Tôi nhớ khi đó là giữa năm 2007 khi tôi chuẩn bị thi vào cấp 3. Tối hôm đó đi học về, cuộc cãi vã lớn nhất giữa ba và mẹ tôi nổ ra, đánh dấu một chặng đường dài của những đau thương sau này.
Việc ba và mẹ không hòa thuận thì vốn đã xảy ra từ nhiều năm trước đó, nhưng vì khi đó vẫn còn là một đứa trẻ nên cũng chỉ nghĩ đơn giản nó cũng giống như những cuộc cãi nhau bình thường khác, cãi xong rồi thôi. Mãi tới 3 năm sau, khi tôi vào đại học rồi, mối quan hệ của hai ông bà vẫn không thể hàn gắn, và tôi thì cũng biết quan sát hơn, thì tôi mới biết nguyên nhân cốt lõi của những mâu thuẫn triền miên đó là gì: Hai ông bà không hợp nhau.
Nói một cách ngắn gọn thì hai người có một lối sống hoàn toàn khác nhau. Trong cuộc sống có nhiều kiểu "khác", và kiểu khác của ông bà rơi vào loại bài xích lẫn nhau. Tức nếu chiều theo người này thì người kia sẽ khó chịu, bức bối không chịu được, và ngược lại. Và vì sự bài xích quá lớn nên dù có cố du di thay đổi thế nào cũng chỉ là cưỡng ép, để rồi ai lại quay lại lối sống cũ. Ai cũng muốn người kia phải sống theo ý mình, và lại xảy ra mâu thuẫn. 

Đọc thêm:

Phận làm con, lại còn là con trai, tôi và anh trai dù cố mấy cũng không thể giúp bố mẹ giải quyết được cái mâu thuẫn đến từ bản chất đó. Vì vậy, anh tôi đã bảo với mẹ là ly dị đi. Tôi tới khi vào đại học, tạm được coi là "người lớn", cũng khuyên mẹ tương tự. Nhưng mẹ có nhiều lý do như "mẹ làm nghề giáo, bỏ chồng sẽ bị dị nghị", "mẹ không muốn khi các con lấy vợ, người ta nhìn vào lại thấy bố mẹ ly dị thì lại không hay cho các con". Vì những lý do đó, mẹ tôi vẫn chọn ở lại mối quan hệ độc hại đó cho tới tận 7 năm sau, khi không thể chịu nổi được nữa, mẹ tôi mới quyết định ly dị. 1 năm sau đó mẹ tôi về hưu.
Những tưởng về hưu xong là mẹ tôi chỉ phải hưởng thụ, bởi con cái đều trưởng thành và tự lập, mối quan hệ kia đã chấm dứt, nhưng rồi cuộc đời mẹ dường như vẫn chưa đủ khổ: bà trầm cảm. Bà trầm cảm vì cuộc sống tình cảm của bà khô hạn, nhưng bà lại không cho phép mình đi bước nữa, vì bà bị tắc với cái suy nghĩ "Mình làm nghề giáo mà đi bước nữa người ta dị nghị. Mình già rồi, lại khó tính, rồi sẽ chả yêu được ai nữa". Bà vốn đang quen với guồng quay công việc để tạm quên đi cuộc sống gia đình không hạnh phúc, nay bà không có gì để làm, không còn gì để xao nhãng bà, nên khi ở nhà, thực tế của sự cô đơn ập tới, làm bà càng chìm sâu vào sự trầm cảm, mất hết mọi lý do để tiếp tục sống.
Quotes About Depression & What it Feels Like to Sufferers

Và, trong cơn tuyệt vọng để sinh tồn, bà tìm lại tới ba. Ba là người yêu đầu tiên, cũng là người chồng duy nhất của bà suốt hơn 50 năm cuộc đời. Đó không phải là tình yêu, bởi tình yêu giữa ông bà đã chết từ lâu. Đó chỉ là một thói quen, một sự quen thuộc giúp bà chống chọi lại được với ý nghĩ muốn chết được ngày nào hay ngày đấy. Và đương nhiên, cứ được 1 2 ngày yên ổn thì hai ông bà lại cãi nhau. Và cứ mỗi lần như vậy, con cái lại bị lôi vào, đồ đạc lại phải dọn đi sang nhà anh trai, và bệnh trầm cảm của bà lại nặng thêm. 

Đọc thêm:

Tất cả những sự đau thương đó, cho gia đình anh trai (khi đó tôi ở Úc), cho chính bản thân mình, bà đều không nhận ra, hay nói chính xác là bà từ chối nhận ra, bởi khi này, ý nghĩ duy nhất của bà là phải ở bên ba để tồn tại, và chỉ có ba mới giúp bà chữa được bệnh. Tầm nhìn của bà bị hẹp lại chỉ còn vài ngày hạnh phúc, để rồi sau đó là một chuỗi những ngày đau khổ, khóc lóc, và trầm cảm. Bà thường xuyên trách anh em tôi là không biết đứng ra giảng hòa, vun vén cho ba mẹ, trong khi đó mâu thuẫn từ bản chất thì không thể nào loại bỏ được. Thế là bà ghét chồng, bà đổ lỗi lên con cho những tổn thương chính bà tự gây ra. Anh trai tôi thì stressed vì vừa phải lo cho gia đình 2 đứa con nhỏ, vừa phải đứng nghe hai ông bà cãi nhau, vừa phải chăm bà khi bà đòi bỏ sang nhà anh ở, và vừa phải nghe bà mắng chửi vô lý vì không biết đối xử với người bị bệnh trầm cảm. Tôi mỗi khi về nước chơi cũng chia sẻ số phận giống anh.
Nói ra như vậy để thấy, bệnh trầm cảm không chỉ hủy hoại người mắc bệnh, mà có thể hủy hoại cả gia đình của bệnh nhân. Nó là thứ bệnh tâm lý, nên dù có sự hỗ trợ của bác sĩ hay gia đình thế nào, cái quan trọng nhất vẫn là phải tự mình cứu mình. Nhưng nó lại nguy hiểm ở chỗ, đã trầm cảm rồi, thì hầu như không ai có thể nói lý với bệnh nhân được. Lúc bình thường họ có thể nghe, nhưng khi ở một mình hay khi gặp chuyện, thì những giọng nói trong đầu họ sẽ vang lên và điều khiển họ, và họ thậm chí còn không biết mình đã làm những gì. 
Suốt tưng ấy năm tôi ở Úc, và mỗi lần về VN chơi, tôi đều cố gắng nói chuyện với mẹ để giúp mẹ nhận ra hậu quả của những gì mình đang làm, cũng như hướng đi giúp mẹ có thể vượt qua được nó. Kể từ năm 2007 cho tới giờ, 13 năm, hàng trăm lần nói chuyện cũng là hàng trăm lần mẹ tôi trách ngược lại tôi và nói rằng bệnh của bà nặng thêm là do các con không biết giúp mẹ chữa bệnh. Mỗi lần bà cãi nhau với ba, bà đều gửi tin nhắn hai ông bà cãi nhau, thậm chí quay video lại rồi gửi sang cho tôi, than vãn là ba đối xử tệ thế nào - điều mà ai cũng biết từ bao lâu nay - và nói sẽ bỏ, nhưng rồi lại đâu lại vào đấy. Và cũng mỗi lần như vậy, tôi lại được nghe chuyện cãi nhau của ông bà ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình anh trai thế nào. 
Tôi thương. Thương lắm. Thương mẹ, thương cả ba, và thương cả gia đình anh trai. Điều duy nhất tôi có thể làm khi ấy là nói cho mẹ hiểu để thay đổi tâm lý của mẹ. Nếu đó là bạn thân của tôi, sau 2 lần nói mà nó không hiểu, cứ đâm đầu vào mối quan hệ toxic như vậy, thì tôi đã có thể mặc kệ mà không hề cảm thấy áy náy, bởi tôi đã làm hết sức có thể. Nhưng đây là mẹ tôi, và người chịu ảnh hưởng là anh tôi, chị dâu tôi, các cháu của tôi, nên suốt 13 năm tôi không bỏ cuộc và tâm sự với mẹ mọi lúc có thể, dù lần nào nói chuyện tôi cũng cảm thấy như đã chạm tới đáy giới hạn của mình. Tôi không thể trông chờ vào anh trai, bởi anh tôi rất nóng tính nên không biết cách nói chuyện hợp tình hợp lý. "Mẹ chỉ còn có mình thôi". Suy nghĩ như vậy làm tôi hít một hơi thật dài và lại tiếp tục. Cứ mỗi lần nói tôi lại rút kinh nghiệm và tinh chỉnh từ những cuộc nói chuyện trước, thay đổi cách tiếp cận và cố tìm ra cách nói sao để bà hiểu.
Tối hôm kia bà lại nhắn cho tôi về việc ba tệ thế nào, lại chụp ảnh vài tin nhắn nữa. Tôi lại tiếp tục dùng cả tình lẫn lý để nói với bà. Lần nói này tôi dùng hết kinh nghiệm 13 năm để nói. Như mọi khi, bà lại than số bà khổ, rằng lỗi không phải ở bà, mà là do các con không biết cách chữa bệnh cho bà. Rồi tới sáng qua, bà nhắn cho tôi thế này:

Đây là lần đầu tiên sau 13 năm bà thực sự nhận lỗi về mình. Và trong cả cuộc đời làm con của tôi, đây là lần thứ 2 bà nói xin lỗi với tôi (lần đầu thì lại phải để dành lúc khác kể). Tôi có cảm giác...Không, tôi biết lần này sẽ khác. Không phải là một trong những lần mẹ-sẽ-bỏ-rồi-quay-lại nữa. Và rồi hôm nay, bà nhắn cho tôi khoe rằng bà đã tham gia CLB dành cho những người trung niên đang độc thân, và rằng bà quyết tâm, dù không quan trọng việc đi bước nữa, nhưng sẽ mở lòng mình hơn với những người khác.

Tôi khóc. Tôi khóc khi nhận được những lời tỉnh ngộ của một người mẹ bị trầm cảm hơn chục năm. Tôi khóc khi nghĩ về 13 năm phải nén nhịn những tổn thương mà mẹ, hay nói chính xác hơn là người mắc bệnh trầm cảm, gây ra vào lòng, để kiên trì nói chuyện với mẹ và nhận được thành quả như ngày hôm nay. Nó đáng, thực sự đáng. 
Tôi vốn dĩ muốn viết để trải lòng theo kiểu off my chest. Nhưng nếu bạn nào cũng đang có người thân mắc bệnh trầm cảm, tôi chỉ muốn nói là: Đừng bỏ cuộc. Đó là điều quan trọng nhất, bởi ý nghĩ muốn bỏ cuộc nghe rất hấp dẫn, nhất là khi bạn đứng trên cương vị của một người có thể suy nghĩ thấu đáo nói chuyện với một người tâm trí không bình thường, nói mãi mà họ không chịu hiểu. Dù bạn có cảm thấy tức tối thế nào, tuyệt vọng thế nào khi thấy sự giúp đỡ của mình không hiệu quả, ĐỪNG BỎ CUỘC. Hãy thử nhiều cách khác nhau, tìm mọi nguồn giúp đỡ khác nhau để đưa họ, những người vốn dĩ rất muốn sống nhưng lại có giọng nói trong đầu dụ dỗ họ chết đi, trở lại với cuộc sống đầy tình thương và màu sắc. 
Đừng bỏ cuộc, và chúc may mắn.