Nhân gần đây đọc về chủ nghĩa vật chất (CNVC) của một nhà nghiên cứu, tôi được biết đến 3 khía cạnh “hàn lâm” của CNVC:
coi sở hữu vật chất là dấu hiệu thành công,
tin rằng sở hữu nhiều vật chất thì sẽ hạnh phúc, và
cho rằng sở hữu vật chất là điều quan trọng nhất
Được biết CNVC hình thành trong một quá trình lâu dài với các tích luỹ từ những mối quan hệ xã hội, các bài học và sự kiện mà cuộc sống đem lại. Với lịch sử kinh tế xã hội VN sau đổi mới, dễ hiểu tại sao CNVC đang chiếm ưu thế như vậy ở VN cùng câu cửa miệng “có tiền nói gì cũng được”. Sự phổ quát của CNVC dường như tất yếu dẫn đến các vấn đề gần đây nổi lên trong xã hội: , các hành vi tham nhũng …., áp lực học hành, áp lực “mang tiền về cho mẹ”, …
Như đã trình bầy, một trong các đặc trưng của CNVC là niềm tin rằng sở hữu nhiều vật chất sẽ hạnh phúc. Liên quan đến điểm này, tôi xin chia sẻ một câu chuyện về hạnh phúc ... bỗng dưng tôi hình dung ra. 
Câu chuyện như sau:
Mọi người đều mưu cầu hạnh phúc. Nhưng mà “hạnh phúc” thì khó, “lợi ích” thì dễ nghĩ hơn. Cho nên đầu óc đơn giản của nhiều người (system 1, tham khảo Tư duy nhanh và chậm: nghĩ nhanh, nghĩ sâu) tự đánh tráo câu hỏi “điều gì đem lại hạnh phúc?” thành câu hỏi “điều gì đem lại lợi ích?”. Câu này thì dễ trả lời và phần lớn các câu trả lời đều chung quy về “vật chất (trực tiếp hoặc gián tiếp) đem lại lợi ích”. 
Tin tưởng vào câu trả lời trên, trong quá khứ cũng như hiện tại, rất nhiều người đã tích lũy rất nhiều vật chất. Lúc đầu họ có hạnh phúc, nhưng chẳng bao lâu điều trước kia được gọi là hạnh phúc thì bây giờ mau chóng trở thành bình thường và có khi nhàm chán. 
Để đối phó hiệu ứng suy giảm nhanh chóng (fade-out) này của hạnh phúc, nhiều người tìm cách sở hữu nhiều vật chất hơn nữa. Cũng chỉ hiệu quả được một lúc rồi thôi.
Tới đó, người ta nhận ra giới hạn của lạc thú giác quan do vật chất đem lại và lên đường tìm kiếm các giá trị khác, có rất nhiều nhưng tựu chung những phương án thay thế bao gồm: tình ái, danh tiếng, quyền lực, kiến thức …. Trong phần kéo dài này của chủ nghĩa VC, vật chất ko đóng vai trò trực tiếp nữa nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng vì nó gián tiếp mang lại khả năng kiềm soát phần nào đó các giá trị kia.
Rất hiếm người đạt được tới đỉnh cao của thứ mà tôi tạm gọi là chủ nghĩa VC mở rộng này, nhưng không phải không có. Lịch sử chứng kiến những nhân vật lẫy lừng mà ở thời đỉnh cao họ có tất cả những thứ đó: tình ái, danh tiếng, quyền lực, kiến thức. Nhưng đồng thời cũng vẫn những nhân vật lẫy lừng ấy, lịch sử không ghi nhận bất cứ ai trong số đó có hạnh phúc lâu dài, ngay cả hoàng đế Salomon huyền thoại ….
Tất nhiên cuộc sống vẫn tiếp diễn và mỗi thế hệ mới lại xuất hiện nhưng kẻ tìm kiếm mới.
Có lẽ sau khi tìm kiếm mãi, sau khi đã vét cạn toàn bộ khả năng của chủ nghĩa VC thuần tuý cũng như mở rộng, kẻ tìm kiếm vẫn thấy kết quả họ đạt được là không chắc chắn, không ổn định và vì thế vẫn phải quay lại, bắt đầu lại với câu hỏi ban đầu:
Điều gì đem đến hạnh phúc?
(có vẻ đó là câu hỏi đúng!)
Câu hỏi trên dẫn đến một câu hỏi khác:
Bản chất của hạnh phúc là gì?
Cũng như hai mặt của đồng xu mà nhiều người ở đây cũng đã nhận ra, câu hỏi trên luôn đi kèm với một câu hỏi về thứ ngược lại:
Bản chất của sự bất toại nguyện là gì? 
Nghe đồn có người đã suy xét về phản đề trên. 
(được biết người ấy từng sống trong đỉnh cao của tài sản, quyền lực cùng kiến thức, nhưng rồi một ngày kia người ấy cũng chứng kiến những sự việc bất toại nguyện không thể tránh khỏi và bắt đầu suy xét)
 Nghe đồn người ấy đã đi đến hai câu hỏi tiếp theo:
       Nguyên nhân của sự bất toại nguyện là gì?
       Điều gì (diệt trừ được nguyên nhân kể trên và do đó) chấm dứt được tất cả các điều bất toại nguyện?
Nghe đồn người ấy cuối cùng đã tìm ra câu trả lời rốt ráo cho 2 câu hỏi trên. Có vẻ rốt cuộc đó thực sự là những câu hỏi đúng. 
Nghe đồn người ấy cũng đồng thời thấu suốt được bản chất của toàn bộ thực tại. Thật vi diệu!
Nghe đồn người ấy đã để lại Con đường mà cuối cùng sẽ dẫn tới hạnh phúc tối hậu.