HOW TO SPEAK ENGLISH LIKE THE ENGLISH
Ok, bài này tôi sẽ chỉ các bạn cách nói tiếng Anh như người Anh (hem phải người Mỹ).
Hãy bắt đầu với một câu chuyện mà bạn có thể nghe được từ bất cứ quán bar nào ở miền nam nước Anh:
"Kinh vãi luôn mày! Hai tuần trước tao ở trong bar với một em cực xinh, tao đang khoái quá trời, thì có một thằng nhìn xạo quần bước vào mặt đầy thách thức. Tao không biết nó định làm gì; tao nghĩ nó định chọc tao chút thôi, nhưng nó cứ làm tao phát điên lên được. Tao nghĩ thằng chả xỉn lắm rồi. Rồi tự nhiên thằng bạn già Bill tới và bắt lấy thằng chả trước khi nó kịp chạy thoát. Thiệt là nhảm nhí hết sức!"
(Nguyên bản: "Bloody hell mate! A fortnight ago I was down the local having a chin-wag with this fit bird, feeling pretty chuffed with myself, when some dodgy-looking bloke came up and started getting lairy with me. I don't know what he was on about; I thought he was taking the piss, but he wouldn't stop giving me aggro. I reckon he must have been off his tits. Next thing I knew the Old Bill had shown up and nicked this geezer before he could scarper. What a load of bollocks!")
Nếu một người học tiếng Anh nhìn thấy đoạn văn trên có lẽ họ sẽ chuyển sang học tiếng Esperanto cho khỏe.
Nhưng nếu một người Anh đọc đoạn này, họ sẽ hiểu ngay là người nói đang kể chuyện hai tuần trước ảnh gặp một cô gái đẹp trong một quán bar thì bị một anh say rượu hung hăng tới kiếm chuyện rồi bị cảnh sát bắt.
Nếu bạn sống ở quốc gia nói tiếng Anh và đang tự hỏi tôi có bịa ra đoạn văn trên không, thì xin chắc với bạn rằng, nhiêu đó chưa là gì hết.
Trong bài viết này tôi sẽ chỉ bạn cách nói tiếng Anh như người Anh. Và trước đó, tôi cần làm rõ một số "truyền thuyết" về England, Great Britain và The United Kingdom.
Truyền thuyết 1: Giọng Anh.
Cần phải làm rõ điều này, không có cái gọi là "giọng Anh". Người Anh bọn tôi rất hiếm khi xài cụm từ này, và chúng tôi thường mắt tròn mắt dẹt mỗi khi nghe người Mỹ xài nó trên truyền hình.
Chúng tôi thường nói cụ thể hơn và hay bàn về bốn chất giọng cực kì khác nhau là English, Welsh, Scottish và Bắc Irish. Bốn giọng này có phạm vi khá rộng và có thể được phân loại nhỏ hơn nữa.
Truyền thuyết 2: The United Kingdom và England là một.
Cho những ai còn mù mờ về The United Kingdom, Great Britain và England, hay làm sao mà những vùng khác như Scotland cũng "dính chùm" vô trong đây, vui lòng "gu-gồ".
Thiệt tình là nó cực kì đơn giản.
Truyền thuyết 3: Người Anh nói tiếng Anh chuẩn.
Có thiệt là mấy ông bạn Anh nói tiếng Anh chuẩn hem?
Một kết luận rất thiếu thuyết phục.
Các nhà ngôn ngữ học đã nhận định rằng giọng chuẩn và giọng địa phương của vương quốc Anh thay đổi còn nhiều hơn "đứa con giọng Mỹ" của nó. Nói cách khác, văn phong Mỹ hiện đại giống với kiểu nói chuyện của người Anh năm 1776 hơn là giọng Anh hiện đại.
Chỉ cần nói rằng tôi là người Anh (cụ thể là ở vùng Oxford), và tôi có thể nói bạn nghe chút xíu về cách nói chuyện của những nước anh em khác (Scotland, Weish, và Bắc Ireland), nhưng đây là một bài viết về tiếng Anh của người Anh - một phương ngữ lâu đời đã mang lại tên tuổi cho thứ tiếng phổ biến nhất thế giới.
Giọng Anh-Mỹ và giọng Anh-Anh khác nhau như thế nào?
1. Giọng Rhotic.
Chính xác thì tiếng Anh đã bị chia rẽ như thế nào từ sau sự kiện "Tiệc trà Boston"? (Boston Tea Party) Nhiều cuốn sách đã nghiên cứu và chỉ ra những chi tiết ngữ âm học cực kì chính xác về các phương ngữ Anh, tuy nhiên tôi sẽ chỉ nói đến một thứ duy nhất: giọng Rhotic.
Nếu bạn nói giọng Rhotic, bạn sẽ đánh vần chữ “r” trong tất cả những từ có nó, và giọng Mỹ (cùng với giọng Irish và Scotland) còn giữ gần như nguyên bản chất giọng này.
Trong khi đó, sau nhiều thế kỉ, người Anh bọn tôi lại gần như bỏ chữ “r” kể cả khi nó đứng trước hay sau một từ. Ví dụ tên tôi là George, tôi sẽ đọc nó gần như chữ “jaw” với một chữ “j” ở cuối nữa (không có chút xíu “r” nào hết).
Đa phần các vùng ở Anh (trừ phía Tây) sẽ đọc các cặp từ sau gần giống nhau: father và farther, pawn và porn, panda và pander. Trong khi người Mỹ và Canada phân biệt những cặp từ này rất rõ.
Giọng non-rhotic cũng xuất hiện ở một số nơi trên thế giới, nhất là những quốc gia bị làm thuộc địa của Anh sau các nước Bắc Mỹ (như Úc và New Zealand). Nó cũng có ở một số vùng thuộc Mỹ, nổi tiếng nhất là Noo Yawk. Nhưng nhìn chung giọng Rhotic chính là sợi dây phân biệt rạch ròi nhất giữa các phương ngữ tiếng Anh.
2. Nguyên âm.
Cách phát âm nguyên âm đã bị thay đổi khá nhiều theo thời gian. Trong một số trường hợp, những âm từng được đọc khác nhau nay lại đọc giống nhau, hoặc ngược lại.
Tôi phát âm “cot” rất khác “caught”, nhưng với nhiều người Mỹ đó chỉ là hai từ đồng âm. Tương tự như “merry”, “marry” và “Mary” được phát âm hoàn toàn khác nhau ở Anh, nhưng khá giống nhau ở Mỹ. Trong một góc độ khác, tôi nói “flaw” và “floor” giống y nhau (thêm một ví dụ cho giọng non-Rhotic) nhưng trong tiếng Anh-Mỹ, hai từ này không chỉ khác nhau bởi âm “r” ở cuối mà còn khác về cách đọc nguyên âm.
3. Từ vựng.
Từ vựng chính là căn nguyên của tất cả sự rối ren này, ý tôi không phải là tiếng lóng. Ở Anh hãng Royal Mail vận chuyển post còn ở Mỹ hãng Postal Service vận chuyển mail ( “post” và “mail” đều là “thư” trong tiếng Anh và tiếng Mỹ). Thấy ớn chưa?
Phần lớn sự khác nhau trong từ vựng giữa hai tiếng đều rất ngẫu hứng. Ví dụ, nếu tôi làm gì đó vào thứ bảy hay chủ nhật tôi sẽ nói là “I’d done it at the weekend” trong khi mấy bạn Mỹ sẽ xài “on the weekend”.
Một số sự khác nhau nữa là do cách hiểu các sắc thái nghĩa của từ. Đa phần người Mỹ sẽ nói “ở trong viện” (being in the hospotal) còn tụi tôi sẽ phân biệt rõ giữa “ở bệnh viện” (being in the/a hospital) và “nằm viện” (in hospital, tức bạn đang là bệnh nhân ở viện)
Cũng như sự khác nhau giữa “in school” và “in a school”, và người Mỹ dùng từ “school” cũng hơi khác xíu nữa. Ở Mỹ, school có nghĩa là tất cả các thể loại trường học, từ mẫu giáo tới đại học (trong tiếng Mỹ là college, thiên về nghĩa là cao đẳng hơn) trong khi trong tiếng Anh, school chỉ bao gồm trường cấp 1 và cấp 2: nơi mà bạn học trước khi vào đại học (người Anh dùng từ uni hay university, người Mỹ không dùng từ này). Để làm bạn xoắn não hơn, thì trong tiếng Anh-Anh cụm “public school” được dùng rất khác; vì một vài lí do lịch sử mà “public school” ở Anh rất đắt đỏ và thường bao hàm cả nghĩa “trường tư”, trong khi ở Mỹ “public school” là trường của bang, hay trường công lập. Theo kịp không?
Nếu bạn là người Mỹ, bạn có thể sẽ hơi nhướng mày khi thấy tôi xài từ “whilst” rất thường trong bài này, với người Mỹ thì từ này nghe xưa lắc xưa lơ. Còn người Anh thì từ này chỉ đơn giản là một từ đồng nghĩa với “while”.
Động từ “reckon” (nghĩ, cho rằng) được dùng rất thoải mái ở Anh, trong khi ở Mỹ từ này gần như không còn nữa. Cũng như vậy, tôi thấy rất kì cục khi nghe người Mỹ xài “I wish I would have”, với tôi cấu trúc câu này rất tầm bậy. Tôi chỉ đơn giản dùng “I wish I had”.
Có lẽ tôi chỉ viết đến đây thôi, nếu muốn hẳn còn cả tỷ thứ để nói về chủ đề này nhưng thôi. Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ thật sự nghĩ về sự khác nhau này cho đến khi đi du lịch, gặp gỡ nhiều người và phát hiện ra rằng có những thứ tôi cho là phổ biến trên toàn thế giới thì thực ra chỉ có người Anh xài và ngược lại. Vậy đó, có gì hay ho thì cùng chia sẻ ở dưới comment nha. ;)
Nguồn sưu tầm: Gia sư dạy kèm tiếng Anh