Nhân dịp thu podcast & youtube về chủ đề này nên mình hoàn thiện nốt outline để chia sẻ với mọi người, đặc biệt là những bạn đang bắt đầu bước trên hành trình self-healing - tự chữa lành nhưng không biết đi từ đâu (giống mình hồi xưa và thực ra là cứ đi rồi tự thấy đường dị đó).
Những bạn đọc bài của mình thì cũng không lạ gì việc mình đã từng là một đứa gặp khá nhiều vấn đề và mình sẽ không nói lại nhiều nữa. Có thể vấn đề của mình không quá lớn so với ai đó, có thể mình vẫn đang trong quá trình học hỏi nhưng mình khá hài lòng về trạng thái của mình bây giờ. Mình nói với anh bạn của mình (aka nyc luôn hỏi thăm: Em ổn không? - tất nhiên quan tâm thật lòng nhé): Có thể ko phải lúc nào em cũng hạnh phúc nhưng em nghĩ em đã đang và sẽ học được cách để vượt qua những chuyện không vui và chạm tới hạnh phúc tự thân. Và mình biết đó là hành trình chữa lành mà mình đang đi, đang khám phá - con đường đã đưa mình từ một đứa luôn bất an thành một người tin vào bản thân rất nhiều.
Với mình thì chữa lành không phải là một nghi thức to tát mà đơn giản là chuỗi hành động có ý thức mỗi ngày để chúng ta hiểu hơn về chính mình, về cách hành xử của mình trước những vấn đề, vòng lặp đang ngăn cản bản thân thu hút những điều tích cực, sống trọn vẹn và nhẹ nhàng hơn.
Chữa lành có thể gọi đúng ra là làm lành, tức là hòa hợp với cả những điều tốt lẫn chưa tốt bên trong (không phải là cố bới móc điều sai trái, hỏng hóc để sửa chữa). Theo ngôn ngữ của các thiền sư Vipassana, đó là một cuộc rèn luyện tâm, đại phẫu tâm, thanh lọc tâm,vv... để thay đổi khuôn mẫu thói quen và những phản ứng không mong muốn giúp chúng ta giữ được sức mạnh nội tại, sự an ổn tự thân. Theo kinh nghiệm của mình, quá trình này gồm 3 bước:
- Xác định vết thương
- Mổ phẫu thuật vết thương
- Khâu và chăm sóc hậu phẫu

Vậy vết thương thường được biểu hiện như thế nào?

Bề mặt vết thương chính là những vấn đề, vòng lặp bạn thường xuyên phải đối diện trong cuộc sống, gây ảnh hưởng bất lợi nhưng bạn vẫn chưa thể cắt bỏ chúng được. Ví dụ như: Trạng thái dễ sân si, tranh đấu; cảm giác thiếu định hướng rõ ràng và mục tiêu tương lai, thường xuyên cảm thấy tội lỗi về một quá khứ nào đó/ hoặc với ai đó (bố mẹ, người thương,...); không có khả năng từ chối điều bạn không thích; có nhiều cảm giác mỉa mai, hoài nghi về người khác và cuộc đời hay là dễ nóng giận hoặc có xu hướng dồn nén sự giận dữ, thù hận khiến bạn dành nhiều thời gian trong ngày suy nghĩ về nó. Hoặc chúng có thể là một số vòng lặp đặc biệt mà mình hay gặp ở khách hàng và chính bản thân như: Thường xuyên vướng vào mối tình tay ba/ yêu người đã có đối tượng, hay bị bạn bè gia đình vay tiền, người yêu ngại chia sẻ quá sâu về công việc, tài chính hoặc bản thân không thể nắm rõ tài chính của mình, thường hay cạn kiệt. Tất cả đó là biểu hiện, là vết thương chưa được xử lý. Nhìn kỹ hơn vấn đề này, bạn có thể thấy: nhu cầu, ham muốn mạnh về vật chất có thể đến từ tổn thương thiếu thốn trong quá khứ, ham muốn được công nhận có thể đến từ tổn thương về giá trị khi người trong gia đình/ bạn bè/ người quen coi nhẹ bạn và có rất nhiều điều khác nữa. Bạn nghĩ đó là tính cách của bạn, nhưng nó chỉ là lớp mặt nạ (persona), cái tôi (ego), rào chắn được xây lên để bảo vệ bạn trước 1 trải nghiệm tệ thôi, và bạn có thể hạ nó xuống. 
Bạn ko thể thay đổi quá khứ nhưng hoàn toàn có thể thay đổi kết luận của bạn về quá khứ đóviệc bạn có một quá khứ tổn thương không hề mâu thuẫn với việc bạn hoàn toàn có thể bình an với quá khứ đó. Hành trình làm lành với chính mình là dành cho tất cả chúng ta.
----
Về phần tìm vết thương, các bạn có thể thấy rằng chúng ta ai cũng có những tổn thương nào đó trong suốt những năm tháng trưởng thành. Không lớn thì bé. Khi đi học thiền Vipassana, bài giảng ngày 5 cũng nói rằng: một trong 4 sự thật thánh thiện là Ai cũng khổ đau (khổ vì bệnh tật, khổ vì không có điều mình muốn, khổ vì điều mình không muốn xảy đến, khổ vì không được yêu,...). Trong tâm lý học có 2 dạng sang chấn chia làm Small T và Big T, sang chấn lớn và sang chấn bé. Sang chấn là những điều mà chủ thể vẫn còn nhớ và ấn tượng sâu đậm vì bản thân nó là một cuộc khủng hoảng, một sự kiện rất tồi tệ như là bạo hành, đói ăn hoặc bắt nạt suốt một thời gian dài. Sang chấn lớn thì rất dễ nhận diện nhưng Sang chấn nhỏ là điều mà hầu hết chúng ta hay gặp hơn và thường đã quên hoặc không xem nó là vấn đề, xem nó là chuyện trẻ con, không đáng lưu tâm. Nhưng cùng một việc thì ảnh hưởng với người lớn khác với ảnh hưởng lên một đứa bé. Giây phút chịu trải nghiệm đó, chúng ta còn quá bé để có thể tự vệ, tự an ủi nên nếu không xoa dịu ngay thì nó sẽ ở đó, lơ lửng và ảnh hưởng chúng ta về lâu dài theo những cách vi tế.

Về mặt kỹ thuật thì mình đang sử dụng 3 phương pháp Viết – Thiền Minh sát và EFT Tapping để gọi tên những vấn đề vòng lặp mà bản thân gặp phải. Với phương pháp Viết, mình sẽ đặt bút và liệt kê tất cả những lĩnh vực đang không ổn của bản thân, với mỗi lĩnh vực mình hay gặp vấn đề, vòng lặp nào, có thể đến từ đâu, Big T hay Small T. Đừng tự trách mình nếu bạn đã ở độ tuổi nào đó mà vẫn chưa có sự vững chãi. Cân bằng đôi khi không tốt bằng việc tự thân bạn luôn tìm cách để hướng tới sự cân bằng. Tin mình đi, cuộc sống là phát triển, không phải sự trì trệ, dậm chân tại chỗ. Bạn luôn luôn phát triển dù bạn có cảm thấy hay không. Ngoài ra, phương pháp thiền Minh sát – Vipassana và EFT Tapping là những kỹ thuật giúp mình thực hành chánh niệm, quan sát tách rời tất cả những cảm giác, cảm xúc, suy nghĩ nổi lên bên trong mỗi khi có tác nhân kích thích để GỌI TÊN NÓ. Việc quan sát khi vấn đề xuất hiện cũng làm cho mình dịu đi nhờ phân tán tâm trí vào việc quét cảm xúc thay vì để bản thân bị tình huống cuốn trôi. Cả 2 phương pháp mình đã chia sẻ ở các bài viết trước, bạn có thể vào trang cá nhân của mình để tìm đọc thêm nhé. Riêng với phương pháp Vipassana, mình khuyến khích bạn nào có điều kiện hãy tham gia một khóa thiền 10 ngày hoàn toàn miễn phí để được hướng dẫn chính xác và hiệu quả nhất hoặc nghe pháp thoại của thiền sư Goenka với từ khóa "Vipassana pháp thoại 10 ngày".
-----
Giờ thì chúng ta sẽ đến bước mổ và phẫu thuật vết thương. Bước này như mình đã nói là bước đau đớn nhất vì để phẫu thuật cắt bỏ bạn cần mở nó ra. Khi bạn quét nhà, bạn sẽ thấy rất khó chịu và e ngại bụi bẩn. Khi bạn phẫu thuật, bạn chắc chắn bị đau. Chính điều đó làm chúng ta chùn bước. Mổ và phẫu thuật vết thương chính là cho phép bản thân trải nghiệm LẠI hoàn toàn những cảm xúc mà đứa trẻ bên trong trải qua để xem là nó xuất phát lần đầu tiên trong cuộc đời bạn từ đâu? từ sự kiện gì và nó phát triển, nhân rộng hơn nhờ những kiểu kích thích nào? Điều gì kích hoạt nó? Để từ đó gọi tên NGUYÊN NHÂN khiến vấn đề ngày càng nghiêm trọng và lặp lại bên trong bạn.  
Mình lấy ví dụ, mình đã dùng phương pháp viết liệt kê để gọi tên vấn đề "DỄ NỔI ĐÓA KHI CHỜ ĐỢI" của bản thân mỗi khi bạn thân/ người yêu đến muộn (thề mình chửi như hát hay rồi hai bên giận nhau cả tuần). Sau đó, mình thực hành tap EFT với statement: Không biết chuyện gì trong quá khứ đã khiến bản thân mình hiện tại phản ứng rất mạnh mẽ với chuyện chờ đợi nhưng mình hoàn toàn sẵn sàng trải nghiệm và giải phóng nó. Mình bắt đầu với cảm giác người yêu đến đón muộn, bụng mình nóng lên, tim mình đập nhanh hơn rồi dần dần tâm trí dẫn mình đi sâu hơn về ký ức nơi vấn đề bắt đầu. Sau khoảng 2-3 vòng gõ tap vào các hotspot thì mình được dẫn dắt đến khung cảnh ngày mẹ rời đi và mình - cô bé lớp 3 phải chờ đợi dưới mưa trong cơn sợ hãi hơn 1 tiếng đồng hồ (mình không drama hóa chuyện này nhưng đó là một trải nghiệm khá tệ với 1 đứa bé tiểu học).
Như vậy, khi được dẫn dắt về ký ức ấy, mình nhận ra trải nghiệm đó khiến mình có kết luận: Chờ đợi là cảm giác tệ, người bắt mình chờ đợi sẽ là người bỏ rơi mình. Lưu ý rằng kết luận đó là của đứa trẻ năm 9 tuổi nhưng chưa được giải phóng nên nó ảnh một cách vô thức đến mình hiện tại. Và tác nhân khiến cho nó bùng phát hơn là người yêu làm mình phải chờ. Nếu người lạ thì mình chỉ thấy ấm ức khó chịu nhưng vì cả người yêu và mẹ đều là người quan trọng nên mình không kiểm soát được và việc nổi đóa là phản ứng nhanh chóng duy nhất vô thức mình biết để bảo vệ bản thân và cảnh báo những người đó rằng mình không ổn với điều này. Nhưng vô tình điều đó lại tạo ra trải nghiệm tồi cho ny mình và bạn mình.
Vậy nên sau khi trải nghiệm lại hoàn toàn cảm giác và nhận diện nguyên nhân mình giải thích/ self-coach cho đứa trẻ bên trong rằng: Người bắt em chờ có lý do của họ và đôi khi ko phải vì họ ko thương em. Điều đó chẳng thể chứng minh họ là ng có thể bỏ rơi em. Và như thế mình dần phản ứng chậm lại với cùng tình huống, bỏ được tính "cáu bẳn" khi phải chờ đợi.
Để mổ và phẫu thuật vết thương đòi hỏi một sự dũng cảm rất lớn để bạn trải nghiệm hoàn toàn các cảm xúc cũ nhưng vẫn giữ sự tỉnh thức để quan sát mà không phân tích, yêu ghét, phát xét, đánh giá chủ quan. Không mảy may nghĩ là tại sao hình ảnh này lại xuất hiện, mình yêu/ghét cảm giác đó, ôi cái này chả có liên quan gì... Buông tất cả những điều đó, chúng ta sẽ được dẫn dắt. 
Khi bạn ngồi đủ lâu và đủ thân với ai đó, họ sẽ cho bạn biết nhiều bí mật về họ. Bản thân bạn cũng vậy, dành đủ thời gian, nó sẽ cho bạn biết những điều thầm kín về chính bạn.
Cách để trải nghiệm lại mình hay dùng là EFT Tapping (MOVIE), thiền kết nối đứa trẻ bên trong, thực hành reiki cho bản thân, viết morning pages/ anytime pages những suy nghĩ kín 3 trang giấy mà ko quan tâm chính tả, logic, đúng sai. Cứ viết thôi, viết mà ko dùng não quá nhiều để giải phóng. Hầu như lúc bắt đầu, cơ thể mình luôn chối bỏ những hoạt động đó vì phẫu thuật thì đau mà, nên nó kháng cự, chống đối. Đặt bút viết thì buồn ngủ nên mình ghi âm. Thiền thì đau lưng, EFT Movie với reiki thì khóc lóc dàn giụa đến mệt lả đi nhưng mình đã cam kết làm thì làm tới cùng, không ai đang phẫu thuật mà bỏ bàn mổ chạy đi cả. Thế nên mới thiền mình hơi dựa lưng vào đệm thiền dành cho bà bầu >"<, mệt thì làm sớm trước giờ đi ngủ. Cứ thế, mình luân chuyển các phương pháp theo từng thời điểm, dần thì mình đã quen và mỗi lần làm xong thì ngủ rất sâu và rất ngon. Có đợt mình làm Reiki xong, năng lượng tích tụ, xả ào ra, mình đi nôn và cả mọc nhọt nhưng tất cả qua rất nhanh =))).
Sau khi phẫu thuật và mổ lấy khối u, chúng ta sẽ khâu vết thương lại và chăm sóc nó. Có một câu mình rất thích đó là: Để diệt trừ cỏ dại, cách tốt nhất không phải là nhổ chúng mà là trồng trên mảnh đất đó thật nhiều hoa màu. Cách tốt nhất để chuyến hóa nỗi đau không phải là gạt bỏ hay phớt lờ chúng mà trồng lên đó hoa màu của đức hạnh và trí tuệ. Giống như một chiếc đồng hồ báo thức, khi bạn bấm snooze nó sẽ vẫn làm phiền nhưng khi nhận ra và ý thức bấm stop thì nó sẽ tắt vì đã làm xong nhiệm vụ. Nên là sau khi nhận diện và phát hiện vấn đề, mình sẽ trò chuyện (self-talk) để thay đổi tư duy, rồi sử dụng 1 số cách để kích hoạt, chạm vào những rung động tích cực có sẵn bên trong của mình.
Để làm điều này, mình hay thiền hooponopono với 4 câu Im sorry, please forgive me, and thank u and i love you, thiền niệm các âm thanh thiên thần phù hợp (mình đã từng làm 1 clip trên kênh youtube Deep Talk with Monet về phương pháp này, bạn có thể tham khảo nhé). Ngoài ra, thỉnh thoảng mình sẽ thiền cân bằng luân xa (cân bằng không mở mang gì nhé), thiền yêu bản thân hoặc EFT Tapping với cấp độ Reimprinting để chèn những ký ức vui vẻ tự tạo lên trải nghiệm không vui trong quá khứ. Mình cũng hay đọc sách về chữa lành, về tâm linh, phát triển bản thân, tâm lý, tham gia các workshop, khóa học, chăm sóc cơ thể vật lý nhiều hơn bằng các detox định kỳ, ăn chay xen kẽ, luyện tập pilates,... để nhanh hồi phục sau thời gian chữa lành. Thỉnh thoảng trong những lúc tham gia lớp học, đọc sách, có nhiều điều tự dưng nghiệm ra, lóe lên cũng thú vị lắm.
Đừng nghe mình nói nhiều thứ mà hoảng sợ. Khi bạn đang ở mức nào, cánh cửa nào, sẽ có chìa khóa tương ứng. Có ít thời gian, tài chính, bạn có thể thực hành viết, thiền các bài miễn phí, nghe podcast,... Khi có thêm điều kiện, bạn có thể đi học, mua các ứng dụng keep track, đặt lịch tư vấn với người đồng hành,... Khi bạn tìm, ắt sẽ có lối đi.
Và thực ra, bản thân chúng ta không nhất thiết phải chữa lành hoàn toàn thì mới có được hạnh phúc thực sự. Bạn không cần phải chữa lành 100% thì bạn mới gặp được người dành cho mình, mới được phép bước vào một mối quan hệ/ hội nhóm nào đó bạn muốn, hay làm điều mình yêu, công việc khiến mình hài lòng nhưng chữa lành sẽ giúp bạn đón nhận tất cả những điều đó trọn vẹn hơn, ý nghĩa hơn, nhanh chóng hơn và êm đềm hơn. Với mình, rút lui, co cụm bản thân để chữa lành chỉ là giải pháp tạm thời. Chữa lành thực sự là để giúp chúng ta hài hòa hơn với xung quanh, nhìn thấy cái vẻ đẹp ở trong mọi thứ, mọi người đến với mình thông qua việc tương tác, nhận diện, vỡ òa rồi lại đồng sáng tạo cùng nhau.
Okiela đó là tất cả những kinh nghiệm đúc rút của mình trên hành trình này. Cảm ơn bạn đã đọc bài nhé <3
Nguyện cho chúng ta đều được chữa lành.
Nguyện cho chúng ta đều là những cái cây tươi tốt và xinh đẹp mỗi ngày ^^
---
Cảm ơn các bạn đã đọc bài!
Trò chuyện hơn với tui tại đây nha:
Facebook - Youtube - Spotify