10 trận chiến làm thay đổi lịch sử nhân loại (phần 2)
Tiếp nối của Phần 1 , mình sẽ tiếp tục viết về các trận chiến mà kết quả của nó làm thay đổi lịch sử nhân loại. 6, Trận Vienna...
Tiếp nối của Phần 1 , mình sẽ tiếp tục viết về các trận chiến mà kết quả của nó làm thay đổi lịch sử nhân loại.
6, Trận Vienna (1683)
Năm 1453, Constantinople thất thủ, cánh cửa vào châu Âu của đế chế Hồi giáo Ottoman được mở toang. Chỉ trong vòng 200 năm, đế chế Ottoman đã chiếm lấy Balkan, đánh bại vương quốc Hungary và áp sát Đế chế La Mã Thần Thánh của vương triều Habsburg. Mục tiêu lớn nhất của của quân Ottoman không đâu khác chính là kinh đô Vienna của nhà Habsburg, nơi họ từng thất bại năm 1485.
Sức mạnh của quân Ottoman lớn hơn rất nhiều lần đầu tấn công vào châu Âu của vương triều Hồi giáo Umayyad ở thế kỉ thứ 8. Tể tướng Mustafa Pasha trực tiếp chỉ huy gần 150.000 quân Ottoman tấn công thẳng vào thủ đô Vienna, hoàng đế Leopold I khi hay tin đã vội bỏ chạy đến Passau theo sau là 60.000 dân thường, hoàng thân Charles cùng rút chạy khỏi Vienna với 20.000 quân. Trong thành Vienna lúc này chỉ còn khoảng 11.000 quân cùng hơn 5000 dân quân, ít hơn 10 lần quân số của kẻ địch. Nhận thấy rằng Vienna sẽ mất nếu không có quân tiếp viện và đây có thể trở thành thảm họa cho toàn bộ các quốc gia Thiên Chúa giáo ở châu Âu, giáo hoàng Innocent XI đã cử vua Jan III Sobieski của Ba Lan chỉ huy lực lượng tiếp viện hỗn hợp gồm Ba Lan, Đức và Áo đến cứu thành Vienna. Lúc này tại Vienna, quân đội Ottoman đã bắt đầu bao vây và tấn công thành phố. Tuy nhiên thành phố có hệ thống công sự và tường thành vững chắc giúp cho quân đội Áo đẩy lùi các đợt tấn công của quân Ottoman. Một phần lí do khiên quân Ottoman thất bại trong các cuộc tấn công là do chỉ huy Mustafa Pasha của họ không muốn tàn phá thành phố nặng nề để sau khi chiếm được ông ta vẫn có thể thấy được sự giàu có nguyên vẹn như ban đầu. Chính sự tấn công thiếu quyết đoán này khiến quân Ottoman không thể dứt điểm được thành phố dù quân thủ thành lúc này đã tổn thất rất nặng (12.000 người chết và bị thương) và trong khi quân tiếp viện của vua Ba Lan thì đã tới nơi. Quân Ottoman lúc này rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, khi hoặc phải lui quân để chặn đánh đội quân tiếp viện hoặc chiếm lấy thành phố trước khi quân địch tràn tới, và họ quyết định tiếp tục tấn công thành phố.
Trên điểm cao, vua Ba Lan thấy quân Ottoman đang tấn công thành phố, ông đã có một quyết định mạo hiểm nhưng mang tính quyết định, là dẫn toàn bộ 20.000 kị binh tấn công trực diện vào đội hình đối phương. Đây trở thành cuộc tấn công bằng kị binh lớn nhất trong lịch sử, với những kị binh Hussar mang trên vai đôi cánh như những thiên thần lao vào kẻ thù. Bị tấn công bất ngờ quân Ottoman rối loạn và bị đẩy lùi khỏi thành phố, quân trong thành khi thấy quân tiếp viện cũng hợp lực từ trong thành đánh ra yểm trợ. Đội quân Hồi giáo lúc này đã quá mệt mỏi sau nhiều ngày tấn công, lại gặp phải cuộc tấn công bất ngờ, đã rối loạn và tháo chạy hoàn toàn. Thành Vienna được bảo vệ, quân đội liên minh Thiên Chúa giáo giành chiến thắng.
Ý nghĩa: Là chiến thắng quyết định đập tan tham vọng chiếm lấy châu Âu và giúp chặn đứng làn sóng Hồi giáo của đế chế Ottoman mãi mãi, buộc Sultan của Ottoman phải kí hiệp ước hòa bình, qua đó một lần nữa bảo vệ Thiên Chúa giáo. Là bàn đạp giúp cho nhà Habsburg sau này chiếm lại Hungary, đẩy lùi người Ottoman về vùng Balkan.
Fun facts: Chiến thắng thành Vienna là niềm cảm hứng cho các món ăn như bánh Croissant (lấy từ hình trăng liềm của quân Hồi giáo), bánh Bagel xoắn (huy hiệu của kị binh Ba Lan), Cappuccino (từ hạt cà phê cướp được từ quân Ottoman).
7, Trận Trafalgar (1805)
Được coi là trận hải chiến có vai trò quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại (hơn cả trận Salamis thời cổ đại, trận Lepanto thời Trung cổ và Midway trong thế chiến thứ 2), đây là nơi Hải quân Hoàng gia Anh đối đầu với 2 đối thủ lớn nhất của họ là Hải quân Tây Ban Nha và Hải quân Pháp tại mũi Trafalgar, Tây Ban Nha. Trận chiến ban đầu chỉ được coi là trận phòng thủ chiến lược của quân Anh, nhưng những kết quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến cuộc chiến ở châu Âu trong thời gian ngắn mà còn là cả thế giới các thế kỉ sau.
Trước trận chiến này, nước Pháp chưa bành trướng khắp châu Âu, nhưng họ có một tiềm lực quân sự trên bộ hùng mạnh nhất thế giới. Mục tiêu lớn nhất của Napoleon đó là đánh chiếm nước Anh, triệt tiêu mối lo ngại bên kia eo biển Manche. Sở dĩ như vậy vì nước Anh không bao giờ phải chịu sự tấn công trực tiếp từ Pháp, nên họ rảnh tay viện trợ cho các đồng minh, hải quân Anh phong toản các cảng ở Đại Tây Dương của Pháp, trong khi bộ binh Anh có thể đánh sau lưng khi quân Pháp tiến về phía Đông. Nhưng để làm được điều này, ông cần phải đánh bại được hải quân Anh dày dặn kinh nghiệm được chỉ huy bởi Đô đốc thiên tài Horatio Nelson. Hải quân Pháp, liên minh với Hải quân Tây Ban Nha tạo ra một hạm đội hỗn hợp làm đối trọng với hải quân Anh.
Trận chiến diễn ra khi hạm đội Liên hợp Pháp - Tây Ban Nha rời Cadiz về hướng về phía Đông Nam. Họ bị Hải quân Anh phát hiện và bám sát. Chỉ huy liên quân Villeneuve thấy vậy đã quyết định đón đánh tại mũi Trafalgar trên Đại Tây Dương, dù trước đó ông ta luôn muốn tránh đối đầu trực tiếp với một hạm đội mạnh của quân Anh. Liên quân với 41 tàu, dàn trận theo hàng ngang truyền thống, hạm đội của Liên quân lúc đó có 4 tàu kỳ hạm hạng nhất thuộc hàng lớn nhất thế giới, đặc biệt tàu Santisima Trinidad của Tây Ban Nha với 130 khẩu đại bác lớn hơn bất cứ chiếc tàu nào của quân Anh. Trong khi đó, quân Anh, tuy chỉ có 3 kỳ hạm hạng nhất nhưng họ lại có đến 4 kì hạm hạng hai (trong khi Liên quân lại không có). Đây chính là một trong những mấu chốt, bởi quân Anh có 7 kỳ hạm lớn trong khi Liên quân chỉ có 4 tàu, đem lại lợi thế không nhỏ cho quân Anh. Đô đốc Nelson sử dụng một chiến thuật làm thay đổi lịch sử Hải quân khi chia hạm đội làm 2 phần và xếp theo đường thẳng chứ không phải hàng ngang, xuyên thẳng vào đội hình đối phương. Một nhánh do phó đô đốc Collingwood chỉ huy, với chiếc HMS Royal Sovereign dẫn đầu, nhánh còn lại do đích thân Nelson chỉ huy trên chiếc HMS Victory dẫn đầu nhằm thẳng vào kỳ hạm Bucentaure của Villenauve. Chiến lược của Nelson chắc chắn là một canh bạc, nhưng đó là một canh bạc được tính toán một cách cẩn thận. Hôm đó trời lặng gió (thời tiết trước bão), khiến thuyền quân Anh tiến chậm và hứng chịu hỏa lực từ Liên quân, đặc biệt là những chiếc đi đầu, chiếc HMS Victory thậm chí còn bị bắn bay cả bánh lái. Thế nhưng ngay khi áp sát hạm đội đối phương, các tàu của Anh lập tức nhả đạn và cắt đội hình đối phương làm 3 phần. Các tàu của Anh mỗi lần đi qua đối phương họ có thể bắn ở cả 2 bên tàu (trong khi đối phương chỉ bắn được ở một bên), cứ thế mỗi tàu một loạt tạo thành chuỗi bắn liên tục không cho đối phương cơ hội tiếp đạn để phản công. Trong khi quân Anh linh hoạt bao nhiêu thì Liên quân Pháp - Tây Ban Nha lại bị động và chậm chạp bấy nhiêu. Các kỳ hạm của Liên quân liên tiếp bị bắn phá đã đầu hàng, các tàu nhỏ hơn cũng chịu chung số phận. Sau đó 2 cánh quân của hải quân Anh sau khi xuyên qua đội hình đối phương, đánh kẹp lại phía sau. Hạm đội Liên quân hoàn toàn tan vỡ. Điều không may duy nhất của quân Anh là đô đốc Nelson bị trúng đạn và tử trận, một tổn thất to lớn cho quân Anh. Trước lúc qua đời Nelson có để lại câu nói bất hủ: "Thank God I have done my duty". Sau 5 giờ chiến đấu, trận chiến kết thúc với thắng lợi hoàn toàn của quân Anh, họ bắn chìm và bắt giữ 21 tàu đối phương trong khi không thiệt hại một tàu nào.
Ý nghĩa: Là chiến thắng quyết định trên biển của cuộc chiến tranh Napoleon. Quân Anh không những đập tan hải quân Pháp và Tây Ban Nha mà còn tạo tiền đề cho sự thống trị trên biển của họ trong 100 năm tiếp theo, mở ra thời kì Victoria huy hoàng trong lịch sử nước Anh. Trận đánh cũng khép lại thời đại của thuyền buồm, mở ra thời đại cho tàu hơi nước, tiến bộ khoa học quan trọng của loài người.
8, Trận Leipzig (1813)
Nhiều người nói rằng trận Waterloo là trận chiến của thế kỉ, là nơi đặt dấu chấm hết cho con đường chinh phục vĩ đại của Napoleon. Nhưng thực tế thì đế chế của ông đã chấm dứt sau một trận chiến trước đó 2 năm, chiến bại to lớn nhất trong cuộc đời binh nghiệp vinh quang của hoàng đế nước Pháp: Trận Leipzig.
Thế kỉ 19, hoàng đế Napoleon cùng đội quân Grande Armee gần như đã khiến cả châu Âu phải quỳ phục khi chinh phục nước Áo, đánh bại Phổ. Cho đến khi cuộc phiêu lưu thảm họa ở nước Nga khiến ông phải trả giá, Grand Armee tổn thất hơn 2/3, các kẻ thù phản công ở khắp nơi, đế chế của ông bị lung lay dữ dội. Ở phía Tây, quân Anh và Tây Ban Nha bắt đầu tấn công vào nước Pháp. Trong khi ở phía Đông, liên minh Nga-Áo-Phổ giờ có thêm Thụy Điển dần đẩy lui quân Pháp về chính quốc. Napoleon quyết định phải bẻ gãy cuộc tiến công của liên quân phía Đông để có thể rảnh tay đối phó với quân Anh. Napoleon cho tập trung quân đội ở thành phố Leipzig để bảo vệ tuyến đường tiếp vận quan trọng. Trước trận chiến này đội quân chủ lực giàu kinh nghiệm Grande Armee đã gần như bị hủy diệt ở nước Nga, Napoleon buộc phải tuyển tân binh ít kinh nghiệm ra trận, điều này ảnh hưởng đến chất lượng chiến đấu của Pháp. Không những vậy quân Pháp còn bị áp đảo về quân số so với phe Liên Minh Nga-Áo-Phổ-Thụy Điển ( 190.000 quân Pháp so với 430.000 Liên quân). Hy vọng duy nhất của Napoleon là sự liên kết khá lỏng lẻo của Liên quân có thể tạo ra những kẻ hở để quân Pháp đột phá và giành lợi thế. Tuy nhiên, Liên quân lần này đã có những bài học từ sau các thảm bại ở trận Austerlitz, trận Jena, trận Wagram và trận Dresden.
Trên chiến trường chính ở phía Đông Nam, Liên quân Nga-Áo sẽ chạm trán khối quân chủ lực của Napoleon, trong khi đó quân Phổ sẽ tấn công từ hướng Tây Bắc. Trong 2 ngày đầu của cuộc chiến, 2 bên đều ở thế giằng co vô cùng quyết liệt ở từng vị trí trọng điểm. Trong khi Liên quân tổ chức các cuộc tấn công vào vị trí phòng thủ của quân Pháp không có kết quả khả quan và tổn thất nặng nề, thì quân Pháp sau khi phòng ngự thành công cũng tổ chức phản công nhưng vì lực lượng quá chênh lệch quân Pháp không thể tạo ra đột biến nào. Dần dần trận chiến trở thành một cuộc chiến tiêu hao, mà phần thắng nghiêng dần về phe có thực lực nhỉnh hơn, đó là Liên quân. Quân Pháp bị đẩy dần về phía sau, ngày càng co cụm lại. Napoleon tổ chức một số cuộc phản công lớn nhưng điều này lại chỉ làm quân Pháp tổn thất nhiều nhân mạng hơn. Đến ngày thứ 3, trận chiến được an bài khi đạo quân của Thái tử Thụy Điển Charle John nhập trận cùng các đạo quân khác của Liên quân, tạo thành một vành đai bao vây hoàn toàn quân Pháp. Lúc này quân Pháp vừa chịu nhiều tổn thất lại hay tin quân địch được tăng viện đã bao vây họ đã trở nên tuyệt vọng, một số lính đão ngũ, đầu hàng hoặc thậm chí phản bội lại đồng đội. Napoleon biết rằng thất bại là điều sớm muộn, ông cho quân rút khỏi Leipzig trong đêm, chạy về nước Pháp. Một thảm họa nữa, khi quân Pháp cho đánh sập cầu qua sông mặc dù vẫn còn đồng đội chưa qua cầu khiến cho các binh sĩ này hoặc chết đuối hoặc bị bắt. Trận Leipzig kết thúc với thảm bại của quân đội Pháp, đánh dấu thời khắc cuối cùng của đế chế Pháp vĩ đại.
Ý nghĩa: Là thắng lợi quyết định của Liên minh Nga-Áo-Phổ-Thụy Điển, đánh dấu sụ sụp đổ của đế chế Pháp, buộc Napoleon phải thoái vị lần đầu. So với trận Waterloo, đây là chiến bại cay đắng nhất của ông trước các địch thủ mà trước đây ông dễ dàng đánh bại, cũng là thất bại nặng nề nhất, hủy diệt hoàn toàn công lao gây dựng của ông. Từ đây vai trò cường quốc trước đây của nước Pháp được chuyển qua Phổ và Nga. Chiến thắng cũng mang lại ý nghĩa quan trọng cho dân tộc Đức, các bang miền nam hoàn toàn giải phóng khỏi Pháp, chuẩn bị cho quá trình thống nhất quốc gia của nước Đức.
Còn tiếp...
P/S: Trong phần tiếp theo ngoài đăng 2 trận còn lại, mình cũng sẽ đăng các trận đánh cũng vô cùng quan trọng trong lịch sử nhưng không xếp vào danh sách cùng với lí do.
/lich-su
- Hot nhất
- Mới nhất