Mình thường ít khi bàn luận với bạn bè về vấn đề tài chính, bởi vì thường như thế mình hay bị gọi là tính toán, chi li. Hoặc nếu mình viết phân tích cặn kẽ một vấn đề gì đó trong cuộc sống, như về tình cảm chẳng hạn, thì mọi người nói rằng mình thực dụng. Tại sao trong tình cảm mà lại suy tính khô khan như thế? Nhiều người mình biết thường hay như thế, họ cho rằng mình làm phức tạp quá mọi thứ lên.
Mở rộng ra mình quan sát thấy rằng do thiếu đi sự giáo dục về tư duy chiến lược cũng như tư duy phản biện, rất nhiều người hiện nay sống theo phương châm và chọn lối sống bị động, phản ứng với tình huống. Trong chuyện tài chính, họ nói rằng giàu nghèo là do có số rồi, hoặc có nhiều tiền cũng đâu có giữ được đến lúc chết. Trong tình yêu, họ tin yêu nhau đến với nhau là do duyên phận. Hết duyên thì dù có cố gắng níu kéo cũng được. Chăm chỉ làm việc, học hành thì sau này tương lai xán lạn. Họ thích những suy nghĩ như vậy, nó khiến họ cảm thấy dễ chịu và cuộc sống trông nhẹ nhàng hơn.
Nhưng sự thật là một thứ hoàn toàn trái ngược.

Bản chất cuộc sống là khó khăn

Đây là trích dẫn trong quyển sách "Con đường ít ai đi" của tiến sĩ M. Scott Peck, một quyển sách mình rất ưa thích:
“Life is difficult. This is a great truth, one of the greatest truths. It is a great truth because once we truly see this truth, we transcend it. Once we truly know that life is difficult-once we truly understand and accept it-then life is no longer difficult. Because once it is accepted, the fact that life is difficult no longer matters.”
M. Scott Peck, The Road Less Traveled: A New Psychology of Love, Traditional Values and Spiritual Growth
"Cuộc sống là khó khăn. Đây là một sự thật vĩ đại, là một trong những sự thật vĩ đại. Nó được gọi là sự thật vĩ đại vì khi bạn đã chấp nhận được điều này, bạn sẽ vượt qua nó. Chỉ khi nào chúng ta thực sự biết rằng cuộc sống bản chất là khó khăn, và chỉ khi nào chúng ta hiểu nó và chấp nhận nó, thì lúc đó cuộc sống mới hết khó khăn. Đó là bởi vì khi sự thật đã được chấp nhận, thì vấn đề cuộc sống là khó khăn không còn là một vấn đề nữa."
“Whenever we seek to avoid the responsibility for our own behavior, we do so by attempting to give that responsibility to some other individual or organization or entity. But this means we then give away our power to that entity.”
M. Scott Peck, The Road Less Traveled: A New Psychology of Love, Traditional Values and Spiritual Growth
"Mỗi lần chúng ta muốn né tránh nhận trách nhiệm cho lối sống của chúng ta, chúng ta sẽ làm thế bằng cách để cho người khác, tổ chức khác hay một Thánh thần nào đó nhận trách nhiệm này. Nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta đã từ bỏ sức mạnh của mình vào giao cho người ngoài đó."
Khi đã chấp nhận được hai sự thật trên, chúng ta sẽ hiểu rằng: trừ khi chúng ta có một chiến lược để đối phó và giải quyết các khó khăn trong cuộc sống, cuộc sống của bạn sẽ không bao giờ dễ dàng.
Đưa nhau đi trốn không giúp cuộc sống của bạn dễ dàng.
Mượn bờ vai của người lạ để dựa vào không giúp cuộc sống của bạn dễ dàng.
Đi sang một quốc gia khác để du học, bắt đầu cuộc sống mới ở xứ lạ không có nghĩa là các vấn đề cũ sẽ không theo đuổi bạn.
Không có bí kíp nào giúp bạn dễ dàng thay đổi cuộc sống trong vài ngày, vài tuần, hay sau khi đọc xong. 
Thời gian không xóa nhòa vết thương. 
Thời gian không giúp bạn tìm ra câu trả lời.
"Let it be" is a bad motto to live by.

Suy nghĩ khác đi cũng không giúp bạn giải quyết một vấn đề. Suy nghĩ khác đi giống như một dân nghiệp dư tập chơi bóng, cố gắng đá trái bóng theo nhiều kiểu khác nhau và tìm ra cách sút hiệu quả. Suy nghĩ chiến lược giống như được đào tạo thành cầu thủ chuyên nghiệp, biết sút thế nào, và không chỉ sút mà còn dẫn bóng, rê dắt bóng, phá bẫy việt vị, phối hợp với đồng đội.
Sự thật là cuộc sống thì luôn khó khăn và có nghịch lý là bạn phải suy nghĩ phức tạp, làm việc khó khăn để khiến cuộc sống của bạn dễ dàng hơn. 
Bản chất tự nhiên của con người sẽ là luôn né tránh vấn đề. Phần tiếp theo, mình sẽ đưa ra các ví dụ ghi chép bởi bác sĩ M. Scott Peck và trong cuộc sống mà mình quan sát được.

Sự né tránh trong cuộc sống

Đầu tiên mình trích lại những gì bác sĩ Scott ghi trong sách. Bác sĩ Scott Peck viết:
"Xu hướng mặc kệ các vấn đề là biểu hiện đơn giản của việc không muốn trì hoãn sự thoải mái hiện giờ. Đối diện với các vấn đề, như tôi đã nói, là một trải nghiệm không dễ chịu. Để thực sự đối mặt với một vấn đề ngay khi nó mới xuất hiện một cách chủ động, chứ không phải bị ép bởi tình huống mà đối mặt với nó, đòi hỏi một người phải gạt qua đi sự thoải mái và trải nghiệm dễ chịu, và thay thế bằng thứ khác đau đớn hơn. Đó là chủ động đưa ra lựa chọn chấp nhận gian khó ngay bây giờ với hi vọng rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp trong tương lai, thay vì chọn tiếp tục chìm đắm trong vui sướng hiện tại với niềm hy vọng là sự khó khăn trong tương lai sẽ không đến.
[...]
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề trong cuộc sống trừ khi chúng ta bắt tay vào giải quyết nó. Câu khẳng định này nghe thật ngu ngốc khi viết ra vì nó quá rõ ràng, nhưng thực sự rằng dường như loài người không hiểu được điều này. Đó là bởi nó đòi hỏi chúng ta phải nhận trách nhiệm về vấn đề đó trước khi bắt tay vào giải quyết nó. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng cách nói rằng "Đó không phải là vấn đề của tôi." Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng cách hy vọng rằng ai đó sẽ làm điều đó giùm chúng ta.
[...]
Một trung sĩ trong quân đội đóng ở Okinawa và đang gặp nhiều rắc rối vì thói uống rượu vô tội vạ của mình đã được gửi đến trạm chăm sóc tâm lý để được chuẩn đoán và giúp đỡ. Anh ta phủ nhận rằng anh ta là một kẻ nghiện rượu, và thậm chí nói rằng đó không phải là vấn đề của anh ta khi nói rằng: "Chẳng có gì để làm ở Okinawa vào chiều tối trừ việc uống rượu."
"Anh có thích đọc sách không?", tôi hỏi.
"Ồ có chứ, có, tôi thích đọc sách".
"Vậy tại sao anh không đọc sách vào buổi chiều mà lại đi uống rượu?"
"Doanh trại quá ồn ào để đọc."
"Thế sao anh không đến thư viện?"
"Thư viện thì xa quá."
"Thế từ doanh trại đến thư viện có xa bằng từ doanh trại đến quán bar anh hay đến không?"
"Này thực sự tôi không đọc nhiều thế, tôi không có hứng thú với việc đọc sách nhiều như thế."
"Thế anh có thích đi câu cá không?", tôi hỏi tiếp.
"Có, tôi thích câu cá."
"Vậy sao anh không đi câu cá thay vì đi uống?"
"Bởi vì tôi phải đi làm cả ngày."
"Anh không đi câu ban đêm được à?"
"Không, không có nhóm hay tổ chức nào đi câu ban đêm ở Okinawa cả."
"Ồ như có đấy," Tôi nói. "Tôi biết có rất nhiều nhóm người đi câu cá ban đêm ở đây. Anh có muốn tôi cho họ số điện thoại của anh?"
"Uhm, thực sự tôi cũng không thích câu cá."
"Điều mà tôi hiểu được từ ý anh đó là ở Okinawa có nhiều thứ để làm ngoài việc nhậu nhẹt nhưng thứ anh thích làm nhất là đi uống.", tôi giải thích.
"Phải, đúng vậy."
"Nhưng việc uống bia rượu đang khiến anh gặp rắc rối, như vậy anh thực sự đang gặp một vấn đề đúng không?"
"Cái hòn đảo chết tiệt này sẽ khiến ai đến cũng phải đi nhậu thôi."
Tôi cố gắng thử thuyết phục anh ta thêm một lúc nhưng viên trung sĩ này không coi việc uống bia rượu đang là một vấn đề thực sự mà anh ta có thể giải quyết một mình hoặc với sự giúp đỡ của người khác, và tôi rất tiếc nhưng phải báo cáo với chỉ huy của anh ấy rằng viên trung sĩ này không thể được điều trị vì anh ta từ chối điều trị. Anh ta tiếp tục uống, và rồi anh ấy bị đưa ra khỏi quân đội.
Cũng ở Okinawa, một người vợ trẻ tự cắt vào cổ tay mình với dao cạo và lập tức được đưa ngay đến phòng cấp cứu. Tôi gặp cô ấy ở đó và hỏi rằng sao cô lại làm như thế.
"Tất nhiên là để tự tử rồi."
"Tại sao cô lại muốn tự tử?"
"Bởi vì tôi không thể chịu nổi cuộc sống trên hòn đảo ngu ngốc này nữa. Anh hãy gửi tôi ngay về lại Mỹ đi. Tôi sẽ lại tự tử nếu tôi còn tiếp tục ở đây."
"Điều gì khiến cho cuộc sống của cô ở Okinawa trở nên đau đớn như vậy?"
Cô ấy bắt đầu khóc và phàn nàn về mọi thứ. "Tôi không có bạn ở đây, ở đây tôi cô đơn một mình."
"Như vậy thật là tệ. Thế nhưng sao cô lại không có bạn?"
"Bởi vì tôi sống trong một khu vực ngu xuẩn ở Okinawa và không ai trong số hàng xóm tôi nói tiếng Anh".
"Thế sao cô không lái xe đến khu người Mỹ sinh sống hay là đến câu lạc bộ của những người vợ vào ban ngày để ít ra kiếm được ai đó làm bạn?"
"Bởi vì chồng tôi lái xe đi làm mất rồi."
"Nhưng cô có thể lái xe chở chồng đi làm rồi đi chơi được đúng không, bởi vì nếu không thì cô cứ ở nhà một mình và cảm thấy cô đơn."
"Không, tôi không lái được vì đó là xe côn, trong khi tôi chỉ biết lái xe tự động."
"Tại sao cô không học lái xe tay côn?"
Cô ấy nhìn chằm chằm vào tôi
"Tập trên mấy con đường này á? Anh điên rồi."
----------------------------
Về bản thân mình, mình quan sát được rằng rất nhiều những bạn đồng lứa, thậm chí là người lớn chung quanh, cố gắng né tránh những khó khăn trong cuộc sống bằng cách... tạo ra một khó khăn khác. Mình sẽ chia sẻ hai câu chuyện sau, tên nhân vật đã được thay đổi và hai câu chuyện này là bản tóm gọn lại của những lần đối thoại.
Vấn đề giao tiếp của Nga
Nga là một du học sinh học chung trường với mình, là một người luôn nhút nhát, ít nói và né đám đông. Nga luôn nghĩ rằng Nga sinh ra bản tính đã như vậy nên Nga không coi đó là một vấn đề. Sau hơn một năm học, Nga tâm sự với mình rằng em cảm thấy thất vọng vì sau khi đã du học hơn một năm mà tiếng Anh của em không khá hơn, mỗi khi có chuyện gặp khó khăn thì em không thể bày tỏ chính kiến của mình cho người khác hiểu mà giúp đỡ, hay là tự bảo vệ mình. Vấn đề của Nga lớn hơn cả chuyện giao tiếp, nó là cả vấn đề văn hóa vì em không quen được lối suy nghĩ hay văn hóa của người bản địa. Em lo lắng và tâm sự với mình. 
- Nếu vậy thì em cần phải tăng cường học lại tiếng Anh từ bây giờ.
- Anh có cách nào không?
- Em phải đi gặp gỡ nhiều người, tiếp xúc nói chuyện với họ.
- Anh dẫn em đi.
- Sao anh lại dẫn em đi?
- Tính em sinh ra từ nhỏ đã ngại giao tiếp, em không nói chuyện với người lạ được. Em không quen. Anh dẫn cho đỡ ngại.
- Thì em cứ đi tham gia các hoạt động tình nguyện rồi nói chuyện, giao tiếp với họ.
- Tính em không có vậy được.
Buổi nói chuyện hôm đó không đi đến đâu.
--------------------
Lần khác gặp lại và cô bé lại tiếp tục than thở về điều này.
- Em hay coi phim không?
- Có anh.
- Em có thể coi phim Anh, Mỹ bật phụ đề tiếng Anh và luyện nghe nói, nói sao cho giống họ. Lên YouTube xem phim ngắn hay video gì đó xem họ nói chuyện ra sao, cách họ đối thoại, cách họ nghĩ.
- Em đi làm về mệt lắm, coi mấy phim đó nhức đầu. 
- Em về em coi phim Hàn hả?
- Ừ anh.
- Giờ em bị như vậy thì em nên xem mấy phim giúp em cải thiện khả năng giao tiếp với hiểu hơn về văn hóa phương Tây. Anh thấy nó bổ ích hơn.
- Sao anh lại nói vậy? Anh lúc nào cũng nói như những thứ anh coi là tốt hơn.
- Nhưng rõ ràng nó là vậy.
- Sao anh lại coi thường phim Hàn như thế!
Và câu chuyện vẫn không đi đến đâu. Nga do giao tiếp kém, thụ động nên em không vào được công ty chuyên nghiệp nào. Em cuối cùng vào một công ty đang cần lao động không công, nói tránh nói giảm là giúp sinh viên có chỗ thực tập. Em đi thực tập suốt 4 tháng vẫn không được nhận làm chính thức trả lương, chỉ làm việc bàn giấy, và em hay than phiền về việc tẻ nhạt, rằng em chẳng nói chuyện với mấy ai. Tuy nhiên sau đó, nhờ sự thân thiện, thái độ làm việc tốt và chăm chỉ làm việc, em được sếp để ý và vì sếp này tốt bụng nên ông đã cân nhắc đưa em lên vị trí làm bàn giấy bán thời gian. Lúc đó Nga mừng rỡ nói với mình rằng lần đầu tiên sau 4 tháng làm ở công ty, em không còn cảm giác là người vô hình nữa, mọi người bắt đầu nói chuyện với em. 
Mình không rõ Nga đã có tư duy rằng em phải cải thiện bản thân chưa, nhưng lần cuối gặp mình đã thấy một thay đổi trong cách em suy nghĩ. Trước đây em luôn cố suy nghĩ phải làm sao để cải thiện tình hình, dù em không làm, nhưng ít ra em cũng nghĩ vậy. Nhưng bây giờ em đang trông chờ vào phép màu, kiểu thay vì cố gắng cải thiện giao tiếp trong công việc, em hi vọng cứ làm việc chăm chỉ thì em sẽ được người tốt bụng giúp đỡ và kéo lên. 
Xuyên suốt những buổi nói chuyện, vấn đề nổi bật của Nga đó là em không dám đương đầu với vấn đề của mình. Em không muốn thừa nhận rằng do mình yếu kém nên không giao tiếp được, bởi vì như thế em đang tự nói với mình rằng em là một đứa kém cỏi, em đổ lỗi rằng đó là do trời sinh ra em đã như vậy. Em không chấp nhận rằng những gì em làm ở nhà là phí thời gian và em lập tức quay qua nghĩ rằng mình coi thường những gì em làm (em hoàn toàn vừa có thể coi phim Hàn vừa coi phim Anh, Mỹ). Em thay vì dám đối diện với vấn đề của bản thân và bắt tay vào cải thiện nó, bây giờ em trông chờ vào lòng tốt của người khác, cứ như họ sẽ làm cho vấn đề đó biến mất. Em mong rằng em tuy giao tiếp yếu nhưng vẫn tiến lên trong công việc. 
Vấn đề đi và ở của Hùng
Mặc dù câu chuyện này viết về Hùng nhưng nó rất phổ biến với các du học sinh.
Như nhiều người đi du học ở chỗ mình, Hùng không thích và không hề có ý định ở lại làm sau khi học xong. Đất nước mình đi du học là một quốc gia rất yên bình, cuối tuần nào phố xá cũng vắng như mùng 1 Tết, ít địa điểm ăn chơi, chỉ có phong cảnh đẹp. Sự khác biệt lớn ở đây là con người bên này hướng về gia đình nhiều hơn. Họ không có lối sống tụ tập bạn bè đi nhậu, mà thường ở nhà, cuối tuần dẫn vợ con ra ngoại ô chơi, tắm biển. Nếu ăn uống thì họ làm tiệc ở nhà. Người dân không có nhiều nhu cầu ra đường uống cà phê, trà sữa. Họ thích đi tập thể dục, dắt chó đi dạo, đọc báo, đọc sách. 
Họ dành nhiều thời gian cho gia đình và cho bản thân, không thích tụ tập.
Do đó đối với những người đã sống quen ở các nước đông dân cư như Việt Nam, qua đây ở thực sự là cú sốc. 
Vấn đề mà đa số mọi người gặp sẽ là liệu họ có thích nghi được không? Thích nghi ở đây bao gồm tìm hiểu về văn hóa, lối sống để hòa nhập với người bản địa, đọc báo địa phương, tham gia các hoạt động địa phương, đọc sách. Tuy vậy, làm những điều đó không hề dễ, nó đòi hỏi du học sinh phải thay đổi cách suy nghĩ, phải bỏ đi những thói quen khiến họ sống thoải mái, khiến họ phải dành thời gian cho bản thân họ hơn.
Đối với những người luôn thích tụ tập cà phê, chơi game, việc ngồi một mình, ngẫm nghĩ về bản thân, về những chuyện đã xảy ra hay là đọc sách cả tiếng đồng hồ là một cực hình. 
Hùng mau chóng thấy chán và muốn về. Hùng nhớ bạn bè ở Việt Nam, nhớ những lần vui chơi, những lần tụ tập, nhớ đồ ăn. Hùng thích về vì nó vui, vì ở Việt Nam dễ kiếm tiền, sống thoải mái. Hùng học tốt, đi làm bán thời gian nhiều nơi bên này, nhưng Hùng không bao giờ cảm thấy có thể ở đây được. Hùng cảm thấy mệt mỏi. 
Rồi sau khi học xong, Hùng về Việt Nam vài tháng. 
Về Việt Nam Hùng nhận ra Hùng phải thích nghi ngược. Bạn bè đều đi làm rồi và không còn thời gian tụ tập như trước, Hùng đi làm cũng không còn thời gian mà tận hưởng vui vẻ. Hùng chợt nhận ra Hùng đã đi học nhiều năm như vậy giờ tay không về nước không có kinh nghiệm trong chuyên môn nên chỉ làm công việc vị trí thấp, do có tiếng Anh nên lương cao hơn người khác nhưng vẫn không bõ bèn gì. Hùng cảm thấy phí công sức và thời gian học, văn hóa làm việc và sống khác nhau khiến Hùng chán nản cũng như lo sợ.
Rồi Hùng tìm đường quay lại hoặc đi nước khác.
Hùng, cũng như nhiều du học sinh khác, cố gắng né vấn đề thích nghi với cuộc sống ở xứ lạ và hi vọng về Việt Nam thì mọi vấn đề sẽ biến mất. Nhưng khi về Hùng mới thấy rằng việc quay lại Việt Nam tạo ra hàng loạt vấn đề mới. Và bây giờ thay vì cố gắng đối mặt với vấn đề mới đó ở Việt Nam, Hùng lại tìm cách né và đi tới nơi khác với hi vọng các vấn đề đó sẽ tự nhiên biến mất.
Hùng và nhiều người khác nghĩ rằng nơi họ ở là vấn đề, trong khi sự thật là khả năng không thích nghi được của họ mới là vấn đề. Việc không thừa nhận điều đó khiến họ cảm thấy lạc lối trong cuộc sống.

Và để tránh ai đó thích bẻ câu chữ, mình không nói rằng ai về nước cũng như Hùng. Những bạn đi học xa và rồi sau khi phân tích tình hình, quyết định về nước với kế hoạch riêng, hay là vì vấn đề gia đình phải về, những bạn đó là trong một nhóm du học sinh khác, khác hoàn toàn với nhóm như Hùng. 
Trong cuộc sống chúng ta quan sát sẽ gặp nhiều suy nghĩ như Hùng. Những người đăng hàng loạt hình họ đi du lịch khắp nơi, đăng liên tục, như là một phần để khỏa lấp khoảng trống bên trong. Thay vì cố gắng giải quyết sự trống rỗng trong cuộc sống, họ hi vọng có hình đẹp và được nhiều lời khen sẽ giúp họ thấy tốt hơn. 
Đi tụ tập trà sữa, cà phê hằng ngày cũng là một cách để con người ta chạy trốn khỏi sự buồn tẻ. 
Thay vì dám đối diện với lỗi lầm của mình trong tình yêu, người ta đổ lỗi cho duyên phận, số trời. 
Không thích nghi được với người khác, làm điều sai trái bị cộng đồng xa lánh, nhưng thay vì nhìn lại bản thân, nhiều người lại nghĩ rằng "không thể sống cho vừa lòng người khác được".
Giờ thì có phong trào "đưa nhau đi trốn", nhưng mà vì vấn đề nó nằm ở chính bên trong bản thân mình, nên có trốn đằng trời cũng không thoát. 
Và những người luôn tuyên bố họ muốn có cuộc sống đơn giản, đơn giản là vì họ không muốn đương đầu với những vấn đề khó khăn.
Chúng ta luôn coi chúng ta là nạn nhân bởi người ngoài, bởi môi trường, bởi ý trời, nhưng đôi lúc thực sự chúng ta là nạn nhân của chính mình.

Đừng sống như ngày mai sẽ chết

Mỗi lần thấy một bài đăng trên mạng với phương châm: "Hãy sống như ngày mai sẽ chết", mình phải rất cố gắng kiềm chế để không bình luận:
- Sống như vậy có nghĩa là rút hết tiền trong tài khoản ra và tiêu hết trong hôm nay phải không? Vì mai chết rồi. 
Đó là một câu nói rất truyền cảm hứng nhưng thực sự ngu ngốc bởi vì tất cả thể chế của xã hội đều được thiết kế cho mục đích lâu dài (tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu) và bạn phải biết cách phân bố năng lượng ra làm cho một dự án dài. Dồn hết sức mình làm việc mỗi ngày giống như dồn hết sức chạy ngay từ đầu trong một cuộc thi chạy marathon 42km vậy. Bạn sẽ không chỉ về chót mà còn có thể bỏ cuộc vì kiệt sức.
Như mình đã nói, muốn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, một người không thể chỉ sống theo những phương châm sơ sài đầy tính cổ động như:
- Hãy sống như ngày mai sẽ chết (ôi trời, người ta còn có một quyển sách với tựa đề như vậy!)
- Nghĩ khác, làm khác (và phạm sai lầm khác).
- Nếu bạn không theo đuổi đam mê, người khác sẽ thuê bạn giúp họ đạt được đam mê của họ (và cho bạn tiền để bạn sống, nuôi gia đình).
Thay vì nghĩ như thế, hãy suy nghĩ như một tay chơi cờ vua. Cờ vua rất đơn giản: Nó có một mục tiêu là bắt chết con vua và người chơi tính từng bước để đạt được mục tiêu đó. Những câu nói trên không giúp bạn xác định được mục tiêu, nó chỉ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn. Và đó là khó khăn đầu tiên.
Khó khăn đầu tiên là xác định được mục tiêu mình muốn đạt đến.
Khó khăn thứ hai là dám nhìn vào bản thân mình đang gặp vấn đề gì cản trở mình đạt được mục tiêu.
Khó khăn thứ ba là tìm ra cách giải quyết được vấn đề đó.
Khó khăn thứ tư là thực sự làm.
Đó là cách các kỳ thủ cờ vua, các tướng lĩnh, các chính trị gia, các tỷ phú nhìn cuộc sống.
Và cái quan trọng đó là chúng ta phải luôn chấp nhận rằng cuộc sống vừa dài vừa khó khăn (ngừng nói chuyện với những người bảo bạn rằng: "Cuộc sống thì ngắn cho nên hãy tận hưởng nó"). Khi bạn đã quen với việc đó rồi, bạn sẽ không còn thấy cuộc sống khó khăn nữa, giống như ví dụ sau.
Học Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ luôn nổi tiếng với các bài tập hóc búa cho sinh viên. Phương châm của trường rất đơn giản "Mọi thứ đều có thể làm được" - Anything is possible. Trường sẽ giao bài tập rất khó cho sinh viên, và cũng đồng thời cung cấp hết những gì sinh viên cần để giải quyết bài tập đó. Cái vấn đề đặt ra đó là sinh viên có thể giải quyết được hay không. Họ muốn rèn cho sinh viên biết rằng cuộc sống thì đầy khó khăn nhưng sinh viên có thể vượt qua được hết. Trong buổi học đầu tiên của ngành khoa học máy tính, một giáo sư có thể bước vào lớp, giới thiệu cho sinh viên về bán dẫn, cách nó hoạt động, các nguyên lý của máy tính và rồi, cuối buổi, giáo sư giao bài tập cho sinh viên rằng:
Đến cuối kì học, mỗi nhóm sinh viên phải làm được bản vẽ thiết kế một cái máy tính.
Các sinh viên của MIT sẽ không há hốc mồm và than bài khó, họ sẽ tự hỏi rằng:
Mình cần gì để làm được điều đó?
Chúc các bạn thành công, đừng suy nghĩ đơn giản mà hãy suy nghĩ chiến lược
Husky




Ủng Hộ Tác Giả

Nếu bạn đọc hài lòng với bài viết/bài dịch, bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả qua địa chỉ:
Tên: Phan Anh Tuấn
Số tài khoản: 152613748
Số thẻ: 9704321171180375
Ngân hàng: VPBank
Chi nhánh: TP. Hồ Chí Minh
Sự ủng hộ của bạn sẽ giúp mình có động lực tìm hiểu và viết, dịch thêm các bài mới. Chân thành cám ơn bạn đọc! :)