viết bởi Lee Chang-dong
được dịch sang tiếng Anh trên Asymptote Journal bởi Soyoung Kim
---
ảnh minh họa của Lee Wan Xiang
Chuyện tôi sắp sửa kể với các bạn đây là về số phận kỳ lạ của tôi. Tôi biết bạn là một tiểu thuyết gia, hẳn đã từng nghe hết đủ thứ chuyện kể lạ kỳ về đủ mọi loại người. Nhưng theo những gì tôi biết, chuyện của tôi lạ lùng nhất.
Bạn có tin vào số phận hay bói toán không? Rằng thì là số phận một người được đoạt định từ khi sinh ra, à không, còn trước cả khi sinh ra, như thể được viết vào sổ thiên tào, nghĩa là dẫu có gian khó tới đâu thì họ cũng sẽ sống và chết đi theo những đường chỉ tay. Tương tự, người theo Cơ Đốc cho rằng chẳng có gì trong mọi sự giữa con người với nhau xảy ra không theo ý Chúa. Nhưng những cái họ nói chả bao giờ hợp lý phải lẽ gì với tôi hết. Ý tôi là, nếu thật như vậy thì số phận con người bất công đến nhường nào?
Chẳng hạn như, một gã may mắn nào đó sinh ra đã ngậm thìa vàng, là con trai duy nhất của một doanh nhân giàu có, còn một gã khác vất vưởng ngoài đường không biết cha mẹ là ai và thậm chí còn không biết mình tên gì. Gã mồ côi tội nghiệp kia chẳng còn lựa chọn nào khác là chấp nhận số phận, như thể đó là lá bài được rút ra dành cho mình.  Người theo Cơ Đốc giáo nói rằng dù có sinh ra ra sao, Chúa cũng đã có mọi kế hoạch dành cho ta. Nhưng nói như thế thì có công bằng sao khi ta sinh ra là một tên ăn mày trên đường? Tức là, ta hẳn sẽ hỏi, “Con đã làm gì nên tội?”
Tôi nói ra điều này vì tôi sinh ra không có cha có mẹ. Dĩ nhiên, về cơ bản, tôi chắc chắn phải có cha mẹ chứ, nhưng tôi không còn nhớ họ ra sao hay vì sao tôi bị mồ côi, vì khi chưa đầy bốn hay năm tuổi gì đó tôi đã bị bỏ ngoài đường. Lúc ấy là vào thời Nội chiến liên Triều, do đó tôi nghĩ đã mất hai người do chiến tranh. Tên tôi, Kim Heung-Nam, là thứ duy nhất tôi còn nhớ về bản thân, mặc dù tôi không chắc có đúng hay không. Thành thật mà nói, tôi thậm chí còn không biết mình bao nhiêu tuổi. Tôi lớn lên trong một trại mồ côi tồi tàn, nhỏ bé bên bờ biển một thành phố cảng phía bờ biển Nam Hàn. Trại mồ côi thật kinh khủng: tòa nhà từng là một doanh trại quân đội thời chiến không có kính cửa sổ, và giám đốc trại là một cựu binh say xỉn đã mất một chân trong chiến tranh.
Khi say xỉn vào nửa đêm, ông đánh thức lũ trẻ mồ côi dậy để bắt chúng tập quân sự, la hét, “Khẩn cấp, khẩn cấp!” Nếu những đứa trẻ đang còn nửa mê nửa tỉnh không đứng thẳng được, ông sẽ tẩn chúng nhừ tử bằng nạng. Nhưng ở trại mồ côi bị đánh đập cũng là một thói quen như ăn hay ị. Chẳng phải là thứ khắc nghiệt nhất trong đời. Đói khát mới khổ cơ.
Khi đã đủ tuổi đi học, chúng tôi thường rảo bước theo bờ biển đến các trường tiểu học gần đó, có lúc cuỗm cá khô đang phơi để xua đi cơn đói. Vì luôn bị kỳ thị và bắt nạt hệt như cùi hủi chỉ vì là trẻ mồ côi, chúng tôi lúc nào cũng đi thành tốp ba bốn đứa.
Mùa đông năm lớp năm, tôi bị bắt tham gia một vở kịch ở trường - đại loại tên là “Hoàng tử cóc” - đóng vai hoàng tử nghèo hèn, nhân vật chính.
Câu chuyện - chắc chắn bạn đã biết - kể về một hoàng tử biến thành một con cóc xấu xí vì lời nguyền của một phù thủy độc ác. Không ai nhận ra con cóc xấu xí phía sau cung điện kỳ thực chính là vị hoàng tử bị nguyền rủa của vương quốc kế bên. Hoàng tử tội nghiệp phải lánh khỏi loài người và trốn ở những nơi tăm tối để không bị đá xua đi hay giẫm tới chết. Một ngày nọ, một nàng công chúa xinh đẹp, tốt bụng xót thương và trao cho chàng một nụ hôn đẫm lệ. Ngay lập tức, lời nguyền bị hóa giải, biến con cóc trở lại thành người.
Tôi nghĩ, dù mới chừng đó tuổi, tôi đã gắn mình với con cóc tội nghiệp trong vở kịch. Suy cho cùng, tôi cũng mắc một lời nguyền, số kiếp phải mồ côi và bị bỏ ngoài đường. 
Công chúa được cô con gái của người giàu nhất vùng, sở hữu nhiều con tàu, thủ vai. Cô có hàng mi dài và làn da trắng màu bột sữa Mỹ mà chúng tôi nhận theo khẩu phần. Người ta gọi cô là “Maria”, một cái tên Cơ Đốc. Cơ bản, Maria là một vì sao không thể nào vươn tới được trên bầu trời, không thể với tới đối với một đứa mồ côi như tôi. Lúc dợt kịch, khi tới cảnh hôn, tôi lúc nào cũng bối rối và yếu nhũn tới mức suýt làm đũng quần, nhưng chẳng hề có nụ hôn nào cả vì Maria luôn giả vờ.
“Maria, khi lên sân khấu em hãy hôn bạn. Nhớ nhé?” thầy giáo phụ trách tập kịch thường bảo. Rồi Maria sẽ ném một cú lườm nguýt bực tức, nhưng chẳng hề khiến tôi thấy tổn thương chút nào.
Tới tận hôm nay, tôi cũng chả biết vì sao tôi được cho vào vai hoàng tử. Thầy giáo ắt hẳn đã nghĩ ra một vài điểm tương đồng nào đó giữa hoàng tử và con cóc xấu xí với đứa trẻ mồ côi nghèo hèn. Dù sao đi nữa, với tôi đó là cả một thay đổi, đi từ tình trạng bị xua đuổi và bắt nạt sang nhận được một nụ hôn từ một cô gái xinh đẹp con nhà giàu, dẫu chỉ trong vở kịch mà thôi. Không chỉ là một nụ hôn đơn thuần, nó còn cho phép tôi mơ tưởng - trong lượt đợi chờ căng thẳng chiếc miệng đang tiến tới gần của cô gái mà mắt vẫn nhắm nghiền - rằng đứa trẻ mồ côi nghèo hèn, thấp kém có lẽ rồi sẽ được hóa thành một hoàng tử hay một ai đó quyền quý cao sang.
Cuối cùng, ngày công diễn vở kịch cũng tới. Khán phòng giả chiến, tạo ra bằng cách tháo rời tấm ngăn hai phòng cạnh nhau, có một sân khấu nom như một khu vườn thượng uyển xinh đẹp. Ngày hôm đó, chúng tôi bỗng có rất nhiều tuyết, ngập tới ngang gối. Nhưng chỗ ngồi lại đầy kín bởi rất nhiều người vừa tới nơi vừa phủi tuyết khỏi vai, kể cả viên giám đốc trên cây nạng.
Tôi quan sát tất cả cảnh tượng ấy từ đằng sau sân khấu giăng rèm, tối tăm. Đó là một thế giới cực kỳ đẹp đẽ - hoàn toàn khác với cái thế giới mà tôi sống đến phát ngán, nơi tôi phải ngủ chen chúc với bốn hay năm đứa trẻ mồ côi khác dưới duy nhất một tấm mền quân sự cũ kỹ, hay lẻ loi lắng nghe tiếng sóng biển khua vào bậu cửa sổ khi thức giấc giữa đêm vì đói. Có lẽ đó là lúc, lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu, dẫu còn mù mờ, cuộc sống như thế nào mới gọi là đẹp.
Đèn tắt và vở kịch bắt đầu với âm nhạc phát ra từ một máy chơi đĩa cũ. Trong vai cóc, tôi khoác lên lưng một bộ da xấu xí, sần sùi, còn công chúa mặc váy trắng lấp lánh như cánh chuồn chuồn. Chắc hẳn tôi đã nhác thấy một cảnh tượng khi ở bên trong bộ da cóc làm từ vỏ bao bột mì - hàng cứu trợ thực phẩm có chữ “U. S. A” in lớn bên trên.
Khi tôi bước lên sân khấu, khoác cái bao bột, ai cũng rộ lên nắc nẻ, nhất là Seong-man, thằng mồ côi và bạn cùng lớp tôi, tiếng cười giòn nhất. Khi tôi trườn quanh sân khấu, ộp ộp như một con cóc, Seong-man tiếp tục cười điên dại, giậm chân xuống đất. Tôi chẳng thấy cảm phiền bởi tiếng cười của khán giả; mà chỉ tập trung vào phần biểu diễn của mình, chờ cho tới khoảnh khắc hấp dẫn sẽ hóa thành hoàng tử. Chính vì cái thời khắc đó mà tôi chấp nhận trườn trên sân khấu, ộp ộp tới khản cổ, tới mức gối tôi dừ đi và chảy máu. Tôi thậm chí còn chẳng thấy đau.
Cuối cùng, vở kịch đi tới cao trào là lúc công chúa sẽ hôn lên mặt con cóc. Trong vòng tay công chúa, tôi thấy hai mắt cô rưng nước mắt long lên trong ánh đèn. Tim tôi đập nhanh tới nỗi vào tai tôi nghe như sấm rền. Rồi, bất thình lình, lúc miệng công chúa sắp sửa chạm vào má tôi, cả thế giới chìm vào bóng tối.
Cúp điện. Khỏi phải nói, vụ này gây ra hoang mang cả trên sân khấu lẫn khán giả. Dù cúp điện thời bấy giờ rất thường xảy ra, khán giả lại không có đủ kiên nhẫn để chờ đèn sáng trở lại và vở kịch tiếp tục diễn ra.
Sau khi tất cả thảy đều ùa ra ngoài, khua đập và hất văng ghế ngồi, tôi trơ trọi một mình, ngồi xổm trên sân khấu tối. Ai nấy bỏ đi, bỏ lại đứa trẻ tội nghiệp trong bóng tối, lời nguyền vẫn còn nguyên...
Tối đó, tôi phải đi bộ về trại mồ côi một mình trong tuyết lớn. Đó là một chuyến thật dài, cô đơn và đau đớn. Tuyết táp quanh tôi, và tiếng sóng giần thẳng vào bờ, tôi run bắn lên trong nỗi tuyệt vọng có lẽ tôi sẽ mãi là con cóc xấu xí gánh chịu lời nguyền.
Đó là cách số phận của tôi tiến triển. Nó giăng tấm màn bóng đêm ngay trước mặt tôi mỗi khi tôi nhìn thấy một tia hy vọng và sẵn lòng bước lên phía trước.
Từ ngày đó trở đi, tôi có biệt danh “Cóc” ở trường lẫn ở trại mồ côi. Đó là ý của Seong-man. Nó hay chọc tôi bằng cách gọi “Cóc” lớn giọng, nhất là khi Maria ở gần, kể cả khi từ xa với tới. Dù ghét cái biệt danh kia, rốt cuộc tôi cũng chấp nhận nó, như tôi chấp nhận số phận mình, vì tôi là một đứa yếu nhớt, trước sau vẫn vậy, còn nó lúc nào cũng to khỏe hơn tôi.
Năm sau, lại một cơ may khác xuất hiện để thách thức số phận tôi. Một sáng Chủ Nhật mùa đông trời ấm và có nắng, lũ mồ côi chúng tôi bất chợt được lệnh phải tắm và tập hợp bên ngoài. Chúng tôi vừa lo vừa háo hức, biết đây là dấu hiệu có khách tới trại.
Lúc bọn tôi ngồi chờ, khịt mũi và ai nấy đều lo lắng, mặt mũi và tay chân lau rửa sạch sẽ như đã được lệnh, hai vợ chồng trung niên xuất hiện trong trang phục tồi tàn đến kinh ngạc. Chúng tôi thoáng chút thất vọng khi hai người họ không phải kiểu khách thường tới trại - những người mặc quần áo chỉnh tề tay cắp Kinh Thánh hay người phương Tây mũi nhô và tay ắp đầy quà. Nhưng hóa ra hai vợ chồng kia lại là khách đặc biệt.
Chúng tôi rất nhanh nhận ra rằng - như bọn trẻ mồ côi vẫn hay như vậy - hai vợ chồng này tới để nhận nuôi một đứa. Quả thật, hai người bắt đầu cẩn thận dò xét từng đứa bọn tôi, cùng vị giám đốc, chầm chậm bước tới lui hàng ghế chúng tôi ngồi. Ông chồng đầu hói bóng lưỡng và mặc một chiếc quần chạy bộ có vết mỡ. Đôi mắt dò xét của ông ta khiến tôi thấy e sợ. Ngược lại, người vợ chất phác đi theo ông dường như là một người đôn hậu. Mỗi khi bước qua chúng tôi, bà lại “Ôi, chao!” hay “Ôi, không!” như thể chúng tôi là những sinh linh đáng thương xót nhất mà bà từng trông thấy. Thình lình người chồng dừng lại trước mặt tôi và hỏi, “Mày bao nhiêu tuổi?”
“Con… con mười tuổi…”
Tôi căng thẳng suýt khóc. Trở thành con nuôi - dẫu vẫn là một ý nghĩ đáng sợ - chính là giấc mơ của bất cứ đứa trẻ nào nuôi lớn tại trại mồ côi. Đồng nghĩa với việc giã biệt cuộc sống khủng khiếp của đói rét và bạo hành và đi vào một thế giới bất định. Quan trọng hơn, điều đó đồng nghĩa có thêm cha mẹ mới. Và dường như đây là khoảnh khắc giấc mơ của tôi có thể hóa thành hiện thực.
Sau khi họ đã nhìn hết qua từng đứa trẻ mồ côi, tôi được gọi vào văn phòng giám đốc. Rõ ràng, bọn họ đang tìm một đứa trạc tuổi tôi. Nhưng sau khi cân nhắc một lượt nữa, ông ta dường như đã đổi ý về việc chọn tôi. “Nó nhìn như ba ngày chưa ăn uống gì. Lỡ nó bệnh suốt thì sao?”
Nhằm thuyết phục người có thể trở thành cha nuôi, tôi gắng hết sức giả vờ tôi vẫn khỏe, lưng thẳng thớm và răng nghiến chặt. Dù thất bại, tôi cũng thuyết phục thành công người có thể trở thành mẹ nuôi. Bà hỏi tôi bằng một giọng nhỏ nhẹ tên tôi là gì, tôi thích ăn gì, tôi học có tốt không, vân vân.
Tôi gắng hết sức để trả lời bà bằng giọng rành rọt. Bà kêu tôi lại gần và ngồi xuống cạnh bà. Khi đó, bà vuốt đầu tôi và cầm lấy tay tôi. Tôi vẫn còn cảm thấy hơi ấm tay bà. 
“Con có muốn tới sống với bác không?” bà hỏi bằng giọng dịu dàng. Những lời lẽ ấy khiến tôi thoáng quên đi mình vẫn đang giả vờ, bởi tôi cảm nhận ở đó một người mẹ mà tôi chưa từng biết nhưng lúc nào cũng nhớ nhung. Thay vì trả lời, rốt cuộc tôi òa khóc, môi rưng rưng.
“Mày làm sao vậy? Sao lại khóc như con gái?” người chồng hỏi, tặc lưỡi bất bình. Nhưng bà vợ càng tỏ ra thương hại tôi hơn, và nói, “Sao khó tính vậy? Hãy chọn nó. Tôi thích thằng nhỏ.”
“Tôi nghĩ là nó yếu ớt chả được tích sự gì.” “Nhưng nó có vẻ là đứa ngoan ngoãn.” Rốt cuộc dẫu vẫn lưỡng lự, ông chồng có vẻ đã quyết chọn tôi, như bà vợ đề nghị. Trong lúc bọn họ trao đổi về quá trình nhận con nuôi với giám đốc, tôi ngồi thẳng lưng tới mức phát nhói, tim tôi nhảy rộn rịp trong căng thẳng và lo âu ngột ngạt. Tôi sợ rằng mọi thứ đang quá suôn sẻ, rằng sự may mắn đến với tôi dễ dàng dường ấy không thể nào trở thành sự thật được.
Nỗi sợ của tôi hóa ra đã đúng. Mũi tên số phận vừa hụt mục tiêu; cánh cửa văn phòng giám đốc mở toang và Seong-man bước vào. Nó vừa trở về sau khi làm việc ở cảng. Khi tàu vào cảng, giám đốc đưa nó đi làm việc, vì Seong-man, khi đó đã có sức vóc của người trưởng thành, nên tự kiếm tiền nuôi mình.
Đôi mắt người chồng bỗng rực lên khi nhìn thấy Seong-man và bắt đầu nhìn nó từ đầu tới chân.
“Có phải thằng bé cũng là trẻ mồ côi của các vị?” người chồng hỏi giám đốc. “Phải.” “Vậy làm sao tôi lại không gặp nó sớm hơn?” “Vì nó đang đi làm ở ngoài. Những đứa lớn hơn cần phải bắt đầu học cách kiếm ra tiền.”
“Chuẩn không cần chỉnh. Một người đàn ông cần phải kiếm cái nuôi thân,” người chồng vừa nói vừa gật gù nhiều lượt. Rồi ông ra hiệu cho Seong-man, đang đứng ở cửa, đến gần và bắt đầu chạm vào tay, chân, và bả vai nó. Tôi phải làm gì khi đó nếu không phải đứng nhìn trong căm tức trong lúc Seong-man chả hiểu đầu cua tai nheo gì cả vẫn để người kia chạm vào người? Cuối cùng, ông ấy đã quyết. “Tôi sẽ chọn thằng này. Chúng tôi cần một đứa vừa khỏe mạnh vừa ra dáng đàn ông.”
Khi Seong-man rời trại mồ côi để sống với cha mẹ nuôi, giám đốc và mọi người khác đều  vây quanh để chào tạm biệt và tiễn nó, riêng tôi đứng ở một góc tòa nhà lính tối ám, lặng lẽ khóc, gạt nước mắt lăn dài trên má. Ngày hôm sau, tôi chạy trốn khỏi trại mồ côi và leo lên tàu đêm đi Seoul.
Từ ngữ không sao tả được hết nỗi cơ cực mà tôi trải qua sau đó. Khi tới Seoul, tôi nhặt một cái lon rỗng và ăn xin một thời gian ngay trước ga Yongsan. Tôi cũng bỏ ra nhiều tháng đi theo lũ gangster. Rồi tôi chuyển từ việc này sang việc khác, từ bán kẹo cao su, đánh giày, nhặt rác, giao báo, vân vân, có khi còn bị đá, bị sỉ nhục, hay nhổ vào mặt. Tôi cố không để bị dòng lũ dữ của thế giới ấy cuốn phăng đi. Tôi sẽ không bao giờ đi vào chi tiết những đau đớn tôi trải qua từ thời điểm ấy trở đi, mặc dù, như người ta thường hay nói về chuyện đời mình, nó có thể đủ để lấp hết vài quyển sách.
Theo tháng năm, tôi bắt đầu làm quen với chuyện làm sao để chí ít cũng sinh tồn được trong cái thế giới kỳ lạ và khắc nghiệt này. Nhưng đôi lúc, khi bước trên phố xá ban đêm với cái bụng rỗng, tôi thấy cô đơn vô bờ bến và buồn bã trước thực tế dường ấy ánh đèn và vì sao lấp lánh trên bầu trời, sao chẳng có chút nào sưởi ấm cho tôi. Cách duy nhất để giải tỏa uất ức cô đơn và buồn rầu chính là dành dụm tiền.
Cứ như thể tiền bạc trao cho tôi giấy phép để sống trong cái thế giới mà tôi từ đầu đã bị ném vào như một bào tử vô danh vô phận. Thế là tôi dành dụm từng xu, hàng tháng trời trong quần áo rách rưới và ăn mì quán hoặc mì ăn liền, ba bữa một ngày, không bao giờ chi quá 300 won một tô. Số tiền dành dụm được cho vào ngân hàng và không bao giờ chạm tới. Tôi tự hào quá đỗi với số tiền ngày càng nhiều lên trong tài khoản. Cảm tưởng như đó vừa là bằng cớ tôi vẫn còn sống vừa bảo đảm tôi còn có thể tiếp tục sinh tồn giữa thế giới này. Khi nằm một mình trên giường về đêm, tôi cảm thấy thoải mái và can đảm quá chừng khi chạm vào sổ ngân hàng lận trong túi trong của mình, hết lần này tới lần khác.
Năm 28 tuổi, một cơ hội khác xảy đến với tôi. Khi đó tôi đang làm việc cho một quán ăn ở phố Toegye-ro, Seoul. Quán ăn có một quý ông lớn tuổi là khách thâm niên ngồi ở góc phòng tầng hai. Vì hàng ngày tôi dọn phòng ông hai lần và chạy việc giúp ông, chúng tôi bắt đầu trò chuyện và làm quen với nhau. Thoạt đầu tôi nghĩ lạ lùng làm sao một người nom rất bình thường như vậy lại sống một mình ở một quán ăn. Hóa ra, ông là một người Mỹ gốc Hàn hồi hương sau ba mươi năm sống tại Mỹ. Có lẽ điều này giải thích vì sao ông ấy nói bằng thứ tiếng Hàn khá dị và chỉ hút thuốc nhập.
“Xin lỗi…. Vì hút thuốc lá nhập,” ông hay nói vậy với tôi cùng một nụ cười mỗi khi lấy một điếu ra hút.
“Sau nửa đời người ở Mỹ, tôi vẫn thích đồ ăn Hàn, như sốt đậu hầm. Nhưng mà hễ động tới thuốc lá, tôi lại không thể đổi khẩu vị các hãng thuốc của Mỹ.”
Bất kể toàn bộ số tiền ông tích cóp từ đủ gian nan khốn khó tại Mỹ, người này nói ông bắt đầu chán chường cuộc sống và ngày càng mỏi mòn khi sống ở nước ngoài. Thế là ông về Seoul, bỏ lại gia đình và cơ ngơi kinh doanh ở Mỹ. Ông không thể cảm thấy thoải mái hơn khi sống ở đây, dù chỉ là một quán trọ. Có lẽ ông nhớ cảnh có người bầu bạn; ông thường mời tôi vào phòng ban đêm để trò chuyện.
Tôi kể lại câu chuyện đời khốn khổ của mình cho ông ta. Tôi có lẽ đã tìm thấy ở ông người cha tôi chưa hề biết, như tôi đã từng cảm thấy người mẹ ở người phụ nữ từng tới trại mồ côi nhiều năm trước. Số phận lại giở trò trắc trở với tôi, mà tôi chẳng hề hay biết. Một ngày kia, khi vào phòng ông một đêm nọ, ông ta dường như chộn rộn bất an về một điều gì đó. Ông không nói với tôi vì sao cho tới khi tôi nài ông hết mấy lượt.
“Từ khi bắt đầu sống ở Seoul, bác đã nhận ra cảm giác về lại nhà mới thoải mái làm sao. Bác có thể hiểu câu tới loài thú cũng về lại mái ấm trước khi chết. Thế là bác đã quyết định thu vén cuộc đời ở Mỹ và định cư tại quê hương mãi mãi.”
Đó là vì sao, ông nói, ông quyết định mở một cơ sở kinh doanh ở Hàn Quốc nhập khẩu những món ông từng kinh doanh khi ở Mỹ. Bán đắt như tôm tươi, ông nói thêm. Ông đã thuê một văn phòng, nhưng đang gặp khó khăn khi động đến tài khoản ngân hàng tại Mỹ vì chậm trễ thủ tục.
“Bác không hiểu vì sao chính quyền Hàn Quốc lại mất nhiều thời gian xử lý như vậy. Bác cần tiền để trả phần cọc ngày mai. Bác sẽ gặp khó nếu không kịp thanh toán, sẽ mất cả văn phòng lẫn tiền cọc. Bác đang cố gắng lập nghiệp ở Hàn Quốc. Bác không hiểu vì sao lại vướng phải cớ sự này từ đầu kia chứ.”
Mắt ông nhìn tôi, thậm chí còn trào lệ. Tôi thấy thương ông quá chừng. Thế là thu hết can đảm tôi hỏi ông mình có thể giúp được gì hay không.
“Cảm ơn cháu nhưng bác không muốn. Bác không cho là cháu giúp gì được. Vấn đề là tiền. Tôi chỉ không tính tới việc sẽ làm hỏng kế hoạch bắt đầu trở lại ngay tại quê hương. Ước gì Chúa không để chuyện đó xảy ra.”
Trong lúc người đàn ông vừa uống vừa sục sùi như đứa trẻ, tôi nhìn ông một hồi lâu. Đoạn tôi lấy quyển sổ ngân hàng từ túi trong ra và trao nó cho ông. Thảng thốt, ông nhìn tôi. “Cái gì đây?”
“Đây là toàn bộ gia tài của tôi. Không nhiều tiền lắm, nhưng tôi đã dành dụm nó từng chút một. Tôi cho ông mượn để trả chỗ cọc còn lại.”
Ông thiếu khoảng ba triệu won, hóa ra là vậy, gần bằng số tiền tôi dành dụm trong tài khoản ngân hàng. Sau khi nhìn vào quyển sổ, người đàn ông bất chợt nắm lấy tay tôi và nói, “Cảm ơn cậu. Cậu là cứu tinh của tôi. Tôi sẽ xem cậu như con trai mình suốt đời.”
Đó là cách quyển sổ ngân hàng rời bỏ tôi sau mười năm ròng gìn giữ. Ngày hôm sau, người đàn ông theo tôi tới ngân hàng để rút tiền, sau đó vào một tòa nhà cao ở Myeong-dong nơi ông ta cho biết đã thuê văn phòng ở đó. Sau khi ông ta vào trong để thanh toán, tôi chờ một mình ở ngoài. Tôi chờ và cứ chờ nhưng chẳng thấy ông ấy bước ra. Cuối cùng, tôi vào trong văn phòng, còn ông ta thì chẳng thấy đâu, vì đã tẩu thoát bằng cửa sau. Tôi nhìn quanh và nhận ra chẳng có căn phòng nào trong tòa nhà này đang cho thuê cả. Tôi nhận ra mình đã bị lừa sạch cả gia tài. 
Tôi đã quá tin tưởng gã ta. Có lẽ tôi ngu ngốc và ngờ nghệch trước cách vận hành của thế giới. Về sau tôi biết được rằng, gã là một tay lừa bịp chuyên nghiệp. Có rất nhiều kẻ ngu ngốc như tôi đã rơi vào bẫy của gã. Và chuyện gã là người Mỹ gốc Hàn cũng là một lời nói dối trắng trợn, dĩ nhiên. Gã chưa từng sang Mỹ, mà chỉ học cách bập bẹ một chút tiếng Anh khi làm phiên dịch cho lính Mỹ trong cuộc chiến liên Triều.
Dù vậy, gã ta lẽ ra chớ nên làm như vậy, đừng có cuỗm đoạt số tiền mà tôi đã lao tâm khổ tứ kiếm ra chứ. Từ ngày đó, tôi ám ảnh với ý nghĩ sẽ lùng cho bằng được gã ta. Tôi bắt đầu tìm kiếm mỗi quán trọ và cửa hiệu ở Seoul cùng lúc mang theo một giỏ đồ để bán, như hộp quẹt làm ở Mỹ, đồ cắt móng tay, khui chai, bút bi, những thứ tương tự. Nhưng tìm kiếm gã ta ở giữa một thành phố rộng lớn như thế này cũng như mò kim đáy bể.
Hai năm sau tôi tình cờ gặp lại gã ta một đêm nọ, trước cửa một quán bar. Tôi lúc đó đang băng qua một con phố nhộn nhịp đầy các quán bar và những kẻ say khướt, thì nhìn thấy một đám người tụ tập trước một quán.
“Con bà mày! Không có tiền thì đừng có léng phéng gọi nước, mày hiểu không? Chưa kể ba cái món nhắm đắt tiền nữa. Mày nhìn hoàn toàn bình thường, nhưng đúng là một thằng chả ra gì!” một nhân viên phục vụ quát vào một người trung niên, giằng mạnh hắn ta. Hắn ta chỉ lặp đi lặp lại, “Xin lỗi, xin lỗi” chữ dính vào răng. Bất giác cảm thấy một cảm giác kỳ lạ, tôi lại gần nhìn gã ta. Hẳn rồi, chính là y.
Tôi băng qua chỗ người để đứng đối diện gã. Gã nom xuề xòa hơn hẳn kể cả trong bộ suit và cà vạt thông thường. Gã nhìn tôi trống không và nói còn không nhận ra tôi là ai. Khiến tôi sôi máu. Ngay lập tức, tôi nắm cổ áo gã và quát, “Tao đã tìm ra mày rồi. Trả tiền lại cho tao. Liền lập tức!”
Vô nghĩa. Tôi chờ đợi điều gì? Tôi đã nhìn thấy nữ phục vụ nắm cổ và lôi gã đi. Rõ ràng là gã ta chẳng còn tí tiền nào, kể cả để trả tiền thức uống. Chĩa cặp mắt lờ mờ, láo liên sang tôi, gã lặp lại, “Xin lỗi, xin lỗi…” Trước những lời lẽ lẫn lộn kia, tôi cho thế là đã đủ lắm. Tôi lôi ra một con dao săn của Mỹ - con dao tôi tình cờ mang theo, cùng các món khác để bán - và lụi gã ta một cái. Một thoáng, tôi nghĩ mình sắp sửa giết chết gã rồi tự kết liễu mình.
Cú đâm kia chẳng giết gã, còn tôi bị cảnh sát bắt và cho vào tù, cũng chẳng lấy lại được tiền. Khi bị còng lần đầu tiên trong đời, tôi thấy thảm thiết. Kể từ lúc đặt chân tới Seoul là một đứa mồ côi không mái nhà, tôi đã cố gắng sống một cuộc đời tử tế, nhưng rốt cuộc tôi lại ở đâu? Tôi mất cái mong mỏi được sống rồi.
Họ mặc cho tôi một bộ đồng phục xanh khiến tôi thấy ớn lạnh, và tôi bị một cảnh vệ đẩy vào buồng giam. Khi cánh cửa thép đóng sầm sau lưng, một mùi ẩm thấp, mốc meo xộc vào mũi tôi. Tôi nhìn thấy cặp mắt nhìn trừng tôi trong bóng tối, long lên như mắt của thú đói mồi. Chân tôi bắt đầu run lẩy bẩy.
Rồi, thình lình, một giọng nói vang lên giữa những cặp mắt khát máu kia. “Chết tiệt thằng này rồi. Nhìn xem ai kìa! Cóc, mày phải không?”
Tôi thật sự không thể tin vào tai mình. Chỉ có duy nhất một kẻ trên thế gian này có thể gọi tôi bằng biệt danh đó, “Cóc”. Tôi ngẩng nhìn chủ nhân của giọng nói kia, một kẻ có làn da sẫm và mặc đồng phục xanh như tôi, tiến lại gần. Sau ngần ấy năm, và bất kể bộ đồng phục gớm ghiếc, tôi ngay lập tức nhận ra nó - Seong-man, kẻ đã cuỗm đi may mắn của tôi khi ở trại mồ côi.
Vậy là hai chúng tôi lại ở đây, bên cạnh nhau, 15 năm sau khi xa cách nhau ở trại mồ côi. Seong-man nói nó làm tài xế xe tải trước khi vào tù vì tông chết người.
Theo câu chuyện nó kể, cuộc đời nó sau trại mồ côi cũng khốn đốn như của tôi. Dù may mắn thay thế phận làm con nuôi của tôi, Seong-man hóa ra thấy nó giống một người hầu hơn, vì phải dốc sức vào nghề làm sắt của cha nuôi của nó ở ngoại ô Busan.
“Cứ như lão ta nuôi tao không phải làm con mà làm nô lệ vậy. Nhưng mày sẽ nghĩ nô lệ ít nhất còn được ăn uống, phải không? Thay vì cho tao thức ăn, lão ta đập tao suốt ngày vì cho là tao lười biếng… Trại mồ côi nếu đem so sánh chẳng khác gì thiên đường. Mày có hình dung nổi không?
“Còn người vợ? Bà ta có khó khăn với mày không?” Tôi hỏi, nhớ lại người phụ nữ trao cho tôi hơi ấm con người đầu tiên trong đời. “Ít ra bà ấy cũng tử tế. Bà ấy là lý do duy nhất tao cố gắng ở lại đó đủ ngót hai năm. Nhưng rốt cuộc tao cũng bỏ trốn sau khi bà chết vì một cơn bệnh hung hiểm nào đó.” Rõ ràng, Seong-man cũng bất hạnh hệt như tôi. Sau khi rời nhà bố mẹ nuôi, nó cũng khổ cực, như tôi, để sinh tồn ở dưới đáy xã hội trước khi vào tù. Dù sao đi nữa, cuộc sống của hai thằng chúng tôi trong tù thế là bắt đầu. Hai đứa “bạn mồ côi” nay thành “bạn tù”. May cho tôi, cuộc sống của tôi trong tù dễ dàng hơn của Seong-man một chút, vì nó vào trước tôi. Nó cũng cố gắng động viên và thúc tôi mến yêu lại cuộc sống, bằng cách nói, “Nè, mày đừng tưởng tao với mày sẽ ở đây mãn kiếp. Một ngày nào đó, tới thời, tụi mình sẽ có cơ may giàu có và xoay chuyển cuộc sống thôi mà.”
Seong-man lúc nào cũng mong được sớm làm giàu. Chán ngán với cuộc sống dưới đáy sông, nó mơ được tự do. Nhưng tôi không mơ như nó được. Tôi không cho phép mình thậm chí là mơ rằng vận hội rồi sẽ tới với mình.
Tôi biết quá rõ là số mình chẳng bao giờ may mắn. Nhưng, công bằng mà nó, cuộc sống qua hết thất bại này tới thất bại khác của tôi cũng chẳng phải lúc nào cũng tệ. Cuộc sống ấy cũng có những nốt thăng, chẳng hạn hôn nhân. Tôi nên xem mình may mắn vì đã gặp được vợ.
Cô không phải kiểu phụ nữ quyến rũ theo bất kỳ tiêu chí nào, nhưng tôi trân trọng cô vì chọn làm vợ tôi. Trước khi vào tù, tôi đã thuê một căn phòng 20.000 won hàng tháng trong một ngôi nhà trên đỉnh đồi Changshin-dong. Người mà tôi cưới tình cờ sống ở căn phòng sát cạnh phòng tôi. Cô làm nữ tiếp viên quán bar, chỉ ra ngoài ban đêm. Do đó tôi hầu như chẳng có dịp gặp cô, huống hồ là nói chuyện. Một ngày kia, tôi thấy cô chuẩn bị bữa tối, xoài người xuống trước phòng. Một mùi thơm nức chào đón tôi, làm tôi nhớ tới một cái mùi tôi từng ngửi thấy bốc ra từ một căn nhà mười năm trước khi tôi mới tới Seoul. Nhiều ngày trời tôi chẳng ăn uống gì và đang ở trước ga Yongsan chẳng biết đi đâu về đâu. Cái mùi hương khôn cưỡng ấy, làm tôi nhớ lại những cơn đói khát trong dạ dày trống không, khắc tạc vào ký ức tôi.
“Xin lỗi… Mùi đó là mùi gì vậy?” Tôi hỏi cô.
Cô nhướn mắt, rưng rưng nước vì khói bốc lên từ bếp dầu cũ kỹ, và nhìn tôi rồi hẵng trả lời, “Đây là mùi... sốt chao”
“Là mùi gì?” “Anh không biết à?” “Tôi chưa từng ăn món này.” Cô có vẻ không tin. Khi tôi kể lại lần tôi từng ngửi thấy mùi ấy, cô khẽ nhìn tôi bằng một cái nhìn thảng thốt chẳng cười cợt cũng chẳng bỉ bai gì. Ngày hôm đó, tôi ăn món ăn đó lần đầu tiên trong đời, nhờ cô ấy. Từ ngày đó trở đi, cô bắt đầu nấu ăn và đưa cho tôi một tô sốt chao hết lần này tới lần khác. Nhưng tôi chưa có dịp nói chuyện đàng hoàng với cô vì ngay khi đưa cho tôi tô sốt cô bỏ đi chẳng nói tiếng nào.
Khi tôi bị bắt, tôi chẳng thể nào gặp cô, thì làm sao mà ăn món kia được. Chừng một tháng sau khi vào tù, một cảnh vệ tới thông báo tôi có khách thăm. Đầu tiên, tôi không tin. Ý là, ai mà đi thăm một kẻ như tôi chứ? Tôi chắc chắn đó là sai sót gì đó, cho tới khi tôi vào phòng khách, trong sự ngạc nhiên, thì thấy cô đang chờ tôi.
“Tôi mang một ít sốt chao cho anh, anh Kim ạ. Nhưng họ nói không được đem đồ ăn vào. Nên tôi không biết phải làm sao,” cô nói, bằng cùng cái vẻ mặt chẳng cười cợt cũng chẳng bỉ bai.
Hai chúng tôi kết hôn chỉ 15 ngày sau khi tôi được thả. Chúng tôi chẳng có lễ cưới chỉn chu nào cả. Chỉ là dọn vào góp gạo thổi cơm chung. Khi tôi bắt đầu cái mà bọn họ gọi là gia đình, dẫu trong một căn phòng khiêm tốn chỉ tốn 50.000 won mỗi tháng, tôi thấy sự can đảm để bắt đầu một cuộc sống mới và tiếp tục. Nhưng kiếm việc chẳng hề đơn giản với một đứa mồ côi như tôi, vốn chẳng thiết thân ai, cũng chẳng có giáo dục, tiền bạc, và nhất là sau khi mới ra tù. Tôi tìm khắp nơi để có một công việc cho tới khi cuối cùng có được một chân lao công ở một tòa nhà. Đó là một vị trí tạm thời cho những công việc tay chân, như chùi toilet, nhưng tôi vẫn làm việc chăm chỉ chẳng chút phàn nàn.
Tôi quyết định sẽ sống theo đúng câu nói của cổ nhân, “Đừng cố quá kẻo thành quá cố,” nhắc nhở mình rằng một kẻ bạc phước như tôi nên biết ơn và hài lòng với những ít ỏi nhận về. Nhưng cuộc đời tôi từ đây trở đi vẫn ngập trong chuỗi những thất bại và bất hạnh đủ đường. Tôi thấy mình giống một mẩu bánh mì phết bơ lúc nào cũng bị rơi xuống đất đúng cái mặt có bơ. Có nhiều lần tôi nhận được một đề nghị đi làm và vào phút chót lại bị hủy. Vợ tôi sẩy thai ở tháng thứ năm. Ở căn hầm chúng tôi sống, lúc nào phòng của chúng tôi chứ chẳng phải phòng bên cạnh gặp phải rò khí hay hỏng hệ thống sưởi dưới sàn. Tôi có thể ê a mải miết về những trường hợp như thế. Khi đi mua sắm, rốt cuộc tôi vớt phải đồ hỏng. Khi đi làm, tôi tới trạm xe vừa lúc xe chạy đi.
Ngày kia, vợ tôi mách tôi nên đi coi thầy - một thầy bói mù ở khu đèn đỏ Miari, tương truyền có khả năng “nhìn thấy” quá khứ và tương lai. Tôi không trách vợ tôi vì đã nghĩ ra ý này vì bất kỳ người phụ nữ nào sống chung với một kẻ bị đọa xui xẻo như tôi đều sẽ nghĩ như vậy.
“Anh nghe người mù đoán vận cho người khác, nhưng chưa bao giờ biết một thầy bói mù lại có thể đọc chỉ tay. Làm sao đọc được khi ông ta còn không thể nhìn thấy?”
“Đúng vậy. Bởi vậy ổng mới giỏi. Anh còn nhớ chủ tịch khu phố không? Bà ta bệnh suốt, anh biết rồi đó. Bả muốn biết tại sao như vậy nên đã tìm tới thầy, ổng phán ngay lập tức và đúng boong là, ‘Hồi trước bà đã bạo hành mẹ vợ bệnh tật, đúng không nào?’”
Vợ tôi lại tiếp tục nói thêm chắc chắn phải có một lý do bí ẩn nào đó giải thích vì sao tôi cứ bạc vận và đụng đâu hỏng đó như vậy. Có lẽ do tổ tiên của tôi đã bị chôn sai chốn hay có một vong hồn vất vưởng nào đó muốn tìm lại công lý cho những người gây ra cái chết của mình. Bất luận là gì, ta cần phải phát hiện và giải quyết, nếu không chuyện sẽ chẳng bao giờ suôn sẻ với tôi cả. Tức là, nếu không thông cầu, thì dội nước cũng bằng thừa.
“Vớ vẩn hết sức. Rặt là mê tín. Anh còn không biết ba mẹ là ai, huống gì là tổ tiên. Biết coi chỗ chôn cất họ có ra làm sao để làm gì chứ?” Tôi nói với vợ, nhưng rốt cuộc cô ấy cũng thuyết phục tôi đi gặp ông thầy bói mù đó.
Xe buýt đưa chúng tôi tới một quận đầy ắp những cửa hiệu bói toán có bảng ghi, “Thầy bói Xử nữ,” “Coi bói Kim thông,” “Coi bói mu rùa,” hay “Văn phòng Thầy bói.” Thấy cái cảnh tượng bói toán khấm khá trong một thế giới tự cho đã vào thời đại điện tử hay không gian quả thật lạ kỳ. Chúng tôi lần theo bản đồ của vợ tôi đi vào một ngôi nhà có một lão mù trong trang phục kỳ dị, ra dáng dấp một đạo sư.
“Đưa tay cho ta,” ông ta ra lệnh, chẳng buồn lịch sự chi cả. Tôi lặng lẽ làm theo, cảm thấy kỳ cục trước chuyện chờ một người mù “nhìn thấy” tương lai của một người sáng mắt. Dù sao đi nữa, lão thầy bói mù mất một lúc lâu mới dọ hết vân bàn tay tôi, rồi phán, “Cậu đã trải qua một cuộc đời khốn khó. Vạn sự chẳng hanh thông gì.” Tôi rất ngạc nhiên.
“Nhưng đừng lo. À… một con phụng ngồi trên trứng, tức là một mùi hương ngọt ngào sẽ bao lấy thế giới của cậu.”
“Nghĩa là sao?” vợ tôi chồm khỏi ghế để hỏi lão.
“Nghĩa là chồng chị sẽ trở thành người rất giàu có nhờ có cha mẹ giàu có.”
Quái đản. Cha mẹ giàu làm tôi giàu? Tôi là con nuôi, bà mẹ nó chứ! Tôi sắp bỏ đi một nước sau khi buộc miệng chửi cái gã tầm phào kia. Nhưng vợ tôi lại nghĩ khác. Mắt cô ấy bất chợt sáng rực lên, cô xin ông thầy nói tiếp, thậm chí còn trao cho ông thêm tiền. Phụ nữ thường dễ bị cuốn vào những chuyện quái đản ly kỳ. Run người qua lại, trợn ngược mắt, lão thầy bói nói rằng tôi sẽ thừa kế một gia tài từ cha mẹ. Quá thể lắm rồi. Tôi cuối cùng cũng bật lại, “Này ông nội, tôi oải chè đậu với chuyện tào lao của ông rồi đó. Ông muốn tôi tin ông hả? Thừa kế hả? Thừa kế cho một đứa mồ côi sao? Ông giỡn chơi chắc? Nếu ông không chịu trách nhiệm những gì nói ra, ít nhất cũng nói sao cho nó thuyết phục chớ.” Rồi tôi quay sang nói với vợ, “Đi thôi,” xốc tay cô đi. Cô lưỡng lự theo tôi ra ngoài, nhưng như vẫn còn muốn tin cái tay thầy bói xỏ lá kia. “Cưng ơi, anh chẳng biết đâu. Nhỡ đâu cha mẹ ruột của anh xuất hiện với rất nhiều tiền thì sao?”
“Em có bớt nhảm dùm anh được không? Anh chịu hết nổi rồi.”
“Anh đừng nổi đóa với em. Em chỉ nói là anh cũng đâu có biết. Em mơ không được sao?”
Nhưng đoán thử xem chuyện gì xảy ra? Chẳng bao lâu sau, giấc mơ điên khùng của vợ tôi thành hiện thực! Khó ngờ, có phải không? Trước khi tiếp tục kể, cho tôi hít một hơi thật sâu nhé. Chỉ nhớ lại cái tôi ngỡ là một ký ức vẫn còn khiến tim tôi bừng lên háo hức.
Khi ấy là chừng ba năm sau khi kết hôn, vào quãng thời gian hiện tượng  “Tìm lại người thân” đang rải khắp đất nước. Mọi chuyện bắt đầu bằng một cuộc gọi từ Seong-man. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc kể từ khi ra tù.
“Ê, Heung-nam, tụi mình gặp liền đi. Có chuyện. Rất quan trọng. Chuyện là gì, gặp đi rồi tao kể,” Seong-man cực kỳ háo hức báo tin.
Vì tò mò, và cũng là dịp để gặp nhau sau một thời gian dài, tôi đồng ý đi gặp Seong-man ở một quán nước. Khi tới nơi đúng giờ hẹn, mọi người đang bu đông bu đỏ quanh truyền hình xem chương trình “Tìm lại người thân”, còn Seong-man đang ngồi một mình ở một góc khuất, vẫy tay gọi tôi.
“Có chuyện gì nào? Tao nghĩ cứ như vừa vô rạp phim vậy,” tôi bình luận một cách mỉa mai, vừa ngồi xuống. Quả thực, khách khứa đầy ắp trong quán tất thảy đều ngoảnh đầu về chiếc TV lớn trên tường, mắt đỏ ngầu, cứ như đang xem phim ngoài rạp. Tôi để ý thấy những người giàu lòng trắc ẩn đang lấy khăn mùi xoa ra sẵn, chuẩn bị bật khóc. Vào thời gian đó, như bạn có thể cũng còn nhớ, cái chương trình buôn nước mắt người xem cứ lên sóng ngày lẫn đêm, hàng giờ liền mỗi bận, còn các bộ phim truyền hình và thể thao đều hủy hết sạch.
“Phim ảnh cũng chả có cửa so sánh với cái thứ mà chúng ta đang coi. Đó là bi kịch và chấn thương không một quốc gia nào khác từng trải qua.”
Tôi nhìn thằng bạn, ngạc nhiên khi nghe nó thốt ra những điều như vậy. “Bi kịch á? Quốc gia á? Chà, tao chả bao giờ nghĩ sẽ nghe mấy chữ đó từ mày. Làm tao phải coi lại về mày mất.”
Seong-man đáp lại câu mỉa mai của tôi bằng một cái nhìn nghiêm trọng rất khác với phong cách hàng ngày của nó. “Mày đang nói cái gì vậy? Bộ mày nghĩ tao thờ ơ bàng quan chắc? Tao cũng là người Hàn. Tao nên cảm thông với dân tộc của tao vì nỗi đau của họ.”
Chợt nó chồm về phía tôi và hỏi, giọng thầm thì, “Tiện đây, vết sẹo cũ trên chân của mày, vẫn còn ở đó chứ?”
Giờ thì nó càng làm tôi bối rối hơn. “Mày đang nói cái khỉ mốc gì vậy? “Tôi hỏi nó. “Tao nói về cái vết sẹo cỡ một đồng xu trên chân trái hay chân phải gì đó của mày. Nó còn ở đó không?” “Chắc chắn còn rồi. Bộ tao có thể tháo bỏ nó đi như con tem hay gì sao.”
“Được. Vậy là nó vẫn còn ở đó, ngon lành và an toàn.”
Chắc hẳn phải có gì đó hay ho về vết sẹo trên chân một ai khác vì Seong-man bật ra một nụ cười chiến thắng, và nói, bằng giọng bất chợt trầm đi, “Nếu mọi thứ suôn sẻ, đời tụi mình sắp đổi rồi.”
Lại nữa. Tôi chau mày, uống chỗ trà nóng được bưng ra. Đây chính là cái câu nói cũ kỹ của nó mà tôi phát chán khi cứ phải nghe kể từ lần hai thằng gặp lại nhau ở nhà tù Seodaemun ba năm trước: Nếu mọi thứ suôn sẻ, đời tụi mình sắp đổi rồi… Khỏi phải nói, mọi thứ chả bao giờ suôn sẻ, cuộc đời cũng chả đổi gì. Nếu như nó nói, tôi đã chả phải làm lao công chùi cầu còn nó đi làm tài xế lái xe kẻ khác.
“Mày nhìn đi. Quả là một màn buôn nước mắt!” Seong-man tiếp tục nói, hướng mắt về màn hình TV trong lúc một số thành viên gia đình, đoàn tụ sau 30 năm, đang khóc mướt trong tay nhau, cứ lặp đi lặp lại “Đúng thế”. Còn khuôn mặt Seong-man thì bắt đầu đỏ ửng sung sướng hơn là rưng nước mắt. Chỉ lúc đó tôi mới nhận ra chắc hẳn thằng đó nghiêm túc với cái nó vừa nói ra, sử dụng những từ không trong vốn từ vựng của nó, về chuyện sẻ chia bi kịch của đất nước.
“Mày nhớ sếp tao chứ, cái ông già tao đã kể mày hàng triệu lần á. Một lão hà tiện kiết xác,” Seong-man cuối cùng cũng đi vào vấn đề. Sếp của nó - chủ nhân chiếc xe nó chạy - là một lão già gần 70, một trong những người từ Bắc Triều vượt qua vĩ tuyến 38 để xuống miền Nam ngay sau Giải phóng. Lão già đã tích cóp kham khó để tạo dựng một gia tài hàng tỉ won, nhưng lại cực kỳ keo kiệt, tới từng cốc cà phê. Đây là câu chuyện mà tôi đã phát nản khi phải nghe từ Seong-man. Rõ ràng, ông già là một tay cho vay nặng lãi đi thu tiền cho thuê từ các tòa nhà lão ta sở hữu đâu đó ở Jong-no. Seong-man càm ràm về thói bủn xỉn của sếp nó, không chỉ trong khoản tăng lương mà còn ở cái phụ cấp thức ăn trong giờ nghỉ. Số tiền đó chả đời nào vượt qua - thậm chí còn dưới 100 won - giá một tô mì đậu đen.
“Tao nói cho mày biết. Đúng phóc số tiền để mua một tô mì đậu đen, thậm chí chưa mua được phần đúp. Lão ta tệ hại hơn bất kỳ tay bủn xỉn nào tao từng nghe tới,” Seong-man lại càu nhàu. Dù vậy, nó vẫn làm việc cho cái tay vắt cổ chày ra nước này suốt nhiều năm, một điều tôi thấy lạ, biết rằng thằng này lúc nào cũng mơ sẽ chóng giàu.
“Mày chả hiểu đâu. Tao, Jang Seong-man, có ý tưởng,” nó nói vậy với tôi trong lần tôi hỏi tại sao nó cứ vẫn làm việc cho lão keo kiệt kia thay vì tìm một công việc tử tế hơn.
“Sếp tao chẳng có bà con họ hàng, vợ con càng không. Ba mẹ anh em lão đều ở miền Bắc, nhưng lão không biết họ sống chết ra sao. Sau khi xuống miền Nam, lão gặp và cưới một người phụ nữ. Nhưng lúc chạy trận, vợ lão cũng qua đời và đứa con duy nhất của cả hai, chừng năm tuổi, đã mất tích. Nghĩa là nếu sếp tao chết hôm nay, sẽ chẳng còn ai dọn mâm cho hồn ma của lão. Sau khi vợ chết, lão gặp và sống với một phụ nữ khác một thời gian. Bà không thể chịu nổi lão già bẩn tính và dọn đồ bỏ trốn. Từ đó, tao không nghĩ là lão ta còn mơ tưởng chuyện cưới hỏi nào nữa. Vậy là mày có thể hiểu tại sao tao vẫn còn với lão họ Tiện đó, phải chịu đựng lời thóa mạ của lão. Tao, Jang Seong-man, không có làm vậy khơi khơi. Tao hy vọng nếu mọi chuyện suôn sẻ, có thể nó sẽ đổi đời tao mãi mãi. Nghĩ mà coi. Dù mày có bao nhiêu tiền đi chăng nữa, chết thì chả thể mang theo.”
Nói chung, Seong-man đang nuôi mộng sếp của nó có thể quyết định cho nó một phần nhỏ nhoi nào đó của cải trước khi qua đời. Nói chính xác, Seong-man đang chờ sung rụng. Dù cố gắng thật nhiều nhưng chả thể lấy được lòng lão sếp, kẻ quá hiểu tâm can của nó hay, theo lời nó nói, “có lương tâm chó gặm”, Seong-man đã và vẫn càu nhàu nó vô vọng tới dường nào vì sung chờ hoài chả thấy chín, huống hồ rụng xuống. Lúc này, rõ ràng là nó đã nảy ra một ý tuyệt cú dính dáng tới vết sẹo của tôi. Tôi khá ngạc nhiên muốn biết nó là gì.
“Biết gì không. Sếp tao tối xuống chả ngủ được mấy ngày nay vì cái thứ Tìm lại người thân kia,” Seong-man tiếp tục, mắt sáng rỡ. “Mỗi tối, lão ta sướt mướt coi TV với một ly soju trước mặt. Ai mà biết cái thằng cha sỏi đá như vậy cũng tình cảm gớm chứ?”
“Nhưng ăn nhậu gì với vết sẹo trên chân tao?”
“Tao đang nói tới đó đây. Như tao kể với mày, vợ lão chết còn con trai duy nhất bị mất tích trong chiến tranh. Sếp tao nghĩ là con trai lão đã chết, nhưng tao nghĩ hình như lão bắt đầu nghĩ khác, liên quan tới ba cái lăng ba nhăng mấy bữa nay về thành viên gia đình đoàn tụ trên truyền hình. Lỡ đâu con của lão còn sống và xuất hiện thì sao? Đời con của lão ta sẽ thay đổi ngay tức khắc vì nó sẽ thừa kế hàng tỉ won.”
“Thì sao? Mày háo hức chuyện gì? Sung sắp rụng vô miệng ai đó chứ chả tới miệng mày.”
“Nghe tao nói. Tao đang nói tới mày, Heung-nam ạ, làm con trai sếp tao. Mày nghĩ sao về chuyện này?” Seong-man nói, hạ giọng thấp hơn nữa, thận trọng nhìn quanh.
Choáng váng, tôi nhìn nó như ngây dại, miệng há hốc.
“Chắc chắn là ổng không nhớ gì mấy về thằng con trai năm tuổi. Nhưng ổng kể với tao tối qua là con trai ổng có một vết sẹo ở gốc chân trái. Ngay lập tức, tao nghĩ á đù, một thời điểm eureka! Tao nhớ tao từng nhìn thấy vết sẹo trên chân mày hồi xưa. Và tao nghĩ, “Nếu đây chả phải cơ hội trên trời rơi xuống, thì tao cũng chả biết cái gì mới là cơ hội.”
“Khoan. Làm sao mà tao thành con của lão khi tên tao là Kim Heung-nam? Đó đâu phải tên con trai ổng?”
“Ê, động não một chút được chứ? Nếu muốn thành công, mày phải xài cái đầu,” Seong-man bật lại, bực tức, trỏ ngón tay vào đầu nó. “Nói với lão là tên mày bị trại mồ côi đổi. Chấp nhận đi. Mày là trẻ mồ côi. Có ai nữa để đối chất với mày đâu?”
“Nghiêm túc?”
“Mày nghĩ gì? Kèo này thơm hơn kèo lao công. Kể cả khi mọi thứ không suôn sẻ như dự định, tụi mình cũng chả có gì để mất. Chả ai kiện tụi mình gian trá vụ này hết.”
“Tức là mày đang đề nghị tao kiếm tiền bằng vết sẹo trên chân trái của tao. Tao có một vết sẹo khác, còn lớn hơn trên mông. Sao mày không lợi dụng tới cái sẹo đó luôn thể?”
“Suỵt! Người ta nghe thấy bây giờ. Nói nhỏ lại,” Seong-man hối hả, giả vờ đưa tay vào miệng. “Nghe đây. Tao biết đây là ý tưởng điên khùng. Nhưng tao vã quá rồi. Thiệt sự là khẩn cấp luôn. Sếp tao mới có vợ.”
“Vợ á? Ý mày là thằng cha sếp 70 tuổi keo bủn của mày vừa cưới nữa?”
“Nghe tao giải thích đây. Sếp tao lúc nào cũng có vấn đề về tim. Vậy là vài năm trước, lão thuê một y tá - một góa phụ kiêm phục vụ. Bả ta cư xử như một người vợ, ở với ổng ngày đêm và thậm chí còn bắt đầu đi thu tiền hay thu lãi về dùm ổng. Lúc nào tao cũng biết ả chả phải tay thường và tao còn nghi là ả đang thao túng ổng như con rối, nhưng lão chả hề hay biết, chỉ vài ngày trước, chính ả ta đã đưa tên mình lên giấy đăng ký làm vợ lão. Tao tự hỏi ả ta đã nói cái gì để lão chịu cho ả làm vậy. Giờ đây trên giấy tờ cả hai đã kết hôn! Cứ như câu của cổ nhân, nuôi quân ba năm dụng quân một giờ. Tất cả công sức của tao mấy năm qua sắp thành công cốc. Coi có bực bội, có bất công không!”
“Rồi, tao hiểu mày đang nói gì rồi. Giờ bà vợ mới kia từ đâu xuất hiện, chả có lý do gì tụi mình không tạo ra thêm một đứa con từ đâu xuất hiện, đúng không?”
“Tao nghiêm túc. Nếu mày nghĩ là tao đang nói xằng, hãy nhìn cái trên TV coi kìa. Cuộc sống từ đầu đã xằng rồi. Tụi mình chỉ là những sinh linh thảm thương trên cõi đời, phải không? Chưa hết, sếp tao chẳng bao lâu nữa cũng sẽ chết. Lúc đó mày nghĩ toàn bộ gia tài của lão sẽ đi đâu? Cho con hồ ly kia! Tại sao không phải tụi mình? Giành phần như vậy có gì sai trái chớ?”
Tôi cạn lời, choáng ngợp không chỉ bởi lời đề nghị lố bịch của nó mà còn bởi những cảm giác bức bối, không thể tả thành lời chừng như của căm tức hay buồn bã đóng xuống ngực tôi như một tảng đá.
Kỳ thực, vợ tôi đã nhiều lần gợi ý tôi nên xuất hiện trên chương trình truyền hình kia để tìm kiếm cha mẹ thất lạc. Tuy nhiên, tôi không có ý định đó. Nhìn cảnh đoàn tụ của cha mẹ và anh chị em thất lạc trên TV càng khiến tôi thêm điên tiết.
Bất kể chiến tranh có xào xáo ra sao đi nữa, chẳng ai nên bỏ rơi con cái của họ. Nếu một cuộc đoàn tụ có thể quan trọng, gây xúc động dường ấy, tại sao ba mươi năm qua họ chẳng làm gì? Sự tồn vong của mọi người đều bị đe dọa trong chiến tranh, nhưng nhẽ ra họ cũng phải quan tâm tới cha mẹ hay anh chị em mình như quan tâm tới chính họ. Nếu được như vậy, chắc chắn sẽ không có quá nhiều gia đình ly tán như hiện tại. Đó chỉ là cách nghĩ của tôi. Đó là lý do vì sao tôi không thấy chút thoải mái nào khi nhìn các thành viên gia đình ly tán òa khóc ngay lúc đoàn tụ. Tôi chẳng hiểu nổi vì sao họ vẫn còn cảm xúc và nước mắt cho các thành viên mất tích sau hơn ba thập kỷ xa cách, hoàn toàn tách lìa khỏi nhau. Họ cứ ào vào vòng tay của nhau ngay khi được “khẳng định” là gia đình bởi một thứ bằng chứng mơ hồ chẳng hạn như một vết sẹo. Ý tôi là, tôi cá có rất nhiều người có vết sẹo. Thế là tôi né không thèm coi cái chương trình đó và cãi nhau với vợ tôi suốt trong lúc cô ấy dán mắt vào TV cả ngày lẫn đêm mà coi trong nước mắt.
Hình như vợ tôi không hiểu nổi tôi. Kỳ thực, tôi cũng chẳng hiểu chính mình. Có lẽ sự phản kháng của tôi đến từ ý nghĩ cho rằng vận may như thế sẽ chẳng bao giờ tìm tới mình. Tôi tìm thấy cha mẹ hay anh chị em thế nào đây khi tôi còn không chắc tên lẫn tuổi của mình?
Sáng sớm hôm sau, tôi rời khỏi nhà để đi tới đài phát thanh ở Yeouido. Suy cho cùng, tôi đã đồng ý làm theo những chỉ dẫn lố bịch của Seong-man nên phải theo lao. Tới ngày nay, tôi vẫn không biết được cái gì đã ám lấy tôi. Có lẽ, chính tôi cũng neo chứa một giấc mộng làm giàu nhanh chóng. Hoặc, tôi muốn lặng lẽ cười lớn trước cái mớ lằng nhằng xoay quanh chuyện các gia đình ly tán đoàn viên. Dù gì thì gì, rốt cuộc tôi cũng cáo bệnh và chẳng nói tiếng nào với vợ tôi. Họ có thể sẽ nhìn thấy tôi trên TV sau này, nhưng tôi quyết khi nào chuyện đó tới hẵng hay.
Tôi cầm một tấm bảng, chữ in hoa, như sau:
CON TRAI TÌM CHA MẸ. KHÔNG BIẾT HỌ TÊN. RẤT CÓ THỂ ĐÃ THẤT LẠC TRONG LÚC CHẠY NẠN CHIẾN TRANH LIÊN TRIỀU. TÊN: KIM KWANG-IL, TUỔI: 37 (?) LƯU Ý: CÓ SẸO TRÊN GỐC CHÂN TRÁI.
Seong-man bắt tôi phải làm theo. Theo diễn tiến sự tình, tôi trạc tuổi đứa con ruột tên là Kim Kwang-il. Theo kế hoạch của Seong-man, tôi sẽ lên chương trình tay cầm tấm bảng và nó sẽ bảo đảm làm sao cho lão sếp ngồi trước TV sẵn sàng coi.
Khi tới quảng trường Yeouido, đợi trong một hàng bất tận để tới lượt mình, phải nghe nhiều câu chuyện về các gia đình ly tán với những tiếng thở dài và nước mắt, tôi bắt đầu cảm thấy chòng chành về tấm bảng của mình.
Một mặt, tôi ước sao nó nói sự thật. Mặt khác, tôi càng lúc càng thấy tội lỗi, phải đấu tranh với thúc ép muốn xóa quách đi cái tên Kim Kwang-il kia và viết bằng chữ in tên thật Kim Heung-nam của tôi. Sau nhiều giờ chờ đợi, tôi suýt nữa đã ngồi bệt xuống và sắp chừng viết lại tên, cũng là lúc số của tôi được gọi. Thế là rốt cuộc tôi phải vờ mình là Kim Kwang-il đang đi tìm cha.
Ngạc nhiên thay, sau lần xuất hiện trên TV, tôi thấy tim mình phi nhanh và miệng khô khốc, cứ như tôi đợi được nghe từ chính người cha ruột mà tôi không bao giờ biết. Hôm sau, tôi nhận cuộc gọi từ Seong-man, nó nói, “Xin chào? Có phải nhà họ Kim không? Vui lòng cho tôi gặp ông Kim Kwang-il?”
Lúc đầu tôi cho là nó giỡn. “Kim Kwang-il á? Là mày mà, Seong-man.”
Quăng lơ tôi, Seong-man tiếp tục, “Ồ, có phải ông Kim Kwang-il không? Là người vừa xuất hiện trên truyền hình? Có người muốn nói chuyện với ông. Vui lòng chờ máy, để tôi nối máy với ông ta.”
Chẳng mấy chốc, tôi nhận ra nó đang diễn chuyện gì.
“Tôi… tôi gọi để hỏi về tấm bảng của cậu trên TV…” một giọng Bắc Hàn thận trọng nhưng the thé ở đầu dây bên kia. “Có phải cậu tên thật là Kim Kwang-il không?”
“Đúng vậy, thưa ngài. Tôi là Kim Kwang-il,” tôi nói láo, cảm thấy ngạc nhiên khi lời lẽ bật ra thật trơn tru.
“Vậy cậu có cùng tên với con trai tôi… Còn vết sẹo ở gốc chân trái? Cậu chắc về nó chứ?”
“Đương nhiên. Tại sao tôi lại nói dối chuyện như vậy chứ?” “Cậu còn nhớ gì khác nữa?” “Không còn gì mấy nữa… Tôi còn nhỏ lắm…” Ông im lặng một hồi, có vẻ như đang cân nhắc đắn đo có nên hỏi thêm hay không, trước khi nói, “Chúng ta gặp nhau có được không?” “Ở đâu ạ? Trên đài?” “Không, vậy dở lắm. Tôi muốn tự kiểm chứng trước, nhưng không muốn đứng trước ống kính máy quay. Cậu tới gặp tôi được chứ? Tôi sẽ đưa xe tới đón cậu.” Tôi cũng chuộng cách sắp đặt như vậy và đồng ý gặp ông ở nơi ông đang sống. Tài xế của ông đến đón tôi, dĩ nhiên, chính là Seong-man, mặt mũi háo hức thấy rõ. “Nè mày không có quen tao, okay? Toàn thể kế hoạch này tùy thuộc vô khả năng diễn xuất của mày đó. Hãy khóc cật lực vào tay lão như bọn họ làm trên TV,” Seong-man hăm hở mách với tôi, đang lúc lái tôi trên chiếc xe của sếp nó. Nhưng tôi không rõ có diễn đạt hay không. Tôi sợ một kế hoạch lố bịch dường này chẳng mấy chốc cũng thất bại. Đồng thời, tôi lại thấy cương quyết theo tới cùng, một cách lạ thường. “Hãy coi chừng ả đàn bà mà tao kể với mày. Bả phiền phức lắm. Tham lam như heo, ranh ma như cáo. Tao thường gọi bả là bà Oh, cho tới khi ả hăm dọa sẽ giết tao chết nếu cứ gọi là Bà Oh. Con mụ chả phải dạng vừa, tao nói cho mày biết.”
Seong-man dắt tôi vào một tòa nhà bốn tầng âm u có một nhà hàng Tàu, một quán nước, một hội quán cờ vây, vân vân, được chỉ bằng các tấm bảng chỉ đường mắc lộn xộn bên ngoài. Tọa lạc ở một con hẻm ở Jong-no ngay giữa lòng Seoul, tòa nhà được cho là được giá hơn dáng vẻ bên ngoài rất nhiều. Theo Seong-man, sếp của nó sở hữu nhiều tòa khác giống như vậy. Mắc mỏ hay không chả biết, tòa nhà vẫn rệu rã, thang gỗ kẽo kẹt, và tối mò như một cái hang ngay giữa ban ngày. Tôi đi theo nó lên các dải thang hẹp tới một không gian ở tầng trên cùng chia thành nhiều phòng, cách biệt chỉ bằng ván ép. Căn phòng trong góc, xuề xòa như một nhà kho, dường như là văn phòng và nhà ở cho chủ nhân tòa nhà, sếp của Seong-man.
Khi hai chúng tôi đứng ở cửa, Seong-man nhắc tôi lần nữa, hạ giọng, “Đừng quên chuyện tên mày là Kim Kwang-il, không phải Kim Heung-nam. Tao nhắc lại, mày là Kim Kwang-il, okay?”
Tôi bật cười, ngạc nhiên trước cặp mắt lo lắng và thái độ nghiêm túc của nó.
“Nè, không phải chuyện giỡn chơi đâu. Đời tao với mày tùy thuộc vào chuyện này. Nghiêm túc và tập trung lên. Nhớ là tất cả hy vọng của tụi mình đều đặt lên mày,” nó nhắc tôi thêm một lần nữa, vừa lúc gõ lên cửa. Cửa mở vào một văn phòng trống trơn, tồi tàn chẳng rộng hơn bảy mét vuông với một cửa sổ nhỏ, bám bịu quay ra đường, một chiếc bàn làm việc, một tủ quần áo bằng thép, một chiếc sofa bằng da bẩn thỉu, và một tấm bảng đen nhỏ treo trên tường. Còn một cánh cửa khác, lồi lõm có vẻ dẫn sang chỗ sinh sống của lão già. Seong-man hét vào cửa, “Sếp ơi, con về rồi.” Cửa mở và xuất hiện một người đàn ông thấp bé, đeo kính, hóa ra còn xuề xòa và bất chấp quá thể nếu là một tỷ phú. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông, cách ông nhìn tôi với một cái khăn thấm nước trên tay, như sắp sửa lau bàn hay đại để như vậy, hãy còn sống động trong ký ức tôi. Dẫu tóc lão ta đã muối tiêu và làn da cũng vậy, cặp mắt nhỏ như mắt chuột của lão vẫn còn rất tinh tường với một người trạc tuổi.
“Cậu có chắc tên là Kim Kwang-il không?” lão hỏi tôi, bán tín bán nghi, dò xét tôi phía sau cặp kính. Tôi hít thật sâu, cố giữ bình tĩnh, và nói, “Phải, chắc chắn. Đó là thứ duy nhất mà cháu còn nhớ về mình.”
“Vậy à? Vậy cậu có thể cởi vớ cho tôi xem không?” ông lão vừa nói vừa lôi một cặp kính khác ra khỏi túi áo vest. Sau khi dọ xét kỹ lưỡng vết sẹo trên chân tôi qua hai lớp kính, lão ngẩng nhìn tôi, mắt đầy nghi ngờ, và hỏi thêm, “Cậu còn vết sẹo nào khác không?”
“À… ừm, tôi không nghĩ là còn…” Tôi nói láo, hổ thẹn mà chẳng hề nhận ra, bối rối không biết nên kể với lão ta về vết sẹo còn lại trên mông hay không. Tôi chộp thấy một cái nhìn lo lắng trên khuôn mặt của Seong-man đứng ngay sau lưng lão ta nói rằng mọi chuyện đang không suôn sẻ như dự định. Seong-man ra một cử chỉ như muốn nhắc tôi hãy thử khóc òa, ngã vào vòng tay ông. Nhưng tôi cứng đờ quá chẳng thử được cái gì tương tự vì từ hồi ở trại mồ côi tới nay tôi chẳng đóng vai gì.
“Cậu Jang, hãy thứ lỗi một chốc? Tôi sẽ gọi cậu sau,” lão già nói với Seong-man.
Sau khi Seong-man đang căng thẳng bỏ đi, lão già đứng thẳng và hỏi tôi thêm một lần nữa, càng nhiều nghi vấn hơn trong cặp mắt nhỏ hấp háy sau lớp kính. “Cậu có chắc chắn tuyệt đối tên Kwang-il là tên mà cậu còn nhớ từ thơ ấu chứ?”
Tôi chần chừ chẳng dám trả lời, cảm thấy bị cái nhìn sắc lẻm của lão già vạch trần. Tôi nhận ra rằng cái kế hoạch lố lăng này cầm chắc thua. Kể cả khi thành công, tôi nhủ, tội lừa đảo về một chuyện thế này cũng sẽ là tội khó dung tha. Tôi đang tranh đấu xem có nên thú thật với lão già và xin lão tha thứ hay bỏ đi chẳng nói tiếng nào, thì lão tiếp tục, “Kwang-il là tên con trai của tôi trên đăng ký hộ khẩu. Nếu cậu là con ruột của lão, không thể nào cậu nhớ được tên đó. Con tôi được gọi bằng một cái tên khác hồi nhỏ. Trước khi tới Seoul, lão sống gần Bến Heung-nam ở Quận Hamgyeong, nổi tiếng bởi sự kiện Rút quân Heungnam. Nên lão đặt tên con trai lão theo tên Bến Heung-nam.”
Bến Heung-nam? Đặt tên con trai lão theo tên này? Tôi hoàn toàn choáng váng trước những gì lão vừa nói. Thình lình, đầu tôi trống trơn còn cơ thể bủn rủn. Trong trạng thái hoang mang, tôi mơ hồ nghe được lão hỏi mình, “Xin cậu tha lỗi, cậu có thể cởi quần ra cho lão xem không? Con trai lão bị bếp than làm phỏng lúc lên hai. Nên nếu cậu là con trai lão, chắc chắn cậu sẽ có một vết sẹo ở mông, thậm chí còn lớn hơn vết sẹo ở chân…”
Tôi hoàn toàn run rẩy không thể di chuyển một giêm nào. Bối rối, lão già ngẩng đầu lên và hỏi tôi, “Có sao không? Cậu đang ốm?”
“Tên cháu là… tên cháu là Heung-nam,” tôi cố gắng lên tiếng, giọng nói run rẩy của tôi bật ra những lời lẽ ông không sao hiểu nổi. “Cậu vừa nói gì? Tên cậu là gì cơ?”
“Cháu nói tên cháu là Heung-nam. Tên thật của cháu là Kim Heung-nam.”
Lão há hốc miệng nhìn chằm chằm lấy tôi, hoảng hốt, như thể tôi vừa kể một chuyện đùa quái gở.
“Cháu thề là không hề bịa chuyện. Cháu cho ông coi,” tôi nói, đoạn bắt đầu cởi thắt lưng và cởi quần xuống để chìa mông cho lão xem. Khi đó, tôi đã thất đảm kinh hồn.
“Ông thấy vết sẹo chưa? Chắc chắn đó là một vết sẹo. Chẳng phải giả. Là sẹo thật. Ý cháu là, cháu không hề bịa. Vết sẹo vẫn ở đó từ lúc cháu còn bé. Cháu chẳng biết làm sao cháu có, nhưng nghĩ thử mà xem, chắc là bị phỏng. Phải là phỏng thôi. Làm sao khác đi được chứ?” Tôi cứ huyên thuyên, gần như mê sảng, rõ là bị cuốn đi. Tôi không nghĩ lỗi hoàn toàn ở mình. Nghiêm túc mà nói, có bao nhiêu người có thể giữ bình tĩnh trong một hoàn cảnh như vậy chứ? Lão già cũng hoang mang chẳng kém. Khi đã xác nhận vết sẹo trên mông tôi, lão bắt đầu run bật như thể bị đột quỵ.
“N…. nè, tôi chẳng hiểu cậu nói gì cả. Làm ơn nói lại, chậm rãi được không?”
“Được, nghe này, cháu là Kim Heung-nam. Kim Kwang-il không phải tên thật của cháu. Cháu nói dối. Kỳ thực, cháu còn chẳng biết cái tên đó. Tên của cháu lúc nào cũng là Kim Heung-nam kể từ khi cháu còn nhớ được. Trại mồ côi chẳng đặt tên ấy cho cháu. Đó là tên thật. Bác hiểu không? Bác ơi? Không, Cha ơi?” “Vậy cậu là… Cậu đang khẳng định là con trai Kim Heung-nam của lão?” “Không phải khẳng định mà là sự thật. Bác nhìn xem. Đây là chứng minh của cháu. Trên đó viết Kim Heung-nam ngay đây. Bác thấy không?” Ông nhìn chứng minh của tôi, xoay đi trở lại nhiều lần, như để bảo đảm không phải là giả. Chầm chậm, mặt ông bệt đi, trắng như tờ.
“K… khoan đã… Cho lão ngồi xuống nghỉ một chút đã. Tim của ta… có nhiều vấn đề....”
Rõ là bị choáng, ông lão loạng choạng tiến về ghế và ngồi lên. Và ông lão nhìn tôi một hồi lâu mà không nói tiếng nào. Mắt ông phân tán lạ kỳ, như thể đang nhìn xuyên qua tôi về một chốn xa xăm nào đó tôi chẳng hề biết là đâu. Một thoáng, tim tôi sụp xuống, sợ rằng ông bất thình lình đã suy nhược.
Sau một lúc lâu, ông lão làm một điều mà tôi thấy vô cùng kỳ lạ; hai tay run bật, như bị động kinh, lão mở tủ và lấy ra một chiếc đồng hồ - một chiếc đồng hồ đeo tay cũ kỹ, đã sờn, có một ánh vàng. Cầm chiếc đồng hồ trên tay, lão lắp bắp, cố nói, “Có lẽ trông chẳng mấy nhiều nhặn gì, nhưng với lão đó là một vật đặc biệt. Nó là món đồ duy nhất lão lấy khi rời gia đình 35 năm trước…”
Trong lúc lão tiếp tục nói, cứ như phóng vào chuyện đời mình, tôi tự hỏi vì sao lão lại bất chợt nói về chiếc đồng hồ này. Vì sao một chiếc đồng hồ lại quan trọng đến thế khi cái con người có thể là chính con ruột đang sờ sờ trước mặt? Có phải, có lẽ, lão đã bất chợt mất trí và không còn nhận thức mình đang nói gì hay không?
“Như cha và ông, ta là con trai duy nhất trong gia đình. Nhưng ta đã làm một điều cha không thể tha thứ. Trước Giải phóng, ta đã có một ‘bạn gái’ theo cách họ gọi thời bấy giờ. Cô sống ở Seoul. Hai chúng ta bị tách xa bởi vĩ tuyến 38. Khi gia đình ta bắt đầu ép ta kết hôn với một người phụ nữ khác, ta quyết định bỏ nhà đi để tới Seoul. Không có tiền, rốt cuộc ta đã ăn cắp chiếc đồng hồ của cha ta. Nó là một vật khá là giá trị bởi vì lúc đó đồng hồ còn chưa phổ biến. Nó cũng là món tài sản yêu thích nhất của ông. Ta nghĩ ta sẽ trả lại sau đó và xin ông tha thứ khi về nhà trở lại sau khi kiếm ra tiền ở Seoul. Nhưng sau khi chiến tranh nổ ra, ta mãi mãi mất đi cơ hội làm chuyện đó, để bù đắp cho mẹ cha…” ông lão vừa nói vừa hổn hển thở, mặt ông bạc thếch. “Những ngày đầu tiên ở miền Nam, chiếc đồng hồ tỏ ra hết sức hữu dụng; lão đem nó đi cầm hai lần khi quá bấn. Nhưng từ lúc lão kiếm ra tiền, lúc nào lão cũng giữ nó theo mình, vì một ngày nào đó lão muốn trả nó lại cho cha và xin ông tha thứ…”
Một tia nắng bạc của mặt trời ban đêm rọi qua cửa sổ bẩn thỉu. Tiếng thở của lão là âm thanh duy nhất trong phòng. Tôi không thốt nên lời. Nói gì bây giờ? Mọi thứ đều phi thực tế, cứ như trong một giấc mộng.
“Chẳng từ ngữ nào tả xiết ta đã đớn đau dường nào tới tận ngày hôm nay khi vò võ một mình ở miền Nam. Khi ta mất đi con trai duy nhất sau khi vợ ta mất, ta cũng mất luôn niềm vui sống. Nhưng ta phải làm gì đây? Ta tồn tại và cứ lay lắt… Người ta gọi ta hà tiện hay vô hồn, nhưng bọn họ chẳng hề biết. Xa nhà không có gia đình, ta không có ai để tin cậy. Tiền bạc lúc nào cũng giống như gia đình của ta, như cha mẹ hay như con cái. Nhưng… giờ ta đã già và sắp xuống lỗ, ta bắt đầu cảm thấy tất cả mọi thứ đều vô nghĩa… Tất cả tiền bạc ta đã khổ công kiếm được đều cảm thấy vô dụng…” Lão nói thêm, gần như ai oán. Chuyện của lão bỗng dưng bị cắt ngang khi cửa mở và một phụ nữ bước vào, trạc 50, son phấn quá đà so với độ tuổi của mình. Theo trực giác, tôi biết đó là Bà Oh - người mà Seong-man đã kể.
“Mẹ nó chứ, tôi chả làm cái nghề này nữa đâu. Mấy đứa tụi nó cứ né tránh tôi mãi. Tôi thu tiền tụi nó kiểu gì đây?... Tụi nó xin vay nhưng cứ quên trả khi đã nhận tiền,” người phụ nữ nói rõ to ngay khi vào phòng. Rõ ràng, ả ta vừa trở về sau một lượt thu lãi hay đại loại như vậy. Dường như ả đã nhận thấy một không khí kỳ lạ. Nhìn tôi đầy hoài nghi, ả hỏi ông lão, “Thằng này là thằng nào?”
“Chẳng ai cả. Nó tới… để xin tôi một ân huệ…” lão nói dối, rõ ràng đang hoảng. Và lão nhanh vội nói với tôi, “Nào, chúng ta cần thêm thời gian để suy nghĩ về chuyện này. Chúng ta sẽ bàn sau, sáng mai được không? Sáng mai cậu quay lại được không…?”
Rõ ràng là lão muốn giữ bí mật cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi không cho ả kia biết.
“Được. Mai tôi sẽ tới, tôi hứa,” tôi nói, suýt nữa thêm, “thưa Cha,” nhưng đã kịp ngăn lại vì mắt của ả ta đâm vào mắt tôi. Sau khi cúi chào ông lão, tôi bước ra khỏi cửa, chân run bẩy. Rồi lão theo tôi ra ngoài và nói, giọng khẽ, “Đừng nói ai biết về chuyện chúng ta nói hôm nay. Ta sẽ cần chứng minh khi hai ta gặp lại. Hơn nữa, nếu sẩy tiếng, chuyện sẽ hỏng bét… Cậu hiểu không?”
Cảm nhận được sự căng thẳng, nghi ngại, và riết róng về một điều gì đó không thể tả được trong cặp mắt nhỏ, hấp háy của lão, tôi gật đầu. Cảm tưởng như tôi hoàn toàn hiểu lão. Tôi quyết sẽ giữ đúng thỏa thuận. Đó là lý do tôi chẳng nói gì với Seong-man, vốn đã đứng nấp để chờ tôi ở cổng thang trước khi chộp lấy tay tôi và hỏi, “Chuyện gì xảy ra vậy? Nào, nói tao nghe đi. Không trơn tru phải không? Còn không, lão chắc chắn sẽ chẳng tiễn mày rồi. Lão hỏi gì mày? Đừng nói với tao là lão thấy hết mánh khóe của tao với mày nhá.”
Đáp lại tràng câu hỏi của nó, tôi chẳng nói gì ngoại trừ chuyện sẽ gặp lại lão sáng hôm sau. Rồi tôi bắt tay và bước ra khỏi cầu thang tối vào ánh sáng mặt trời ngả nghiêng, mơ hồ của một đêm mùa hạ. Tôi thở một tiếng thật dài, cảm tưởng như vừa thoát ra khỏi một hầm bóng tối bị mắc kẹt suốt ba mươi năm.
Đêm đó, tôi không ngủ được. Sáng hôm sau sẽ tới sớm hơn nếu tôi đi ngủ, nhưng tôi chả thể nào chợp mắt được. Cảm giác đó làm tôi phát điên. Vợ và con tôi đang nằm cạnh, ngủ ngon, và tôi có thể nghe hơi thở của họ. Tôi phải ném thôi thúc đánh thức vợ mình dậy tức thì và kể cho cô ta biết chuyện gì vừa xảy ra hôm đó.
Đang nằm trong bóng tối, cố gắng vô vọng để thiếp đi, cái ý nghĩ về vở kịch thời thơ ấu cứ hiện trở lại trong tâm trí. Nhằm loại bỏ đi ý nghĩ ám ảnh đó, tôi tự nhủ đây chẳng phải một vở kịch mà là thực. Nhưng tôi không chắc. Tức là, làm thế nào một sự thể như chuyện này lại xảy ra được? Và với tôi chứ chẳng phải với ai khác? Tôi thường hình dung cảm giác trúng số sẽ như thế nào. Và tôi lúc nào cũng nghĩ giả sử thắng giải, tôi sẽ hóa điên. Nhưng kể cả trúng số cũng chẳng so được với chuyện này. Tôi còn tự hỏi liệu hôm sau mặt trời có mọc hay trái đất có ngừng quay tối nay hay chăng.
Toàn bộ diễn cảnh cuộc đời khốn nạn của tôi từ những năm ở trại mồ côi tới hiện tại diễu qua trước mắt, nửa hư, nửa thực. Tôi e rằng mình sắp sửa hóa điên.
Rồi hẳn là tôi đã đổ gục. Trong mơ, tôi quay trở lại trại mồ côi cách đây 20 năm. Lúc đó vở kịch đang giữa chừng còn tôi là con cóc trùm bộ da xấu xí. Công chúa sắp sửa hôn tôi lại do lão già, hay đúng hơn, cha tôi, thủ vai. Tôi căng thẳng và sợ hãi tới nỗi vở kịch chấm dứt trước khi cha tôi kịp hôn, lần này bị đánh thức chẳng do cúp điện mà là choàng tỉnh khỏi giấc mộng. Vì biết mình đang mơ, tôi nhanh chóng biến thành hoàng tử trước tỉnh dậy. Thế là tôi khóc to van xin cha tôi cởi bỏ lời nguyền thật nhanh, chỉ để rồi phát hiện ra rằng giọng tôi bị câm lặng. Nỗi sợ của tôi rốt cuộc cũng thành hiện thực, cha tôi tiến thêm một bước nữa tới chỗ tôi đứng, thế là giấc mơ thình lình kết thúc.
Tôi thức giấc trước tiếng điện thoại reo giòn trong bóng tối. Thảng kinh bởi tiếng động và bởi cảm giác nôn nao, bồi hồi, tôi không sao nhấc máy nổi. Tôi coi giờ. Mới hai giờ sáng.
“Alo? Phải mày không, Heung-nam? Tao đây,” giọng Seong-man ở đầu dây bên kia.
“Gọi gì giờ này hả?”
“Tao đang ở phòng cấp cứu bệnh viện trường đại học. Sếp tao bất chợt bị đau tim.”
Tôi cảm tưởng như một vật nặng nào đó vừa đánh thụp một tiếng to. Tim tôi suýt ngừng đập. Tay cầm ống nghe của tôi bắt đầu run.
“Tối qua, sau khi mày về, ổng xanh xao và khó thở. Rồi, tới sau nửa đêm, tự nhiên ổng bị đau tim. Lúc tao đưa ổng tới bệnh viện, bác sĩ nói đã chết lâm sàng. Tao biết sống chết có số, nhưng làm sao ông già lại ra đi bất thình lình như vậy chớ? Tao thấy có lỗi và có trách nhiệm trước những gì xảy ra với ổng. Màn diễn của tao với mày hôm qua, mày nhận làm con ổng, chắc là quá mức chịu đựng của ông già.”
“Nghe nè, Seong-man. Mày đang nói xạo. Mày bịa ra để chọc tao phải không? Tao nói đúng không?”
“Mày nói gì vậy? Mắc gì tao phải gọi mày giữa đêm hôm khuya khoắt để nói xạo với này? Nếu không tin thì tự tới bệnh viện mà coi.”
Cúp máy, tôi rơi phịch xuống như bù nhìn bị hất rơi đầu rơm.
Vợ tôi thức giấc, hốt hoảng, và ôm lấy tôi, trấn an, “Anh ơi, anh sao đó? Có chuyện gì vậy?”
Nhưng tôi không tìm thấy lời lẽ nào để giải thích với cô. Như một gã điên, tôi bật thẳng người và lao nhanh tới bệnh viện, thì thấy ông lão đã được đưa vào nhà xác. Rõ ràng - ông ấy - hay tôi nên nói là cha tôi - đã chết. Tôi hỏi Seong-man liệu sếp nó có để lại lời trăn trối nào hay không, hy vọng ông đã nhắc, dẫu thoáng qua, rằng tôi là con trai ông. Nhưng hy vọng ấy bị dập tan khi Seong-man khẳng định ông chưa kịp nói lời nào vì cơn đau tim đến quá thình lình và giết chết ông trước khi được đưa tới bệnh viện.
Tôi đổ sụp xuống và khóc ròng, nằm ngửa xuống sàn nhà xác lạnh căm. Khi đã khóc, chẳng có cách nào ngăn lại. Chẳng phải ở chỗ tôi có tình yêu thương to tát gì cho ông. Ý là, tôi chỉ gặp ông duy nhất một lần, sau ba mươi năm. Tôi chỉ thấy cay đắng cho số phận và tiếc nuối cuộc đời ông. Nghĩ mà xem. Bạn có thể hình dung ra cảnh ngộ nào bi đát hơn?
Người ta không biết tại sao tôi khóc thảm thiết như vậy. Rốt lại, chẳng ai biết tôi là thành viên duy nhất trong gia đình ông. Đó là một bí mật giữa tôi và người đã khuất. Chẳng còn cách nào khác để chứng minh tôi là con trai của ông cả. Ánh đèn đã tắt ngóm và vở kịch đã bị gián đoạn giữa chừng. Như cái đêm đó của hai mươi năm về trước, tôi vẫn trong lời nguyền, bị bỏ lại trong bóng tối và khoác lên người bộ da cóc xấu xí kinh tởm kia.
Nhưng nếu tôi bỏ cuộc thì có vẻ bất công. Thế là tôi bắt đầu kể với mọi người tôi là con trai của lão, nhiệt tình giải thích rằng các vết sẹo và cái tên Kim Heung-nam chứng minh điều đó. Nhưng hồi đáo của họ vẫn thờ ơ. Kể cả Seong-man cũng chả tin tôi. Người ta xem tôi như một kẻ dối trá bịa đặt ra một câu chuyện lố lăng để giành lấy gia tài của ông. Bà Oh, hay tên chi cũng được, người được cho là có tên trong hộ khẩu, là người tức tối nhất. Bà thưa tôi lên cảnh sát là quân lừa đảo và thậm chí còn thuê giang hồ đập tôi. Một vài tên từ đâu xuất hiện và đứng quây quanh ả. Mỗi người bọn họ trong mắt tôi hoặc là giang hồ hoặc là giả trân.
Không thoái chí, tôi làm đủ mọi cách có thể để mang sự thật ra ánh sáng; tôi thăm người thân của lão, trình đơn thỉnh nguyện tới các quan chức chính phủ cấp cao, viết thư lên báo, truyền hình và đài phát thanh cầu cứu. Nhưng mọi nỗ lực của tôi đều bị đuổi xua. Ai cũng từ chối không muốn tin tôi, cứ như họ đã toa rập từ trước với nhau. Họ cứ việc coi tôi là một kẻ muốn chiếm của cải của ông ta.
Cứ cho là vậy, gia tài của cha tôi là một trong những lý do tôi không từ bất cứ điều gì để chứng minh mình là con ông. Theo pháp lý, toàn bộ gia tài của ông sẽ rơi vào tay người đàn bà kia. Đó là thứ cuối cùng tôi muốn thấy. Chẳng phải tôi ham hố gì trong khoản giành gia tài. Mà đơn giản là tôi không thể chấp nhận chuyện người phụ nữ đó cuỗm hết thảy gia tài mà cha tôi dành cả đời gầy dựng. Giả như đem gia tài ấy hiến vào một tổ chức phi chính phủ hay đại loại như vậy, tôi còn cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng cho cái ả đàn bà xấu xa từ đâu xuất hiện lấy đi á? Không đời nào!
Nhưng tôi càng nhận mình là con của cha, thì tôi càng bị cư xử như một tên lừa đảo hay một kẻ điên khùng. Thất vọng, thậm chí Seong-man còn chẳng tin tôi. Trái lại, nó coi tôi như rồ. “Nè, mày bị cái giống gì vậy? Làm ơn dừng lại có được không? Tao hiểu cảm giác của mày. Nhưng chuyện xong xuôi rồi. Đó chỉ là giấc mộng hoang đường. Mày đang cho đó là hiện thực. Tao biết chuyện này có thể xảy ra nếu mày bị chuyện đó ám ảnh. Sao mày không đi khám nhỉ?”
Còn chưa hết. Tới vợ tôi cũng đối xử với tôi như một kẻ điên. “Anh ơi, làm ơn tỉnh lại đi. Sao anh lại làm như vậy? Anh không quan tâm người ta nghĩ gì về anh và về gia đình chúng ta hay sao? Bẽ bàng quá. Em không chịu nổi nữa. Em nghĩ là anh bệnh, bệnh nặng lắm rồi.”
Khi đó, tôi bắt đầu chất vấn có phải tôi đã hóa điên hay chưa. Giả như, tôi tự hỏi, hết thảy những gì tôi chứng kiến và nghe thấy khi tôi một mình với ông ta ngày hôm đó chỉ là tưởng tượng và chẳng hề xảy ra trên thực tế thì sao? Khi hoài nghi xảy ra, tôi không còn biết đâu là điều tôi tin và đâu là hư cấu.
Dần dần, thời gian thoi đưa, tôi hóa bệnh thật, mất tự tin và lẽ sống vào mọi thứ, chán chường không muốn gặp ai và chán cả ăn uống, huống hồ là đi làm. Cuối cùng, tôi bị đuổi khỏi chân lao công. Nhưng tôi bệnh nặng tới nỗi chẳng còn đoái hoài gì tới gia đình mình. Tôi nói càng lúc càng ít đi và cuối cùng chỉ ở lì trong phòng cả ngày nhìn vào không gian như một con thú nhốt trong chuồng.
Cuối cùng vợ tôi đưa tôi tới một nhà trị liệu, người chẩn đoán tôi mắc trầm cảm nặng và yêu cầu tôi nhập viện. Nhưng tôi không chịu, cũng chẳng có tiền để lo viện phí. Từ lúc nghỉ làm, vợ tôi hàng ngày phải rất chật vật để thu vén cho gia đình, dù cho thật sự cố gắng kiếm sống từ việc lau chùi, làm việc ở một nhà hàng, vân vân. Như một người mẹ cố gắng chăm lo cho đứa con, vợ tôi chắc hẳn đã cảm thấy bực tức khi tôi cả ngày chẳng làm gì mà chỉ ăn và ỉa như một con thú mà chẳng nói năng hay chẳng chịu rời phòng. Một ngày kia, tôi nằm trên sàn thì đứa con gái ba tuổi của tôi, chắc đang đói, bắt đầu khóc lên, lắc đầu tôi quầy quậy. Trước khi dừng nó lại, tôi đã cho nó một đá bay vèo vào góc phòng, khiến nó tím tái và tắt thở. Khi nhận ra tôi vừa làm gì, tôi thấy sợ hãi chính bản thân mình vô cực.
Kết quả của sự việc đó, tôi bị bắt vào “nhà nguyện” cách xa Seoul, dù ở đó cũng chẳng hồi phục gì tâm trí tôi cả. Mùa lại mùa, gió thổi, hoa rộ nở, nhưng chẳng còn gì là quan trọng với tôi cả. Chừng một năm sau, vợ và con tôi đến thăm tôi, mang theo gimbap, cơm cuộn tảo biển, nhà làm. Tôi ngồi ở thảm cỏ trước nhà nguyện, vô hồn ăn gimbap, thì nhìn thấy đồng hồ đeo tay của vợ tôi. Trông nó quen đến lạ. Nhìn kỹ, rõ đó là chiếc đồng hồ cũ có ánh vàng mà cha đã khoe với tôi. Tôi chộp lấy, hỏi vợ tôi, “Chiếc đồng hồ này, nó làm gì ở đây? Tại sao em có nó?”
“Đồng hồ này? Nó của bạn anh Seong-man. Ảnh đưa em trước khi đi nước ngoài.”
Gần đây, Seong-man vừa đi tìm việc ở Ả Rập Saudi hay nước nào đó ở Trung Đông. Chuyện này với tôi không có gì lạ.
“Theo những gì ảnh nói, chiếc đồng hồ này là báu vật yêu thích của sếp. Nên ảnh lấy nó theo sau khi rời khỏi nhà sau khi ông qua đời. Có lẽ ảnh đã nhận ra đó là một chiếc đồng hồ vàng đáng giá. Nhưng khi mang tới tiệm đồng hồ, hóa ra nó chỉ là một mớ sắt vụn mạ vàng. Ngày kia trước khi đi nước ngoài, ảnh tới đưa nó cho em, nói rằng anh nên đưa cho anh vì đó là “đồng hồ của cha anh”. Em suýt nữa vứt nó đi vì nó làm em cảm thấy chẳng lành. Em đang đeo vì đồng hồ đeo tay của em vừa hỏng. Nó cũ rồi, nhưng ít nhất nó vẫn chạy đúng…” Vợ tôi tỏ vẻ tiếc rẻ. Tôi tháo đồng hồ khỏi tay cô và nhìn nó đặt trên bàn tay, ngồi bất động một hồi lâu. Rất nhiều ý nghĩ lóe qua tâm trí tôi. Trước khi nhận ra, nước mắt đã lăn dài trên mặt tôi.
“Anh ơi, sao vậy?” vợ tôi hỏi, giọng sợ hãi, rõ ràng cũng ngạc nhiên khi thấy nước mắt của tôi. Kỳ thực, đó là lần đầu tiên trong nhiều tháng qua tôi bày tỏ cảm xúc.
Nhìn này, đây là chiếc đồng hồ, món thừa kế duy nhất từ cha anh. Điều thật sự lạ lùng chính là khi chiếc đồng hồ vào tay anh, anh mới dần tỉnh táo thoát ra những gì đang khiến anh trở bệnh. Anh đã bỏ nó lại phía sau.
Truyền thông đang kháo về ngày hai miền thống nhất trong thời gian đó, như thể tất yếu sẽ xảy ra. Dù ngày ấy có tới thật hay không, một kẻ như tôi không thể khẳng định hay phủ định được. Nhưng nếu hai miền Hàn thống nhất, tôi ước gì mình có thể đến thị trấn có tên mình nơi ông nội mà tôi không biết là ai được chôn cất, để có thể trả lại ông chiếc đồng hồ và thay cha tôi cúi lạy ông.
Kể cả nếu như Hàn thống nhất, thì tôi không nghĩ điều đó có thể hàn gắn lại cuộc đời của cha cũng như những gì mà những kẻ như tôi từng gánh chịu. Có lẽ tôi sẽ bị cho là kém học thức khi nói ra điều sau đây, nhưng mà, thành thật mà nói, bạn nghĩ Thống nhất sẽ làm thay đổi cuộc sống của mọi người tới đâu chứ? Những kẻ có học thức nói về lịch sử hay gì gì, nhưng tôi chẳng cho rằng lịch sử có can hệ gì với chiếc đồng hồ cũ của cha tôi cả.
Có lần tôi gặp một sinh viên bảo với tôi rằng số phận là do con người tạo ra. Thượng Đế có thể chịu trách nhiệm tạo ra số phận trước kia, cậu giải thích, nhưng ngày nay số phận của những con tốt như tôi hoặc do kẻ giàu có và quyền lực tạo ra trong cuộc chơi chính trị của mình hay bởi các thế lực ngoại bang như Mỹ hay Xô Viết. Tôi nghĩ có lẽ cậu ấy có lý. Bởi chiến tranh mà tôi thành trẻ mồ côi. Ai gây ra chiến tranh? Con người chứ ai!
Nhưng tôi lại cảm thấy vẫn còn thiêu thiếu gì đó. Nếu như chẳng hề có Thượng đế tạo nên số phận, làm thế nào tôi có thể giải thích được làm sao chiếc đồng hồ này, món thừa kế duy nhất từ cha tôi, lại về tay tôi? Có lẽ là do số phận. Và nếu đó là ý bề trên thì sao? Tôi đang suy nghĩ về câu hỏi ấy. Còn bạn thì sao?
k.