Bạn đang không biết mình nên theo đuổi sự nghiệp nào? Bạn là học sinh lớp 12 đang mất ngủ hằng đêm vì phân vân trước ngã rẽ cuộc đời? Hay bạn đã có công việc nhưng bạn không thực sự hài lòng với nó, mỗi ngày thức dậy bạn ước hôm nay mình không phải đến công ty nữa? Dù bạn là ai thì chúng ta đều cùng chia sẻ chung một nỗi lo âu:Sự nghiệp.
Ta chỉ sống có một lần. Vậy mà có rất nhiều con đường sự nghiệp để ta có thể lựa chọn, và nếu ta chọn sai thì thật khó lòng để thay đổi. Mỗi quyết định đều là bước ngoặt lớn của cuộc đời và chỉ cần một lựa chọn không đúng sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường.
Ắt hẳn bạn đang rất đau đầu đúng không? Tôi cũng thế. Tôi vẫn đang trên con đường tìm kiếm một sự nghiệp phù hợp với mình. May mắn thay, tôi đã gặp được một cuốn sách rất hữu ích và tôi muốn chia sẻ nội dung của nó với bạn. Đó là 80000 hours- Find a fulfilling career that really does good (tạm dịch: 80000 giờ - cách tìm sự nghiệp trọn vẹn và ý nghĩa)
Cuốn sách này theo tôi biết thì hiện nay chưa có bản dịch tiếng việt, nên nếu muốn đọc thì bạn có thể đặt trên Amazon. Hoặc bạn có thể lấy cuốn sách qua chương trình Giveaway của tổ chức 80000 hours qua link: https://80000hours.org/book-giveaway/
Trang Giveaway của tổ chức 80000 Hours
Trang Giveaway của tổ chức 80000 Hours
Sau đây là một số nội dung hay mà tôi đã rút ra được từ cuốn sách:
1 Đầu tư vào quỹ sự nghiệp (Career Capital)
Có rất nhiều người vì muốn tạo nên sự khác biệt và giúp đỡ mọi người nên sau khi tốt nghiệp đã lao thẳng vào làm việc cho những tổ chức phi lợi nhuận. Lựa chọn này nghe đáng ngưỡng mộ thật đấy, nhưng nó có hợp lý hay không?
Mong muốn tạo sự khác biệt ngay lập tức là điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu trước đó ta đầu tư vào nâng cấp thực lực của bản thân. Làm như vậy ta sẽ có thể tối đa hóa ảnh hưởng mà ta có thể tạo. Nói cách khác, ta nên tập trung vào việc xây dựng quỹ sự nghiệp khi chọn công việc. Thường thì các tổ chức phi lợi nhuận sẽ không đầu tư vào việc đào tạo nhân lực giống như các tập đoàn. Thế nên đó sẽ là lựa chọn tồi nếu bạn muốn phát triển năng lực của bản thân một cách tối đa.
Vậy quỹ sự nghiệp là gì? Chung quy thì quỹ sự nghiệp là bất cứ điều gì có thể khiến bản thân bạn tạo được sự khác biệt trong lâu dài. Đầu tư vào quỹ sự nghiệp sẽ khiến cho con đường sau này của bạn dễ dàng hơn và giúp bạn tối đa hóa ảnh hưởng mà mình có thể tạo ra. Ta có thể đánh giá quỹ sự nghiệp mà một công việc mang lại theo 4 phương diện sau: kĩ năng (skills), Các kết nối (connections) , chứng chỉ (Credentials), đường thoát (runway)
Kĩ năng :Bạn sẽ học được gì thông qua công việc này? Bạn có thể chia kĩ năng thành kĩ năng chuyển đổi (transferable skills),kiến thức, và những phẩm chất (Personality traits). Một số kĩ năng chuyển đổi cực kì hữu dụng: năng suất cá nhân, phân tích và giải quyết vấn đề, khả năng học nhanh, giao tiếp, phân tích dữ liệu, thuyết phục và thương lượng, và quản lý.
Kết nối: Những kết nối của bạn sẽ giúp bạn tìm cơ hội, lan truyền ý tưởng và bắt đầu dự án mới. Hơn nữa những người mà bạn dành thời gian cùng sẽ góp phần hình thành tính cách của bạn. Vì những lý do trên, tạo kết nối với những người có tầm ảnh hưởng và những người muốn tạo nên giá trị là điều tối quan trọng nối bạn muốn làm điều khác biệt trong lâu dài.
Chứng chỉ: Công việc của bạn có khả năng bổ trợ độ tin cậy của bạn trong mắt những nhà tuyển dụng hay các đối tác tương lai không? Chứng chỉ ở đây không chỉ là những chứng thỉ chính thống như bằng luật mà còn là thành tựu và danh tiếng. Nó là thứ biểu trưng cho trình độ của bạn. Giả dụ như nếu bạn là lập trình viên, thì đó chính là Github của bạn.
Logo của GitHub
Logo của GitHub
Đường thoát: Đường thoát ở đây chính là khoảng thời gian mà bạn có thể sống thoái mái khi không có thu nhập. Bạn nên tạo cho mình đường thoát dài khoảng 6 tháng để có thể giữ được an toàn tài chính.  Đường thoát dài 12-18 tháng còn hữu dụng hơn nữa vì nó có thể cho bạn sự linh hoạt hơn trong việc đổi sự nghiệp sau này.
Nếu bạn vẫn còn phân vân chưa biết mình phù hợp với ngành nghề gì, thì điều tốt nhất mà bạn có thể làm chính là xây dựng quỹ sự nghiệp linh hoạt. Bạn chỉ nên lựa chọn những ngành như Bác sĩ hay Luật sư nếu bạn biết chắc chắn rằng mình sinh ra dành cho nó, bởi những kĩ năng của những ngành này rất khó để áp dụng trong các lĩnh vực khác nếu bạn muốn hướng đến sự nghiệp mới. Những ngành như marketing, quản lý hay khoa học máy tính sẽ phù hợp hơn vì bất kì tổ chức hay tập thể nào cũng cần đến những kĩ năng của các ngành này.
Bạn có thể tìm đọc thêm cuốn sách của Cal NewPort: So Good They Can't Ignore You để tìm hiểu thêm về quỹ sự nghiệp.
(Upvote và Follow để đón đọc phần 2)