muối, tiêu. Nếu bạn chưa giỏi và thành thạo, thì không nên động đến các món ăn đòi hỏi sự cầu kì hay pha trộn của gia vị.
Việc nấu ăn là một kĩ năng rất đáng giá và là một trong những kĩ năng sinh tồn khi đi du học, nhưng không chỉ bó hẹp ở đó. Đó còn một trong kĩ năng sống thiết yếu để bạn có thể tự tin sống ở bất cứ đâu.

2. Học cách quản lý chi tiêu

Mình nhận được học bổng của chính phủ Nhật nên gia đình không phải chi trả tiền học cũng như sinh hoạt phí. Số tiền hàng tháng mình nhận được rơi vào khoảng 25 triệu đồng, dùng để chi trả tất cả chi phí từ tiền nhà đến ăn uống, điện thoại, internet,... Có thể nói đó là một số tiền lý tưởng. Nhưng nếu bạn còn quá trẻ và bỗng nhận được một khoản tiền lớn, bạn đặc biệt cần học cách quản lý chi tiêu và tiết kiệm. 
Trước khi ra nước ngoài, mình đã tập trung vào việc học và hoàn thành các kỳ thi chuẩn hóa, chọn trường đại học tốt nhất, quy trình nộp đơn, khóa học ngoại ngữ và tiết kiệm tiền không phải là ưu tiên trước đó. 
Có một số các quy tắc mà may sau này mình còn học được trước khi toàn bộ số tiền trong tài khoản đổ hết vào mua sắm. 
Cách ghi sổ chi tiêu của người Nhật.
Nhà sách Nhật là thiên đường bán tất cả loại nhật ký thu chi mà mình có thể tìm được. Dù có là format nào đi chăng nữa, nguyên tắc chung vẫn là viết ra tất cả những gì mà bạn tiêu, chia vào khoảng 4-5 nhóm chính, cuối mỗi tuần tổng kết và xem lại.
Quy tắc 50:20:30.
50% lương: chi phí không thanh toán không được (tiền nhà, tiền ăn, internet,...)
30% lương: chi phí giải trí (xem phim, mua quần áo, mỹ phẩm, ...)
20% lương: tiết kiệm dự phòng, tiết kiệm để làm lương hưu, đầu tư tài chính.
Quy tắc 500 Yen.
500 Yen là đồng xu có mệnh giá lớn nhất trong tiền tệ Nhật Bản, giá trị vào khoảng 100k Việt Nam. Và mình không tiêu đồng tiền này. Thay vào đó, mình nhét tất cả đồng 500 Yen mình có được vào hũ tiết kiệm. Cuối năm mở ra, nó là một số tiền đáng kể đấy.

    3. Học ngôn ngữ bản địa

Mình đi du học Nhật nhưng chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Và thực tế, có nhiều anh chị cũng bảo rằng không cần phải biết quá nhiều tiếng Nhật vẫn có thể sống được ở đất nước này. . Tỉ lệ người Nhật nói tiếng Anh không cao, nên mình tin nếu mình có tiếng Nhật, mình có thể giao tiếp được với nhiều người hơn, những người không nói tiếng Anh. Nên mình vẫn quyết định đi học. 
Một người anh khác lại khuyên mình nên học tiếng Nhật thật giỏi vào, thì cuộc sống sẽ dễ thở hơn. Nhưng mình đã không nghe. Mình nghĩ sang Nhật có nhiều người Nhật, học sẽ nhanh hơn. Nhưng mình đã lầm. Học kì đầu tiên ở Nhật, số lượng môn học dồn dập khiến mình có rất ít thời gian để học tiếng Nhật. Và cái vốn tiếng Nhật mà mình học được chỉ loanh quanh mấy câu hỏi đường, mấy câu chào hỏi, mấy câu dùng khi đi mùa hàng. Và mình nhìn thấy với đà này, nếu mình không thật sự lôi sách vở, chú tâm học tiếng Nhật, thì có ở đây 5, 10 năm, tiếng Nhật của mình vẫn bập bè thế thôi.
Vậy nên mình đã thay đổi. Mình đăng kí thi JLPT N3 dù vào tháng 7 năm tới, dù lúc đó mình mới học tiếng Nhật được 4 tháng. Mình lấy kì thi để làm động lực thúc ép mình phải học tiếng Nhật. Và việc học hành chăm chỉ đó đã cho mình hưởng trái ngọt. Tiếng Nhật đem đến cơ hội cho mình được giao lưu với nhiều người Nhật, tham gia các buổi học cắm hoa Ikebana, trà đạo, có công việc dạy học tiếng Anh và tiếng Việt cho người Nhật "việc nhẹ lương cao". Tiếng Nhật cũng giúp mình hòa nhập tốt hơn khi vào phòng thí nghiệm, khi giao tiếp với người Nhật, bạn bè Nhật. Giờ đây khi đã thành thạo tiếng Nhật với bằng Nhật Ngữ N2, cơ hội công việc và cơ hội cuộc sống đến với mình rất nhiều. 
Nếu như đất nước bạn đến, tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính được ưu chuộng, bạn vẫn nên học tiếng bản địa. Và hãy cố gắng học tốt nó. 

4. Dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè và gia đình

Đi ra nước ngoài, đến một đất nước mới là cả một bước tiến lớn. Và bạn sẽ nhớ bạn bè và gia đình của bạn, nhớ thành phố quê hương của bạn và những nơi bạn đã đi qua, nhớ những món ăn Việt Nam, thậm chí bạn có thể nhớ tiếng còi xe náo nhiệt (bởi vì chỗ mình sống ở Nhật rất yên tĩnh).
Ngay cả khi bạn nói và nhìn thấy bố mẹ, bạn thân trong các cuộc gọi video mỗi ngày, cảm giác nó cũng không giống nhau. Và trong những năm đầu tiên, cảm giác buồn bã hay hoài niệm ấy cứ thỉnh thoảng lại ập đến với mình.
Vì vậy, nếu bạn có thể, hãy đảm bảo dành thời gian chất lượng với những người thân thiết với bạn, những người quan trọng với bạn bởi vì bạn thực sự không biết khi nào có thể gặp lại họ. Trong 4 năm qua, mình chỉ có thể trở về nhà vài lần và cố gắng gặp gỡ một vài người. Nó thật sự không nhiều và còn hơi chóng vánh.
Lời cuối, mình muốn nói rằng du học là hoàn toàn xứng đáng, và nếu bạn muốn một cuộc sống du học dễ thở hơn, nên chuẩn bị nhiều hơn mình một chút nhé.
Thân