KHÔNG XẤU HỔ, KHÔNG ĐỔ LỖI
Hãy nhớ câu thần chú: Không xấu hổ, không đổ lỗi. Những gì bạn đang đối mặt chỉ là sự thật về những lựa chọn bạn đã đưa ra trong cuộc sống của mình. Không xấu hổ, không đổ lỗi. Thật may mắn khi bạn có thể tự làm điều này, thay vì bị kiểm toán bởi cơ quan thuế. Thật may mắn khi bạn thực hiện điều này ngay bây giờ, chứ không phải vào những giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Không xấu hổ, không đổ lỗi. Hãy nhớ sử dụng câu thần chú này trong những khoảnh khắc khi bạn muốn trốn dưới gầm giường, lao vào một cuộc mua sắm điên cuồng cho đến khi quên hết mọi phiền muộn, hoặc khi bạn nghi ngờ chương trình này không có hiệu quả và muốn bỏ cuộc. Không xấu hổ, không đổ lõi.
Anita C. cần một điều gì đó giống như câu thần chú “Không xấu hổ, không đổ lỗi” để giúp cô nhìn lại tủ quần áo của mình dưới ánh sáng mới của sự tỉnh thức. Không còn nghi ngờ gì về “cơn nghiện” của cô: quần áo và đồ mỹ ký. Cô đã từng là một “tín đồ” mua sắm. Bất cứ khi nào lái xe ra ngoài, cô đều có thôi thúc dừng lại ở trung tâm thương mại chỉ để xem có gì đang giảm giá. Bằng cách nào đó, nghi thức mua sắm và chi tiêu này giúp cô cảm thấy ổn hơn về bản thân mình. Nhưng kết quả của nhiều năm nghiện ngập đã nằm sẵn trong tủ quần áo của cô. Giá như cô có một cú “thức tỉnh” ngay lúc đó thì thật tốt, nhưng không, cô vẫn tiếp tục mua sắm. Cho đến khi cán cân thay đổi và cô nhận ra việc có quá nhiều đồ mà không mặc đến chẳng còn khiến cô cảm thấy vui vẻ nữa. Là một giải pháp tạm thời, cô biện minh cho sự dư thừa của mình bằng cách tặng đồ như quà cho người khác. Cô thấy thú vị khi tìm được đúng người bạn hay họ hàng phù hợp với những món đồ mà cô chưa từng mặc qua. Dần dần, ham muốn mua sắm của cô yếu đi. Rồi một ngày, khi đang ở cửa hàng bách hóa yêu thích, ngắm nghía những màu sắc mới của những chiếc áo len, sự tỉnh thức bừng lên. “Đây sẽ là ý nghĩa cuộc đời mình sao? Cuộc đời mình sẽ chỉ xoay quanh điều này thôi à? Mình đang làm gì vậy? Mình đã có đủ rồi!”. Cô rời khỏi cửa hàng mà không mua gì cả. Một thời gian sau trải nghiệm đó, Anita nhận ra rằng mong muốn mua sắm của cô đã biến mất.
Nếu Anita đã làm việc với chiến lược ngân sách và kế hoạch chi tiêu tiêu chuẩn, có thể cô đã không nhận ra thói quen mua sắm của mình là một cơn nghiện. Cô có thể vẫn là một “người mua sắm xã hội,” phủ nhận bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng sự tỉnh thức và lòng từ bi vào thói quen mua sắm của mình, cô cuối cùng đã có được sự nhận thức sâu sắc rằng mình đã có đủ rồi. Giờ đây, cô dị ứng với việc mua sắm đến mức đã mất đi một vài người bạn cũ, những người coi việc đi dạo trong trung tâm thương mại là nghi thức xã hội chính. Nhưng cô cũng đã có thêm rất nhiều điều khác.
Vậy, sau khi đã đặt ra bối cảnh, hãy cùng bắt đầu bước 3, lập Bảng theo dõi hàng tháng.
-----------------------
Lời nhắn nhủ:
Vì tác phẩm này quá hay nhưng chưa có nhà xuất bản nào mua bản quyền và phát hành bằng tiếng Việt, nên mình đã dịch cuốn sách này để chia sẻ với các bạn đọc là người Việt. Mình hy vọng mọi người sẽ ủng hộ tác giả và nhà xuất bản bằng cách mua một bản ebook tiếng Anh của cuốn sách. Việc này có thể dễ dàng thực hiện qua Google Play Books (link: https://play.google.com/store/books/details/Your_Money_or_Your_Life_9_Steps_to_Transforming_Yo?id=AxxD2jUMB0MC&hl=vi&gl=US) hoặc đặt mua bản in tiếng Anh tại Việt Nam. Mình đã mua một phiên bản của cuốn sách này và nếu bạn thấy nó thú vị mong các bạn cũng làm vậy để ủng hộ tác giả.
Bạn có thể tìm đến với series này của mình tại đây: https://spiderum.com/series/Nemo1810/Tien-cua-ban-hay-Cuoc-cua-ban-j42Bw8CmZ732