Bạn đã học tiếng Anh được hơn một năm nhưng vẫn không đọc nổi một văn bản ngắn? Bạn được 9 điểm môn tiếng Anh trên lớp nhưng khi nói chuyện với người nước ngoài vẫn bị “ú a ú ớ”? Vậy thì bài viết này chính là cuốn cẩm nang dành cho bạn.
Dưới đây là 05 điều mà mình, một thằng ngồi mòn đ** trong lớp chuyên anh cũng đã ngót 4 năm, đã tích lũy được trong quá trình tìm học tiếng Anh. Hy vọng những điều mà mình chia sẻ có thể giúp bạn phát triển kĩ năng tiếng Anh của mình để trở thành một công dân toàn cầu chính hiệu!
1 Học phát âm đừng chỉ dựa vào mắt.
Nếu bạn có thói quen khi gặp từ mới chỉ nhìn mặt chữ của nó mà phát âm thì bạn nên bỏ nó ngay lập tức. Cũng giống như tính cách crush của bạn, phát âm tiếng Anh rất khó đoán.
Một từ tiếng Anh đôi khi nhìn mặt chữ rõ ràng là thế nhưng cách đọc của nó lại khác hoàn toàn. Ví như từ Quay (bến cảng), nhìn thì ai cũng tưởng sẽ phát âm là “quay” trong từ “gà quay”, nhưng thực ra phiên âm xịn của nó là /ki:/, trong từ “ki bo”.
Thế nên mỗi khi gặp một từ mới, điều bạn cần làm là tra cứu nó trong từ điển, xem phiên âm và nghe người bản xứ phát âm. Việc nghe người bản xứ phát âm từ mới đó không chỉ giúp bạn tránh được việc phát âm sai mà còn có thể giúp bạn có ấn tượng mạnh hơn về từ mới đó, khiến bạn nhớ nó lâu hơn.
2 Bạn học mãi mà không nhớ nổi từ mới? Đừng lo đã có Spaced Repetition!
 Có hàng ngàn từ tiếng Anh được người bản xứ sử dụng hiện nay, trong đó một từ còn có thể có rất nhiều các sắc thái nghĩa khác nhau. Mình cũng đã từng trăn trở rất nhiều về cách ghi nhớ từ vựng hiệu quả, cho đến khi tìm thấy Spaced Repetition.
Về căn bản, đây là phương pháp được thiết kế để nhắc lại cho ta những kiến thức mà ta cần ghi nhớ trong các khoảng thời gian ngắt quãng.
Theo “Forgetting curve” (tạm dịch: đồ thị đường cong lãng quên) được nghiên cứu bơi nhà tâm lý học Herman Ebbinghaus, con người ta có xu hướng lãng quên thông tin sau một khoảng thời gian nhất định.
Nguồn ảnh: https://petramayerconsulting.com/the_forgetting_curve/
Nguồn ảnh: https://petramayerconsulting.com/the_forgetting_curve/
Vì vậy, nếu ôn tập lại thông tin đó ngay tại thời điểm mà ta sắp lãng quên nó (thời điểm vàng), ta có thể củng cố và ghi nhớ thông tin một cách lâu dài hơn. Một số ứng dụng học tiếng Anh sử dụng phương pháp “Spaced Repetition” khá nổi tiếng là Anki, SuperMemo, Mochi Mochi, Memrise,...
3 Học tiếng Anh không đồng nghĩa với việc ôn thi IELTS.
Học tiếng Anh thời buổi hiện đại được rất nhiều người gắn với học để lấy các chứng chỉ như IELTS, TOEFL,... Sai lầm. 
Việc cày bừa bộ IELTS Cambridge chắc chắn sẽ không giúp cải thiện gốc rễ trình độ tiếng Anh của bạn. Câu hỏi ở đây là “Học tiếng Anh để làm gì”? Chắc chắn không phải là để thi IELTS cả đời rồi, trừ phi bạn muốn trở thành "chuyên gia IELTS".
Để thực sự học tốt được một ngôn ngữ thì bạn cần phải học cách yêu nó. Hãy sử dụng tiếng Anh như là một công cụ để tìm hiểu những điều bạn thích.
Nếu bạn thích chủ đề gì thì hãy đọc thêm, xem các video về nó. Làm như vậy bạn vừa có thể tăng cường kiến thức, lại vừa có thể cải thiện kỹ năng tiếng Anh của mình nữa, một công đôi việc đúng không nào!
4 Học phát âm như người bản xứ bằng phương pháp Shadowing.
“Shadowing” là phương pháp luyện nói bằng việc bắt chước cách người bản xứ phát âm, nhấn nhá, qua đó cải thiện khả năng nói.
Để luyện Shadowing, đầu tiên bạn hãy chọn bất kỳ video tiếng Anh nào mà bạn thích. Video này nên có độ dài ngắn (từ 3-5 phút) để không gây nhàm chán trong lúc bắt chước...
Tiếp đó hãy nghe qua một lần để nắm được đại khái nội dung và ngữ điệu, rồi sau đó tua lại từ đầu và nói theo. Khi mới bắt đầu thì bạn có thể vừa dừng lại ở từng câu rồi nói theo, đến khi quen rồi thì hãy nói theo video mà không cần dừng lại.
Bạn nên chọn những video phù hợp với khả năng nói mà bạn muốn phát triển. Giả dụ như nếu bạn muốn luyện nói tiếng Anh để diễn thuyết thì có thể tìm nghe Ted Talk hoặc nếu bạn muốn luyện nói tiếng Anh giao tiếp thì có thể học qua các cảnh cắt từ bộ phim mà bạn yêu thích.
5 Áp dụng tiếng Anh vào cuộc sống thường ngày.
Đơn giản thôi, hãy cố suy nghĩ và làm việc bằng tiếng Anh. Bạn có thể bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ, như là cài ngôn ngữ mặc định của điện thoại bằng tiếng Anh. Thêm nữa, hãy cố gắng mô tả điều mình đang làm bằng tiếng Anh.
Mình thường  tưởng tượng mình là một youtuber đang làm vlog bằng tiếng Anh, rổi cố gắng mô tả kĩ việc mình đang làm như nấu ăn, thậm chí là tắm rừa. Học tiếng Anh cao siêu làm gì trong khi đến việc mô tả các bước bóc trứng bằng tiếng Anh còn không làm được đúng không nào!
Mình tin rằng chỉ cần kiên trì một chút và có một phương pháp học đúng đắn thì tiếng Anh sẽ không còn là ác mộng đối với bất kì ai nữa. Cảm ơn các bạn đã đọc và chúc các bạn một ngày vui vẻ!
Nguồn ảnh:  https://sandla.org/30-ngay-hoc-phat-am-tieng-anh-30-days-to-learn-english-pronunciation/
Nguồn ảnh: https://sandla.org/30-ngay-hoc-phat-am-tieng-anh-30-days-to-learn-english-pronunciation/