“Sr m”, nó mở đầu bằng cách xin lỗi
“Sr chuyện gì bro”, tôi ngạc nhiên.
“Chuyện t đang làm. T nt cho m v. Là t đang trốn tránh nỗi buồn của t ở chỗ m. Nó quá lớn”
…
“T sợ hãi lắm”
“T muốn nói ra lời tiêu cực”
“Nhưng sự thật là khó sống quá Đức à”
B là một người bạn cũ, chúng tôi đã không còn liên lạc với nhau từ hơn một năm trước. Lần cuối tôi gặp nó cách đây tầm 1 tháng, trong đám ma má nó. Tôi biết là nó và gia đình vừa trải qua một mất mát lớn nên chuyện nhắn tin cho tôi để tìm kiếm sự lắng nghe, an ủi là hết sức dễ hiểu. Nhưng, tôi thắc mắc, còn bạn bè của nó đâu? Vì sao nó lại tìm đến tôi, một người đã lâu không gặp và giờ đây đã có phần xa lạ, để bộc bạch những cảm xúc này thay vì với những người bạn thân thiết?
Cô đơn thì muôn hình vạn trạng, bao nhiêu người thì bấy nhiêu cái cô đơn. Cái cô đơn của thằng B là cái làm tôi trăn trở sau cuộc trò chuyện đêm qua. Cô đơn trong các mối quan hệ.
“Chắc nhà m cũng đang như m, nên họ ko giúp m đc”, tôi nói.
“Vậy còn bạn bè thì s?”, tôi hỏi tiếp.
“Ko ai hết. P nói k muốn thấy t nv. Nên t ko nv với nó. Đám kia cũng thế. T ko nv vs tụi nó. Cũng k tiếp xúc nữa. Vì như t nói đó. Chả ai muốn lây cái tiêu cực của t hết. Nên trc khi tìm m. T xin lỗi m”
P là bạn thân của nó, “đám kia” là đám bạn nó đang chơi.
“Ko s”, tôi nhắn lại, tôi biết nó nên được giải tỏa cái tiêu cực trong lòng.
Chúng tôi nói với nhau một lúc, thứ tôi có thể làm đêm qua là make sure nó không tự sát, sau đó là ngồi nghe nó đau khổ. Tôi còn có thể làm gì hơn? Mất mát của nó quá lớn, tôi không nói ra những câu an ủi sáo rỗng được, an ủi thì ích gì chứ? Lời nói bằng thừa, có những nỗi đau quá sức ngôn từ. Tôi chỉ có thể lắng nghe người bạn của mình.
Dù không chắc chuyện gì đã xảy ra, nhưng tôi cảm thấy tội nghiệp nó và bức xúc với đám bạn kia, nhất là thằng bạn thân P của nó. Tại sao lại không muốn thấy bạn mình đau khổ? Làm bạn bè kiểu gì vậy? Loại người nào lại quay lưng với bạn mình khi họ đang tuyệt vọng? Dù chỉ nghe một phía, chưa biết được chân sự thật, tôi vẫn có những cảm xúc ấy bên trong mình. Đằng sau những lời tiêu cực vùng vẫy kia, tôi chắc chắn được một điều, nó rất cô đơn.
--------------------
Đã là con người sống trên đời, chắc chắn ai cũng phải đối diện với cô đơn ít nhất vài lần. Tôi cũng vậy, bạn cũng vậy. Thật ra thì sự cô đơn ấy không phải thứ gì xấu xa. Mặt khác nếu biết sử dụng nó thì thật tốt, tôi có thể dành nhiều thời gian hơn để rèn luyện bản thân và trò chuyện với chính mình. Những khoảng không như thế, chủ quan mà nói, khá là lành mạnh. Ở một cực khác, nhiều người quá sợ cô đơn đến mức phải luôn có người xung quanh mới chịu được. Họ cảm thấy trống rỗng khi ở một mình rồi tìm cách tránh né đi cảm giác ấy mà đâu biết đó là cơ hội để lắng nghe tâm tư của mình. Họ cứ xa dần tiếng gọi của tâm hồn mình như thế năm này qua tháng nọ. Họ đã trốn chạy chính mình khi nào không hay. Rồi một ngày, không được báo trước, như một cơn bão bất chợt ập tới. Vỡ òa. Họ nhận ra chính mình chỉ là một cái vỏ rỗng ruột, nhẹ tênh và mất kết nối với chính bản thể của mình. Vì thế thay vì phủ nhận nó, ta cần tập hiểu xem vì sao ta lại cô đơn.
Sau khi nghỉ đại học ở năm thứ 2, chán nản và thất vọng. Những câu hỏi và áp lực bên ngoài đến từ gia đình, bạn bè, xã hội cứ liên tục giày vò tôi. Tôi luôn cảm thấy có gì đó không đúng với bản thân, rằng mình là một thất bại trong cuộc đời, một bản thể lỗi, một công trình thiếu đi nền móng. Khi ấy, tôi còn giao du với nhóm bạn cũ, chúng tôi cũng chưa bao giờ thật sự kết nối với nhau, dù đã quen biết nhiều năm, tôi chưa bao giờ cảm thấy đây là nơi mình thuộc về. Chúng tôi chưa bao giờ trò chuyện một cách sâu sắc. Tôi qua lại với tụi nó như một cách tránh né sự lạc quẻ. “ừ tao cũng có nhóm bạn đấy oách chưa”. Hơn thế, những giá trị của tôi và tụi nó không giống nhau, những thứ tôi quan tâm khác xa tụi nó nên đôi khi dẫn đến mâu thuẫn. Dần dà mối quan hệ gần như trở nên độc hại, sự mỉa mai, chỉ trích, cô lập bắt đầu diễn ra. Cô đơn và kiệt sức, đó là những năm 19 20 của tôi.
Trong một lần lượn lờ trên Youtube, tôi xem được video “YÊU BẢN THÂN” của anh Long và Thống. Đây là một channel khá nhỏ, tuy vậy tôi thích cái vibe của hai cha nội này, họ rất thoải mái thể hiện bản thân, tôi có cảm giác như đang được hai homie thân thiết chia sẻ kinh nghiệm vậy, phong thái này khá giống Mark Manson. Hai khứa này nói về sự cô đơn và cảm giác khó chịu khi ở một mình, rồi lợi ích mà nó mang lại và những ví dụ, những hoạt động để hiểu bản thân bla bla,… Kênh không nhiều lượt đăng kí nhưng điều đó không quan trọng, chính những lời hai ông anh nói trên video đã làm tôi lóe lên một ý tưởng về việc lắng nghe bản thân. (Nhân tiện, nếu tò mò thì đây là channel mình đề cập)
Kể từ đó, tuy có hơi quá trớn, nhưng tôi đã cắt liên lạc (một cách đột ngột thẳng thừng không báo trước) với những người bạn mà lâu nay không cảm thấy thoải mái nhưng vẫn khư khư giữ lấy để bấu víu lấy sự “kết nối giả” kia. Dần dà, tôi hiểu ra rằng mình phải ra đi. Rời bỏ sự kết nối giả tạo, hời hợt này. Tôi dấn thân vào con đường của riêng mình, tìm bản thân mình, tìm những người thật sự phù hợp với mình. Thử nghĩ mà xem, một ngày bạn bỗng dưng chỉ có một mình, không ai đi cafe chung, không ai cười nói với bạn, đi làm một mình, ăn uống một mình, buồn một mình, vui một mình bla bla… trong suốt một năm. Có những ngày mở mắt dậy tôi cảm thấy cuộc sống thật vô vị, buồn tẻ và tự hỏi “một mình như thế suốt sao?”. Chuyện đó thật tệ trong thời gian đầu, tôi cảm thấy như một cá thể bị trục xuất khỏi bầy vậy. Cô đơn. Cô đơn toàn tập. Thậm chí có đôi khi tôi nghi ngờ quyết định đó và tự hỏi xem liệu có nên quay trở lại hay không.
Tuy nhiên, dù cho cô đơn bủa vây xung quanh tôi những năm tháng đó, tôi lại cảm thấy được tự do.Viết nhật kí giúp tôi nhìn rõ hơn cảm xúc và dần dần nhìn rõ được lịch sử của mình, nó cho tôi cơ hội nhớ lại mình ghét và thích cái gì, sợ hãi và yêu thương điều chi. Lần đầu tiên tôi được thấy được bản thể của mình, nghe được nó buồn, nó vui, nó sợ hãi, nó thù ghét, xấu xí như thế nào và phải học cách chấp nhận nó. Tôi bắt đầu đi gặp những con người mới, hẹn hò, kết bạn, chơi thể thao, học hỏi và đọc sách nhiều hơn bla..bla… đại loại mấy thứ tôi quan tâm ấy. Nhiều người mới đến rồi đi, một số thì ở lại và họ đều là những người thật tuyệt. Khi ta càng hiểu nhiều hơn về bản thân và chấp nhận nó, ta càng có khả năng kết nối được với những người phù hợp với mình, những người không thật sự phù hợp sẽ sớm rời đi hoặc sẽ trở nên phiền phức, kinh nghiệm của tôi là thế. Những ngày tháng cô đơn đó đã cho tôi cơ hội nắm bắt được tâm hồn mình, dù rằng nó vẫn còn méo mó và khuyết thiếu vài chỗ nhưng bạn biết không, tôi tin đó là bước đầu của mọi chuyện trong đời. Nếu có cơ hội nào, ta hãy thử cô đơn một lúc để tập hiểu chính ta, nhiều người mỹ miều còn hay nói “hẹn hò với bản thân” ấy. Dù sao đi nữa hãy thử, thử một chút cũng được, đừng sợ.
Vì hơn ai hết,
bản thân của bạn luôn ở đây,
cùng bạn.
Vì ta mãi không nhận nơi mình Cho nên loay hoay hoài không tỉnh Nhờ lục tìm lại nơi ngục tối Mà ta dần thấy ánh bình minh. - Duc, 19/04/22
Bên cạnh các lợi ích thấy được qua quãng thời gian cô đơn của mình, tôi nhận ra khi ta một mình, không ai chia sẻ hay buồn chán quá lâu, ta sẽ bất ổn, thậm chí có thể tự hủy. Con người vốn là loài vật bầy đàn, vì thế hình phạt nặng nề nhất là sự cô lập. Trở về 2 triệu năm trước, một cá thể bị tách bầy sẽ đối diện với nguy cơ chết rất cao do thiếu thức ăn và nước hay sự chăm sóc từ người thân khi bị thương hoặc nhiều mối nguy hiểm rình rập từ thú săn mồi đầy rẫy trên đồng cỏ. Một mình ở thời tiền sử đồng nghĩa với cái chết. Trong cuốn The Art of Loving, nhà tâm lý học Erich Fromm cho rằng nỗi sợ bị chia cắt là một nỗi sợ cơ bản của con người và cũng là mầm mống cho các bệnh thần kinh. Vì vậy ngày nay ta có thể thấy hình phạt nặng nề nhất trong các nhà tù là biệt giam.
Cũng như tập thể dục quá sức dẫn đến kiệt sức và mất cơ, hay ăn uống vô độ dẫn đến thừa cân, cô đơn quá nhiều cũng sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực.
Vậy thì khi nào cô đơn trở nên quá mức, thậm chí là độc hại?
Thật khó để trả lời một cách chính xác, mỗi người có một sức dẻo tinh thần nhất định nhưng tôi có một câu trả lời như thế này: khi cảm thấy quá sức, đó là lúc quá tải. Hãy đi tìm sự giúp đỡ. Như cái cách thằng B vùng vẫy trong tuyệt vọng, tìm kiếm sự giúp đỡ khi không còn ai bên cạnh, hãy làm mọi cách để người khác biết rằng bạn đang không ổn. Có thể khó tin, nhưng ngoài kia còn rất nhiều cộng đồng sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Ví khả năng chịu đựng áp lực tinh thần mỗi người giống như sức mạnh chịu đựng của cơ bắp. Có người thì vốn nâng được một bánh xe tải, kéo cả một con bò, còn có người chỉ nâng được một viên tạ 5 kí hay nhấc một cái ghế đã là khó khăn với họ. Vì thế khó mà nói chung được như thế nào mới là quá sức, xem ra mỗi người chúng ta phải tự có cho mình câu trả lời vậy.
Đại dịch Covid năm 2021 là một khoảng thời gian tồi tệ đối với tôi. Trước đó tôi đã có nhiều áp lực lớn về các dự định của mình và b-ù-m, tôi phải ở nhà suốt sáu tháng giãn cách xã hội. Vì có nhiều thời gian hơn để nghĩ, tôi miên man ngày qua ngày, cô đơn trong phòng, bạn bè không gặp được, không thể tập thể thao, tăng cân, ục ịch nặng nề, mọi thứ chật chội nóng bức. Số người chết trên báo đài góp phần tăng thêm căng thẳng. Tôi đã rơi vào những cơn hoảng loạn nhiều lần, những cơn ám ảnh xuất hiện, mất ngủ, âu lo kéo đến. Bầu trời tối sầm lại, không khí như đang đặc quánh lại, cảm thấy khó thở không còn tia hy vọng nào. Tôi gần như đã trở thành một bóng ma trong chính cơ thể mình. Sợ chết, sợ mình mất đi ý thức và trở nên điên dại. Tôi nghĩ mình khó mà qua khỏi nếu như không có người bạn của mình. Tôi đã tìm đến sự giúp đỡ từ bạn mình lúc cùng cực nhất. Cô ấy đã hỏi han và lắng nghe những âu lo và nỗi sợ của tôi mà không phán xét, luôn cố gắng hỗ trợ tôi mỗi khi cơn hoảng loạn xuất hiện. Giờ đây, tôi thấy biết ơn bản thân dường nào khi can đảm yêu cầu được giúp đỡ. Mọi thứ có vẻ dễ dàng khi viết ra những dòng này nhưng thỉnh thoảng cảm giác ấy vẫn hăm he xuất hiện trở lại làm cho tôi hết sức mệt mỏi và tuyệt vọng.
Nhắc lại: khi cảm thấy quá sức, hãy tìm sự giúp đỡ.
Văn hóa phương Đông của chúng ta vốn không hay bày tỏ bằng lời nói từ cha mẹ, thầy cô cho đến vợ chồng, thậm chí là bạn bè, những đứa trẻ là người duy nhất làm chuyện ấy nhưng chúng lớn lên dưới vòng tay các bậc cha mẹ truyền thống và vòng lặp lại xoay vòng. Sự khích lệ được bày tỏ tâm tư của con người gần như là khó khăn hơn qua nhiều thế hệ châu Á. Họ có thể sống chung một ngôi nhà nhưng chẳng hề biết chút gì về thế giới riêng của nhau.
(Bạn có thường xuyên nói lời yêu thương với ba mẹ mình không?)
Lại thêm một hiện tượng nữa, tôi thường xuyên nghe được mỗi khi có ai đó yếu đuối: “mạnh mẽ lên!”. Câu nói đó trở nên độc hại khi mọi chuyện đã quá tồi tệ với một người, như thằng bạn thân của B nói với nó. Đưa ra những lời động viên một cách vô tâm như vậy, thì thật là tàn ác quá. Nó sẽ khiến cho con người ta dần thu mình lại, vùi lấp đi những tổn thương trong lòng mà không có cơ hội nói ra. Tôi được nghe rằng trầm cảm không xuất phát từ một sự kiện đột ngột, nó xuất phát từ những mầm mống nho nhỏ dần dần như thế đó. Một lần bị mỉa mai ngoại hình lúc bảy tuổi tưởng như đã qua có thể biến thành vết thương đi theo cả đời. Chuyện bạn gái từ chối thậm tệ ở tuổi mười ba bị đè nén quên đi có thể trở thành nỗi ám ảnh đi theo một người đến tuổi về già. Tôi nghĩ, đã đến lúc thế hệ chúng ta thay đổi thay đổi khía cạnh ấy của cha ông mình, hãy cởi mở nhiều hơn với mọi người xung quanh, cho họ được cơ hội nói ra. Hãy làm điều đó, từng chút một.
Cô đơn có thể là một nguồn cơn dẫn đến một cái chết. Vì vậy, hỡi những con người khỏe mạnh, hãy học cách lắng nghe nhiều hơn, cho người thân xung quanh mình được cơ hôi bày tỏ. Biết đâu ta đã vô tình khiến cho người bạn của mình bị tổn thương vì bỏ qua lời yêu cầu giúp đỡ của nó. Biết đâu một lần đùa cợt ngoại hình của con cái mình đã để lại cho nó một vết thương chưa chữa lành được. Dù vẫn còn nhiều khuyết điểm về giao tiếp trong nền văn hóa, nhưng tôi nghĩ không cần phải đi đâu quá xa, dân tộc Việt Nam có truyền thống mấy ngàn năm đùm bọc yêu thương lẫn nhau, thiết nghĩ đó là chỗ đắc mà ta nên dùng.
Như hai mặt của đồng tiền, sự cô đơn mà tôi đã nói trên đây đều có cái hay và cái dở, cái dùng được và cái cần đề phòng. Đừng để bản thân phải mất đi sự cân bằng giữa hai thái cực ấy. Viết bài blog này, tôi có ước mong rằng con người ta sẽ biết yêu thương và tin nhau nhiều hơn. Thời thế loạn lạc, mở mạng xã hội lên toàn tin tiêu cực, báo đài cũng làm ta không khỏi lo lắng. Còn gì tệ hơn khi phải lẻ loi một mình trong mớ hỗn độn ấy? Cuộc sống vốn khó khăn ngoài kia, tôi hy vọng chúng ta đều sẽ đủ sức vượt qua giông bão. Nhưng nếu có phải vấp ngã, đừng từ bỏ, hãy tìm kiếm chỗ nương tựa cho mình, còn có rất nhiều người đang chờ ta mỗi ngày, nhiều con người luôn sẵn sàng giúp đỡ. Đừng quên điều ấy nhé!
Câu chuyện của thằng B làm tôi suy nghĩ có thể còn nhiều người vẫn đang cô đơn như thế. Nên tôi quyết định viết ra suy nghĩ và trải nghiệm của mình. Tôi thật lòng không muốn ai phải đau khổ thêm.
Bằng tất cả tấm lòng,
Cầu chúc mọi người bình an.
Trân trọng.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất