Văn bản gốc tại Longreads
---
Tôi thường nói các bạn sinh viên học với mình rằng triết đã cứu sống tôi. Và đúng là vậy. Nhưng trong chuyến đi lần đầu tiên tới Sils-Maria – trên đường đi Piz Corvatsch – triết suýt nữa đã giết chết tôi. Khi đó là năm 1999, lúc tôi đang viết dang dở một luận án về nét thiên tài, sự mất trí và trải nghiệm mỹ học trong tác phẩm của Nietzsche và người đương thời của ông ở Mỹ, Ralph Waldo Emerson. Ở cái mấp mé ấm êm của tuổi đôi mươi, hiếm khi tôi bước ra ngoài các bức tường vô hình của vùng trung tâm Pennsylvania, do đó vị giáo sư cố vấn đã thi triển đôi chút tiểu xảo hành chính và tìm ra một cách để giúp tôi trốn thoát. Cuối năm thứ ba, ông trao cho tôi một phong bì trống trơn – bên trong là một chi phiếu ba ngàn đô. “Em nên đi Basel,” ông gợi ý, có lẽ cũng biết rõ tôi không nên sống luôn ở đó.
Basel là một bước ngoặt quan trọng trong đời Nietzsche, điểm mấu chốt nằm giữa cuộc sống kiểu học giả trước kia và cuộc tồn tại sau này mỗi ngày lại thêm phần lang bạt trong tư cách thi nhân-triết gia Châu Âu. Ông đã đến thành phố này vào năm 1869 khi đang là thành viên trẻ tuổi nhất nằm trong biên chế giảng viên đại học Basel. Những năm sau đó, ông viết tác phẩm đầu tay Khởi sinh của Bi kịch, trong đó ông chứng tỏ rằng sự quyến rũ của bi kịch nằm ở chỗ nó có thể dung hòa hai ham muốn đối chỏi nhau của phận làm người: ham muốn dành cho trật tự và sự mong mỏi lạ kỳ khôn cưỡng cho hỗn mang. Khi đến Basel, vẫn còn là một thiếu niên, tôi không khỏi nghĩ rằng ham muốn đầu tiên – sự thèm muốn ám ảnh dành cho sự ổn định và lý trí mà Nietzsche gọi là “trạng thái Apollo” – đã giành phần hơn trong xã hội hiện đại.
Ga tàu tại Basel là một kiểu mẫu của tính chuẩn xác kiểu Thụy Sĩ – những con người xinh đẹp trong trang phục xinh đẹp lướt băng qua một cổng ga khổng lồ để bắt những chuyến tàu không bao giờ sai giờ lệch giấc. Bên kia đường là một tòa nhà chọc trời hình trụ khổng lồ, trụ sở của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tổ chức tài chính hùng mạnh nhất thế giới. Tôi rời ga và dùng bữa sáng bên ngoài ngân hàng trong lúc hàng đoàn những người-lý-trí trang phục bảnh bao biến mất vào bên trong, đang trên đường đến sở làm. “Giai cấp có học thức,” Nietzsche lý giải, “đang bị một nền kinh tế hoàng kim vô cùng đáng khinh nuốt chửng.” Những triển vọng về cuộc sống trong xã hội tư bản hiện đại đem tới nhiều của cải, nhưng lại u ám. “Thế giới chưa bao giờ phong phú hơn, nhưng cũng chưa bao giờ nghèo nàn tình yêu và lòng tử tế như thế.”
Theo Nietzsche, tình yêu và lòng tử tế không được thể hiện sóng đôi, mà trái lại, biểu thị sự tương phản: cuộc thác loạn Dionysus. Cuộc sống của ông ở Basel tưởng như hạnh phúc và nền nếp, cái cuộc sống của lý trí và xã hội thượng lưu, nhưng khi đến nơi, ông lại sa vào tình bạn chóng vánh với nhà soạn nhạc Lãng mạn Richard Wagner, và cái cuộc sống kia nhanh chóng bị đưa tới hồi kết. Ông đến Basel để dạy ngữ văn cổ điển, ngành học nghiên cứu ngôn ngữ và ý nghĩa nguyên thủy của từ ngữ, vốn chừng như vô hại, nhưng Nietzsche, khác với rất nhiều đồng nghiệp bảo thủ hơn của mình, hiểu rõ cái hình thức xới tìm ý nghĩa nặng lý thuyết kia có thể quyết liệt đến dường nào. Trong Khởi sinh của Bi kịch, Nietzsche tuyên bố rằng văn hóa phương Tây, trong vẻ tinh kỳ lộng lẫy của nó, đã được xây dựng bên trên một cấu trúc ngầm nằm chôn sâu bên dưới mà chính Dionysus đã tạo thành từ rất xa xưa. Và, trong những năm đầu tiên mối quan hệ giữa Nietzsche và Wagner, họ  đã định sẽ đào xới cái cấu trúc kia lên.
Rõ là Dionysus không sống ở Basel. Theo Homer, vị thần này được sinh ra cách rất xa những bức tường của nền văn minh phương Tây, “gần dòng sông tận Ai Cập”. Thần là đứa con hoang của thần thoại Hy Lạp, hình tượng mà Apollo cố kiềm giữ nhưng bất thành. Còn có tên Eleutherios – “kẻ giải phóng” – vị tửu thần và lạc thần trái khuấy thường được khắc họa đang dạo bước qua những ngọn đồi cùng nhà thông thái nhân mã Silenus, vị cha nuôi hủ hèm. Rong chơi nghe vẫn còn nghiêm túc hơn thực chất; nhảy chân sáo thì mới đúng – nhảy nhót và phô phang xuyên qua cây cối nằm ngoài những ranh giới của thị thành.
Wagner tuổi đời hơn Nietzsche những 30 năm, sinh cùng năm với người cha của triết gia này, một vị linh mục Luther thuần thành đã qua đời vì chứng “nhũn não” khi con trai ông mới lên năm. Phần nhà soạn nhạc này thì chẳng có gì mềm mại hay chết chóc. Những sáng tác thuộc giai đoạn giữa của Wagner là những biểu hiện của Sturm und Drang – “bão tố và xung kích” – mà Nietzsche mê mệt. Wagner và Nietzsche chia sẻ cùng một sự căm ghét sự nổi lên của nền văn hóa tư sản, bởi suy nghĩ rằng cuộc sống, ở cực thịnh của nó, chỉ là sống dễ dàng, làng nhàng, giờ giấc, theo những cái đã vạch sẵn. “Kiếm sống” từng, và vẫn, đơn giản ở Basel: ta đến trường, có việc làm, kiếm ra tiền, mua đồ đạc, đi nghỉ mát, kết hôn, có con, và rồi lìa trần. Nietzsche và Wagner biết rằng có sự vô nghĩa tồn tại bên trong lối sống ấy.
Bắt đầu Khởi sinh của Bi kịch, Nietzsche kể lại câu chuyện Vua Midas và Silenus. Midas, vị vua trứ danh trong thần thoại vì tích chạm tay hóa vàng, nhờ vị thần đồng hành với Dionysus lý giải về ý nghĩa cuộc sống. Silenus nhìn vị vua và đáp lại ngài thẳng thừng: “Ôi chao, hỡi giống loài vô thường đáng thương… cớ gì ngươi buộc ta nói với ngươi điều tốt hơn hết ngươi chẳng hề nên nghe? Điều tốt hơn tất thảy thì lại nằm ngoài tầm của ngươi: chớ sinh ra, chớ thành, và chớ thành gì khác ngoài hư vô. Nhưng điều tốt thứ nhì cho ngươi chính là – hãy chết sớm đi cho xong.” Khi ngồi tại bậc thềm của BIS, quan sát những người đàn ông và đàn bà hối hả đi làm, tôi nghĩ có lẽ Silenus đúng: một số cuộc đời tốt hết hãy nên sống vội hết mức. Nietzsche và Wagner, tuy nhiên, lại tin rằng làm người phải là cuộc tận hưởng, trọn vẹn đến tận cùng.
Nietzsche khẳng định trong Khởi sinh của Bi kịch rằng, “sự tồn tại và thế giới chỉ có thể được chấp thuận một khi được coi là một trải nghiệm mỹ tính.” Đây chính là câu trả lời của Nietzsche dành cho sự thông thái của Silenus, là cách duy nhất để vượt qua được hư vô hiện đại. Mỹ cảm: từ chữ aisthanesthai tiếng Hy Lạp, “cảm nhận, cảm giác, cảm thấy.” Chỉ trong sự nhìn nhận khác đi về thế giới, chỉ khi cảm nhận nhận thật sâu sắc thì Silenus mới có thể thấy thỏa mãn. Nếu khổ đau và cái chết không thể nào tránh khỏi, có lẽ ta có thể nâng niu trân quý chúng, thậm chí bằng sự hân hoan. Bi kịch, theo Nietzsche, cũng có ích lợi của nó: bi kịch chứng minh rằng đau khổ không chỉ là đau khổ; trong sự thô thiển cay đắng của nó, nỗi đau vẫn có thể được điều khiển, ngăn nắp, và thậm chí còn đẹp đẽ, lộng lẫy. Khi nâng niu thay vì lẩn tránh bi kịch, người Hy Lạp cổ đại đã lần ra được cách để hóa giải sự bi quan vốn chẳng mấy chốc đã xâm chiếm thế giới hiện đại.
Theo dự định, tôi sẽ ở lại Basel trong vài tuần, sẽ dành phần nhiều thời gian trong thư viện, nhưng khi dần dần tiếp xúc với thành phố, tôi ngộ ra rằng kế hoạch ấy là bất khả. Những con đường nơi đây quá thẳng thớm, quá yên ắng, quá thường tầm. Tôi cần phải cảm thấy một cái gì đó, để đập tan được sự mê muội, để chứng minh rằng mình không say ngủ. Có lẽ, lần đầu tiên trong đời, tôi được tự do làm một điều gì đó vượt trên những gì cần phải làm. Khi đến ngôi trường mà Nietzsche từng dạy, tôi biết tôi sẽ rời khỏi đó càng sớm càng tốt.
Năm 1878, hy vọng ngập tràn trong Khởi sinh của Bi kịch đã bắt đầu suy yếu. Sức khỏe của Nietzsche đã tụt dốc khi những biểu hiện đầu tiên của sự bất ổn tinh thần bắt đầu xuất hiện. Ông đã tìm tới những ngọn đồi, theo nghĩa đen, khởi hành mười năm suy tư triết học qua địa hành dãy Alps – trước tiên đến Splügen, rồi Grindelwald ở chân ngọn Eiger, sang Đèo San Bernardino, rồi sang Sils-Maria, và cuối cùng đến các thị trấn bắc nước Ý. Chọn chặng đường này chính là đi theo Nietzsche trong giai đoạn sáng tác hăng hái nhất của ông – một thập kỷ sốt sắng viết ra phần nhiều những tuyệt phẩm của ông về hiện sinh hiện đại, đạo đức và hậu hiện đại: Và Zarathustra đã nói như thế, Bên kia thiện ác, Phả hệ Đạo đức, Hoàng hôn của những thần tượng, Kẻ phản KitôEcce Homo. Trong buổi tối đầu tiên và duy nhất tại Basel của mình, tôi quyết định đấy chính là chặng đường mà tôi sẽ đi – con đường mà nhiều học giả cho rằng đã đánh dấu sự thăng hoa của thiên tài và trầm sâu vào điên loạn của Nietzsche.
Tôi thức giấc sáng hôm sau trước bình minh, ra ngoài để tiến hành một chặng thật dài nhằm khẳng định nghi hoài của tôi rằng Basel hoàn toàn vô hồn, chẳng phải chốn dành cho tôi, và tìm đến nhà ga. Chặng thứ nhất: Splügen, nằm cao trên dãy Alps. Tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ rốt cuộc dừng chân ở Turin, nơi Nietzsche đã viết Kẻ phản Kitô vào năm 1888, chẳng bao lâu trước khi hoàn toàn mất trí. Đó là nơi mà ông đã tìm thấy một thứ gì đó nằm ở ngấp nghé của loạn điên: một triết lý khiến ta sợ hãi thay vì bảo ban dìu dắt. Nếu phải đọc Kẻ phản Kitô, Nietzsche buộc chúng ta phải hun đúc “một thiên hướng, sinh ra từ nghị lực, dành cho những câu hỏi mà chưa một ai từng can đảm cất lên; can đảm dành cho những điều cấm kị.” Sự sợ hãi có tác dụng của riêng nó. Những câu hỏi khiến chúng ta khiếp sợ nhất chính thị là những câu hỏi cần tới sự để tâm ngay tức khắc và vẹn toàn của ta. Tôi an định vào ý nghĩ ấy theo cách tốt nhất có thể. Tàu dần bỏ lại thung lũng phía sau – và theo nó, một cách chậm chạp, tôi rời khỏi nỗi sợ đã dành cho những thứ cấm kị.

* * *
Giống cha của Nietzsche, cha tôi hóa điên khi tôi lên bốn. Cha của Nietzsche thì qua đời. Cha tôi chối bỏ gia đình. Cha tôi và dòng họ Jan của ông đã tham gia hệ thống ngân hàng thế giới từ thập niên 80, chuyên về kinh doanh chênh lệch tỉ giá ba cặp, một hình thức thương mại lợi dụng sự chênh lệch về tỉ giá giữa đôla Mỹ, yen Nhật và bảng Anh. Ngày nay, máy tính làm công việc này, nhưng khi mới bắt đầu, trong công cuộc kinh doanh chênh lệch này, có những con người giống cha tôi làm việc đó. Một trong những ký ức sớm nhất của tôi là cảnh ông ngoại tìm cách giải thích cách chàng rể của ông kiếm sống. Ông lấy ra một hộp bi và cho tôi xem ba loại bi khác nhau: xanh lam, xanh lá cây, và tím. Ông bắt đầu, hãy tưởng tượng là con có thể đổi cho ông mười viên bi xanh để lấy bảy viên xanh lá. Rồi con tìm được một người nào đó muốn đổi bảy viên xanh lá để lấy mười hai viên tím. Giờ hãy lấy những viên tím và đổi lại để lấy mười một viên xanh. Ông đưa tôi lại những viên bi lúc đầu, lấy từng viên ra khỏi hộp rồi đưa nó cho tôi: “Con hiểu rồi đó.” Đó là kinh doanh lệch tỷ giá – kinh doanh chẳng mất gì, quá thể khó tin.
“Những gì trước kia thực hiện nhân danh tình yêu dành cho Chúa,” Nietzsche nói, “giờ đây nhân danh tình yêu dành cho đồng tiền.” Thực tế, những gì trước kia “làm nhân danh tình yêu dành cho Chúa”, Jan chọn làm để có được tiền và trải nghiệm. Cha tôi là một con nghiện cảm giác: câu cá bằng ruồi, thuyền buồm, chạy xe, đua xe, trượt tuyết, tiệc tùng, bách bộ trong rừng – nếu có thể có cảm giác nào đó, ông ấy sẽ làm để có. Từ bên ngoài, ông ấy là một người đàn ông điển trai, giàu nứt đố đổ vách, với một người vợ xinh đẹp và hai đứa con rạng rỡ. Nhưng vẻ ngoài thường chẳng nói được bản chất. Khi Nietzsche sắp kết thúc thời gian sống ở Basel, ông thú nhận, “Tôi nhận thức được nỗi sầu bi sâu kín nằm dưới vẻ tươi vui của mình.” Cha tôi nhận ra bí mật tương tự, một bí mật mà ông cố che đậy bằng một vẻ ngoài đẹp đẽ - nhưng rốt cuộc nó đã đẩy ông tới trầm cảm, nghiện rượu, và cuối cùng đến tận nấm mồ. Cuối cùng, kinh doanh tỷ giá quả thật quá đỗi lý tưởng nó không còn thực nữa.
Khi còn bé, tôi chỉ biết mơ hồ về thái độ của cha, nhưng ở tuổi mười chín tôi bắt đầu hiểu rõ nó bằng chính trải nghiệm của bản thân. Jan cảm thấy sức quyến dụ của cái mà Nietzsche gọi là “cái tuyệt vời và bất khả” – một mong mỏi muốn bù đắp cho cảm giác từng yêu và đánh mất một điều gì đó vô giá. Cha ông, tức ông nội tôi, cũng phần nhiều thời gian vắng mặt khi ông lớn lên, đã phí hoài đời mình ở một xưởng dệt bên ngoài Reading, Pennsylvania, với một người vợ mê tiền nhưng lại xấu hổ về một người chồng làm công nhân buộc phải nay lưng kiếm tiền cho bà tiêu xài. Ông nội thường về nhà vào buổi tối, ăn tối, ngồi vào ghế bành, và nốc thứ nước khiến mọi thứ đều tăm tối. Tình yêu luôn là một cái gì đó ngẫu nhiên, một cái gì đó phải làm mới có được. Và chẳng bao giờ đủ đầy. Cảm giác khan hiếm ấy không sinh ra từ sự nghèo nàn, mà từ một định nghĩa về tình yêu và sự trìu mến chẳng phải riêng gia đình của tôi mới có. Nó được xem như một cuộc đổi chác. Dĩ nhiên, đổi trao tình cảm trìu mến cho nhau cũng thỏa mãn như khi ta đổi chác hàng hóa hay dịch vụ - tức chẳng có chút gì – nhưng thật sự nó không làm người ta ngừng đổi chác, và đổi chác thường trực cho nhau. Sự phá sản tuyệt đối các điều kiện để nhận về tình cảm khiến cho mọi thứ không ngừng chuyển động.
Sau khi ông nội qua đời vì chai gan, Jan phát hiện ra thứ thức uống mà cha mình đã uống, và ông mua một chiếc ghế cặp bằng da màu đỏ đặt ở một góc nhà. Nhưng phần lớn thời gian ông đi ra ngoài, thường trực, luôn luôn, để tìm kiếm cuộc đổi chác tiếp theo. Từ một trong những chuyến đi như thế, ông chẳng bao giờ quay trở lại. Rốt cuộc ông đến Philadelphia rồi New York. Một lúc nào đó, tôi không còn theo dấu được ông.
* * *
Tàu đi qua Bad Ragaz, nằm ở biên giới Lichetenstein, ở chân Pizol Alp. Tôi nghiên cứu thật kỹ những ngọn đồi phía trên Ragaz, nơi cừu khoan thai gặm cỏ ở những tầng địa hình thấp. Đâu đó giữa những tảng đá là hẻm núi Tamina, một hang núi nhỏ ứ đầy dòng nước chữa lành từ dòng khoáng Pfäfars. Suốt bảy trăm năm, khách hành hương đã đi lên đỉnh núi để tự thanh tẩy bản thân khỏi những ô trọc cuộc đời. Vào thập niên 1840, nước được bơm dẫn xuống đồi để đổ vào những nhà tắm nổi tiếng ngày nay của vùng Ragaz. Ở tuổi ba mươi ba, mỏi mệt sau những năm ở Basel, Nietzsche đã ẩn vào khu nghỉ dưỡng này với hy vọng thoát khỏi những cơn đau nửa đầu đeo bám ông từ tận tuổi vị thành niên. Chính tại đây ông đã quyết định từ bỏ bổn phận của một giảng viên chuyên cần. “Bạn có thể đoán,” ông viết, “tôi buồn bã và thoái chí đến dường nào… Tất cả những gì tôi hỏi xin chỉ là tự do… Tôi phẫn uất trước rất nhiều, vô vàn những thứ ràng buộc đang cầm tù mình.” Ông rời Basel và tìm đến vùng đất cao hơn. Khi Ragaz khuất khỏi tầm mắt mình, tôi có thể hiểu sức hút của một cuộc ẩn trú cũng như những bó buộc khiến cho cuộc trốn chạy nhọc công đến thế.
Khi vị mục sư cha của Nietzsche qua đời, cậu bé – tên gọi là “Fritz” gần suốt thời thơ ấu – đã làm điều mà những tín đồ dòng Luther thuần thành nhất sẽ làm: cậu trở nên tuân phục Chúa. Ở tuổi đang lớn, cậu dự định sẽ trở thành mục sư; bạn học của cậu gọi cậu là “mục sư con” – chẳng phải một cách gọi trìu mến gì cho cam. Nietzsche cũng quá thông minh và nội tâm, và bạn cùng lớp hay ác ý châm chọc cậu. Nếu như cậu không được bạn cùng trang lứa chấp nhận, Fritz tìm kiếm sự xác nhận nơi Chúa: “Tất cả những gì Ngài ban cho, con sẽ vui mừng đón nhận: sướng vui và bất hạnh, nghèo khó và giàu sang, và sẽ đối diện trước cái chết một cách can trường, khi một ngày kia cái chết hợp nhất tất cả chúng con trong niềm vui và phước phúc vĩnh hằng.” Khao khát muốn hân hoan trân quý những cặp tương phản trái ngược, thậm chí cực cùng nhất – sự sống và cái chết – là khao khát khi ấy Nietzsche hoặc chưa buông bỏ hoặc chưa thấu nhận.
Tình tri kỷ chẳng hề đến với chàng trai trẻ dễ dàng, chẳng phải vì cậu thô lỗ hay chỉ biết nghĩ tới mình. Trái lại hoàn toàn. Fritz trẻ tuổi e dè, lịch sự, khiêm cung đến sai trái. Trong một thời gian dài, những người bạn tốt nhất của cậu là sách vở. Ở tuổi mười lăm – khi những thiếu niên khác đang tận hưởng trải nghiệm đầu đời – Fritz trẻ tuổi thành lập một hội sách tên gọi Germania. Nhóm không có nhiều thành viên, chỉ Nietzsche và vài cậu bé khác đủ mọt sách để khiến Nietzsche thấy thỏa chí. Ở lần gặp mặt đầu tiên, họ mang một chai vang claret chín xu, cuốc vào phế tích cổ đại Schönburg bên ngoài Pforta, tuyên thệ trung thành với nghệ thuật và thư từ, và hất chai rượu vào tường để công nhận giao ước. Trong suốt ba năm, thành viên Germania gặp gỡ thường xuyên để chia sẻ các bài thơ, bài luận và các luận điểm cho nhau (đây là nơi mà Nietzsche trẻ giới thiệu tác phẩm triết học đầu tay, Số mệnh và Lịch sử) và trình diễn những sáng tác mới nhất của Wagner, trong đó có Tristan và Isolde. Đó chính là Nietzsche khi vui vẻ.
Khi đoàn tàu chở tôi sang vùng cao hơn, tôi ngẫm về sự quái đản của một thời thơ ấu như thế - chỉ hơi quái đản hơn một thời thơ ấu bao gồm những chuyến hành hương chín tuần để tỏ lòng biết ơn với những triết gia đã qua đời từ lâu một chút – và nỗi khó khăn ngăn cản không cho cậu bé có thể thật sự hòa nhập với xung quanh.
Fritz thử tìm cách trở nên bình thường, nhưng mọi thứ không diễn ra thật suôn sẻ. Trong đời sống hàng ngày, hoặc cậu làm nhiều hơn, hoặc thường thì cậu trở nên chán ghét sự tầm thường. Khi rời Pforta, trường nội trú đầu tiên tại Đức, cậu đăng ký theo học đại học ở Bonn và thể hiện ra thành công là mình có thể bình thường như mọi người – bạn nhậu, các chuyến nghỉ mát vào kỳ lễ, thậm chí có cả một mối tình ngắn. Cậu thử nốc rượu như các đứa trẻ khác, nhưng một tối nọ khi thật sự buông thả hết cỡ, cậu đã quấy quá kinh khủng tới độ suýt bị đuổi khỏi trường. Mô tả lại bữa chè chén ấy với mẹ, cậu phàn nàn mình “không biết có thể uống nổi bao nhiêu [rượu]”. Khi gia nhập Burschenschaft Frankonia, tương đồng với một hội huynh đệ ở Mỹ, cậu đã chạm ngưỡng chấp nhận tuân phục. Thật sự là cậu chẳng thích bia. Cậu thích bánh ngọt. Và cậu thích học – rất nhiều. Khi rời Bonn đi Leipzig chỉ sau mười tháng sống ở đó, cậu mang theo cảm giác trở thành kẻ bình thường chỉ tổ mất thời gian.
Trong những năm cuối tuổi vị thành niên, Fritz có hai nguồn an ủi: mẹ mình, bà Franziska, và những tác phẩm của Ralph Waldo Emerson. Cậu đã bắt đầu đọc Emerson từ đầu những năm 1860 khi học xong ở Pforta, và nhà Siêu việt luận người Mỹ nhanh chóng trở thành, theo cách diễn đạt của Nietzsche, “một người bạn tốt và một người đã khiến tôi vui tươi trở lại thậm chí trong những lúc buồn bã nhất: sở hữu quá nhiều skepsis (xem xét), quá nhiều ‘sự khả biến’ đến nỗi cả đạo đức cũng trở nên tâm linh.” Triết học khả quan nhất nên học thuộc lòng – chẳng phải kiểu học ghi nhớ máy móc, mà theo kiểu học nằm lòng và ứng dụng vào kinh nghiệm cá nhân. Cái kiến thức riêng tư nhất – triết học – cần phải trao cho cá nhân sự can đảm để quyết định cuộc sống của mình, mà không cần tới sự dẫn dắt của người dạy dỗ hay giáo sĩ. Và rồi lại có skepsis của Emerson, sự hoài nghi lý tính đã xen vào giữa Nietzsche và việc trở thành mục sư. “Tồn tại trên thế gian một con đường duy nhất mà chẳng một ai ngoài chính ta có thể đi: lối ấy sẽ dẫn đến đâu? Chớ bao giờ hỏi,” Nietzsche hướng dẫn, “cứ đi.” Con đường tự-cậy-bản-thân sẽ trở thành chánh lộ mà cuối cùng dẫn cậu đến dãy Alps.
Nietzsche bị thu hút bởi chủ nghĩa cá nhân hùng cường kiểu Prometheus của Emerson, bởi quan điểm của Emerson cho rằng cô đơn chẳng phải là cái có thể giải quyết bằng mọi giá mà chỉ là một thời khắc độc lập để chiêm ngẫm và thậm chí để tận hưởng. Thực ra, sự cô lánh, đến mức cho phép một người tự do khỏi ràng buộc của xã hội, chính là điều kiện thích hợp nhất dành cho một triết gia. Thôi thúc thấm màu Lãng mạn chủ nghĩa này nằm sâu nơi cả hai nhà tư tưởng; trải nghiệm mỹ cảm mang lại ý chí để vui sống không trong sự trừu tượng mà ở chính phương hướng cảm xúc và lý trí của một cá nhân. Ở tuổi hai mươi hai, trong thư gửi người bạn Carl von Gersdorff, Nietzsche viết về niềm ngưỡng mộ chân thành dành cho triết gia người Mỹ: “Đôi khi còn có những thời điểm yên tĩnh đầy chiêm nghiệm mà khi đó một con người đứng trên cả cuộc sống vui buồn lẫn lộn… Emerson đã mô tả những thời điểm ấy thật xuất chúng.” Khi vào tuổi trưởng thành, Nietzsche bắt đầu xem một số kiểu trải nghiệm – những “thời điểm yên tĩnh đầy chiêm nghiệm” trong số nhiều trải nghiệm khác – như một cách để thoát bỏ những buồn lụy của cuộc sống, và anh bị nhà tư tưởng đã khởi xướng một bước ngoặt duy nghiệm trong triết học hồi những năm 1840 này cuốn hút.
tranh của Edvard Munch
Ta buộc phải thừa nhận đó là một suy nghĩ kỳ lạ: cho rằng một người có thể đạt đến siêu vượt bằng cách trẫm mình vào những điều đã chiêm trải, rằng sự siêu vượt không thể tìm thấy “ngoài kia”, mà chỉ trong sự khám phá sâu sắc hơn về cuộc sống. Nhưng ý nghĩ ấy lại chính là cái đã kéo Nietzsche trẻ tuổi đến với Emerson. Những con đường hướng tới sự giải thoát truyền thống trong tôn giáo đã bị gọt đẽo trong những thập kỷ đầu thế kỷ 19: Phương pháp Thượng phê bình Đức, một trào lưu tư tưởng kinh thánh xem Phúc âm là những văn bản mang tính lịch sử hơn là lời của Chúa, làm suy yếu uy quyền tâm linh và hiện sinh của Giáo hội; chủ nghĩa tư bản đương thời đang thịnh đạt, thay thập giá bằng dấu hiệu đồng tiền uy quyền; và khoa học hiện đại – tiêu biểu bởi khám phá của Darwin vào giữa thế kỷ 19 – chỉ càng làm xói mòn hơn đức tin tôn giáo. Một người có thể có đức tin – và trải qua những khoảnh khắc mang ý nghĩa sâu sắc, gần như thánh thiêng – nhưng chỉ trong dòng chảy khả kiến, hữu hình của sự tồn tại
Trong tiểu luận năm 1844 mang tên Thực nghiệm (Experience), xuất bản vào năm Nietzsche ra đời, Emerson đã viết, “Không một ai đã từng trải nghiệm một điều gì thỏa mãn, nhưng trải nghiệm tốt đã là điều lành. Cứ tấn tiến! Vào những thời điểm được tự do, chúng ta biết rằng một bức tranh mới về cuộc sống… đã có thể được tạo nên.” Đây chính là Emerson trong kỳ ngập tràn hy vọng nhất, nhưng Nietzsche hiểu rằng sự trầm mặc của Emerson cũng đòi hỏi người ta phải học cách chịu đựng trải nghiệm một cách đúng đắn. Với Emerson, tự vượt có thể thực hiện được vào những khoảnh khắc mùa hè của vui và buồn, khoảnh khắc chính ngọ khi ta nhận ra rằng ngày đang dần buông, và đã quá bán. Người Mỹ ấy, một người tuổi cuối ba mươi đã mất người vợ đầu tiên vì chứng lao phổi, không hề xa lạ trước bi kịch cá nhân, và ông đã giúp Fritz vượt qua, cũng như chịu đựng, bi kịch của chính anh. Xuất bản năm 1841, tiểu luận Bồi hoàn (Compensation) của Emerson, tiểu luận song song với Tự tin vào mình (Self-Reliance), hứa hẹn rằng “mỗi một điều xấu xa mà ta không vì nó quy hàng đã là một điều phước.” Nietzsche dành phần lớn thời gian cuộc đời để tiếp thu thông điệp này, nhắc lại âm vang của nó nhiều lần, nổi tiếng nhất trong Hoàng hôn của những thần tượng: “Cái không thể giết được ta,” anh quả quyết, “khiến ta mạnh mẽ hơn.”
Tôi biết Nietzsche đã viết những lời lẽ ấy – và phần còn lại quyển sách – trong một tuần làm việc điên rồ ở Sils-Maria. Sau khi khám phá Splügen, tôi sẽ quay sang đó. Có lẽ tôi có thể đi bộ. Tôi đã mang theo giày đi bộ và dép. Không thể nào nhiều hơn 40 cây số.
* * *
Đường bộ và đường ray sẽ luôn nối hai điểm gần nhau nhất có thể, nhưng ở miền núi, đường bộ lại uốn cong theo sườn đồi và dốc đứng – lần duy nhất chúng tôi thật sự đi đường thẳng thớm là các đường hầm xuyên qua núi. Tôi nhìn xuống bên dưới ngoài cửa sổ. Chúng tôi đang đến gần Splügen, và dừng lại một chốc ở thị trấn Chur, thủ phủ của vùng. Tôi hình dung rằng có một con đường mà Nietzche đã từng đi, chỉ một con đường đá sỏi hẹp tạc vào đá granite biến mất hút sau chỏm núi tiếp theo. Nó tuyệt mỹ. Và chẳng đáng tin cậy chút nào. Con đường có một cùi chỏ chừng một thước và lan can, và rồi nó đổ dốc xuống đâu chừng cả trăm thước nữa. Tay vịn lan can chỉ mới lắp đặt gần đây. Nietzsche đã đến ngọn núi để bước giữa mép cùng của hư vô.
Chúng tôi vào một thung lũng sâu, cao hơn hầu hết những ngọn núi ở New England, và lần đầu tiên, tôi bắt đầu trân trọng vẻ tráng lệ của dãy Alps. Nếu vẻ đẹp bi kịch của Nietzsche có thể thâu tóm trong cảnh quan thiên nhiên, thì nó chính là đây: những ngôi làng Thụy Sĩ cổ xưa, ngăn nắp nằm lác đác trên một thảm thung bát ngát, xanh rì cỏ mọc chầm chậm, và rồi bất thình lình, nhường lối cho những bức tường đá và băng chạm tới mây. Những tương phản cực độ đặt cùng nhau trong sự hài hòa hoàn hảo.
“Tôi trèo lên những con đường thôn quê dễ dàng,” Nietzche kể lại trong quãng thời gian ngắn ở Chur, “mọi thứ như yên giấc trước mắt… cảnh quan lộng lẫy đằng sau, quang cảnh không ngừng đổi thay, không ngừng mở rộng.” Nhìn quanh quất trước khi đón tàu đi Splügen, tôi nghĩ rằng chặng leo núi chẳng thể nào dễ dàng dường ấy với Nietzsche. Đi bộ chặng ấy chẳng thể nào xảy ra được, đặc biệt trong một nền văn hóa đặt lòng tự hào của mình vào những cách di chuyển không gây ra khó nhọc. Nietzsche có một từ cho nền văn hóa ấy: suy đồi. Suy đồi đến từ tiếng Latin, dēcadēre, “rơi ra” – như rơi ra khỏi đường ray tàu.
Theo Nietzsche và Emerson, hiện đại đã rơi ra khỏi nhịp điệu cuộc sống. Hiện đại đã không còn đồng điệu với những thôi thúc cơ bản mà trước kia từng khiến sự tồn tại của con người trù phú. Loài động vật theo thói thích chơi đùa, nhảy nhót, leo trèo – để sử dụng năng lượng và phô trương sức mạnh. Nhưng trong những nỗ lực để trở nên văn minh và thành kính, Nietzsche quả quyết, con người hiện đại chúng ta đã giết chết hoặc giam cầm con thú bên trong. Với sự giúp sức của Thiên chúa giáo và chủ nghĩa tư bản, con thú người đã được phép trở nên mềm mỏng. Ta “đi làm”, hiếm khi là để thi triển tự do ý chí, mà chỉ vì tấm ngân phiếu sẽ nhận được trong tương lai. Cuộc sống không còn được hào hứng tận hưởng – mà chỉ bị trì hoãn cho lâu kết thúc.
Nietzche trốn về những ngọn núi vì nhiều lý do. Ông bệnh – mắc chứng buồn nôn, đau đầu, và đau mắt sẽ ám ảnh cuộc đời còn lại của ông – và ông cần thêm thời gian để viết. Ông đang tìm kiếm những trải nghiệm mới, sâu sắc hơn và cao viễn hơn. Nhưng ông cũng không còn hoàn toàn được đón chào ở Basel. Việc xuất bản Khởi sinh của Bi kịch trong cộng đồng ngữ văn năm 1872 đã tạo ra mâu thuẫn giữa những người theo phái dịch giải và những người theo phái hiện sinh. Phái dịch giải cho rằng quan điểm nghiên cứu nguồn gốc của ngôn ngữ là “hiểu đúng” – cắt phăng đi những giới hạn của diễn dịch hòng hiểu lấy ý nghĩa của từ ngữ như người xưa đã từng hiểu. Nietzsche, và một nhóm nhỏ các nhà ngữ học theo phái hiện sinh, cho rằng cách du hành ngược thời gian bằng tri thức ấy vừa lỗi thời vừa không thể - rằng “công việc của nhà ngữ học là việc hiểu về thời đại của mình hơn thông qua thế giới cổ điển.” Quan điểm của nghiên cứu lịch sử là để làm phong phú hơn thời điểm hiện tại của trải nghiệm sống. Nhận định này được đưa ra trong một tiểu luận chưa hoàn thành được Nietzsche đặt tên Nhà ngữ học chúng ta tới nay vẫn chưa được xuất bản, đúng hơn là chưa xuất bản trọn vẹn, vì lùm xùm vốn đã dấy lên từ thời Khởi sinh của Bi kịch. Khi sách xuất bản, Friedrich Ritschl, cố vấn lâu năm và lãnh tụ của truyền thống dịch giải, đã từ khước người học trò triển vọng nhất của mình.
Theo Ritschl, Nietzsche có hai mặt: một học giả xuất chúng và siêng năng có thể hiểu được những đoạn văn đặc nghẹt và rối rắm nhất bằng tiếng Hy Lạp, và kẻ điên “khoa trương tuyệt vời, thông minh vượt trội” tiến vào miền bất khả cảm thấu. Tinh thần Dionysus của Nietzsche giúp anh kết bạn được với vài người bạn trong các tập thể ù lì của tầng lớp tinh hoa trí tuệ ở Basel. Các bài đánh giá về Khởi sinh của Bi kịch – một trong số đó do một trong những người bạn thân nhất của Nietzsche viết – cực kỳ man rợ. Vị học giả trẻ đầy hứa hẹn, theo lời của những vị giáo viên cố vấn nổi danh, “có thể thật sự muốn làm bất cứ điều gì mình muốn,” thình lình trở thành một kẻ bị ruồng bỏ trong thế giới hàn lâm học thuật. Do đó vào tháng 9 năm 1872, anh rời Splügen; đó là một thử nghiệm sinh sống trên núi mà vài năm sau cậu sẽ chọn ở hẳn. “Khi chúng con đến gần Splügen,” Nietzsche viết cho mẹ, “con bị mong mỏi được ở lại chốn ấy chinh phục… Thung lũng trên dãy Alps này đây… chính là cái mà con muốn. Có những cơn gió mạnh, trong veo, những ngọn đồi và đá tảng đủ mọi hình thù, và, xung quanh mọi thứ, là những dãy núi đỉnh phủ đầy tuyết. Nhưng điều làm con hài lòng nhất chính là những nẻo đường cao tuyệt mỹ mà con có thể đi suốt hàng giờ liền.” Khi Nietzsche đến Splügen, anh cư trú tại một nhà khách nhỏ ở ven thị trấn. Nếu ở Basel anh vừa là người nổi tiếng cũng vừa là kẻ vô loài, thì ở đây anh chỉ là một kẻ xa lạ, và dân làng cư xử với anh như kẻ xa lạ. Nietzsche viết cho mẹ rằng anh yêu thích sự tự do của sự vô danh tính. “Giờ đây con đã biết một cái chốn xa lánh,” anh viết, “mà con có thể tìm lại sức mạnh, có thể làm việc bằng năng lượng tươi mới, và sống mà không cần ai cả. Ở nơi này con người không khác mấy những bóng ma.”
Khi rời khỏi tàu sau chuyến đi kéo dài năm giờ, tôi buộc phải đồng tình: sự phù du của kiếp người tương phản hoàn toàn với sự rắn rỏi của mảnh đất này. Người ta trườn ra khỏi tàu để tìm đến những ngôi nhà bé xíu của mình e ấp ở các ngọn đồi. Tôi chỉ còn lại một mình ở nhà ga, cố hít thở không khí loãng, tự hỏi đêm nay sẽ ngủ lại ở đâu. Nhưng lúc đó chỉ mới ba giờ chiều, và các ngọn núi vẫn sáng choang. Đôi dép dưới chân và ba lô mười lăm ký trên lưng, tôi bắt đầu chuyến đi bộ đầu tiên của mình trên dãy Alps.
Tôi đi theo một con đường mòn dẫn ra khỏi trung tâm Splügen đến các ngọn đồi. Những bảng chỉ dẫn nhỏ, khiêm tốn chỉ đường dẫn tới Isola, một ngôi làng nằm tại biên giới nước Ý cách ba mươi dặm. Tôi chỉ đi một đoạn ngắn rồi quay trở lại trước khi đêm buông xuống. Đi bộ là một trong những hoạt động khiến con người ta phấn chấn nhất. Đó là cách chúng ta tổ chức không gian và định hướng bản thân hướng về thế giới rộng lớn. Đó là bằng chứng sống của việc lặp đi lặp lại – chân trước rồi chân sau – thực sự có thể cho phép con người tạo ra một tiến bộ mang ý nghĩa. Chẳng phải tình cờ mà cha mẹ đãi tiệc ăn mừng những bước tập tễnh đầu đời của con mình - những dấu hiệu đầu tiên, và có lẽ tuyệt diệu nhất, của sự độc lập.
bức Sils Maria của Gerhard Richter vẽ năm 1989
Con đường mòn tương đối phẳng và thậm chí đôi khi còn lộm cộm đá, và tôi sải bước nhanh. Đi bộ có lợi ở cả thực tiễn lẫn thể chất, nhưng với nghệ sĩ và nhà tư tưởng như Nietzsche, đi bộ còn gắn với sự sáng tác và suy tư triết học. Phó mặc cho các suy nghĩ của mình dạo chơi, suy nghĩ giữa lúc bước đi, tìm đến kết luận – đó chẳng phải là những cách diễn đạt đơn giản, mà chúng phản ánh một sự cơi mở của tinh thần mà ta chỉ có thể đạt được khi đang di chuyển. Theo lối nói của triết gia thế kỷ 18 Jean-Jacques Rousseau, “Tôi chẳng bao giờ làm nên điều gì nhưng khi bách bộ, thôn dã chính là công trình nghiên cứu của tôi.” Lịch sử của triết học chủ yếu chính là lịch sử của tư tưởng nảy sinh khi dịch chuyển. Dĩ nhiên, nhiều triết gia đã ngơi nghỉ để ghi chép trở lại, nhưng bất quá đó chỉ là một đỉnh điểm, một cách để mơ hồ đánh dấu lại những gì đã được kinh qua. Đức Phật, Socrates, Aristotle, những vị theo phái Khắc kỷ, Đức Jesus, Kant, Rousseau, Thoreau – những nhà tư tưởng ấy chẳng bao giờ dừng chân quá lâu. Và một số người trong số họ, những người thật sự ám cưỡng với việc đi đứng, đã nhận ra rằng sự lang thang rốt cuộc sẽ dẫn đến một chốn khác: chuyến leo thật sự. Đây chính là khám phá mà Nietzsche đã nhận ra ở dãy Alps.
Ở tuổi ba mươi, ông vẫn còn đủ sức khỏe để mơ đến chuyện trèo lên cao: “Trèo cao như bất cứ nhà tư tưởng nào đã từng trèo, đi vào bầu không khí giá rét tinh khôi của dãy Alps, nơi không màn sương nào giăng phủ để che đậy bất cứ thứ gì và là nơi cấu tạo tổng quát của vạn vật tự mình phơi bày theo cách thức thô ráp nhất, bởi tạc nên từ đá, nhưng bằng sự rõ nét trọn vẹn nhất!” Đi bộ, khác với đa phần những chuyến nghỉ mát, là một công trình có phần thưởng của riêng nó, và những khía cạnh chẳng mấy dễ dàng của nó thường lại là những phần hữu ích nhất. Cái nhói âm ỉ của acid lactic đang tiết ra ngày càng nhiều ở tứ chi và bắp cơ dần dần nhắc nhở ta rằng xác thịt – xác thịt của ta – vẫn còn hiện hữu. Sự kiểm soát trước cơn đau thật cương quyết đến lạ: Ta có thể đi đến chỗ nhô cao tiếp theo, đến gờ đá kế tiếp hay không? Cuộc sống thường đớn đau hay phiền hà, nhưng người leo núi, tối thiểu, cũng quyết được cách họ sẽ đau đớn như thế nào.
“Đi” được hơn sáu cây số đến Isola, tôi cởi đôi dép ướt đẫm mồ hôi, quàng ngược ra sau, và bóc những chỗ da rộp lên ở gót chân. Quay trở lại Splügen, tôi lẻn vào một kho thóc ở vùng ven, trải chiếu ngủ ra, và nằm đó nghỉ suốt đêm. Tôi phải lấy lại sức và trở lại với cuộc tìm kiếm Kẻ phản Kitô vào ngày hôm sau. Tôi an ủi bản thân, rằng với Nietzsche, vấn đề chẳng nằm ở chỗ vượt qua hay thậm chí là chiến thắng khổ đau: ông đã nhận ra, như rất nhiều triết gia trước mình, rằng khổ đau là một thực tế quan trọng của tồn tại con người. Nhưng phản ứng kham khổ trước khổ đau chính là phải hiểu đó là một lời than phiền về cuộc sống. Thách thức của tôi – thách thức mà Nietzsche đặt ra – là hãy trân quý cuộc sống với mọi khổ đau của nó. Khi ông viết, ở vào hồi cuối của sự nghiệp, “Có ai hiểu tôi không? Dionysus đối nghịch với Kẻ được đóng đinh vào thập ác,” ông muốn cho thấy rằng khổ đau không chối bỏ đi cuộc sống mà ta trải qua; nó phải được đón chào, trân quý, theo hệt cái cách mà chúng ta đón chào và trân quý hạnh phúc. Thực tế, Nietzsche thường có cách nói như thể hạnh phúc tốt hết chỉ là một mục tiêu phụ. Trong Và Zarathustra đã nói như thế, nhân vật nổi tiếng nhất của Nietzsche, sau khi đã dành trọn đời sống trên núi, kết luận rằng: “Hạnh phúc ư? Vì sao ta phải tìm kiếm hạnh phúc? Ta tìm kiếm công trình của ta.”
Tranh của Edvard Munch
Tôi bỏ ra hai tuần ở những ngọn đồi xung quanh Splügen, tập làm quen với niềm vui được đi lại và sự kém thoải mái khi đứng yên tại chỗ. Những ngày ấy thật vẻ vang. Những đêm ấy kéo dài vĩnh viễn. Chán nản, tê cứng, cháy nắng – ngay khi tôi dừng bước, mọi thứ bắt kịp lấy tôi. Tôi lẽ ra đã kiệt sức, nhưng lại không. Tất cả những gì tôi muốn là để cho mặt trời mọc để tôi có thể bước đi tiếp tục. “Tất cả mọi suy tư thật sự vĩ đại,” Nietzsche thông báo với độc giả trong Hoàng hôn của những thần tượng, “đều được hoài thai khi đang bước đi.” Một nho sinh viết triết trẻ tuổi sẽ tìm thấy sự tương liên đơn giản: bước đi càng nhiều càng tốt. Hầu hết những lối mòn khó đi ở dãy Alps đều chẳng phải lối mòn gì cả. Chỉ là những thì thầm yếu ớt làm nên từ những nhát cào vào đất và những hòn đá sai chỗ. Ở đây ta có thể nhận ra thực chất của việc đi lại hãy còn được che giấu – rằng đi đến đâu, và làm thế nào để đi đến đó, hoàn toàn nằm ở nơi ta. “Mỗi tâm hồn,” Emerson viết trong bài giảng Lịch sử tự nhiên của Trí tuệ, “đang đi trên lối đi riêng bước đi thật vững chãi, trước sự ngỡ ngàng của những linh hồn khác, những kẻ không nhìn thấy lối kia.” Có một sự tự do khiếp sợ trong chân lý ấy, và tôi nhận ra rằng rất khó để giữ chỗ đặt chân. Nhưng một khi bắt đầu đi, sẽ còn cực kỳ khó khăn để dừng chân trở lại.
* * *
Ngẫm lại, tôi biết lẽ ra đã nên cảm thấy sợ hãi hơn trước những ngọn núi. Ấy thế mà sau những ngày leo trèo quanh Splügen, tôi đã tìm cách chinh phục chúng. Theo đường chim bay, Sils-Maria, ngôi làng nhỏ nơi Nietzsche đã viết Và Zarathustra đã nói như thế, chỉ cách đó năm mươi cây số. Nhưng chim không bay qua lại giữa Splügen và Sils-Maria. Chúng bay quanh Piz Platta, đỉnh cao nhất ở Oberhalbstein Alps. Ở độ cao 3400 mét, ngọn núi có thể được nhìn thấy vào một ngày trời trong từ máy bay cách đó hai trăm dặm, nhưng khi ta tiến vào chân đồi dãy Alps, những đỉnh núi thật sự dữ tợn đều bị những đỉnh núi uy nghi khuất che. Tôi mua một chiếc áo ấm nhẹ, một đèn gắn đầu, và một cây gậy đi bộ, mà tôi nghĩ có thể thừa giúp tôi đến được chốn ấy. Để đảm bảo an toàn, tôi mua một la bàn và một tấm bản đồ để giữ chính hướng sắp đi – tôi định sẽ đi một con đường tắt xuyên qua các ngọn núi – và một túi ngủ phòng khi trời trở lạnh. Rồi tôi đi, trườn, và trèo suốt mười lăm giờ đồng hồ, thẳng về Platta, thẳng vào bóng tối.
Tôi chưa bao giờ cắm trại tại vùng hẻo lánh bao giờ. Mặt trời sụp xuống đằng sau các đỉnh núi phía Tây, và nhiệt độ hạ thấp. Đêm hóa ra, tôi đã bắt đầu nhận ra, lạnh hơn là tôi tưởng.
Vì sao tôi lại chẳng chịu ở lại cái con đường la đi chết tiệt đó? Tăng tốc nhanh hơn, tôi tìm kiếm một cái gì đó tựa như chỗ trú chân, nhưng ở trên hàng cây, chỗ trú cực hiếm. Cuối cùng, tôi tìm thấy một trũng đá ở bề mặt đá granite – gọi nó là “hang” sẽ hơi quá – và nằm ngủ lại qua đêm. Màn đêm buông xuống. Tôi đã mang theo diêm nhưng lại quên không gom củi trên đường.
Bình tĩnh nào: chẳng có gì để sợ hãi. Tôi chẳng thấy một con người nào từ khi tách ra khỏi con đường mòn lúc ban sáng. Điều này cũng có nghĩa rằng chẳng một ai sẽ tìm thấy xác của tôi, nhưng cũng có nghĩa là chẳng ai sẽ giết chết tôi lúc giữa đêm. Hơn nữa, người Thụy Sĩ không phải là một dân tộc thích giết chóc. Chẳng có gì để sợ hãi. Dấu hiệu duy nhất của sự sống là những con marmot thi thoảng xuất hiện và âm thanh lục lạc đeo cổ bò khi vang khi ngừng bên từ rất xa bên dưới. Có thể có hàng trăm con linh miêu ở Alps, và có thừa cừu trong thung lũng để chúng chén.  Tôi nghĩ lũ sói và gấu đã bị tuyệt diệt hàng mấy chục năm trước. Chẳng có gì để sợ hãi. Một vài vì sao tạm thời bầu bạn cùng tôi nhưng rồi cũng biến mất đằng sau mây trùm lên đầu núi. Cuối cùng, như tôi đã ngờ vực, tôi hoàn toàn một mình.
Đây rồi: sự thẳm tối hoàn toàn – “hư vô” mà tôi sợ hãi. Từ khởi thủy, theo Nietzsche, con người “bị bao quanh bởi hư vô đáng sợ - hắn không biết làm thế nào để lý giải, giải thích, trấn an mình; hắn đau khổ vì ý nghĩa bản thân.” Tôi bật đèn đeo đầu lên và rọi hết cỡ vào màn đêm. Ánh đèn kéo dài, lu đi, và biến mất. “Ngày xửa ngày xưa,” Nietzsche viết trong Về Chân lý và Dối trá, “ở một nẻo xa xăm của vũ trụ… có một vì sao mà bên trên nó những con thú dữ thông thái đã sáng tạo ra ý thức… Sau khi thiên nhiên đã bắt đầu hít thở, vì sao nguội đi và đông lại, và những con quái vật thông thái ấy phải chết đi.” Lao động vô cùng cực nhọc, phải cháy thật sáng, và rồi vụt tắt mà không có một lời lý giải hay cảnh báo nào – đó chính là ý nghĩ ám ảnh Nietzsche khi ông bắt đầu bước vào dãy Alps.
Tôi thu mình vào trong túi ngủ, nhưng tai và mặt tôi vẫn nhói khi gió cất lên. Khi sáng đến, tôi vẫn còn tỉnh ngủ. Tôi chẳng còn nhớ mình đã trở lại Splügen như thế nào, nhưng tôi biết đã tốn hết hai ngày. Đông da hoặc tổn thương do gió để lại một vết sẹo ở thùy tai -  nó vẫn, cho đến rất gần đây, là dấu hiệu duy nhất về việc tôi đã thật sự thực hiện chuyến đi điên khùng ấy.

k.