#28 . Chương 2- Bước 2: Sống trong hiện tại - Theo dõi năng lượng sống của bạn – Theo dõi từng khoản thu chi của bạn
B. THEO DÕI TỪNG KHOẢN THU CHI CỦA BẠN ...
Đến đây, chúng ta đã xác định rằng tiền tương đương với năng lượng sống và và biết cách tính toán số giờ năng lượng sống mà mình trao đổi cho mỗi đô-la kiếm được. Bây giờ, chúng ta cần nhận thức rõ về sự di chuyển của dạng năng lượng sống này—tức tiền bạc—trong từng khoảnh khắc cuộc sống. Điều cần làm là theo dõi thu nhập và chi tiêu của mình hằng ngày. Phần thứ hai của bước 2 rất đơn giản, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Từ bây giờ, hãy ghi nhận từng xu thu nhập hay chi tiêu của bạn.
• • •
Nhiều người cố ý giữ khoảng cách với tiền bạc vì trong suy nghĩ của họ, "tiền" và "tình yêu-sự thật-vẻ đẹp-tâm linh" là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt. Rất nhiều người sẵn sàng chia sẻ mọi điều với người yêu nhưng lại không bao giờ tiết lộ về mức lương của mình. Rất nhiều gia đình ngày càng lún sâu vào nợ nần vì họ cho rằng nhắc nhở nhau về thói quen chi tiêu thiếu kiểm soát là một hành động thiếu yêu thương. Các nhóm hoạt động cộng đồng kiệt sức vì ngại ngùng kêu gọi hỗ trợ tài chính để trả lương cho người đảm nhận các công việc quản lý hàng ngày. Bạn bè thường không đòi lại tiền hoặc đồ đã cho mượn vì cảm thấy việc theo dõi những khoản đó là nhỏ nhen, còn yêu cầu hoàn trả lại càng khó xử hơn. Điều này cũng xảy ra không ít lần giữa cha mẹ và con cái. Việc theo dõi và quản lý tiền bạc đôi khi bị xem là làm giảm giá trị của những mối quan hệ đáng lẽ chỉ nên dựa trên tình yêu thương. Tất cả những tình huống này đều bắt nguồn từ một quan niệm chung: Tiền là tiền, tình yêu là tình yêu, và hai thứ này không nên hòa lẫn. Nhưng hãy tự hỏi bản thân: Liệu bạn có đang dùng những lý tưởng cao đẹp về triết học hay tâm linh để biện minh cho sự thiếu ý thức về tài chính của mình không?
Kỷ luật tinh thần
Các tôn giáo, từ cổ xưa đến hiện đại, đều có những phương pháp để huấn luyện tâm trí sống trong khoảnh khắc hiện tại, “tại đây và ngay lúc này”. Những phương pháp này có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm các kỹ thuật tưởng chừng như khác biệt, như quan sát hơi thở khi nó vào và ra; lặp lại một câu nói để tập trung tâm trí đang lang thang; tập trung vào một vật thể mà không suy nghĩ về quá khứ hay tưởng tượng về tương lai—chỉ đơn giản là ở với nó trong khoảnh khắc này; luyện tập các môn võ (như aikido hay karate); phát triển một "người quan sát" bên trong để chỉ đơn giản quan sát những gì bạn đang làm ngay bây giờ.
Và trong danh sách này, chúng ta thêm vào một kỷ luật khác nhằm tăng cường sự nhận thức—một phương pháp thiết yếu cho chương trình tài chính và có thể dễ dàng được chấp nhận hơn bởi tư duy vật chất của phương Tây: Thay vì quan sát hơi thở, bạn sẽ quan sát tiền của mình.
Phương pháp thực hành này rất đơn giản: Hãy theo dõi và ghi lại từng đồng thu nhập hay chi tiêu trong cuộc đời bạn.
Quy tắc của công cụ chuyển đổi tiên tiến này là: Hãy theo dõi và ghi lại từng đồng thu nhập hay chi tiêu trong cuộc đời bạn.
Phương pháp luận cho kỳ quan của vật lý học tài chính này là: Hãy theo dõi và ghi lại từng đồng thu nhập hay chi tiêu trong cuộc đời bạn.
Không có hướng dẫn cụ thể nào về cách theo dõi từng xu thu nhập hay chi tiêu trong cuộc sống của bạn. Bạn cũng không cần phải mua một cuốn sổ đặc biệt ("chỉ $49.95 với chỉ mục, bảng tham khảo nhanh và máy tính năng lượng mặt trời"). Đối với nhiều người, một cuốn sổ ghi chú nhỏ gọn bỏ túi là người bạn đồng hành lý tưởng để ghi lại từng khoản thu chi, kèm theo thời điểm của nó. Một số người khác, coi trọng thời gian hơn tiền bạc, sẽ ghi lại chi tiêu và thu nhập trong phần đặc biệt của cuốn lịch hẹn. Còn một số theo dõi tiền bạc—cùng với các cuộc hẹn, công việc, địa chỉ—trên điện thoại hoặc máy tính, liên kết tài khoản ngân hàng với các công cụ trực tuyến và chỉ sử dụng thẻ ghi nợ (hoặc thẻ tín dụng thanh toán hàng tháng) để có thể cập nhật thông tin ngay lập tức. Các thiết bị điện tử như máy tính và điện thoại thông minh khiến việc này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nhưng không có phương pháp nào là tốt nhất cả—phương pháp nào phù hợp nhất với bạn thì đó chính là phương pháp tốt nhất.
Một số người gặp khó khăn ở đây. Họ không muốn theo dõi tiền bạc của mình. Quá khó. Quá chi tiết. Tốn quá nhiều thời gian. Quá căng thẳng. Mỗi đồng xu sao? Còn mỗi đô-la thì sao? Hoặc mỗi mười đô-la? Hay chỉ cần cứ ước tính tương đối chính xác...
Carolyn H. là một người rất chú ý đến việc theo dõi chi tiết—nhưng chồng cô thì không. Anh ấy cho rằng việc phải tập trung đến tận “từng xu lẻ” là một việc không cần thiết. Hầu hết mọi người không theo dõi quá chi tiết như vậy. “Nhiều năm trước,” cô ấy nói, “để giúp anh ấy tham gia vào việc theo dõi, tôi đã đơn giản hóa cách thức theo dõi sao cho phù hợp hơn với anh ấy và nó đã thành công. Chúng tôi sử dụng các con số làm tròn. Chúng tôi theo dõi tiền mặt tốt nhất có thể nhưng không quá quan trọng hóa nó. Chúng tôi chấp nhận một khoản tiền mặt nhỏ không thể giải thích được—và thêm một mục để ghi nhận điều đó. Đôi khi gần như không có gì ở đó, nhưng đôi khi sau một tháng phức tạp, có thể lên đến hai trăm đô-la—trước đây điều này làm tôi phát điên, nhưng giờ thì không còn nữa. Đây là lý do tại sao—thú vị thay, chồng tôi đã bắt đầu chú ý đến con số đó và thực sự cố gắng giảm nó xuống mức tối thiểu hoặc ít nhất là hợp lý. Việc thấy một con số lớn ở đó đã thu hút sự chú ý của anh ấy về việc chi tiêu cẩn thận hơn, hiệu quả hơn tất cả những cuộc nói chuyện, tranh cãi, việc đọc sách về đôc lập tài chính,v.v. Tôi cảm thấy hài lòng.”
Mike L. đã dẫn dắt các nhóm tự nguyện lựa chọn sống một cuộc sống đơn giản trong nhiều năm và luôn khuyến khích mọi người thực hiện "các bước" một cách nghiêm túc—giống như anh và vợ đã làm, với những kết quả ấn tượng. Anh là người rất kỹ lưỡng trong việc theo dõi từng đồng xu. Tuy nhiên, khi anh và vợ chuyển đến một ngôi nhà cần sửa chữa ở một cộng đồng mới, Mike bắt đầu hiểu được cảm giác choáng ngợp của các thành viên trong nhóm khi thực hiện bước 2. Anh quyết định tự làm nhà thầu và thợ xây. Số lượng giao dịch tài chính hàng ngày của anh tăng lên, và anh phải dành nhiều thời gian mỗi ngày để mở lại các biên lai và ghi lại các khoản chi tiêu. Cuối cùng, anh quyết định sử dụng thẻ ghi nợ và để ngân hàng tự động gửi dữ liệu chi tiêu vào chương trình tài chính của mình, đơn giản hóa cuộc sống cho đến khi việc chi tiêu trở lại ổn định.
Một người đã nhận xét rằng những người thuộc nhóm " Ninja" như đã nhắc đến trong phần giới thiệu của cuốn sách này thấy việc theo dõi tài chính tự nhiên như việc thở và không cần phải thuyết phục gì thêm, trong khi với những người có tư duy sáng tạo và trực giác (những người thường thiên về nghệ thuật), việc này giống như viết bằng tay không thuận. Karen E. viết: "Tôi rất thích việc theo dõi tài chính, vẫn làm điều đó sau mười bốn năm và không thể tưởng tượng nếu không làm. Chính việc này đã giúp chúng tôi tìm ra cách sống nửa thời gian ở châu Âu (trên một chiếc thuyền kiêm ngôi nhà di động) và nửa thời gian ở Mỹ, tình nguyện theo ý muốn và đi du lịch nữa.". Cô ấy là người rất tự nhiên trong việc này.
Những người theo chủ nghĩa tối giản và sáng tạo đã áp dụng các chiến lược như của Mike L.—chi trả tất cả mọi thứ bằng thẻ ghi nợ—và tìm thấy sự bình yên bất ngờ khi họ có thể kiểm soát được điều gì đó mà trước kia là một điều bí ẩn. Khi họ kết hợp việc theo dõi tài chính với thời gian dành cho sáng tạo, thiền định hoặc du lịch, họ sẵn sàng xây dựng thói quen này.
Khi Don S. , một người hâm mộ trẻ của blog Mr. Money Mustache về tài chính cá nhân và nghỉ hưu sớm, bắt đầu theo dõi chi tiêu của mình, anh nhận ra rõ ràng hơn việc tiền bạc của mình đi đâu. Điều này giúp anh thay đổi thói quen, chuyển từ việc ăn trưa tại nhà hàng sang mang cơm từ nhà đi làm và nấu ăn nhiều hơn ở nhà. Anh chia sẻ: “Với tôi, điều này không phải là ép buộc bản thân phải chi tiêu ít đi để trở nên ‘trách nhiệm’ hơn. Mà là hiểu rõ cách mình đang chi tiền mà không cảm thấy tội lỗi. Tôi đã giảm được khoản chi cho ăn uống gần một nửa, tiết kiệm được hàng trăm đô-la mỗi tháng. Việc nhận thức được cách chi tiêu đã giúp tôi tự nhiên kiểm soát được những khoản chi phí lãng phí và chuyển số tiền đó vào những thứ quan trọng hơn với tôi và hạnh phúc của tôi. Mấy trăm đô-la tiết kiệm mỗi tháng nhanh chóng đủ để tôi chi trả cho một chuyến đi ba tuần ở châu Âu! Việc quản lý tiền bạc hiệu quả khiến tôi hạnh phúc hơn, tiết kiệm được nhiều tiền cho tương lai và ít căng thẳng hơn về việc chi tiêu vào những thứ mang lại niềm vui.”
Bất kể bạn chọn hệ thống nào, hãy thực hiện (chương trình chỉ hoạt động nếu bạn thực hiện!)—và phải chính xác. Hãy biến việc ghi lại khoản thu chi của bạn, số tiền chính xác và lý do của giao dịch trở thành thói quen của bạn. Hãy biến việc ghi chép các khoản chi tiêu trở thành một phản xạ tự nhiên ngay lập tức cho mọi khoản thu chi.
Trong cuốn The Millionaire Next Door , các tác giả Thomas J. Stanley và William D. Danko chỉ ra rằng những người có giá trị tài sản ròng cao so với thu nhập biết chính xác mình chi bao nhiêu cho quần áo, du lịch, nhà cửa, phương tiện di chuyển, và các khoản chi khác. Ngược lại, những người không đạt được giá trị tài sản cao so với thu nhập thường không biết mình chi bao nhiêu. Đó là một sự khác biệt rõ rệt.
Hình 2-3 là một ví dụ minh hoạt về các khoản thu chi trong hai ngày. Bạn sẽ thấy từng khoản chi được ghi lại với mức độ chi tiết rõ ràng. Các khoản chi liên quan đến công việc được đánh dấu riêng biệt. Đồng thời, cũng có sự phân loại rõ ràng giữa những món đồ mua tại cửa hàng tiện lợi, như đồ ăn vặt (“khoai tây chiên, sốt chấm, nước ngọt”) và pin. Tương tự, trong chuyến đi mua sắm tại cửa hàng tạp hóa và cửa hàng bách hóa vào thứ Bảy, các khoản chi cũng được chia thành từng danh mục nhỏ. Các danh mục phụ này được ước tính gần đúng (bạn nên cố gắng ghi chép sát thực tế nhất có thể, mặc dù việc tính chi tiết chi phí của từng món, như giấy vệ sinh hay rượu vang, có thể mất nhiều thời gian). Tuy nhiên, tổng số tiền phải được ghi chính xác tuyệt đối đến từng xu.


-----------------------
Lời nhắn nhủ:
Vì tác phẩm này quá hay nhưng chưa có nhà xuất bản nào mua bản quyền và phát hành bằng tiếng Việt, nên mình đã dịch cuốn sách này để chia sẻ với các bạn đọc là người Việt. Mình hy vọng mọi người sẽ ủng hộ tác giả và nhà xuất bản bằng cách mua một bản ebook tiếng Anh của cuốn sách. Việc này có thể dễ dàng thực hiện qua Google Play Books (link: https://play.google.com/store/books/details/Your_Money_or_Your_Life_9_Steps_to_Transforming_Yo?id=AxxD2jUMB0MC&hl=vi&gl=US) hoặc đặt mua bản in tiếng Anh tại Việt Nam. Mình đã mua một phiên bản của cuốn sách này và nếu bạn thấy nó thú vị mong các bạn cũng làm vậy để ủng hộ tác giả.
Bạn có thể tìm đến với series này của mình tại đây: https://spiderum.com/series/Nemo1810/Tien-cua-ban-hay-Cuoc-cua-ban-j42Bw8CmZ732
Link full của bản dịch cho bạn nào muốn đọc ngay ^^: https://onedrive.live.com/?authkey=%21AOeI07U%2DT7zQUdU&id=C6D330FBB4A704D1%21202191&cid=C6D330FBB4A704D1&parId=root&parQt=sharedby&o=OneUp

Tài chính
/tai-chinh
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất