Suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, chiến tranh luôn chiếm một phần quan trọng, mà ở trong đó có những trận chiến quyết định làm thay đổi lịch sử không những của một dân tộc mà còn là cả một nền văn minh, thậm chí là dòng lịch sử bởi sự quan trọng của nó.

Sau đây là 10 trận chiến quan trọng mà theo mình đánh giá là đã làm thay đổi lịch sử nhân loại (Mình sẽ xếp theo thứ tự thời gian để khách quan).

1, Trận Gaugamela (331 TCN)

Trước trận chiến này, đế chế Persia (Ba Tư) là thế lực hùng mạnh bậc nhất thế giới, còn vương quốc Macedonia chỉ là một quốc gia nhỏ bé. Thế nhưng cuộc chiến này chính là bước khởi đầu cho hành trình chinh phục vĩ đại của Alexander Đại đế

Với lực lượng ít hơn đối phương nhiều lần (47 ngàn quân Macedonia so với 200 ngàn quân Ba Tư), Alexander đã thể hiện tài cầm quân xuất chúng của mình với việc áp dụng chiến thuật mà hàng trăm năm sau các vị tướng vẫn phải học theo. Theo đó đội hình Phalanx truyền thống với những người lính được trang bị ngọn giáo Sarissa dài đến 5m được đặt ở giữa, cùng kị binh xung kích (Heratoi - Shock Cavalry - dùng để xuyên qua đội hình đối phương chứ không để giao chiến trực tiếp), lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử, ở bên cánh. Đội hình Phalanx phá vỡ bộ binh đối phương mặt chính diện, kị binh Macedonia do đích thân Alexander chỉ huy tấn công từ bên sườn và thọc sâu vào trung quân Ba Tư. Vua Darius III - chỉ huy quân Ba Tư quá sợ hãi trước sự dũng mãnh của quân Macedonia đã bỏ trốn. Thấy nhà Vua bỏ trốn khi trận đánh còn chưa kết thúc, quân Ba Tư nản lòng và chạy trốn kéo theo sự sụp đổ của toàn quân. 

Kết quả của cuộc chiến là khởi đầu cho sự tan vỡ và sụp đổ của đế chế Ba Tư cổ đại, góp phần làm bản lề cho cuộc chinh phục vĩ đại của Alexander Đại đế và đội quân Macedonia lưu danh sử sách với những ngọn giáo sarissa và kị binh bất khả chiến bại.

Ý nghĩa: Lần đầu tiên một vương quốc nhỏ bé ở Hy Lạp chinh phục một đế chế hùng mạnh bậc nhất thế giới. Bước khởi đầu của đế chế Alexander trải dài từ Hy Lạp cho tới Ấn Độ, đặt dấu ấn của nền văn minh Hy Lạp (Hellenic) lên các quốc gia Trung Á.

2, Trận Zama (202 TCN)

Trong suốt nhiều thế kỷ, Rome và Carthage là 2 thành bang hùng mạnh nhất thời kì cổ đại trên Địa Trung Hải. Và ở cuộc chiến tranh Punic lần thứ 2, cũng là lần ác liệt nhất, chứng kiến màn đối đầu của 2 vị tướng kiệt xuất nhất của 2 phe là Hannibal và Scipio trong một trận chiến quyết định.

Hannibal được coi là Hung thần của Rome với chiến thắng Cannae lưu danh sử sách, nhưng đối thủ của ông là Scipio cũng là một vị tướng thiên tài khi đánh bại hoàn toàn quân Carthage tại bán đảo Iberia, mở đường tấn công thành Carthage. Trận Zama được coi là trận chiến quyết định đến vận mệnh của 2 bên khi mà kẻ thắng sẽ làm chủ Địa Trung Hải. 

Hannibal chọn Zama làm chiến trường bởi ở đây ông có thể phát huy được lợi thế kị binh và voi chiến của mình. Nhưng Scipio đã nghiên cứu kĩ cách tấn công của voi và giúp những người lính của ông hạn chế tối đa thương vong từ đạo quân này. Ngoài ra trong tay Scipio có quân át chủ bài là kị binh đánh thuê Numidia (trước đây từng phục vụ cho Carthage) là đội kị binh hạng nhẹ mạnh nhất thế giới thời bấy giờ với khả năng phóng lao và di chuyển cực nhanh. Thành bại của cuộc chiến chính là nằm ở kị binh Numidia và đội quân voi chiến này. Trong khi voi chiến Carthage không hiểu quả thậm chí vài con do bị dọa đã dẫm vào quân mình, còn kị binh Carthage lại thất bại trước sức mạnh của kị binh Rome và Numidia khiến quân Carthage bị lộ sườn, bị bao vây và bị tiêu diệt. Hannibal và Carthage thất bại và vinh quang thuộc về Scipio và Rome, chiến tranh Punic lần 2 kết thúc với phần thắng chung cuộc của Rome.   

Ý nghĩa: Carthage vĩnh viễn mất đi sức mạnh để đối đầu ngang ngửa với Rome và để rồi sau này sụp đổ. Từ đây xác lập sự thống trị của Rome ở phần phía Tây Địa Trung Hải, bước khởi đầu của một đế chế La Mã vĩ đại sau này.

3, Trận Chalons (451)

Attila the Huns - cơn thịnh nộ của Chúa, kẻ chinh phạt tàn bạo và vĩ đại đã càn quét, cướp phá và gây tang tóc khắp châu Âu. Attila đứng trước cơ hội chiếm lấy toàn bộ châu lục này nếu đánh bại được đối phương tại Chalons. Phía bên kia, chính là đại diện cho nền văn minh của phương Tây - đế chế Tây La Mã và các vương quốc và bộ tộc gốc German là người Visigoth, Franks, Alans dưới sự chỉ huy của danh tướng Flavius Aetius.

Nhận ra rằng sẽ là thảm họa cho toàn bộ nền văn minh châu Âu nếu Attila không bị chặn lại, một liên minh cuối cùng giữa người La Mã và các tộc người German được thành lập để chống lại bước tiến của người Huns. Với Attila, chưa kẻ nào ở châu Âu có thể ngăn cản bước tiến của ông nên bước vào trận chiến này Attila rất tự tin dù biết được những lời tiên tri về thất bại trên chiến trường. 

Trận chiến diễn ra trên cánh đồng Catalaunian, vùng Chalons (miền Bắc nước Pháp ngày này), 2 phe đều bày trận làm 3 cánh quân. Với liên minh Là Mã và tộc German, họ để các quân đoàn La Mã và người Franks ở cánh trái ở đây họ sẽ chiến đấu với quân người Gepid chư hầu của người Huns. Ở cánh phải là sự đối đầu giữa 2 đại kình địch chung một nguồn gốc là người Visigoth và Ostrogoth - đồng minh thân cận của Attila. Ở trung tâm các kị binh người Alans phải đụng độ với quân đội người Huns do chính Attila thống lĩnh. Với sức mạnh của mình cánh quân ở giữa do Attila thống lĩnh đẩy lùi và gây thương vong lớn cho người Alans. Tuy nhiên ở 2 cánh mội chuyện lại khác, người Gepid không thể xuyên thủng được quân La Mã trong khi quân Visigoth đánh bật được Ostrogoth đe dọa bên sườn của quân Huns. Attila phải điều một phần quân của mình sang hỗ trợ người Ostrogoth, điều này giúp người Alans tránh khỏi việc bị vỡ trận. Đúng lúc này, vua Theodoric của Visigoth tử trận, những tưởng rằng quân Visigoth sẽ nhụt chí nhưng điều này lại càng khiến họ hăng máu hơn để trả thù cho vua của họ. Cánh quân Visigoth đầy quyết tâm báo thù đánh tan tác quân Ostrogoth và đạo quân hỗ trợ do Attila cử đến, sau đó tấn công vào đội hình của quân Huns ở giữa. Thế trận trở nên hoàn toàn bất lợi khiến Attila phải bỏ chạy lần đầu tiên trong đời cùng với đó là thất bại toàn cục tại Chalons. 

Ý nghĩa: Là thất bại đầu tiên của Attila, ngăn chặn việc xâm lược toàn cõi châu Âu của Attila, là bài học cho các dân tộc German để sau này họ có thể tự chiến thắng quân Huns mà không cần người La Mã. Chiến thắng Chalons có thể nói đã cứu nền văn minh châu Âu khỏi thảm họa xâm lược của đội quân du mục người châu Á, không chỉ ở mức độ chính trị mà còn là văn hóa và tôn giáo của lục địa này.

4, Trận Yarmouk (636)

Vào thế kỷ thứ 5, chứng kiến làn sóng Hồi giáo đầu tiên dưới sự lãnh đâọ của nhà tiên tri Muhammad và sau đó là các Caliph nhà Rashidun kế thừa. Sau khi chinh phục toàn bán đảo Arab, mục tiêu tiếp theo của họ là vùng đất Ba Tư của đế chế Sassanid và vùng đất thánh Palestina và Syria (Trung Đông ngày nay) của đế chế Byzantine. Nhận thấy mối nguy hiểm này, hoàng đế Heraclius của Byzantine tập hợp quân đội để phản công người Hồi giáo, không những thế một liên minh tạm thời giữa 2 kẻ thù truyền kiếp Byzantine - Sassanid được thiếp lập để chống lại người Hồi giáo.

Với nguy cơ phải chịu sự tấn công từ 2 mặt, người Hồi giáo tạm thời hòa hoãn với nhà Sassanid để tập trung đối phó với quân Byzantine. Mùa hè năm 636, 2 bên hành quân tới hoang mạc Yarmouk, là nơi diễn ra trận chiến với địa hình khá bằng phẳng phù hợp cho tác chiến kị binh, và sự thật là nơi đây chứng kiến đỉnh cao của nghệ thuật sử dụng kị binh trong lịch sử quân sự. Quân đội Byzantine với số lượng đông hơn (khoảng 20-40.000 ước tính hiện đại, khoảng 100.000 theo văn thư cổ) dưới sự lãnh đạo của Vahan đã liên tục tấn công đội quân Hồi giáo (khoảng 15-20.000 ước tính hiện đại, khoảng 40.000 theo văn thư cổ) của tướng Khalid trong nhiều ngày nhưng không thể xuyên thủng hàng ngũ của đối phương dù đã đẩy lùi được họ, bởi mỗi khi quân Hồi giáo bị đẩy lùi họ lại tổ chức phản công bằng kị binh vào sườn quân Byzantine, buộc họ phải lui lại. Kỵ binh Hồi giáo được trang bị nhẹ và tốc độ nhanh hơn nhiều kị binh Byzantine, nên họ có thể di chuyển rất chủ động trên chiến trường và rút lui nhanh chóng.

Sau 4 ngày tấn công không có hiệu quả, ngày thứ 6 (ngày thứ 5 hai bên không giao tranh) người Hồi giáo tổ chức tổng phản công khi nhận thấy quân Byzantine đã mất hết nhuệ khí. Kị binh Hồi giáo được tập trung vào hết một cánh, trong khi quân Byzantine vẫn sử dụng đội hình cũ và không nhận ra sự khác biệt này. Khi bộ binh 2 bên giao chiến, đội kị binh Hồi giáo bất ngờ tấn công vào cánh trái quân đội Byzantine, quá bất ngờ quân đội Byzantine ở đây tan vỡ và gây ra cảnh hỗn loạn cho toàn quân. Lúc này, kị binh Byzantine được tập trung lại nhưng đã quá muộn, kị binh và bộ binh Hồi giáo, từ cánh trái đã tan vỡ, tấn công vào các cánh quân còn lại của đối phương. Quân Byzantine hoàn toàn tan vỡ, tháo chạy vào hẻm núi và trúng phục kích từ các đội quân nhỏ của người Hồi giáo được phái đi từ ngày thứ 5. Trận chiến kết thúc với thắng lợi toàn diện của người Hồi giáo, họ chỉ chịu tổn thất nhỏ (khoảng 4000) trong khi Byzantine mất tới gần một nửa quân số ban đầu.

Ý nghĩa: Là thất bại quyết định khiến cho vùng đất thánh Palestina - thành Jerusalem của đạo Thiên chúa rơi vào tay đạo Hồi, đặt nền móng cho đạo Hồi tồn tại ở vùng đất này cho tới ngày nay.. Từ sau chiến thắng này, đạo Hồi liên tục chinh phục và mở rộng các vùng đất khác: Ai Cập (642), Ba Tư -  hủy diệt nhà Sassanid (651), đạo Hồi lan rộng từ Bắc Phi cho tới Ấn Độ, uy hiếp kinh thành Constantinople của đế chế Byzantine.

5, Trận Tours (732)

Gần 100 năm sau chiến thắng ở Yarmouk, Hồi giáo bây giờ đã trở thành một tôn giáo lớn, sự lớn mạnh của tôn giáo này đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của Thiên Chúa giáo. Vào thế kỉ thứ 8, lúc này Hồi giáo dưới sự lãnh đaọ của các Caliph nhà Umayyad đã có những bước đi đầu tiên để thôn tính châu Âu khi xâm lược bán đảo Iberia, tiêu diệt vương quốc Thiên Chúa giáo của người Visigoth, và mục tiêu tiếp theo của đoàn quân Hồi giáo là các vương quốc phía Bắc của người Franks, Burgundy.

Quân đội Hồi giáo lúc đó giống như một cơn lốc không thể ngăn cản với đội kị binh là cơn ác mộng của bất kì đội quân nào ở Châu Âu. Tất cả hy vọng được đặt vào tể tướng Charles Martel của vương triều Carolingian và đội quân phương Bắc dày dạn chiến trận của ông. Năm 732, quân đội Hồi giáo tiến lên miền Bắc nước Pháp mà ngày nay là vùng Tours, ở đây quân đội của Charles Martel đã chờ sẵn. Nhận ra rằng sẽ là tự sát nếu tấn công người Hồi giáo trên một chiến trường mở với quân số ít hơn, Charles Martel quyết định đóng quân trên sườn đồi và dựa vào các lùm cây để dễ dàng che chắn và ngụy trang, cũng như đánh trả các cuộc tấn công bằng kị binh của kẻ thù. Địa hình không thuận lợi và kĩ năng tác chiến tốt của bộ binh Thiên Chúa giáo khiến cho những đợt tấn công của kị binh Hồi giáo đều bị đánh bật, một điều không ai có thể tưởng tượng nổi. Sau nhiều ngày tấn công không thu được kết quả, người Hồi giáo tỏ ra sốt ruột và họ chuận bị cho một cuộc tấn công tổng lực với toàn bộ quân đội nhằm thẳng vào vị trí của Charles Martel để hy vọng có thể kết thúc trận chiến. Và điều này cũng đúng với những chờ đợi của Charles Martel, khi toàn quân Hồi giáo đang tấn công, ông cho các nhóm quân nhỏ tấn công trại của quân Hồi giáo lúc này đang bỏ trống, đốt phá lương thực, cướp lấy chiến lợi phẩm và nô lệ. Trong lúc quân Hồi giáo đang cố gắng xuyên thủng hàng ngũ của quân đội Thiên Chúa giáo mà không thu được kết quả nào họ lại nhìn thấy doanh trại của mình bị tấn công, và thế là một số nhóm quyết định quay về để bảo vệ doanh. Điều này đã dẫn đến một kết cục tồi tệ khi số quân Hồi giáo đang chiến đấu tưởng rằng họ đã thua trận và bắt đầu tháo chạy hàng loạt. Đến lúc này thì người Hồi giáo đã hoàn toàn bại trận, họ lui về doạnh trại và rút đi ngay trong đêm, quân đội Thiên Chúa giáo đã giành được thắng lợi mà không ai nghĩ rằng họ có thể làm được.

Ý nghĩa: Là chiến thắng quyết định cho sự tồn vong của đạo Thiên Chúa chặn đứng làn sóng Hồi giáo xâm chiếm toàn bộ châu Âu. Một chiến thắng kinh điển của nghệ thuật phòng ngự bộ binh (trong khi trận Yarmouk là chiến thắng kinh điển của kị binh), tạo nên tên tuổi của Charles Martel để rồi người cháu là Charlemagne có cơ sở gây dựng nên đế chế Carolingian sau này. 

Còn tiếp ...

Đọc thêm: