Harriet Scott Chessman là một nhà văn Mỹ, đã viết năm tiểu thuyết Lydia Cassatt Reading the Morning Paper, Someone Not Really Her Mother, The Beauty of Ordinary ThingsOhio Angels. Quyển sách mới nhất của cô là The Lost Sketchbook by Edgar Degas. Harriet tham gia viết phần ca từ (libretto) cho opera thính phòng Mỹ Lai với phần nhạc do Jonathan Berger sáng tác, trình diễn bởi Tứ tấu Kronos và nghệ sĩ đàn dân tộc Võ Vân Ánh.
Suốt thời thơ ấu, mẹ tôi hát tôi nghe: những bản thánh thi, tụng khúc, những bản dân ca, những bài hát từ thời bà còn con gái ở Tennesse và St. Louis. Các chiều Chủ Nhật tuy vậy lại mang tới thêm một chút gì đó lạ thường. Mẹ thường dựng đứng tấm bảng ủi đồ và xua chúng tôi ra ngoài nếu không chịu giữ yên lặng – phần biểu diễn live các vở opera của nhà hát Metropolitan sắp sửa bắt đầu. Bà vừa ủi vừa lắng nghe, thỉnh thoảng lại nương theo cảm xúc từ một aria hay duet cao trào nào đó đến độ nước mắt ùa ra. Là một đứa trẻ, tôi thấy phản ứng của bà thật thú vị. Làm thế nào mà âm nhạc ấy có sức mạnh có thể khiến bà rơi nước mắt?

cảnh trong vở diễn "My Lai"
Bốn năm trước khi Jonathan Berger mời tôi tham gia viết lời cho vở opera mà anh ta hy vọng có thể sáng tác, tôi đã chần chừ. “Tôi chẳng biết gì về opera,” tôi đáp, và theo nhiều cách đáng xấu hổ khác nhau, điều ấy đúng. “Tôi nên đọc gì?” Tôi hỏi Jonathan. “Đâu là luật của một libretto?”
“Không, không!” anh ấy đáp. “Đừng đọc gì cả! Cô chỉ việc viết lời lẽ và ý tưởng khi chúng đến với cô!” Theo lời khuyên này, dường như Jonathan đã điềm tĩnh và hào phóng mở ra cho tôi một cánh cổng dẫn vào cả một thế giới âm nhạc và truyện kể mà tôi có thể trú ngụ. Thực tế, anh ấy đã cho tôi thấy chẳng hề tồn tại cánh cổng nào cả. Anh khuyến khích tôi tin tưởng vào cảm xúc và lời lẽ đến với tôi.
Jonathan đã có một cảm nhận mạnh mẽ về chủ đề của vở opera này (hay chính xác hơn, một vở kịch hát đơn tuyến nhân vật). Tâm điểm của vở chính là Hugh C. Thompson Jr., viên phi công trực thăng trẻ tuổi trong cuộc chiến Việt Nam, người đã – cùng đồng đội hãy còn tuổi vị thành niên Lawrence Colburn và Glenn Andreotta – tìm cách ngăn chặn thảm sát Mỹ Lai ngày 16 tháng 3, 1968. Thompson đã thực hiện ba cú hạ cánh khẩn, tự ý và hoàn toàn không theo lệnh của chỉ huy vào sáng hôm đó, vào giữa cuộc giết người hàng loạt hơn 500 thường dân người Việt, bao gồm phụ nữ, trẻ em, trẻ sơ sinh và người già. Cuối cùng, anh đã cứu sống được hơn mười người, trong đó có một bé trai mà Andreotta lôi ra từ một con kênh chất đầy người đã chết và đang thoi thóp. Hugh bền bĩ báo cáo những tội ác này qua vô tuyến nhiều lần từ trực thăng, ấy vậy mà cuộc thảm sát vẫn tiếp tục diễn ra.

Rinde Eckert trong vai Hugh Thompson, Jr., nguồn: Ryan Hartford/CAP UCLA
Jonathan không chú trọng nhiều vào hành động anh dũng của Thompson cho bằng những cách mà sự kiện buổi sáng hôm đó đã ám ảnh ông đến tận khi ông đang hấp hối trong căn bệnh ung thư vào năm 2005. Giống những vở opera trước đây của mình, TheotokiaThe War Reporter – với Dan O’Brien viết lời – điều rung động Jonathan chính là những căn phòng vang vọng ký ức và bi kịch, những yếu tố mà bản thân tôi đã khai thác nhiều trong sáng tác của mình. Jonathan trình bày ý tưởng về vở opera này mang tên Mỹ Lai cho Hiệp hội trình diễn nghệ thuật Kronos, tổ chức đã hào hứng đặt hàng tác phẩm. Một đội ngũ nghệ sĩ trình diễn phi thường tham gia vào dự án: bên cạnh Tứ tấu Kronos, nghệ sĩ gốc Việt Võ Vân Ánh sẽ trình diễn nhạc cụ của chính mình, một số thậm chí làm từ vỏ đạn pháo của quân đội Mỹ, và Rinde Eckert trình diễn phần thoại của Thompson.
Khi bắt đầu tìm hiểu về cuộc thảm sát và về cuộc đời Thompson, tôi lắng nghe giọng nói của ông trong vở diễn. Và chẳng mấy chốc, tôi đã nghe được âm sắc và nội dung của giọng nói ấy, nếu không muốn nói là những từ ngữ chân xác của nó, đâu đó quanh tôi. Tôi cảm giác ông bị giằng xé, buồn thương, đau đớn và vẫn căm phẫn trước sự bạo tàn của đồng đội mình. Tôi nghe thấy ông khi đọc về những lập luận phẫn nộ của ông chống lại những sĩ quan trên mặt đất buổi sáng hôm đó, trong đó có Trung úy Calley, sĩ quan chịu trách nhiệm chính cho “hành xử” của Quân đội. Tôi thử hình dung bằng cách đặt mình vào vị trí của ông, trải qua sự bưng bít của Quân đội Mỹ và hành động tấn công vào uy tín của ông từ Ủy ban Quân sự, bất chấp nỗ lực của ông trở thành một quân nhân tốt và nỗ lực muốn phơi bày sự tàn bạo đã xảy ra mà không ai có thể tưởng tượng ra được. Tôi ngẫm nghĩ về những khó khăn mà ông hẳn đã vấp phải sau đó, vì đã chống lại Quân đội và vì không thể ngừng mơ thấy và nghĩ tới những đứa trẻ và những gia đình ông không thể cứu sống. Có một thứ bất công và đau thương dường ấy trong câu chuyện. Rõ ràng trong những phỏng vấn ghi hình Thompson và từ mô tả từ chuyến trở lại Mỹ Lai, 30 năm sau với đồng đội Colburn, ông đã bị ảnh hưởng sâu sắc không thể thay đổi được bởi sự đau khổ vô nghĩa mà ông đã chứng kiến ngày hôm đó.

Vannessa Võ Vân Ánh, nguồn: Ryan Hartford/CAP UCLA
Một ngày kia, những từ ngữ đầu tiên cho quyển libretto đã đến với tôi: Thompson hát, “I always wanted to fly.” Ngay sau câu mở đầu đó lửng lờ trong ý thức của tôi, giọng hát của mẹ tôi cũng xuất hiện, đang hát một tụng khúc mà bà hằng yêu thích, My Lord, What a Morning.
My Lord, what a morning!
My Lord, what a morning!
O my Lord, what a morning!
When the stars begin to fall.
Khi nghe bản thu quyến rũ, sầu bi qua giọng hát của Marian Anderson, tôi nhận ra rằng bất luận sự êm đềm, bản nhạc thật ra chính là về sự biến động mãnh liệt của Khải huyền, và những ngày cuối cùng của thế gian. Dường như bài hát ấy nói với tôi về trải nghiệm của Thompson – ông đã chứng kiến một sự Phán xét bị méo mó kinh khiếp khi chứng kiến những binh lính Mỹ trẻ tuổi thảm sát những thường dân vô tội, không vũ khí trong tay. Vở opera của chúng tôi giờ đây bắt đầu bằng nhân vật Hugh Thompson hát bản nhạc này trong nửa tối nửa sáng.

Jonathan Berger
Tôi viết ra phần nhiều libretto này trước khi nghe thấy dù chỉ một nốt nhạc; vì với Jonathan trong tư cách nhà soạn nhạc, những từ ngữ ấy đến trước và gợi tứ cho âm nhạc. Tuy nhiên, nó cũng là một vòng lặp khép kín, vì ca từ chỉ đến khi tôi đã nghe thấy phần nhạc hãy còn chưa được viết ra. Bản nhạc, như tôi cảm nhận đang hình thành, chứa chất tất cả những gì không thể thốt ra, tất cả những gì đã cuộn xoắn, bóp chẹt, giằng kéo và gây ra đau đớn. Libretto mang tôi đến một trạng thái thuần khiết cảm xúc, cho phép tôi tái tạo lại sự thống khổ mà tôi hình dung Thompson hẳn đã chịu đựng, thậm chí suốt bao năm tháng trôi qua.
Phần nhạc Jonathan sáng tác cho tứ tấu, thanh nhạc, và các nhạc cụ Việt đã khiến trải nghiệm ngày 16 tháng 3, 1968 đầy bi kịch không thốt nên lời, thông qua Thompson, trở thành một trải nghiệm diễn cảm, đau khổ và khiến ta trăn trở. Tất cả những gì ông không thể nói được – tất cả những gì ám ảnh lấy ông – hiện diện, đau đớn thay, trong cái mà âm nhạc trên sân khấu mang lại cuộc sống. Thưởng thức tác phẩm sâu lắng, phong phú lạ  thường này, nhìn thấy Rinde Eckert trở thành Hugh Thompson, nghe thấy ca từ tôi viết ra kết hợp với âm nhạc, tôi đã hiểu ra rằng, đích xác điều gì đã khiến mẹ tôi rơi nước mắt vào những chiều Chủ Nhật nhiều năm về trước.
---
Thêm về Jonathan và Rinde
Jonathan Berger, Phó GS, Khoa âm nhạc, đồng Giám đốc Học viện Sáng tạo và Nghệ thuật Stanford (SiCa), đồng Giám đốc Khởi xướng nghệ thuật Stanford, là một nhà soạn nhạc nằm ngoài những bảng xếp hạng, sân khấu thường trực sáng đèn của cái ta vẫn gọi là nhạc kịch. Giống hơn một học giả biết sáng tác, cộng với truyền thống âm nhạc Do Thái dồi dào trong gia đình và văn hóa tôn giáo, Jonathan kết hợp khoa học và trải nghiệm của con người, khai phá những cách thức sử dụng âm thanh hiệu quả để truyền đạt thông tin – âm thanh của một tế bào ung thư, hay một cú vụt gậy đánh golf.  Ông dạy sáng tác và lý thuyết âm nhạc và nhận thức tại Trung tâm Nghiên cứu máy tính về Âm nhạc và vật lý âm thanh, đồng thời là một nhà nghiên cứu có hơn 60 ấn bản thuộc đa dạng các lĩnh vực liên quan đến 3 mảng âm nhạc, khoa họ và công nghệ. Một tác phẩm tiêu biểu của Jonathan là 2 bộ đôi 2 vở opera một hồi tên Visitations, khai thác các ảo giác âm thanh của con người, ra mắt công chúng tại khán phòng Bing của Stanford tháng 4 năm 2013. Ông sáng tác từ thanh nhạc, thính phòng, đến các kết hợp âm thanh mộc và điện tử. Ngoài sáng tác, Jonathan còn tích cực tham gia vào nghiên cứu về xử lý tính hiệu và nhận thức âm nhạc, và hợp tác với nhiều nhà khoa học về thần kinh và nhận thức để khảo sát ảnh hưởng của âm nhạc lên não bộ. Jonathan còn là giám đốc sáng lập Trung tâm nghiên cứu Công nghệ âm nhạc của ĐH Yale.
Rinde Eckert, bằng một sự thông thạo tài tình về cử chỉ, ngôn ngữ, ca khúc, người nghệ sĩ sân khấu toàn diện này có thể dễ dàng di chuyển ra ngoài ranh giới cho là vốn có của một vở kịch, một vở múa, một opera, hay một tác phẩm nhạc kịch, hòng vật lộn với những chủ đề phức tạp, xoay quanh các nhân vật “phận thấp nhưng chí khí cao, mà hậu quả để lại từ sự tự tin thái quá của họ thường là nghiêm trọng.” Tác phẩm của anh đi từ sự trầm ngâm sâu lắng đến lắng đọng kết tinh đến sự soi tỏ gian nan, hoặc thiếu vắng nó. Sự nghiệp của anh bắt đầu từ những năm 80, khi anh viết lời cho Paul Dresher, sáng tác nhạc cho vũ công Sarah Shelton Mann và Margaret Jenkins, trước khi sáng tác cho riêng mình từ năm 1992. Ben Brantley, The New York Times, viết về tác phẩm Horizon của Ende “Anh tìm thấy những tương đồng sống động giữa sứ mệnh tìm hiểu về tâm linh của con người với sứ mệnh nắm bắt và soi chiếu cuộc sống của sân khấu.”
Năm 2007, anh được chọn vào vòng trao giải Giải Pulitzer danh giá cho mảng kịch nghệ, trong số rất nhiều giải thưởng khác suốt gần 20 năm qua. Đồng thời, Rinde cũng tham gia năng nổ và giàu sáng tạo vào rất nhiều sản phẩm sân khấu và kịch nghệ nói chung, theo hướng đa phương tiện biểu đạt và đi sâu hơn về trải nghiệm cảm xúc con người. Năm 2013, chính Rinde đạo diễn hai vở opera của Jonathan, Theotokia và The War Reporter cho dự án Stanford Live thuộc ĐH Stanford, nơi Jonathan công tác. Rinde giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ Anh và Trường Nhạc ĐH Princeton từ năm 2007, và các sáng tác sân khấu của anh ra đời từ những đợt nhiệm trú nghệ thuật dưới sự bảo trợ của các trường ĐH như California, khoa Sân khấu và Múa Davis, ĐH Nebraska, ĐH Iowa, và Trung tâm nghệ thuật ĐH Wesleyan.
Rinde Eckert hình thành sự ham thích dành cho sự thất lạc (hay thất cách), như một món quà tuyệt vời khi ta có thể vẫn vận hành giữa nó, dẫu không biết sẽ đi đến đâu – tương tự cách một bộ phim tài liệu, hay một tác phẩm được hình thành mà người sáng tác không có một điểm đến cụ thể nào trong đầu. Rinde cũng hình thành sự trân trọng dành cho khả năng đạt đến sự giản dị giàu tính nghệ thuật, vốn thường không hề yên ả hay giản dị chút nào. “Tôi yêu thích hài kịch về con người trong mọi thể hiện lạ lùng và vi tế nhất của nó, như tôi đã bắt đầu trân trọng sự thấu cảm. Tôi bị cuốn hút bởi sự mỉa mai sâu sắc, chứ không chỉ hay ho. Với tôi, nghệ thuật là một phần trong tham vọng to lớn hơn muốn dung hòa và chấp nhận cuộc sống, muốn trở nên khôn ngoan hơn.”