Thường mỗi khi xem xong một bộ phim, dù hay dù dở Harry vẫn có một thói quen bàn luận, bình luận, và suy luận với những người xem cùng hoặc đã xem. Tuy nhiên, nhu cầu để viết một bài review hẳn hoi, có đầu mục, có tiêu chí chưa bao giờ nảy lên trong suy nghĩ mình, quá lắm cũng chỉ là vài dòng note lại những chiêm nghiệm hay ho hay những cảm xúc mới lạ. 1917 lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Thời điểm phim ra mắt năm 2019, Harry còn chẳng có ý định xem vì dòng phim về chiến tranh không phải là lựa chọn ưu tiên của mình. Phải đến tận sau kì Oscar 2020, kì Oscar mà mình theo dõi tường tận nhất và cũng là kì Oscar có nhiều phim ấn tượng nhất trong vài năm gần đây theo cá nhân Harry thì mình mới quyết định xem 1917, chủ yếu để xem "nó có gì hay mà được hẳn 10 đề cử". Ban đầu mình định xem cho vui thôi, như kiểu giải trí mãn nhãn tai mắt vừa ăn cơm vừa xem phim, cơ mà chỉ sau 5 phút đầu phim thì mình đã tắt lap, ăn uống cho xong xuôi rồi vào phòng riêng set up cinema tại gia đầy đủ âm thanh ánh sáng, ngồi thẳng lưng và chiến phim. Và đúng như tiêu đề của bài viết, đây là một trải nghiệm đánh thức, đánh thức mọi giác quan, đánh thức tâm hồn yêu phim có phần đã chai lì trong thời gian dài, đánh thức cả những đứa bạn Harry vì sau hôm đấy đi đâu mình cũng recommend phim cho mọi người.
(Cách review của Harry sẽ khá lạ, viết ngay sau khi xem phim nên chủ yếu trôi theo dòng cảm xúc cá nhân là chính)

Cảm nhận chung

Một ý tưởng độc đáo kết hợp với quay phim đỉnh cao, âm nhạc xuất sắc.

Cốt truyện

Phim kể về Thế chiến nhưng không cần những trận chiến hoành tráng vẫn lột tả được hết những gian khó và mất mát thời chiến. Qua câu chuyện điểm nhìn của bản thân người lính, chúng ta thấy được những góc nhìn khác của chiến tranh mà ít ai để ý đến, như sự bằng mặt nhưng không bằng lòng của binh sĩ cùng phe, họ chiến đấu vì sống còn hơn là vì tình thân; những thói hư, tật xấu, tệ nạn chốn quân ngũ; những mảng tính cách khác nhau buộc phải hợp tác với nhau vì mục đích chung; hiểm nguy có thể đến từ mọi phía, sự sống cái chết luôn cận kề;... Sẽ là hoàn hảo hoàn toàn với mình nếu đoạn tương tác giữa Schofield với người phụ nữ Pháp ngắn bớt (đoạn này có phần hơi gượng ép) và Schofield không quá overpowered trong vài tình huống khó có khả năng sống sót lành lặn ngoài đời thật.

Âm thanh, hình ảnh, quay phim

Chỉ có thể là đỉnh cao. Thật ra có kha khá bộ phim làm theo kiểu one-shot đã được ra mắt, điển hình là Birdman (2014) của đạo diễn Alejandro G. Iñárritu, tuy nhiên 1917 lại là trải nghiệm đầu tiên của mình với cách thức quay phim độc đáo này (thực ra phim vẫn có vài đoạn cắt cảnh, tuy nhiên chúng đều rất mượt mà với mục đích cho khán giả trải nghiệm gần nhất với one-shot). Được chỉ đạo bởi DoP kì cựu Roger Deakins, không khó hiểu khi mỗi cảnh quay trong 1917 đều ấn tượng và có ý đồ rõ ràng, cách điều chỉnh góc quay lúc trước, lúc sau nhân vật, lúc cận mặt, lúc tầm trung, lúc lại bao quát,... Ngoài ra dựng phim của 1917 cũng đã hoàn thành xuất sắc việc thiết lập các bối cảnh địa hình khác nhau một cách khá chân thực. Bên cạnh đó, phần âm nhạc và hiệu ứng âm thanh do Thomas Newman đảm nhiệm cũng rất chỉn chu và vừa vặn, thành công gợi mở những cảm xúc trong từng phân đoạn mà không tạo cảm giác quá lố hay trùng lặp. Ấn tượng nhất với Harry có lẽ là những phân đoạn đặt máy quay theo hướng nhìn nhân vật, một góc nhìn bị giới hạn không thể bao quát toàn cảnh, kết hợp với âm thanh kéo sự căng thẳng lên tầm tối đa. Cũng chẳng khó hiểu vì sao tại Oscar 2020, 1917 đã chiến thắng ở 3 hạng mục Quay phim xuất sắc nhấtHòa âm xuất sắc nhất và Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất.
Jos Slovick - I Am a Poor Wayfaring Stranger (from 1917)

Nhân vật và diễn xuất

Tròn trịa cho các vai diễn, có sự phát triển tốt tâm lý hai nhân vật chính.
Lance Corporal Will Schofield (George McKay)
Một con người hướng nội, lý trí và kỷ luật. Một người lính từng trải, có phần hơi bi quan (hoặc thực tế?), Will đổi huân chương lấy rượu uống vì không xem chúng là một điều quá to tát, bởi chiến tranh đang còn đó, vẫn sẽ còn đó và anh chẳng hề mong ngóng, hi vọng gì về ngày trở về. Anh cũng luôn đắn đo và tính toán cẩn thận trước mỗi hành động, có khả năng kiểm soát cảm xúc để tỉnh táo xử lý các biến cố. Bước ngoặt chính của phim khi Tom ra đi đã tạo chuyển biến nhất định về tâm lý trong Will, khi anh liều mạng vì người đồng đội đã ngã xuống và trong phần sau, vì muốn mau chóng hoàn thành nhiệm vụ anh đôi lúc còn trở nên gắt gỏng.
Lance Corporal Tom Blake (Dean-Charles Chapman)
Một con người hướng ngoại, vui tính, thích bắt chuyện và kể chuyện, có phần hơi lạc quan, ngây thơ vì chưa có nhiều trải nghiệm. Tom vẫn còn đó sự yêu đời và mơ mộng của tuổi trẻ, anh thích những mẩu chuyện vui vui và hay nhớ về "the good old days", anh giàu cảm xúc nhưng cũng dễ bị cảm xúc chi phối. Chính điều này đã dẫn đến sự ra đi của anh chỉ vì lòng thương người dành cho kẻ địch, khi mà chiến trường sinh tử không có chỗ cho sự nhân từ. Cái chết đến đột ngột với người lính trẻ khiến tâm trí vốn dĩ dễ lay động vì xúc cảm của anh không kịp nhận thức hay định hình, sự hoảng loạn (hay thiếu bản lĩnh?) nhiều hơn là đau đớn đã theo anh đến tận hơi thở cuối cùng. (Đoạn này diễn xuất của hai nhân vật chính đặc biệt ấn tượng)
Chemistry giữa hai nhân vật rất tốt, hai mặt tính cách gần như đối lập nhau lại tương trợ, bù trừ cho nhau. Will cho Tom sự chín chắn, cẩn thận và thực tế cần có nơi chiến trường bom rơi đạn lạc, ngược lại Tom mang lại cho Will niềm tin, hi vọng, sự lạc quan và cả những tiếng cười. Không có Will, Tom có thể sẽ chẳng thể hoàn thành nhiệm vụ một mình, còn không có Tom, Will có thể sẽ dần mất đi cảm xúc của một con người, chiến đấu chỉ vì chiến đấu, không bao giờ có ngày mai. Là một người thích tìm hiểu về tâm lý học, từng tương tác, câu chuyện, đoạn đối thoại dù là nhỏ nhất giữa hai nhân vật đều đem đến cho Harry những sự thú vị và hứng thú khó tả.
Các nhân vật còn lại đều khá đạt về mặt độc lập tính cách, như những người lính đa sắc tộc trên chiếc xe Will đi nhờ hay Colonel Mackenzie của Benedict Cumberbatch đúng chất một thủ lĩnh quân sự,...

Những khoảnh khắc đáng nhớ

Đầu cuối tương ứng. Phim mở đầu và kết thúc bắng hai cảnh thiên nhiên yên bình, có thể là ẩn dụ cho hi vọng về hòa bình ngay trong thời khắc tàn khốc của chiến tranh.
Khoảnh khắc an toàn ngắn ngủi khi Tom và Will trò chuyện giữa rừng hoa, những mặt đối lập trong tính cách cũng từ đó được bộc lộ.
Cách hai người xử lý tên lính Đức và cái chết oan uổng của Tom vì sự ngây thơ và lòng trắc ẩn không đúng chỗ. Tình huống phim nhanh đến ngỡ ngàng, từ lúc chiếc máy bay của kẻ địch vẫn còn là một chấm đen trên trời đến lúc Tom gục ngã, trăn trối, ra đi. Nhanh gọn, thực tế, đặc biệt không hề có âm nhạc hay cách diễn cố tạo cảm giác giả tạo của một cái chết oai hùng. Chỉ có đó sự hoảng loạn bám víu sự sống của Tom, những giọt nước mắt khô khốc trong chốc lát của Will, và tất nhiên là sự bàng hoàng, chết lặng của người xem.
Schofield lần đầu tiên không kiềm được cảm xúc khi trở nên gắt gỏng, gần như ra lệnh, sau lại van xin khi chiếc xe anh đi nhờ bị kẹt. Qua đó cũng có thể thấy, chưa chắc những người chung chiến tuyến sẽ sẵn sàng giúp đỡ nhau vô điều kiện.
Những mái nhà rực lửa, dưới ánh pháo sáng lòe vụt bay giữa dãy nhà đổ khi Schofield tháo chạy trong đêm. Không có từ ngữ nào có thể lột tả tính thẩm mĩ của phân đoạn này, một cái đẹp của sự hoang tàn, thêm phần nhạc nổi da gà nữa, ôi thôi xem mà rần rần luôn.
Những bước chạy của Will cắt ngang đoàn quân tiến dưới làn đạn pháo. Harry đã ấn tượng với cảnh này ngay từ trong trailer, thế mà lên phim nó lại còn đỉnh cao hơn gấp bội. Một fun fact nho nhỏ là cảnh Will đâm sầm vào một người lính, ngã lăn ra, đứng dậy và chạy tiếp không hề có trong kịch bản, đạo diễn Sam Mendes giữ lại vì nó ấn tượng một cách tự nhiên và hợp với sự tập trung cao độ của nhân vật Will khi ấy.
Tóm lại, trải nghiệm xem 1917 của mình là một trải nghiệm có một không hai, một trải nghiệm điện ảnh mà rất lâu rồi mình không có được. Cá nhân Harry chấm phim 9.5/10 (không tối đa vì mình tin sẽ luôn có những phim hay hơn tầm này nhiều), đặt phim vào top 1 của bản thân và dù mọi người có phàn nàn thế nào đi nữa, Harry sẽ luôn nhắc bạn xem 1917 đi cho đến khi nào bạn chịu xem thì thôi. Để kết thúc, mình xin trích lại một bình luận trên Youtube về trải nghiệm xem phim mà Harry rất đồng cảm:
The fact that I will never be able to see this movie again for the first time... Knowing I can never experience this again just pains me, but it also makes me happy.
(Tạm dịch: Sự thật rằng tôi sẽ không bao giờ có thể xem bộ phim này lần đầu tiên một lần nữa... Biết rằng mình không thể trải nghiệm lại khiến tôi đau đớn, nhưng đồng thời cũng hạnh phúc.)