Lần đầu tiên tôi gặp gỡ đạo diễn Trần Anh Hùng (qua màn ảnh) là vào dịp làm bài tập giữa kỳ học phần Nhập môn nghệ thuật điện ảnh (tức 1 năm trước). Khi ấy, "Mùi đu đủ xanh" đã cuốn tôi trôi dạt vào miền trời mà nơi đó tôi chỉ thấy mỗi nhân dạng lãng mạn của đạo diễn. Tôi cứ nghĩ phim của ông rất thơ, từ góc quay đến âm thanh, từ con người đến đồ vật, mọi thứ... dù là nhỏ bé nhất đều mang âm hưởng của một mùa thu êm dịu...
Nhưng, tôi đã sốc (và đến giờ vẫn còn) sau khi xem Xích Lô. Tôi khóc và ứ nghẹn, cái cảm giác khó chịu dường như bị đẩy lên đỉnh điểm. Có lẽ, tôi đã hiểu phần nào lý do bộ phim bị cấm chiếu suốt một thời gian dài dù nó giành được giải Sư Tử Vàng cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice 1995 cũng như có sự góp mặt của tài tử điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vỹ trong dàn diễn viên.
Có thể các bạn sẽ cười tôi vì... tại sao mê điện ảnh mà đến bây giờ tôi mới xem Xích Lô. Thú thật, tôi chỉ vừa mê điện ảnh cách đây vài tháng, dù biết tiếng của đạo diễn Trần Anh Hùng nhưng tôi vẫn rất quan ngại khi xem phim của ông bởi cái văn hóa trong ông đã có sự hòa trộn, nó không thuần Việt Nam và... thế đó. Giờ nghĩ lại tôi thấy mình hơi buồn cười. Vậy là, tôi quyết định tự an ủi bản thân bằng cách giết chết cái "cười", chỉ để lại cái "hơn cả buồn" qua bài viết này - một ngoại lệ duy nhất trong khoảng thời gian tôi tự hứa với lòng sẽ không đăng bất kỳ bài viết nào lên Facebook.
Xích Lô mở màn bằng một lời tự truyện, nói thật tôi không thể nghe rõ từng câu từng từ của nhân vật chính, nhưng chính sự không nghe rõ càng bắt tôi phải nhìn chăm chăm vào khung hình - nơi Sài Gòn đang nhộn nhịp với những làn xe, lớp người, tuy nhiên, vẫn khác với cái Sài Gòn thực tại mà tôi đang sống trong mấy ngày qua. 
Theo chân nhân vật chính Xích Lô, tôi được nhìn những con người nhơ nhuốc cả ngoại hình lẫn tâm hồn. Có điều đâu đó trong họ vẫn còn sót lại một mảng loang loang trắng hoặc chính người ta cũng cố và đang cố để mở rộng biên giới của những mảng màu lờ lợ này thay vì cứ phải ngâm mình chịu đựng cái vùng trời hùng bá của một mảng toàn đen là đen.
Những gia đình, những chiếc xích lô, những niềm đau, những nỗi sợ... cùng nhau chen chúc trong một cái khuôn chật hẹp của không gian và thời gian. Chính vì nó hẹp nên nó bó chặt con người, họ không còn đường này thì bắt buộc họ phải đi - chỉ một con đường khác. Cũng chính vì nó hẹp nên tôi lại thấy cái câu: "Đái đi", "Có mắc đái hông?" thốt ra từ miệng một ông già trước Chị đang rơm rớm nước mắt lại là thứ làm tôi cảm thấy ngợp thở nhất. Nó chẳng khác nào một con quỷ đang nhâm nhi thưởng thức nỗi sợ hãi trong con mồi. Và, ngay khi Chị đứng lên, cởi quần, đái... cũng là lúc tôi biết chị đã dần thỏa hiệp với những thứ có phần... tởm lợm. Cho nên, chị tình nguyện mặc quần tất để một tên đàn ông cắt phăng nó đi, chị tình nguyên ném ánh mắt gợi tình, diện những bộ trang phục sành điệu hơn sau đó...
Người phụ nữ trong văn học hay trên màn ảnh luôn là hình tượng có sức hút cực lớn với tôi (và khóa luận của tôi cũng là khai thác Diễn ngôn về người phụ nữ). Trong Xích Lô, tôi nhận thức rất rõ hai kiểu phụ nữ, một là những người như Chị, và hai là bà Buồn. Người đàn bà thương con... và đúng, là chỉ thương mỗi con. Vì thương con nên bà luôn canh cánh chuyện nó làm sao ra đời và sống đến bây giờ, vì thương con nên bà sẵn sàng hành hạ người khác và... hành hạ chính mình. Vì thương con nên bà không phân biệt được đâu là sơn đỏ và đâu là máu. "Hổ dữ không ăn thịt con" là tất cả những gì còn sót lại trong con người mang đầy tội lỗi của bà. Nhưng cũng chính cái phần sót lại dù nhỏ nhoi đó vẫn đủ khả năng cứu vớt Xích Lô khỏi bờ vực nơi Diêm Vương là người phán xử.
Trong phim còn có nhiều cảnh quay đặc tả làm tôi phát hoảng lên, song thứ khiến tôi ám ảnh nhất, vẫn là âm thanh. Xích Lô phát ra thứ âm nhạc gợn người gợi tôi nhớ đến những bộ phim Noir nhiều thập niên trước. Ngoài âm nhạc thì lời thoại của nhân vật cũng không kém phần kinh hãi. Điển hình là trước lúc một tên trong băng đảng chuẩn bị giết chết tên khác bằng cách cắt động mạch cổ, hắn ta đã hát "gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ...", và sau đó từng tia máu thi nhau bắn phun phún lên tường, còn tôi chỉ biết siết tay, nhíu mày thật chặt. Hóa ra, khúc hát nuôi con người trưởng thành cũng có thể trở thành một bài ca tang tốc.
Cái kết của bộ phim cũng chính là tiêu đề - Khi cái thiện "đầu thai lại vào thực tại đời sống". Đây là cụm từ gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi từ lúc lật dở những trang đầu của Chùa Đàn - một tác phẩm của cụ Nguyễn Tuân. Việc tôi đặt nó ở đây là vì đâu đó tôi thấy được điểm giống nhau giữa Lịnh trong Chùa Đàn và Xích Lô trong phim.
Lịnh (hay Lãnh Út) gần như chối bỏ mọi thứ sau cái chết của vợ và chỉ biết đắm mình trong rượu (ma men) hòng quên cơn "say" cuộc đời. Trước sự buông thả của Lịnh, Bá Nhỡ đã tìm cách cứu vớt người có ơn với mình, kết quả Bá Nhỡ hy sinh bản thân, đàn cho tới chết chỉ để Cậu Lãnh đầu thai lại vào thực tại.
Còn Xích Lô, anh có cuộc đời khác Lịnh, ít nhất anh còn gia đình. Nhưng, chỉ vì miếng cơm, anh bị đẩy đưa và chấp nhận để cuộc đời đưa đẩy vào cái thế "tu quỷ". Anh dần thích thú trước cái chết của kẻ khác hay thậm chí là của con vật khác. Anh thích cái cảm giác chứng kiến sự ngoe nguẩy trong bất lực của con thằn lằn sau khi anh đã tự tay bứt phăng đuôi nó và ngậm trong miệng. Chính lúc này, anh đã cho phép ác quỷ bắt đầu hành trình dung hòa làm một với con người mình. Để rồi, anh thực hiện một chuỗi hành vi man rợ, đến cuối cùng, ngay khoảnh khắc anh sẽ phải chết khi con quỷ ấy quyết định tước đoạt mạng sống của anh trong cơn say ma túy... thì, anh lại sống, lại được đầu thai lại vào thực tại.
Anh không chết, phần ác của anh cũng chưa chắc đã chết nhưng chắc chắn phần thiện của anh đã có cơ hội vùng dậy và giành lấy sự sống. Còn cuộc đời của nó sau này như nào, tôi chẳng biết. Có thể sẽ rong ruổi cùng anh, cùng gia đình anh trên chiếc xích lô ở khắp mọi ngõ ngách nơi mảnh đất Sài Gòn, rồi nó lại bị đánh cắp, rồi anh lại bị cuốn vào một vòng xoáy khác, một băng đảng khác của bà Sầu, bà Đau,... chẳng hạn. Nhưng cũng có thể cuộc sống của nó sẽ trôi êm đềm, va vấp chắc chắn sẽ có, song nó vẫn đủ tỉnh táo để không bị "ma đưa lối, quỷ dẫn đường", và cũng là để anh hiểu, không nên tự bán mình cho ác quỷ thêm một lần nào nữa.
Để (có thể) nói hết những cái hay trong Xích Lô, một bài chưa chắc đủ, chưa chắc khai thác hết thẩy những ẩn dụ mà chỉ riêng nó mới có. Tuy nhiên, cũng như bao tác phẩm, tôi tin với một bộ phim nghệ thuật thì rất khó xem, vô cùng khó xem. Nó khó xem không chỉ cho những người không tin vào nghệ thuật mà còn cho cả những người yêu nghệ thuật. Vì xét đến đâu, cũng rất khó để kẻ đường biên của cái gọi là "nghệ thuật".
Nói tóm lại, Xích Lô không phải là món ăn dành cho tất cả mọi người, cũng không dành riêng cho bất kỳ trường phái Nghệ thuật nào.
Nó dành cho những ai muốn biết một phần trong hành trình tồn tại của những con người nơi mảnh đất Sài Gòn năm xưa.
Si Phim (số 01) - 20.04.2024