Tất cả bọn nhà văn đều vô phương, ích kỷ, lười biếng, và sâu tận đáy động cơ để chúng viết là một điều bí ẩn. Viết ra một quyển sách là một đấu tranh khủng khiếp, kiệt quệ, như một cơn bệnh đau đớn kéo dài. Một người nào đó bất kỳ sẽ chẳng bao giờ đảm đương một trọng trách như thế trừ phi hắn bị câu thúc bởi một con quỷ nào đó không thể cưỡng lại hay không sao hiểu thấu được. 
George Orwell đã viết trong “Vì sao tôi viết,” 1946 (có thể đọc trọn vẹn tại http://orwell.ru/library/essays/wiw/english/e_wiw) 
George Orwell
Viết một tiểu thuyết là một quá trình đau đớn và tàn bạo ngốn sạch hết thời gian rỗi của ta, ám ảnh ta trong những giấc đen tối nhất về đêm và thông thường tụ tích thành rất nhiều nước mắt trước một chồng thư từ chối cứ chồng cứ chất. Mỗi một nhà văn rồi sẽ trải qua quá trình này ít nhất một lần trong đời và trong nhiều trường hợp họ trải qua nó rất nhiều lần cho tới khi được xuất bản, và do sự ra mắt của một quyển sách tự thân nó chẳng cam kết chắc chắn sẽ có những sự giàu có hay lời lẽ tán dương, chẳng có gì vô lý khi thắc mắc loại người nào sẽ chấp nhận gánh chịu nỗi này?
Câu trả lời khởi sự của riêng tôi tương tự như của Orwell: một kẻ bị ám ảnh đủ bởi cái khao khát muốn thực hiện họ đến độ không còn lựa chọn nào khác. Tôi đã nghĩ tới việc thôi không viết cả triệu lần trước khi hoàn thành quyển tiểu thuyết. Tôi muốn từ bỏ, để giằng lại cuộc sống từ tay con quỷ, nhưng cứ mỗi lần cố gắng tôi lại gặp phải kết luận không tránh khỏi rằng, với tôi, điều duy nhất tệ hại hơn một cuộc đời nhọc nhằn trong sự mờ mịt không được thưởng ban (là kết quả khả dĩ nhất tính tới thời điểm đó) là một cuộc đời thiếu đi viết lách.
Tôi chẳng chọn trở thành một nhà văn. Khi còn bé, trở thành một văn sĩ dường như với tôi là một nghề nghiệp cao quý nhất nhưng muốn trở thành văn sĩ cũng như muốn trở thành một minh tinh điện ảnh, một giấc mơ quá đỗi hoang đường. Tôi nhớ lần đầu tiên đắm đuối hoàn toàn với viết, là khi tôi kể lại một câu chuyện, một câu chuyện khoa học viễn tưởng, phản địa đàng mà tôi viết theo yêu cầu một bài tập về nhà, trong đó con người rời bỏ hành tinh của họ, môi trường đã bị tha hóa, để tìm kiếm một mái nhà mới trên những chiếc tàu vũ trụ liên thiên hà khổng lồ tên gọi Ark. Tôi xúc động trước số phận của các nhân vật mình viết ra, thảng thốt trước sự vô cùng của vũ trụ mà tôi đã thổi vào sự sống, và đau xót trước bi kịch và sự hy sinh nằm ngay trong sứ mệnh của họ. Cái sự thể cái tôi viết ra chỉ là một bài văn dở tệ sến súa vô ngần chẳng thể thay đổi sự thể cái tôi viết ra đã cho tôi một dòng cảm xúc, cái trải nghiệm lập lờ của việc hoàn toàn bị cuốn vào một hoạt động tinh thần, hoàn toàn tách lìa khỏi những lo toan, chộn rộn khác của bản thân. Và hoàn thành được nó cho tôi tất cả cái thỏa mãn của sáng tạo: đây là một câu chuyện mà tôi đã trao cho nó cuộc sống, một tác phẩm “nghệ thuật” nhỏ nhoi nhưng hoàn chỉnh mà nếu tôi không viết ra sẽ chẳng bao giờ tồn tại.
Dù gì thì, sau đó tôi đã rời trường học và đời sống thật vây lấy. Tôi có một thời tuổi trẻ phí hoài, và sau đó là những công việc phải làm và tiền thuê phải trả. Trong một thời gian ngắn khi tôi nuông chiều bản thân trong ảo tưởng trở thành một quản thư nhưng thay vào đó đã làm một chuyên viên phân tích ở ngân hàng, ở đó có nhiều tiền hơn sách vở. Công việc thú vị nhưng cũng đòi hỏi, và chiếm lấn hết chỗ cho những điều còn lại trong đời tôi.
Và cứ thế suốt mười năm; suốt thập niên sau khi tôi rời trường, thành quả văn chương của tôi bằng không. Nhưng cái ngứa ngáy vẫn còn ở phía sau, cái câu thúc muốn đặt chữ ra trang giấy, để dựng nên những câu chuyện về những điều mà tôi quan tâm, hòng tìm kiếm ý nghĩa thông qua lời kể. Rốt lại tôi bắt đầu chắp vá dần, thoạt tiên không có một mục tiêu cụ thể nào, rồi nghiêm túc hơn khi tôi đắm sâu hơn và khởi sự dành thời gian rỗi ra cho nó. Nó tạo thành từ những dòng viết ngắn đến khi trở thành một cái lò đốt thiêu trụi tất cả thời gian và năng lượng trí óc của tôi. Nhưng cái gì mới đang ngấu nghiến tôi đây? Tôi đang viết cho cái gì?

Tôi đã từng đọc của một nhà văn, nhưng quên mất là ai, nói rằng sự viết với họ giống như tiếng sói gọi tộc, và tôi cho rằng câu nói ấy có ít nhiều đúng đắn; tôi viết cho bộ tộc của mình, một nhóm độc giả tưởng tượng có nội tâm hơi giống với của tôi. Họ khá thường có cuộc sống không mấy suôn sẻ, và không phải lúc nào họ cũng tươi tắn hay hạnh phúc, vì thậm chí cuộc đời bình quân nhất cũng chứa đựng những cuộc chiến to lớn - trưởng thành, truy tìm ý nghĩa, sống cùng mất mát, nghiện ngập, tật nguyền, vô sinh - nhưng họ cố gắng chiến đấu với chúng bằng sự can trường và hóm hỉnh.
Rất đỗi thường xuyên dư luận kháo lên rằng liệu văn chương có mang trách nhiệm cứu rỗi hay không. Trách nghiệm đó tôi e là một từ quá đao to búa lớn; ta chỉ có thể viết ra bất cứ điều gì làm ta thấy xúc động. Nhưng tôi cũng cho rằng viết lối hư vô, tức tác phẩm ca ngợi đau thương, chẳng hề có giá trị gì để cộng thêm vào nỗ lực của con người. Một tác phẩm để đời mới mới chính là cái giữ chúng ta hướng về ánh sáng, và tôi sẵn lòng giúp mọi người làm điều đó thay vì ngăn trở họ. Hầu hết mọi người quá tuổi ba mươi chắc chắn sẽ hiểu rõ cảm giác nhìn vào một vũ trụ vô tâm và cảm thấy nhói đau là như thế nào, và như A.S. Byatt đã từng nói trong một bài phỏng vấn cho Paris Review, bi kịch dành cho tuổi trẻ, những ai hãy còn chưa cảm nhận được nó thật sự; chỉ có tuổi trẻ mới cảm nhận được. Do vậy tôi nằm trong nhóm “đồng tình”: tôi muốn con người khi rời khỏi tác phẩm của mình sẽ cảm thấy hy vọng, chẳng phải thứ hy vọng rằng cuộc sống sẽ dễ dàng và tịnh không đau khổ, mà là bên cạnh đau khổ, cuộc sống hãy còn chứa chất nhiều hy vọng và niềm vui.
Vậy thì, quay lại với Orwell:
Tất cả những gì ta có thể biết con quái vật (điều khiển người viết) chỉ đơn thuần chính là cái bản năng khiến cho đứa trẻ cất tiếng khóc để được quan tâm. Và cũng đúng khi cho rằng một người chẳng thể viết ra được điều gì đáng đọc trừ phi họ thường trực đấu tranh để xóa đi tính cách của chính mình. Văn hay giống như một khung cửa sổ.
Cũng như với cuộc sống, có một sự bí ẩn vô cùng nằm ở cốt của sự viết. Người ta đều biết cha tôi từng cho rằng ông chơi cờ tài nhất mỗi khi nghe thấy thiên thần cất tiếng hát; Người ta đều biết tôi là người chế giễu sự cường điệu của ông, nhưng khi tối ưu, mà có lẽ chỉ là một phần của một phần trăm duy nhất thời gian tôi hiến tận cho sự viết, phải thú nhận rằng tôi cảm thấy mình giống như một vật dẫn hơn là kẻ sáng tạo, mặc dù tôi không hề làm cái công việc lưu dẫn ấy mà chỉ là chỉ là một kênh để nó đi vào thế giới.
Do đó, với cú ngả đầu tôn kính dành cho Orwell, sau đây là một số lý do mà tôi viết:
Vì viết mang tôi ra khỏi tâm trí của mình, ra khỏi những ưu phiền.
Vì viết cho tôi một cơ hội, bất luận nhỏ nhoi đến đâu, tạo ra một cái gì đó siêu phàm và siêu nghiệm
Vì tôi riết róng với thế gian này, và dường như viết là một lối giải tỏa tốt hơn bạo lực vô cớ
Vì tôi móng ngong tóm lấy những thứ vô thường trước khi chúng tiêu biến vào hư không; cái cảm giác thanh thoát khẽ khàng khi hiện diện trong một khu vườn vào hoàng hôn mùa hạ, cái mùi ẩm nồng của chiếc áo khoác của người thương.
Vì viết điều gì đó ra thành lời buộc tôi phải hiển ngôn suy nghĩ của mình và nhào chúng thành một tường thuật, và làm điều ấy mang đến ý nghĩa cho cuộc sống của tôi.
Vì tự thanh tẩy bản thân trên bàn phím đầy cưỡng bức và gây nghiện; tôi ngồi xuống để viết ra hàng trăm chữ và tra cứu nhiều giờ liền chỉ để thấy ngoài trời đã tối sầm và tôi mồ hôi nhễ nhại, rũ rượi trên ghế nhưng tràn đầy một sự thỏa mãn lạ lùng, vắt kiệt và bất động và thỏa thuê.
Lý lẽ cuối cùng có lẽ là quan trọng nhất: Tôi viết vì sách đã mở ra thế giới của tôi và cứu vớt tôi hết lần này đến lần khác, và đó là một điều mà tôi cũng muốn dự phần vào. Là một con người - tự ý thức được nhưng lại thiếu đi câu trả lời cho hầu hết những câu hỏi quan trọng: ta nên sống như thế nào, liệu có hay không Thượng Đế, Thuyết Thống nhất Rộng dành cho vũ trụ là gì, điều gì xảy ra khi ta chết đi? - quả thật khốn khổ làm sao. Và dĩ nhiên, bất luận chúng ta gắng quàng bản thân vào cái cành cao thoải mái nào đi nữa, chúng ta vẫn luôn chỉ cách cái thảm họa trong gang tấc, chỉ một tích tắc quên nhìn đường trước khi bước xuống, chỉ một cuộc gọi sót mất mà mãi mãi không bao giờ gặp được người yêu thương lần nữa. Ôi u ám làm sao.
Và trong chính sự u ám ấy những tia li ti, những mảnh ánh sáng xuất hiện, thoạt đầu chỉ là một nguồn nhỏ nhoi, nhưng phần nào đó lại giúp ta nhìn thấy con đường phía trước. Với tôi, những le lói ấy thường đến từ sách vở.
Khi tôi muốn biết làm thế nào để nhìn thấu và nói ra một cách thành thật, Diana Athill đã soi rọi cho tôi. Khi tôi muốn nhìn thấy pháo hoa rực sáng khi chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa lý tưởng va nhau chan chát, Martin Amis lững thừng bước vào, điếu thuốc chìa trên môi. Khi tôi cần sự can đảm, Andrew Solomon kéo tôi đứng vững. Khi tôi muốn hân hoan trong cái đẹp của tự nhiên và cô tịnh, Sara Maitland đứng cạnh bên. Khi tôi chẳng còn làm được gì ngoài bật cười trước cái quái đản của một cuộc đấu súng chết tiệt, Jonathan Coe và David Nobbs chẳng hề bỏ rơi tôi. Và khi tôi đau, C.S. Lewis từ nhiều thập kỷ tìm đến và bảo với tôi, Đây, hãy cầm lấy tay này. Em không cô độc.
C.S Lewis
Và đó chính là mối nợ lớn lao của tôi, và theo nhiều cách khác nhau chính là lý do tôi viết bài viết này: để giang cánh tay và nâng dậy người kế tiếp.
///
Tác giả bài viết, Alice Adams, đã kinh qua đủ nghề từ phục vụ đến đầu tư, và bên cạnh tấm bằng B.A triết học, cô đã có nhiều chứng chỉ về toán, tài chính và tin học. Cô sống ở phía Bắc London nhưng ẩn vào hoang vu càng thường xuyên càng tốt. Tiểu thuyết đầu tay của cô là Invicible Summer (Mùa hè bất bại) và cô đang chăm chỉ với quyển thứ hai.
Chú thích:
A.S. Byatt, nhà văn nữ và nhà thơ người Anh, từng đoạt giải Booker, với nhiều tác phẩm và thành tích, đứng trong danh sách 50 nhà văn Anh quốc xuất sắc nhất từ năm 1945 của tạp chí The Times.
Diana Athill, một biên tập viên văn học kỳ cựu, tiểu thuyết gia, từng làm việc với rất nhiều nhà văn cộng tác với nhà xuất bản danh tiếng André Deutsch như Philip Roth, Norman Mailer, John Updike, Simon de Beauvoir, Jack Kerouac, Margaret Atwood.
Martin Amis, tác giả người Anh, con trai nhà văn, nhà thơ kiêm nhà phê bình Kingsley Amis, người viết theo phong cách trào phúng phê phán sự thừa mứa của phương Tây hậu tư bản, với tác phẩm Money: A Suicide Note (tạm dịch Tiền: Thư tuyệt mệnh) xuất bản năm 1984 và London Fields (Công viên London Fields) xuất bản năm 1989
Andrew Solomon, tác giả người Anh, nổi tiếng nhất qua quyển Noonday Demon (Tạm dịch: Con quỷ giữa trưa), đồng thời là nhà báo, giảng viên và chuyên gia trị liệu tâm lý, một người đồng tính.
Sara Maitland, tác giả đa năng các thể loại từ hư cấu đến phi hư cấu, được cho là một trong những tiên phong trong phong trào nữ quyền thập niên 70 và mô tả là một nhà văn nữ quyền, thường viết về chủ đề tôn giáo. 
David Nobbs, tác giả chùm tác phẩm The Fall and Rise of Reginald Perrin (tạm dịch: Thăng trầm của Reginald Perrin), một nhà văn và viết kịch bản trào phúng người Anh, một nhà nhân bản và theo đuổi các lý tưởng của chủ nghĩa thế tục (tách tôn giáo ra khỏi nhà nước và thể chế). Jonathan Coe là một nhà văn trào phúng, được cho đã viết ra câu văn dài nhất trong lịch sử văn học viết tiếng Anh, với kỷ lục 13,955 từ (dài hơn cả độc thoại nội tâm của Molly Bloom trong Ulysses của James Joyce).
C.S. Lewis, một nhà văn, nhà thơ, học giả, nhà trung cổ học, phê bình, nhà thần học và giảng viên ngôn ngữ Anh, tác giả nổi tiếng nhất qua chùm tác phẩm Biên niên ký Narnia (đã dựng thành phim) trong số 30 tác phẩm đã xuất bản, bạn thân và đồng nghiệp của J.R.R.Tolkien, tác giả Chúa Nhẫn.