Chúng ta đã quá quen với thuật ngữ self-love trong những ngày gần đây. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi: Mình đang yêu bản thân hay chỉ đang vướng vào mớ hỗn độn của sự ái kỷ?
Trong thời đại nơi chúng ta được tiếp cận với đủ phương cách để thoả mãn cảm xúc của bản thân, định nghĩa về "Yêu bản thân" đôi khi trở thành cái cớ để ta trốn tránh trách nhiệm và ở mãi trong vòng tròn an toàn.
Đôi khi nó còn bị mang ra để làm tổn thương và lợi dụng cảm xúc của những người yếu đuối hơn.
Anh yêu em nên anh phải đợi cả tiếng đồng hồ dưới nhà?
Em yêu anh nên em phải tha thứ cho anh sau những lời nói tệ bạc mà anh lỡ nói ra chứ?
Mày là bạn thân tao nên mày phải làm cái này, cái kia cho tao?
Có thế thôi mà cũng khóc?
Bạn có thấy quen không?
Mình đã biết bao lần nghe những câu chuyện, và cũng chính bản thân trải qua những tình huống như thế này. Nó mang đến cảm giác tồi tệ và cực kì độc hại, một "cảm giác không đủ, không xứng đáng với đối phương".
Nếu bạn từng trải qua tình huống như vậy, có lẽ bạn đang ở trong một mối quan hệ với người ái kỷ (narcissist)
Sự ái kỷ (narcissism) lấy self-love làm khiên chắn để biện hộ cho những hành vi lợi dụng lòng tốt và sự yêu thương của đối phương trong một mối quan hệ. Những người ái kỷ luôn yêu bản thân quá mức để có thể nhận ra những khuyết điểm của mình (kể cả khi đã được chỉ ra). Họ luôn thấy rằng mình hoàn hảo và chẳng có gì cần thay đổi nên đối phương mới là người cần làm điều đó.
Trên hết, họ thường sẵn sàng hi sinh nhu cầu của người khác để thoả mãn mong muốn của mình. Nó luôn bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất rồi lớn dần lên.
*Làm rõ hơn một chút nhé!*
Nhiều khi bạn có thể sẽ bị nhầm lẫn những điều này với ý kiến đóng góp, mong cầu mang tính xây dựng để khiến mối quan hệ tốt hơn. Bởi sự lợi dụng lòng yêu thương và mong muốn xây dựng mối quan hệ giống như chiếc túi chanel 40 triệu trong trung tâm thương mại và bản fake 400 nghìn trên taobao vậy. Thoạt nhìn thì có vẻ giống nhau nhưng cái cốt lõi thì chẳng hề đáng so đo chút nào!
Vì vậy, lời khuyên duy nhất của mình trong trường hợp này là đừng vội vàng phán xét gì, cứ lặng lẽ quan sát và tự đặt cho mình những câu hỏi để ngỏ. Thời gian sẽ khiến cho mọi thứ dần dần sáng rõ.

Vậy rốt cuộc self-love là gì?

Yêu bản thân (self-love) là sự trách nhiệm đối với sức khoẻ tinh thần, vật lý và tâm hồn của chính mình. Và sự trách nhiệm không phải lúc nào cũng là chiều chuộng bản thân, nghe theo cảm xúc của mình, mà còn là sự kỉ luật, kiên trì và can đảm vượt qua trở ngại trước mắt.
Yêu bản thân gắn liền với sự tôn trọng, ở đây là chính mình, và người xung quanh. Đây cũng chính là yếu tố cốt lõi mình cho là phân biệt một người đang yêu bản thân mình hay đang tự luyến.

Tìm kiếm những dấu hiệu...

Nhu cầu được công nhận

Với những người đang yêu bản thân, họ không cần sự ghi nhận từ người ngoài về những điều họ làm được. Họ nhận biết sâu sắc những nỗ lực và thành tựu của bản thân. Và đương nhiên, họ còn nhìn được rõ ràng những khuyết điểm cần cải thiện.
Những người ái kỷ thì không như vậy, họ cần sự ghi nhận từ tất cả mọi người. Nếu không có điều đó, cảm giác trống rỗng sẽ đay nghiến và giết chết bong bóng mộng mơ tràn đầy sự dối lừa mà họ đã dày công xây dựng nên.
Thêm nữa, một điều chắc chắn trong cuộc đi săn tìm cái tôi mù quáng, họ thậm chí còn chẳng quan tâm điều mình đang làm có đúng không.

Hiểu bản thân mình và cảm thấy thoải mái với nó

Yêu bản thân thường đi liền với sự chấp nhận. Trong quá trình đó, bạn sẽ dần cảm thấy thoải mái và biết ơn vì được sống là chính mình. Bạn chấp nhận bản thân và không thay đổi chỉ vì người khác bảo bạn như thế.
Nhưng đừng nhầm lẫn với sự cứng đầu và bảo thủ, có rất nhiều người lấy đó làm cái cớ để ở yên trong vùng an toàn của mình, để không tin rằng: Trong chính chúng ta chứa đựng hàng ngàn khả năng. Và cởi mở với chính những khả năng, những điều chưa hé lộ lại là thứ khiến ta yêu chính mình hơn nữa.

Tiếp nhận cảm xúc và quan điểm của người khác

Trong khi giao tiếp giữa người với người còn rất nhiều yếu tố phức tạp khác như sự hiểu nhầm, sai lệch trong việc tiếp nhận thông điệp từ đối phương và cách thể hiện. Chúng ta cùng xét về xu hướng mà một người yêu bản thân hay ái kỷ sẽ hành xử trong giao tiếp hàng ngày nhé!
Tại sao mình lại nói như vậy? Bởi nếu vấn đề nằm ở cách chúng ta giao tiếp, thì cái chúng ta cần sửa là kĩ năng diễn đạt, kĩ năng giao tiếp thay vì cân nhắc mình là người yêu bản thân hay tự luyến.
Yêu bản thân, có vẻ trái ngược với chính tên gọi của nó, gắn liền với sự cảm thông, và thấu cảm. Những người yêu bản thân đón nhận những cảm xúc của người khác, kể cả tiêu cực hay tích cực và thực sự quan tâm đến cảm xúc của đối phương: Họ đang cảm thấy ra sao? Họ đang thấy như thế nào? Điều này có ý nghĩa như thế nào với họ?
Khi tiếp nhận cảm xúc hay quan điểm của người khác, họ chào đón nó một cách khách quan mà không đặt bản thân hay cái tôi của mình vào trong đó. Như vậy, họ cũng có thể đáp lại bằng những đóng góp khách quan và mang tính xây dựng nhất, thay vì giữ những ý kiến cho riêng mình và bị cái tôi chôn lấp.
Chính bản thân mình cũng thường áp dụng cách này mỗi khi có ai đó tâm sự. Mình sẽ đặt bản thân vào vị trí của họ để suy xét câu chuyện. Thay vì nghĩ chuyện đó chẳng có gì đáng buồn gì so với mình và ép họ vui lên, mình sẽ muốn lắng nghe để thực sự thấy được ý nghĩa của cảm xúc và sự kiện đó đối với họ.
Có lẽ vì vậy mà mình luôn chào mừng những cuộc tranh luận, những buổi chia sẻ, tâm sự. Thay vì sa đà vào cuộc đua, màn cạnh tranh đầy đẫm máu, và đánh giá nỗi lo của người này không xứng đáng so với người kia, mình nhận thức sâu sắc được mỗi người đều đi con đường rất khác mình.
Họ đều đang đi trên hành trình của riêng họ, và nó cũng phức tạp và đa màu đa sắc như chính hành trình mà chúng ta đang đi.
Vì vậy mọi sự so sánh là khập khiễng. Sự so sánh duy nhất hợp lý nhất ở đây là với chính bản thân mình của ngày hôm qua.
Nếu đã có khi nào bạn từng băn khoăn về việc mình có nên đóng góp ý kiến cho đối phương hay không, hãy thử đặt câu hỏi: Nó có thực sự giúp cả hai người tốt hơn, và hiểu nhau hơn không? Và chính những ý định tốt như vậy sẽ khiến bạn không chỉ chia sẻ nhiều hơn mà còn chia sẻ những điều tốt đẹp hơn.

Lời kết

Sau những đúc rút từ trải nghiệm của bản thân trong hành trình tập yêu mình, yêu người và yêu cuộc sống; những buổi tối nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này, mình nhận ra vài điều.
Ranh giới giữa yêu bản thân và sự ái kỷ giống như một đường cát có thể mờ đi trong mùa bão gió. Đôi khi chính ta cũng không biết mình đang yêu bản thân hay ái kỷ.
Và trên con đường tìm bản thân mình, tìm những hệ giá trị của mình, ta bị nhầm lẫn, sa đà là điều khó tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng nhất là ý chí không ngừng tìm hiểu bản thân, và nhìn thấu mình trong thế giới rộng lớn muôn màu này. Nếu việc làm của bạn xuất phát từ lòng tốt, ý thức tự chủ và sự soi chiếu, bạn đang đi đúng hướng rồi đó.
Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời.
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Mình chủ yếu định hướng bản thân cũng như phong cách viết xung quanh những vấn đề xã hội cũng như cung cấp một góc nhìn tích cực (hơi hướng chữa lành) về chúng. Nếu bạn thấy hứng thú về mình hay cuộc sống muôn màu của mình, hãy đồng hành cùng mình qua IG @anhthu14920 nữa nha <3
Sending you love and light