Tóm tắt sơ lược
2 nhân vật chính Aomame và Tengo cùng sống ở năm 1984, nhưng từ rất nhiều sự kiện và hiện tượng kỳ lạ, cả hai nhận ra mình đang ở một thế giới khác không phải thế giới năm 1984 mà họ vẫn biết. Aomame đã đặt tên cho thế giới song song này là 1Q84, “Q” là chữ cái đầu của Question.
Về thể loại
Thật khó để nói chính xác 1Q84 thuộc thể loại nào bởi cuốn sách có sự pha trộn của cả yếu tố lãng mạn, trinh thám và kỳ bí. Tuy nhiên, các yếu tố này được thêm vào ở mức vừa đủ, đủ để thấy được các chi tiết vẫn bám chắc vào hiện thực, cụ thể hơn là hiện thực tại Nhật Bản với các vấn đề về chính trị, tôn giáo, gia đình, bạo lực…
So với Rừng Na-uy, 1Q84 được viết một cách rất tỉ mỉ, các tình tiết và hình ảnh biểu tượng cũng được tác giả sắp xếp, lồng ghép một cách có tính toán. Điều này khiến nội dung cuốn sách trở nên đa tầng, đa nghĩa hơn nhiều. Ở lớp nghĩa đầu tiên hay lớp nghĩa bề mặt, câu chuyện vẫn tương đối dễ hiểu và có nhiều tình tiết là điểm nhấn gây ấn tượng, nhưng hẳn vẫn sẽ có nhiều người cảm thấy không thỏa mãn hay thậm chí thất vọng khi đọc xong, nhất là sau khi đã nghe quá nhiều lời ca ngợi về 1Q84.
Mặt khác, khi ý thức được sự tồn tại của tầng nghĩa sâu hơn, việc chủ động suy nghĩ về ẩn ý phía sau các chi tiết sẽ khiến quá trình đọc trở nên thú vị hơn nhiều. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng các hình ảnh biểu tượng, và đôi khi lẫn trong đó là cả những câu đố, được Murakami cài cắm vào tương đối khó lí giải (ít nhất là với mình).
Một ví dụ khá đặc sắc có thể kể đến chương 25 quyển 3. Nhân vật Tamaru đã kể câu chuyện nhà tâm lý học Carl Jung tự tay xây một tòa nhà và khắc lên phía trước tòa nhà câu nói “Lạnh hay không lạnh, Chúa vẫn ở đây”. Trong thực tế, dòng chữ được Carl Jung khắc lên là “Vocatus atque non vocatus deus aderit” (tiếng Anh: “Bidden or unbidden, the god will be present”), tạm dịch “Dù gọi hay không gọi, Chúa vẫn ở đây”. Nhiều người đã cố giải thích sự khác biệt này theo nhiều cách, song mình cho rằng lời giải thích hợp lý nhất chính là ở năm 1Q84, rất nhiều sự vật sự việc đã khác đi so với năm 1984 ban đầu, bao gồm cả dòng chữ trên. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Carl Jung lại được nhắc đến ở đây, bởi dường như hành động của nhiều nhân vật trong truyện, trong đó bao gồm Ushikawa – nhân vật mà câu nói này hướng tới, rất phù hợp với quan điểm của Carl Jung về thiện và ác (Đọc thêm phân tích tại đây).
Còn rất nhiều cái tên khác được Murakami nhắc đến một cách có chủ đích như thánh Matthew, anh em nhà Karamazov, Tchekhov, Sakhalin, Sonny và Cher, Harold Arlen, hay người Gylak. Việc 1Q84 dày đặc các hình ảnh biểu tượng/ẩn dụ đã chứng minh hai điều: một là hiểu biết sâu rộng của Haruki Murakami và hai là khó có ai hiểu được hoàn toàn cuốn sách này sau lần đọc đầu tiên.
Một số hình ảnh ẩn dụ lớn
Giáo phái Akebono và công xã Sakigake
Ngay từ khi đọc tiêu đề truyện, không khó để người đọc liên hệ tới cuốn 1984 của George Orwell. Câu chuyện chính trị trong 1Q84 cũng ít nhiều gợi nhớ đến cuốn sách trên với sự xuất hiện của giáo phái Akebono, công xã Sakigake hay nhân vật lãnh tụ. Nhưng đó chỉ là phần nhỏ, phần nhiều hơn của 1Q84 gắn chặt với thực tế trong xã hội Nhật Bản. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Mainichi, Murakami cũng đã xác nhận Akebono và Sakigake ám chỉ giáo phái Aum – giáo phái đã gây nên vụ đầu độc kinh hoàng trong hệ thống xe điện ngầm ở Tokyo năm 1995 khiến 12 người thiệt mạng và hàng trăm người chịu những di chứng nặng nề. (Bản dịch cuộc phỏng vấn: link)
Mẫu thể và tử thể
Bạo lực nói chung và bạo lực gia đình là một chủ đề quan trọng khác trong 1Q84. Đa số các nhân vật trong truyện đều đã trực tiếp hay gián tiếp chịu tổn thương từ bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức khác nhau, từ bạo hành, xâm hại, đến kiểm soát quá mức hoặc bị bỏ bê. Đúng như Murakami đã nói thông qua suy nghĩ của Aomame:
Bạo lực không hẳn lúc nào cũng có thể nhìn thấy được dưới mắt thường, vết thương không hẳn lúc nào cũng phải nhỏ máu.
Trước hết, tử thể (dohta) được giải thích là một phân thân sinh ra từ một con người nguyên bản – mẫu thể (maza), tử thể cũng là cái bóng từ tâm trí và trái tim mẫu thể (the shadow of the maza’s heart and mind). Điều này một lần nữa gợi nhắc đến học thuyết về nhân cách và bóng tối của nhà tâm lý học Carl Jung mà theo đó, ông giải thích rằng bóng tối nói đến tất cả các phần nằm ngoài ánh sáng của ý thức, bao gồm cả tốt lẫn xấu.
Đặt trong bối cảnh câu chuyện về, có thể hiểu tử thể tượng trưng cho một phần quá khứ cụ thể, cũng là phần tâm trí hay ký ức liên quan đến quá khứ đã bị nhân vật tách ra, bỏ lại sau. Nhưng mẫu thể và tử thể luôn cần phải ở cạnh nhau, cả hai sẽ không hoàn thiện nếu tách rời ra. Như Fukaeri, cô nói đã bỏ tử thể của mình lại công xã Sakigake, và có thể phần tử thể đó tượng trưng cho quá khứ bị bạo hành mà Fukaeri muốn quên đi. Tử thể bị bỏ lại vẫn tồn tại, như nhắc nhở rằng quá khứ đó luôn tồn tại và luôn ảnh hưởng tới Fukaeri theo cách này hay cách khác.
Còn một cách hiểu khác về mẫu thể và tử thể, rằng đó là biểu tượng của cái tôi cá nhân và nhận thức hay tâm trí tập thể (collective mind) (Đọc thêm tại đây). Nhưng cách giải thích này có phần thiếu thuyết phục với mình hơn so với lời giải thích phía trên.
Hai mặt trăng
Khi mặt trăng thứ hai xuất hiện, dó là dấu hiệu cho sự sinh ra của tử thể từ mẫu thể. Mặt trăng thứ hai này có lẽ cũng là một hình ảnh biểu tượng liên quan tới quá khứ. Nhưng quá khứ được gợi ra ở đây có phần tươi sáng hơn quá khứ gắn với tử thể phía trên. Với Aomame và Tengo, đó là tuổi thơ không mấy vui vẻ, nhưng cũng là sự đồng cảm và sức sống mạnh mẽ mà họ cảm nhận được ở người kia qua cái nắm tay duy nhất trong lớp học lúc 10 tuổi ấy.
Về Aomame và Tengo
Hai nhân vật chính của 1Q84 sống một cuộc sống bị phủ bóng bởi tuổi thơ. Aomame luôn tìm cách đối chọi, chống trả. Còn Tengo thì mãi đi trong mịt mù vô định. Mình cho rằng toàn bộ câu chuyện 1Q84 cũng là quá trình đi tìm lối thoát của cả hai. Mình đã tự đặt tên cho ba quyển sách dựa trên nhịp độ và bước tiến triển của quá trình này lần lượt là khởi động, tăng tốc và về đích. Theo đó, quyển 1 xây dựng nên cuộc sống hiện tại của hai nhân vật rồi đẩy họ vào thế giới 1Q84 và buộc họ nghĩ về hay nhận ra quá khứ vẫn luôn tồn tại bên họ. Ở quyển 2, Aomame và Tengo cùng trực tiếp sắp xếp lại ký ức, nhìn nhận, đi tìm lí do mà cả hai vẫn sống và đấu tranh dù theo cách nào. Để đến quyển 3, các vấn đề (trừu tượng và liên quan chặt chẽ tới tuổi thơ của cả hai) dần được giải quyết, cũng là lúc họ gặp lại nhau và cùng thoát khỏi thế giới 1Q84 để bước tiếp.
Có người không hài lòng mà nhận xét rằng 2 chương cuối truyện khi hai nhân vật gặp nhau và ra khỏi 1Q84, lời kể chủ yếu từ góc nhìn của Aomame còn Tengo không được miêu tả kỹ về mặt cảm xúc hay suy nghĩ gì. Thật ra mình lại thấy điều này là hợp lý. Hai yếu tố quan trọng với Tengo suốt câu chuyện là người cha và Aomame. Hành trình đấu tranh, tìm lối thoát của Tengo đã hoàn thành vào lúc anh hỏa táng cha rồi trở về và gặp lại Aomame. Còn với Aomame, gặp Tengo, sau đó cả hai cùng bước lên chiếc cầu thang ở đường cao tốc và ra khỏi 1Q84 mới là điểm kết thúc, bởi hai mối bận tâm chính của Aomame là gặp lại Tengo, và trốn thoát khỏi sự truy đuổi của thế giới 1Q84 nói chung. Như vậy, chương cuối mới là cái kết cho hành trình của Aomame, còn của Tengo thì đã kết thúc từ trước đó rồi.
Kết lại, Murakami đã trả lời trong phỏng vấn với báo Mainichi: “Sự đối lập, xung khắc giữa cá nhân và hệ thống là chủ để quan trọng nhất đối với tôi.” Nhìn vào Aomame và Tengo, đó còn là xung khắc giữa cá nhân với cuộc đời nói chung mà mục đích cuối là tìm ra động lực gì đã thúc đẩy họ để giữ chặt lấy nguồn động lực đó mà tiếp tục sống.
Mời các bạn đọc thêm các bài review khác tại wordpress của mình.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất