Lấy cảm hứng từ Pinterest.
Tớ thấy nhiều bạn than thở sáng tối rằng tại sao mình xinh đẹp thế này, tốt tính thế kia mà yêu phải toàn người đểu như nhau. Tại sao á? Hừm, tại sao nhỉ? Thế tại sao người xưa lại có câu “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”?
Sau khi kết thúc mối tình 3 năm với người cũ, tớ cũng như bao cậu khác, đều không biết làm sao để không lặp lại những sai lầm của mình trong tương lai. Khổ nỗi là ai ai cũng mong muốn như vậy nhưng rất nhiều người lại không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn “chọn sai người”.
Vòng luẩn quẩn tình yêu Lê Xuân Lộc | lexuanloc.com

Vòng luẩn quẩn trong tình yêu

Chính bản thân tớ cũng bị quấn vào cái vòng lặp này trong nhiều năm. Tớ và bạn người yêu cũ đã chia tay trước đó vô số lần, và quay lại với hi vọng sẽ sửa được sai lầm cũ. Biết bao nhiêu lời hứa hẹn thề thốt trao tai nhau nhưng cuối cùng vẫn đổ vỡ vì những vấn đề cũ còn tồn đọng không có cách nào giải quyết được.
Tớ nhận thấy mình là đứa khá may mắn khi bằng cách nào đó thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này sau lần chia tay cuối. Nhưng tớ quan sát thấy phần lớn mọi người đều không may mắn như tớ mà lại tiếp tục mắc sai lầm, từ đó dẫn đến việc chấp nhận một mối quan hệ không mang lại hạnh phúc hoặc mất niềm tin vào tình yêu. Bản thân tớ từng trải qua những cái tiêu cực như vậy, tớ không muốn những người xung quanh mắc phải những sai lầm mà chính tớ từng mắc. Vì vậy, tớ viết bài này với hi vọng có thể giúp các cậu tìm được hạnh phúc cho mình.

Đọc thêm:

Đừng phó mặc cho duyên số 

Hồi trước tớ nghĩ tình yêu nó là cái duyên cái số, nên để thuận theo tự nhiên. Điều gì đến thì đến, điều gì đi thì đi. Nhưng giờ nghĩ khác rồi các cậu ạ. Đời người cũng chẳng có mấy đâu, thất bại trong tình yêu dăm ba lần có khi cũng qua cả tuổi thanh xuân rồi. Để chọn được một người phù hợp và cùng nhau đi suốt cuộc đời là một chuyện hệ trọng, là hạnh phúc của bản thân chúng mình. Vậy cớ sao lại đi phó mặc cho duyên số?

Nhưng nếu không, thì phải làm gì?

Đây là một câu hỏi rất ngây thơ mà chính tớ từng hỏi với bản thân mình rất nhiều lần. Mặc dù biết là không nên giao toàn phần cho số phận quyết định nhưng cũng không biết phải làm gì khác. Tớ không biết các cậu ở đây có ai hiểu cái cảm giác khi mình rất muốn thay đổi để trở nên tốt hơn nhưng lại không biết làm thế nào, hoặc thử đủ cách nhưng vẫn chả đi đến đâu. Bản thân tớ sau khi trải qua mối tình 3 năm đổ vỡ, dù muốn vượt qua nhưng cũng chả biết phải bắt đầu từ đâu (Cách để vượt qua đổ vỡ tớ sẽ nói trong bài viết sắp tới).
Nhưng rồi lúc đó tớ nhận ra một chân lý, đó là hễ có cái gì mình cần biết, thì phải học. Hồi bé chưa biết đọc, biết viết thì phải học. Lớn lên chưa biết yêu cũng cần phải học. Chưa có kiến thức mà đã yêu cũng giống như tham gia giao thông mà không có phương tiện vậy. Và quá trình học cách yêu của tớ đã bắt đầu từ đó.

Vậy tại sao lại cần phải học cách yêu?

Có người bảo tớ rằng: "Tình yêu chả có công thức cụ thể nào cả, cách yêu mỗi người một khác nhau". Tớ cũng có chung quan điểm. Đúng là không có công thức cụ thể nào và mỗi người có một khái niệm về tình yêu khác nhau, nhưng tớ tin rằng cho dù mỗi nhà mỗi cảnh thì trong tình yêu luôn tồn tại những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của 2 người. Chẳng hạn như một tình yêu hạnh phúc không thể có 3 yếu tố bạo hành, nghiện ngập, hoặc ngoại tình (trước đây việc li hôn ở Mỹ cần phải chứng minh được 1 trong 3 yếu tố này). Vì vậy cần học để tránh những yếu tố xấu và phát huy những yếu tố tốt.

Nếu không học thì sao? 

Hạnh phúc bản thân nếu không lo, thì thiệt mình. Cậu nào đã hoặc đang trải qua giai đoạn vấp ngã trong tình yêu thì sẽ thấy lời tớ nói thấm thía tới đâu. Nếu không hiểu sâu về tình yêu, rất có thể chúng mình sẽ mắc phải những sai lầm trong cách yêu. Tuy mỗi người một cách yêu khác nhau, nhưng có người cảm thấy hạnh phúc khi yêu, có người lại thấy đau khổ. Cách yêu sai lệch là cách yêu của những người cảm thấy đau khổ kia. Nếu không học, các cậu sẽ không biết được khi nào mình là người quá đáng, khi nào mình lại là người phải chịu đựng sự quá đáng của người kia.

Vậy cần tránh những cách yêu sai lệch nào để giữ trọn hạnh phúc? 

Có 3 cách tư duy sai trong tình yêu mà tớ thấy cần được loại bỏ nhanh chóng:

Cách yêu sai 1: Trông chờ người khác sẽ mang lại hạnh phúc cho mình. 

Theo tớ, hạnh phúc là chuyện hệ trọng của đời người, không nên giao phó cho ai khác ngoài bản thân. Nếu tự mình không biết làm sao để đem lại hạnh phúc cho chính mình, thì còn ai khác làm được chuyện đó? Mà nếu không ai khác làm được, thì còn trông chờ điều gì nữa mà không tự thân vận động đi?
Nhớ nhé các cậu, trước khi yêu người khác, thì phải tự yêu lấy chính mình. Đừng hi vọng sẽ có ngày một chàng hoàng tử trong mộng xuất hiện đến rước cậu đi, xua tan mọi nỗi bất an và đem lại hạnh phúc cho cậu. Cuộc sống không giống như truyện ngôn tình. Cái gì thuộc về thế giới trong mộng thì chỉ nên để nó ở trong mộng mà thôi.
LÀM SAO ĐỂ CHỌN ĐÚNG NGƯỜI YÊU? | lexuanloc.com


Đọc thêm:

Chớ có những tư tưởng sai lệch rồi cuối cùng tự làm khổ mình, lúc đó lại than vãn là người tốt trên thế giới này tuyệt chủng hết rồi.

Cách yêu sai 2: Lấy “chemistry” làm thước đo tình yêu

Chemistry hiểu đơn giản là những cái cảm giác "lâng lâng" mà tớ và các cậu cảm thấy được khi đang yêu ai đó. Vốn dĩ có cảm giác này là do những hoóc-môn trong cơ thể chúng mình phản ứng khi tiếp xúc với người hợp với chúng ta về mặt sinh học. Tác giả của 6 quyển sách về tình yêu và hôn nhân Helen Fisher trong bài diễn thuyết tại TED talk đã nói rằng cái cảm giác “chemistry” làm cho bộ não chúng mình “phê” như bộ não của một người sử dụng cocaine.
Theo tớ, cái cảm giác này chỉ xuất phát từ những kết nối vật lý, còn tình yêu thì cần cả kết nối vật lý lẫn kết nối tinh thần. Tuy vậy nhưng tớ lại biết rất nhiều người tin rằng "chemistry" là yếu tố quan trọng để có thể yêu bền lâu, vì phải có "cảm giác yêu" mới gọi là yêu. Sai lầm này dẫn đến 2 việc:
Gặp đúng người nhưng lại từ chối vì không cảm thấy “yêu”. Về sau khi nhận ra đó là người hợp với mình thì có thể bỏ lỡ cơ hội rồi.Đồng ý yêu một người tuy không phù hợp với mình về mặt tính cách nhưng tại thời điểm đó lại có nhiều “chemistry”. Sau này khi qua cái giai đoạn nhiều chemistry đó, các cậu thường sẽ nhận ra được là mình đã ngớ ngẩn như thế nào và không hiểu được tại sao mình lại yêu người như thế si mê đến vậy.

Trải nghiệm của tớ về giai đoạn "chemistry"

Theo tớ, chemistry sớm hay muộn thì nó cũng sẽ phai phôi, không thể là thước đo cho sự bền vững của tình yêu được. Chẳng hạn như tớ với Trang yêu xa, không thể có nhiều chemistry như các cặp đôi yêu gần được. Trên thực tế thì một tuần đầu sau khi yêu Trang, tớ thậm chí còn không có chút chemistry nào.
Nhưng mối quan hệ của bọn tớ vẫn rất thành công. Nhiều khi làm bạn thân lâu quá rồi chuyển qua làm người yêu cũng không cảm thấy có cái cảm giác yêu đó, bất kể yêu xa hay gần. Cho nên cậu nào có đứa bạn thân tỏ tình thì nên cân nhắc dựa trên lý trí, chứ đừng nghĩ là nếu không có cảm giác yêu thì sẽ không thể yêu nhau bền lâu được. Như tớ với Trang, đến tận lúc gặp nhau hôm vừa rồi mới trải qua giai đoạn nhiều chemistry.

Cách yêu sai 3: Phụ thuộc vào cảm xúc của người kia và dành quá nhiều thời gian cho nhau

Phụ thuộc cảm xúc là để cảm xúc của mình dễ dàng bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và hành động của người khác, đặc biệt là người quan trọng với mình. Như khi người yêu cậu trải qua việc gì đó buồn, cậu cũng không còn tâm trạng làm việc khác. Hoặc khi người yêu cậu không dành thời gian cho cậu, cậu cảm thấy rất tủi thân.
Tớ cảm thấy mình là đứa “khác người”. Cảm xúc của tớ rất khó bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài nhưng rất dễ tác động được bằng lý trí. Tớ không nhớ gia đình, bạn bè khi đi du học bởi vì cho dù tớ có nhớ họ đến nhường nào, cũng không giải quyết được vấn đề gì. Cho nên tớ không nhớ ai bao giờ, thời gian dùng để nhớ nhung thì tớ có thể thay bằng thời gian gọi điện cho mọi người hoặc làm cái khác thực sự có ích cho tớ nếu như không có cách giải quyết trực tiếp nào.
Tớ cũng không nhớ Trang quá nhiều khi hai đứa không gặp nhau, chỉ đơn thuần dừng lại ở việc tớ muốn gặp Trang mà thôi. Tớ nghĩ nếu việc gì không giúp ích cho mục tiêu của mình (ở đây là gặp Trang), thì tốt nhất không làm. Vì vậy đối với tớ, việc nhớ nhung sẽ được chuyển hóa thành động lực để làm điều gì đó tốt hơn, phục vụ cho mục tiêu của tớ sau này (trong đó bao gồm việc cưới Trang nhé). Thay vì nhớ nhung, tớ thường tập trung đọc sách, phát triển bản thân, tìm tòi, học hỏi cái mới giúp nâng chất lượng cuộc sống như cách ngủ nghỉ, ăn uống.

Lí do tớ khác người như vậy

Có lẽ lí do tớ khác người như vậy là do tớ bị ám ảnh bởi việc tớ từng bị phụ thuộc cảm xúc vào người yêu cũ. Mọi cảm xúc vui buồn của tớ đều do bạn ý định đoạt, và khi tớ và bạn ấy không dành thời gian cho nhau, tớ dành phần lớn thời gian nghĩ về bạn ý và chờ đợi đến khi hai đứa được gặp nhau. Việc làm như vậy thực sự khiến mối quan hệ hai đứa trở nên rất ngột ngạt và tớ rất hay suy diễn lo lắng lung tung, làm tình yêu trở nên rất áp lực.
Những cậu nào mà hay cảm thấy bất an sợ rằng mình sẽ mất người yêu, hoặc lúc nói chuyện với nhau không có chuyện để nói (vì toàn bộ thời gian dùng để nhớ người yêu thì làm gì có gì để kể), thì rất có thể cậu đang mắc phải cách yêu sai này.
Tớ hiểu rằng không phải ai cũng làm được như tớ, và làm như tớ cũng không hẳn là đúng. Từ ý kiến của những người xung quanh thì tớ đã hiểu ra được bản chất của việc không phụ thuộc vào cảm xúc của người kia:
Việc nhớ người quan trọng với mình không phải là xấu, nhớ nhung đến mức không có tâm trí làm việc khác mới là thứ gây độc hại. Trong tình yêu cần có sự thấu hiểu và đồng cảm, nên cần có những lúc chia vui chia buồn cùng nhau, nhưng nên có một giới hạn nhất định. Nhiều khi nó là những vấn đề của người kia, mình không nên can thiệp quá sâu mà nên để người ấy tự giải quyết.

Vậy tớ chọn người yêu như nào?  

Tiền đề cho cách chọn đúng người để yêu của tớ 

Trước khi yêu Trang, tớ chưa thể nghĩ sâu xa bằng thời điểm hiện tại nhưng lúc đó rất muốn nếu về sau có yêu thì nên yêu người phù hợp. Vì thế lúc đó tớ đặt ra 3 điều kiện, sau này thì 3 điều kiện này là tiền đề cho cách chọn người yêu mà theo cá nhân là hợp lý nhất.
3 điều kiện lúc đó là:

1. Phải biết nhau ít nhất 2 năm, thân ít nhất 3 tháng

Tớ cho rằng có những tính cách phải qua thời gian mới bộc lộ được, ví dụ như tính chung thủy. Tớ rất sợ lại lặp lại cái sai lầm mà sau khi yêu 1 thời gian dài mới nhận ra các tính xấu của người kia. Vì thế nên tớ muốn 2 đứa có một sự thấu hiểu kĩ lưỡng, không lý tưởng hóa lẫn nhau khi tiến thêm 1 bước từ bạn bè thành người yêu.
Tuy rằng quá khứ 1 người không thực sự phản ánh chính xác con người đó ở hiện tại, nhưng nó giúp tớ hiểu được những tính cách ở hiện tại là từ đâu. Có được sự thấu hiểu thì sẽ bớt được mâu thuẫn về sau.

2. Người đó chắc chắn không có tính ghen tuông, hờn dỗi kiểu trẻ con

Yêu là để bản thân mình tốt lên, để có thêm động lực để thoả sức làm điều mình thích chứ không phải để suốt ngày hờn dỗi ghen tuông, hạn chế sự tự do của nhau. Điều kiện này xuất phát từ việc tớ “học từ lỗi lầm trong quá khứ”, khá là dễ hiểu tại sao tớ lại nghĩ như vậy. Theo quan điểm của tớ, tình yêu nên là sự tự nguyện của cả 2 bên, vì vậy tình yêu đích thực là được tự do thoải mái chứ không phải là bị ràng buộc hay mất tự do.

3. Phải bận

Lúc đó thì tớ nghĩ đơn giản là mình là người bận rộn, người mình yêu cũng phải bận. Nếu tớ bận nhưng người kia lại không thì rất có thể sẽ trách là tại sao tớ không dành nhiều thời gian hơn cho người đó được. Nếu cả 2 đứa cùng bận thì sẽ thông cảm cho nhau hơn. Tuy Trang tại thời điểm đó không đáp ứng được điều kiện này, nhưng hiện giờ mối quan hệ của bọn tớ rất thành công. Một thời gian sau khi yêu thì tớ nhận ra là bản chất của cái điều kiện tớ đặt ra là 2 đứa có thể suy nghĩ chín chắn và thấu hiểu lẫn nhau. Một khi đã làm được như vậy, việc có thời gian cho nhau nhiều hay ít thật sự không còn đáng bận tâm nữa.

Cách lý tưởng nhất để chọn người yêu (theo cá nhân tớ)

Đây là cách để chọn được người phù hợp và có thể cùng mình tạo dựng một mối quan hệ hạnh phúc. Nói cách khác, đây là điều kiện mà người yêu tương lai của cậu cần thỏa mãn. Và có một quy luật vô hình trong tình yêu đó là “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Nếu cậu muốn tìm được người đáp ứng những điều kiện đó thì trước hết bản thân cậu cũng phải như vậy.
Tớ đặt ra 2 điều kiện, đều không phải là điều kiện như đặc điểm về tính cách tốt hay xấu, kiếm được nhiều hay ít tiền, hay là ngoại hình xấu hay đẹp. Bởi vì, những cái tớ vừa nêu có thể thay đổi được. Người cậu yêu có thể thay đổi để trở nên tốt hơn được. Còn điều kiện của tớ là có đủ tố chất để có thể thay đổi được. Chỉ cần 2 điều kiện này, mọi vấn đề về sau này có thể từ từ giải quyết:

Bản thân mỗi người phải là một cá thể hoàn chỉnh

Tớ thấy có một cái quan niệm sai lệch nhưng rất phổ biến:
Mỗi người là một cá thể không trọn vẹn, thường chỉ là 1 nửa. Và để có được sự trọn vẹn thì cần đi tìm “nửa còn lại” của cuộc đời mình.
Theo tớ, việc quan niệm như vậy sẽ gây ra rất nhiều những mâu thuẫn sau này, vì như vậy là kì vọng người khác mang lại hạnh phúc cho mình. Để mối quan hệ của các cậu được hạnh phúc lâu dài, tự mỗi người trước khi yêu phải là một cá thể hoàn chỉnh, tự biết làm mình hạnh phúc, chứ không cần ai khác để làm mình trở nên “nguyên vẹn” cả.
Là một cá thể hoàn chỉnh là độc lập về mặt cảm xúc. Nói cách khác là cảm xúc của mình không bị phụ thuộc vào người khác. Việc này tớ đã nói trong cách yêu sai 1 và cách yêu sai 3 ở trên.
Tất nhiên là trong suốt cuộc đời, ai cũng sẽ không ngừng hoàn thiện thêm bản thân. Nhưng khái niệm "cá thể hoàn chỉnh" tớ đưa ra ở đây là bao gồm 2 yếu tố không trông chờ người khác mang lại hạnh phúc cho mình và độc lập cảm xúc. Để đáp ứng điều kiện này thì ngoài thời gian dành cho nhau, mỗi người nên có một cuộc sống riêng và cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống riêng đó.

 Bản thân mỗi người cần tiếp tục phát triển bản thân và thúc đẩy lẫn nhau

Như tớ đã nói, trong tình yêu thì ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Nếu cậu có được nhận lời yêu từ ai đó tốt hơn mình rất nhiều, liệu mối quan hệ đó có thể kéo dài mãi và đồng thời đảm bảo được hạnh phúc không? Theo tớ là có thể, nhưng chỉ khi mà hai cậu cùng nhau phát triển, tăng thêm giá trị cho bản thân.
Lúc bắt đầu yêu, hai người có thể có giá trị bản thân chênh lệch nhau. Nhưng qua thời gian, sự chênh lệch giữa giá trị của hai người cần được rút ngắn. Nếu giá trị của 1 trong 2 người giảm để phù hợp với nhau hơn, thì đó là một mối quan hệ độc hại (toxic relationship). Ngược lại nếu 1 trong hai người tăng giá trị của mình để phù hợp với người kia hơn và giá trị của người còn lại cũng tăng dần, thì đó là mối quan hệ lành mạnh (healthy relationship).

Chốt bài

Bài viết lần này tớ chia sẻ quan điểm của mình về cách chọn người yêu. Tớ tin rằng mỗi người tuy có một cách yêu khác nhau, nếu các cậu đọc thấy phù hợp thì nên thử áp dụng. Tuổi tớ thì còn nhỏ nên chưa thể coi là dày dặn kinh nghiệm được. Nhưng đây là những lời chia sẻ mà tớ rút ra được sau những sai lầm của chính bản thân mình. Tớ rất mong sẽ nhận được nhiều phản hồi và góp ý từ các cậu nhaaa.
Sau khi chọn được đúng người, nếu có ai thắc mắc rằng làm thế nào để duy trì được hạnh phúc trong mối quan hệ đó thì đón đọc bài viết sau của tớ nhé. Bài viết tới tớ sẽ nói sâu về những điểm chung mà tớ quan sát thấy giữa những cặp đôi rất hạnh phúc và bền vững. Cảm ơn các cậu rất nhiều vì đã ủng hộ tớ. Nếu các cậu có bất cứ thắc mắc gì thì cứ thẳng thắn hỏi tớ nhé.