Hôm vừa rồi có một bạn có inbox mình và hỏi một câu mình nghĩ là khá hay nên đã xin phép lấy làm chủ đề cho bài viết của ngày hôm nay. Câu hỏi của bạn ấy mang đại ý như sau: “Sự tương hợp giữa hai người nên là điều kiện ban đầu CẦN phải có trước khi bắt đầu một mqh, hay cứ yêu đi thì mới biết được là có hợp hay không?”.
Đây là một câu hỏi mà mình rất ưng ý, bởi nó liên quan tới nhiều vấn đề hơn mình nghĩ. Trước hết, chúng ta hãy cùng nói về sự tương hợp. Hợp nhau thì rõ ràng là một trong những yếu tố quan trọng để có một mối quan hệ lành mạnh rồi. Không cần biết đó là mối quan hệ gì, bạn bè, người thân trong gia đình, thậm chí là giáo viên và học sinh cũng cần sự hợp nhau, chứ đừng nói tới mối quan hệ trai gái. Nhưng chính xác thì trong tình yêu, chúng ta cần hợp nhau ở cái gì?
Hợp nhau thì có nhiều kiểu hợp lắm. Nếu bạn có một mạng lưới quan hệ bạn bè đủ rộng, bạn sẽ nhận thấy rằng mỗi khi có một chủ đề hay một việc gì đó, bạn sẽ nghĩ ngay tới một hoặc vài người bạn nhất định thay vì nghĩ tới tất cả mọi người. Nếu nó là drama Kpop, bạn sẽ nghĩ tới Phương hay Ly, nếu nó là về giải quần vợt Úc mở rộng thì nghĩ tới Kiên hay Trang, nếu bạn đói và muốn đi ăn đêm thì muốn rủ Linh v..v…. Như vậy, chúng ta có thể chỉ cần cảm thấy hợp với một người ở một vài khía cạnh là đủ để có thể vui vẻ ở bên người ấy, thay vì phải hợp hết 100%. Chưa hết, nghĩa của từ hợp ở đây không chỉ dừng lại ở “điểm chung”, mà còn có thể là sự khớp nhau nữa. Ví dụ, bạn và bạn thân cùng thích ăn táo, thì đó là điểm chung. Nếu bạn thích ăn táo còn bạn thân thích ăn lê, hai thứ đó có thể coi là khớp, bởi dù không giống nhau nhưng nó cũng không bài xích lẫn nhau. Mỗi người có thể tự mua hai quả khác nhau mà ăn.
Những sở thích khác nhau
Những sở thích khác nhau
Vậy thì, theo bạn, trong một mối quan hệ yêu đương, thì chúng ta nên hợp với họ ở cái gì? Nếu bạn cũng là một người muốn tìm kiếm và xây dựng một mối quan hệ tình cảm lâu dài và có ý nghĩa, thì sự tương hợp ở đây không nên chỉ dừng ở gu quần áo, óc thẩm mĩ hay thể loại phim thích xem, tức là không chỉ nên dừng ở việc “có thể cùng chơi một cách vui vẻ”. Để có thể đi cùng một người lâu dài, cùng đưa ra những quyết định lớn lao, giao tiếp có chiều sâu, thì theo cá nhân mình, sự tương hợp cần phải nằm ở những điểm sau. Lưu ý đây chỉ là những điểm mà mình gợi ý. Không có nghĩa nếu hai người khác nhau ở những điểm này thì sẽ không đến được với nhau, mà chỉ là sẽ phải bỏ ra nhiều công sức hơn để hòa hợp với nhau thôi. 

1. Gia cảnh và chất lượng cuộc sống gia đình của người ấy:

Các thành viên trong gia đình có gần gũi nhau không? Đối xử với nhau thế nào? Câu trả lời cho những câu hỏi như vậy có thể đem lại dự đoán khá chính xác tính cách một người, cũng như cách họ xử sự trong một mối quan hệ tình cảm. Tầm quan trọng của gia đình từ bao lâu nay đã được các nhà khoa học khẳng định trong việc định hình nên con người của một đứa trẻ. Vì vậy, nếu gia cảnh và chất lượng của mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình của hai người khác nhau, thì cách nhìn cuộc sống cũng như mối quan hệ giữa người với người trong xã hội của họ cũng sẽ khác nhau, từ đó rất khó để có thể duy trì được một mối quan hệ lành mạnh. Ví dụ, một người phải chứng kiến bố mẹ lúc nào cũng cho mình là thượng đẳng, đối xử tệ với nhân viên phục vụ, thì lớn lên rất có thể họ cũng sẽ đối xử tương tự với những người họ cho là dưới trướng họ. Và quan điểm như vậy chắc chắn không thể đem lại một mối quan hệ lành mạnh, bình đẳng và văn minh cho bạn rồi. Chú ý là, sẽ là không công bằng nếu bạn chỉ nhìn vào gia cảnh của người kia đã vội vàng đánh giá họ. Cái quan trọng ở đây là cách họ nhìn nhận về gia cảnh đó. Cũng là ví dụ trên, mà người đó nói rằng người ấy rất ghét cách đối xử trịch thượng như vậy, cảm thấy xấu hổ mỗi khi bố mẹ xử sự như vậy, và rằng họ luôn tự nhắc bản thân không bao giờ trở thành như vậy, thì họ vẫn có thể là người văn minh, lịch sự. Vì vậy, cần rất tinh tế trong việc để ý tới phản ứng của họ mỗi khi họ kể về gia đình mình nhé.
Tương tự, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình cũng có thể là một dấu hiệu ngầm giúp bạn đánh giá cách người ấy đối xử với người khác giới. Nếu chàng trai ấy không hay hỏi thăm hay tỏ ra quan tâm tới cha mẹ thường xuyên, nếu cô gái ấy nói về em gái mình bằng những lời lẽ nặng nè nhất v....v.... thì hẳn phải có một góc khuất nào đó trong họ mà bạn cần tìm hiểu để xem xem liệu bạn có thể chấp nhận nó cũng như những hệ quả mà nó có thể đem lại sau này cho chính mối quan hệ của bạn hay không trước khi tiến tới lâu dài với họ.

2. Những mối quan hệ trước đây của người ấy và lý do chia tay

Nghe người ấy kể về những mối quan hệ tình cảm trước đây của họ có thể cho bạn hiểu được thái độ của người ấy dành cho người khác giới thế nào, cũng như người ấy thực sự cần gì ở một người yêu. Anh ấy có biết tôn trọng phụ nữ không, hay chỉ coi phụ nữ như một nô lệ tình dục? Cô ấy có phải là một người phụ nữ hiện đại, biết chia sẻ áp lực với người yêu không, hay lại mặc định đàn ông luôn là người phải chu cấp hết? Nếu người ấy có một trải nghiệm, một cái nhìn, một mong đợi méo mó hoặc phi thực tế ở một mối quan hệ tình cảm, bạn sẽ rất khó để có thể ở bên họ lâu dài. Cũng cần phải lưu ý rằng, rất dễ hiểu nếu trong những câu chuyện như vậy, người kể thể hiện ra rằng họ là nạn nhân, vì đó là thói quen tự nhiên của đa phần mọi người. Nếu bạn cảm thấy rằng câu chuyện nghe có vẻ một chiều, rằng người đó từ đầu tới cuối chỉ kể xấu người yêu, luôn cho rằng mình không làm gì sai, thì đó có thể nói là một red flag và bạn nên kiểm chứng lại câu chuyện từ những người bạn của người ấy nhé.

3. Những bài học người ấy học được qua những trải nghiệm trong cuộc sống

Bên cạnh gia đình thì những va chạm trong cuộc sống cũng là một trong những yếu tố chính góp phần tạo nên thế giới quan của một người. Cuộc sống thì có lúc vui, có lúc buồn, có lúc ngọt ngào, có lúc cay đắng. Đành rằng có những trải nghiệm tiêu cực hoàn toàn không nằm trong kiểm soát của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có thể kiểm soát góc nhìn của mình về cuộc sống. Nếu người ấy lựa chọn nhìn vào chỉ những thứ tiêu cực, thì cái nhìn của họ về cuộc sống sẽ vô cùng tối tăm, từ đó rất dễ làm cho bạn cảm thấy bị chùng theo. Cũng có những người có cái nhìn quá mơ mộng, quá lý tưởng vào cuộc sống, làm cho cách sống của họ không thực tế và dễ bị lợi dụng. Lại có người nhận được bài học rồi nhưng từ chối thừa nhận trách nhiệm về mình, và lần tới lại cứ cắm đầu vào vết xe đổ. Vì vậy, hãy xem xem, qua cùng một sự việc, bạn và người ấy sẽ rút ra bài học gì. Nếu cùng là bị ăn trộm ví, bạn thì chỉ đơn giản là tự nhắc mình cẩn thận hơn, người kia lại cho rằng tất cả mọi người xung quanh đều là người xấu hay quay ra trách bạn vì không trông ví cho họ thì đấy có thể nói là một sự khác biệt đáng kể đấy.
Lại cần phải lưu ý, có nhiều người ngoài kia, cả nam cả nữ, thuộc dạng người "manipulative", tức dùng mồm mép để thao túng người khác, nghe có vẻ "trải đời" hay "trưởng thành" và muốn tốt cho người yêu nhưng thực ra lại có mưu đồ xấu đằng sau. Cái khó khăn ở đây là với nhiều người, nhất là các bạn trẻ còn ít kinh nghiệm yêu và nhìn người, lại thường bị cái sự văn vở này làm cho mềm lòng, và cố tình nhắm mắt bỏ qua cái sự phi logic mà trực cảm đang gào lên cảnh báo bạn. Lời khuyên ở đây là nếu trực cảm của bạn cảm thấy có gì đó không ổn trong lời nói của người ấy, khả năng rất cao là đúng là có gì đó không ổn thật.
Lươn
Lươn
Đọc thêm:

4. Đạo đức, giá trị, và những quan điểm trong cuộc sống

Đây có thể nói là những điều cốt lõi của một người, mà nếu có sự bài xích ở đây, hai người cần rất nhiều nỗ lực thì mới có thể hòa hợp được. Ở nhiều trường hợp, sự khắc nhau trong 3 điều này có thể dẫn tới chia tay. Một ví dụ, đáng buồn là, khá thường thấy ở thời đại hiện nay là, người vợ cho rằng sau khi kết hôn, mình gửi tiền về cho bố mẹ ruột là điều bình thường vì đó là báo hiếu, là tình thương, nhưng người chồng lại cho rằng tất cả phải dành hết cho nhà chồng, thì đó là một sự bài xích cả ở đạo đức, giá trị lẫn quan điểm sống mà có lẽ sẽ khó có thể xóa bỏ được. Vì vậy, hãy trao đổi sớm về những giá trị cốt lõi này để sớm xem xem hai người có thể dung hòa không nhé.

5. Thái độ của người ấy về tình yêu, sự cam kết lâu dài, và giao tiếp

Những điều này mà trái ngược nhau thì không khó để tưởng tượng ra những cãi vã triền miên trong quá trình yêu nhau. Ví dụ một người coi tình yêu cứ được tới đâu hay tới đấy, vừa cãi nhau phát thì đòi chia tay, dễ dàng nhảy từ người này sang người kia, không muốn bị gò bó, còn người kia thì khi yêu luôn xác định lâu dài, luôn cố gắng để vun vén bồi đắp, muốn giải quyết mâu thuẫn để cùng nhau gắn bó. Một người thích đi chơi, thả thính, tà lưa với người khác giới, còn một người thì chỉ biết có mình người yêu. Một người ăn nói cục súc, thô kệch, còn người kia luôn ăn nói nhẹ nhàng. Một người luôn biết bày tỏ quan điểm của mình, một người thì lúc nào cũng không có chính kiến. Nghe qua thôi là đủ thấy là nếu hai người tới với nhau, nhiều khả năng đó sẽ là mối quan hệ một chiều. 

 6. Những quan điểm về tâm linh, phong tục hay tôn giáo

Điều này vốn dĩ thuộc về mục 4, bởi nó có liên quan tới đạo đức và giá trị của một người. Tâm linh và tôn giáo là hai vấn đề khá nhạy cảm và cũng là một trong những rào cản lớn nhất của một mối quan hệ. Ở VN, tôn giáo của một người thường được truyền lại giữa các thành viên trong gia đình. Vì vậy nếu hai người khác tôn giáo, nhiều khả năng họ sẽ phải chịu cả sức ép từ các thành viên trong gia đình của hai người nữa. Ngoài ra, những tập tục của hai tôn giáo mà trái nhau thì cũng rất khó để hai người có thể thay đổi cho hòa hợp, vì giáo điều là những điều bất di bất dịch, không thể du di vì bất cứ lý do gì. Tâm linh cũng vậy. Thắp hương cho những người thân đã khuất là một phong tục mang tính tâm linh khá phổ biến ở VN. Nếu người yêu bạn cứ khăng khăng đó là mê tín và không chịu làm, thì dù quan điểm đó là đúng hay sai, với bạn - một người tin vào phong tục đó, đó vẫn là một sự phỉ báng với người đã khuất mà có lẽ bạn sẽ khó có thể chấp nhận được. Vì vậy, ở riêng mục này, có lẽ tìm điểm chung thì sẽ dễ hơn là tìm điểm khớp. 

7. Những thành tựu chuyên môn lẫn cá nhân

Khoa học cũng chứng minh rằng thành tựu hai người đạt được nên ở gần nhau, nếu không rất dễ tạo ra cảm giác xa cách, thậm chí đố kỵ. Điều này không chỉ đúng với trường hợp đàn ông có ít thành tựu hơn phụ nữ, mà đúng với cả chiều ngược lại. Cứ nghĩ mà xem, nếu người yêu bạn là Sơn Tùng MTP, còn bạn thì chỉ là một con bé sinh viên năm 2 chả có gì trong tay, thậm chí còn phải thi lại nhiều môn, thì kể cả hai người yêu nhau đi chăng nữa, hẳn là bạn vẫn sẽ cảm thấy rõ sự khác biệt giữa thế giới của bạn và thế giới của một trong những ca sĩ trẻ thành công nhất VN hiện giờ. Đó là chưa kể những lúc bạn sẽ phải ở một mình, thi thoảng mới nhận được một tin nhắn hay cuộc gọi vội vài phút do anh ấy bận đi biểu diễn, hay bận việc ở công ty, rồi xung quanh vây quanh toàn gái đẹp cùng lực lượng fan hùng hậu. Rõ ràng đó không phải là một hoàn cảnh bạn muốn rơi vào, đúng không? Nhưng nếu bạn cũng là một trong những ca sĩ nổi tiếng, hoặc là một diễn viên, người mẫu thành công cũng gần bằng hoặc thậm chí ngang bằng anh ấy, hẳn là bạn sẽ tự tin hơn khi sánh bước cùng anh ấy tới các sự kiện đúng không? Bạn cũng sẽ cảm thấy thông cảm hơn khi anh ấy lâu lâu mới nhắn được một tin, vì bản thân bạn cũng sẽ bận rộn với đống công việc của mình vậy, nhờ đó ít gây ra sự tủi thân hay cãi vã hơn. Sự tương xứng này không chỉ nên dừng ở thành tựu chuyên môn như ví dụ mình vừa đưa ra, mà cả ở thành tựu cá nhân nữa. Ví dụ bạn biết nấu ăn thì người kia chí ít cũng phải biết dọn dẹp nhà cửa. Bạn biết sửa máy tính thì người kia biết gọt táo. Chứ nếu một người biết tự lo cho bản thân, còn một người thì chả biết làm gì, mà cũng không có ý định học làm gì thì cũng khó mà sống với nhau được lâu dài đấy.
Sơn Tùng và Fan
Sơn Tùng và Fan
7 điều trên là những điều mình gợi ý các bạn nên thực sự tìm hiểu ở người kia nếu muốn tìm một mối quan hệ lâu dài và ít sóng gió. Những điều này là những điều bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu trước khi bước vào một mối quan hệ. Bạn chỉ cần biết đưa cuộc hội thoại về những điều bạn muốn tìm hiểu, lắng nghe và quan sát người ấy một thời gian đủ dài là bạn sẽ có được câu trả lời mình cần. Đó là lý do vì sao ở các bài viết trước mình đã nói, nên bắt đầu tình yêu bằng tình bạn.
Khi bạn và người ấy trở nên thân thiết nhưng vẫn coi nhau là bạn, câu trả lời của người ấy về những vấn đề nghiêm túc như trên sẽ chân thành hơn. Nếu không, rất có thể họ sẽ nói điều bạn muốn nghe để lợi dụng bạn. Và cũng nhờ là bạn thân thiết mà bạn biết được tính nết của người ta, biết được họ có phải là người có thể thay đổi được hay không? Có đủ kiên nhẫn không hay vừa thấy khó khăn là bỏ? Và qua đó thì cũng dẫn tới quan điểm của mình về yêu nhiều và yêu bừa.
Yêu bừa tức là cứ ai ngỏ lời mà mình thấy người ta cũng ổn ổn thì nhận lời yêu luôn. Điều này không những làm tốn thời gian, công sức của bạn và cả của người kia, mà có khi còn đem lại cho bạn nhiều bực dọc không đáng có. Vì vậy, không nên yêu bừa. Bạn phải biết rõ bản thân mình, biết rõ về những giá trị và ranh giới của mình, phải có những danh sách những-điều-buộc-phải-có hay tuyệt-nhiên-không-được-có ở một người yêu trước khi đi tìm người yêu. Đương nhiên danh sách này phải thực tế và phù hợp với bạn và với những người xung quanh bạn. Khi đã có những danh sách đó rồi thì hãy tìm xem người đó có những tiêu chí trong danh sách đó không, có phạm vào cái gì mà bạn không thể du di được không, và có bài xích bạn ở 7 điều bên trên mình đã nói không. Nếu có thì hãy cân nhắc thật cẩn trọng nếu vẫn có ý định tiến tới với người ấy nhé. Đành rằng có những điều mà khi yêu nhau rồi, thậm chí ở chung với nhau rồi mới phát hiện ra mâu thuẫn, nhưng nếu bạn sử dụng bộ lọc của mình hợp lý, đã cân nhắc về những giá trị cốt lõi như trên, thì những mâu thuẫn sau khi đến với nhau thường là những thứ có thể du di, và giải quyết được. Vấn đề được đặt ra ở đây là làm thế nào để có được danh sách đó? Và làm thế nào để biết được họ có hợp với mình ở 7 điều trên không?
Câu trả lời ở đây là yêu nhiều. Số nhiều theo định nghĩa tiếng Anh thì đơn giản là nhiều hơn 1, chứ không nhất thiết phải là hàng chục, hàng trăm đâu nhé. (Mà thực ra thì nếu bạn đã từng trong mối quan hệ yêu đương với cả chục người thì có nghĩa là bạn đã yêu bừa mất rồi.) Nếu bạn thực sự có một bộ lọc của riêng mình như mình đã nói ở trên, thì thường mối quan hệ của bạn sẽ được dài lâu do tính tương hợp cao, và kể cả có chia tay thì thời lượng mỗi cuộc tình ấy cũng không đủ để bạn yêu hơn chục người trong vòng 5-6 năm đâu. Việc yêu nhiều này không những cho phép bạn khám phá chính bản thân mình, biết được mình thực sự cần gì ở một người yêu, mà còn dạy cả cho bạn những kiến thức, những kinh nghiệm về việc đối xử, giao tiếp với người khác giới ra sao.
Mình không có con số cụ thể cho việc yêu nhiều này nên là bao nhiêu, nhưng nếu được mạo phép đoán, nếu bạn có ý thức xây dựng và sử dụng bộ lọc của mình, con số hợp lý có lẽ là 3. 1 cho lần yêu đầu, lúc mà bạn thậm chí còn không biết mình CẦN gì ở một người yêu. Có lẽ lý do tình đầu thường tan vỡ là vì đây là thời điểm mà cả hai đều đang bắt đầu học yêu, học về chính bản thân mình và học về người kia. Đây là lúc mà bạn bắt đầu có những cãi vã đầu đời mà không biết phải xử lý ra sao, tìm ra được rằng mình muốn được quan tâm thế nào nhưng lại không biết cách nói ra với người kia v..v.. Có rất nhiều bài toán mà có lẽ cả hai đều không biết câu trả lời mà cứ.. phản ứng với nó và làm bừa, và thế là kết quả sai hoàn toàn. Số cặp đôi yêu lần đầu mà biết kiên nhẫn cùng dạy cho nhau cách yêu và cùng đi tới cuối con đường có nhưng không nhiều đâu nhé :D
Tới mối quan hệ thứ 2, sử dụng bộ lọc có được từ mối tình đầu, bạn sẽ tìm được một người hợp với bạn hơn. Nếu may mắn gặp đúng người, hoặc bạn đã có một khoảng thời gian va chạm cuộc sống đủ nhiều để trở nên trưởng thành hơn, biết cách giao tiếp hơn trước khi tới với mối quan hệ này, thì đây có thể là bến bờ hạnh phúc cho bạn. Nhưng nếu khi này cả hai người vẫn còn chưa trưởng thành, thì mối tình thứ hai này dù hợp hơn, dù hai bạn chả cãi nhau bao giờ, cũng có thể đi tới kết cục là chia tay nếu không biết cân nhắc tới ít nhất là 7 điều mình nói bên trên. Đây là lúc các bạn nhận ra rằng, à, thì ra yêu đương lâu dài không chỉ dừng ở việc yêu trong hòa thuận, mà còn phải có nhiều điều khác nữa thì mối quan hệ mới có ý nghĩa, mới có chiều sâu. Và tới lúc đi tìm mối quan hệ thứ 3, sau tất cả những hạnh phúc và tổn thương, những điều làm đúng và làm sai, sau tất cả những điều chỉnh từ những bài học, bạn đã có trong tay một bộ lọc khá hợp lý và có thể tự tin hơn trong việc tìm và lựa chọn đối tượng. Khi này, bạn sẽ biết khoanh vùng đối tượng hơn, biết nên đi đâu làm gì để tìm được những người có những tiêu chí như mình, và biết dành thời gian tìm hiểu những thứ cần phải tìm hiểu trước khi chính thức thiết lập mối quan hệ, thay vì vội vã ngỏ lời. Tới khi tìm được rồi, với những sự tương hợp, tương xứng cần có, việc giao tiếp giữa hai bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Kể cả có mâu thuẫn thì hai người cũng biết cách giải quyết nó mà không hề làm sứt mẻ tình cảm. Tính toán chuyện lâu dài cũng trở nên dễ dàng và thoải mái hơn khi hai bạn đều cảm thấy quý mến gia đình của người kia. Mọi thứ đều như hòa hợp với nhau một cách tự nhiên hơn, nhẹ nhàng hơn.
Đương nhiên, những gì mình nói chỉ là …. Đoán bừa. Không ai lại có sẵn một kế hoạch rõ ràng như vậy, rằng mình sẽ yêu người thứ nhất để tạo ra bộ lọc, người thứ hai để điều chỉnh bộ lọc, rồi người thứ ba mới là The One. Kể cả có cũng khó có thể theo chính xác kế hoạch đó được. Và cũng đương nhiên là, tình cảm nó tới lúc nào thì không thể kiểm soát được. Nhiều khi không định yêu người yêu, nhưng cuối cùng lại say mê người ấy. Ý chính ở đây là, bạn luôn cần ý thức rằng, tình yêu ngoài để yêu còn là để học, là nơi để hai người dạy cho nhau trở thành người tốt hơn. Để có thể học được về bản thân cũng như học cách yêu, rất có thể bạn sẽ cần trải qua nhiều hơn một mối quan hệ. Hãy luôn cố gắng hết sức cho mỗi mối quan hệ bạn có, rút ra càng nhiều bài học càng tốt, để nếu chia tay, bạn sẽ bước ra khỏi mối quan hệ đó với tâm thế của một người trưởng thành hơn và sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm cũ nữa nhé.
Chúc các bạn hạnh phúc :D
Kênh Youtube Đàn Ông Học: