Nguồn ảnh: Unsplash
Nguồn ảnh: Unsplash
Chúng ta thường ngưỡng mộ những người tự tin. Ở họ dường như luôn toả ra một loại hào quang lấp lánh, toả sáng rực rỡ, mà không điều gì có thể làm lu mờ đi ánh sáng đó, dù có bao nhiêu sự cạnh khoé, những lời chỉ trích đề ra. Những người tự tin tạo cảm giác an tâm, tin tưởng cho những người xung quanh, họ thuyết phục mọi người xung quanh bằng sự tin tưởng của họ vào chính bản thân họ – một sự tin tưởng vững chắc dựa trên thực tế đã được trải nghiệm, chứ không phải một sự ảo tưởng do tâm trí họ tạo ra. Và chúng ta ai ai cũng muốn trở nên tự tin, tìm đủ cách để khẳng định giá trị của bản thân, thông qua địa vị xã hội, thành công, sự công nhận từ xung quanh. Nhưng kỳ lạ thay, càng cố gắng tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài, ta càng nhận ra bản chất thiếu tự tin từ tận sâu trong ta, một lỗ hổng mà dù vô vàn lớp hào quang không thể che đi được – sự thật rằng “ta không tin vào chính mình”. Rằng ta không thực sự tự tin. 

I/ Bản chất của “Tự tin” là gì? 

“Tự tin” hiểu một cách đơn giản có nghĩa là “tin tưởng chính mình” (trust oneself). Theo trang “Psychology Today” (1), Tự tin là “niềm tin vào bản thân, niềm tin rằng một người có khả năng đáp ứng những thách thức trong cuộc sống và thành công — và sự sẵn sàng hành động khi có thách thức xảy đến. Sự tự tin đòi hỏi người ta phải hiểu rõ khả năng thực tế của chính họ và cảm thấy an toàn về kiến thức đó.”
Như vậy, chúng ta có thể hiểu đơn giản “sự tự tin” là “niềm tin vào khả năng thực tế của bản thân, khả năng chính mình có thể vượt qua được những thách thức, thay đổi trong cuộc sống và vươn lên một cách thành công“. Đấy là niềm tin vào chính bản thân mình, vào chỉ dẫn từ bên trong mình, rằng dù cuộc sống sẽ luôn có những thay đổi diễn ra, xã hội, thế giới bên ngoài luôn biến chuyển, thì bản thân sẽ luôn chèo lái những thách thức đấy một cách thành công và không bị vùi dập bởi những khó khăn cuộc đời.

II/ Sự tự tin được hình thành ra sao?

Sự tự tin được xây dựng theo thời gian. Khó có một đứa trẻ nào chưa từng va vấp cuộc đời mà có thể bước ra đời một cách thực sự tự tin, bởi những người thiếu kinh nghiệm, ít trải nghiệm có xu hướng dễ bị phụ thuộc vào sự an toàn mà họ được chu cấp bởi thế giới xung quanh từ khi còn nhỏ. Càng đi xa, càng va vấp, càng trải qua nhiều thách thức và học hỏi, người ta càng tạo dựng được sự tự tin, vững vàng sâu trong chính mình.
Sự tự tin đích thực lớn lên theo thời gian và trải nghiệm, như cái cây đâm rễ bén sâu vào lòng đất mỗi ngày. Nguồn ảnh: Unsplash
Sự tự tin đích thực lớn lên theo thời gian và trải nghiệm, như cái cây đâm rễ bén sâu vào lòng đất mỗi ngày. Nguồn ảnh: Unsplash
Sự tự tin không đi từ trong ra ngoài, mà nó di chuyển từ ngoài vào trong, thông qua những cọ xát và trải nghiệm sống (2). Người ta thường cảm thấy ít lo lắng hơn – và tự tin hơn vào chính mình – khi họ chỉ ra được những điều họ đã làm tốt qua những trải nghiệm với thế giới bên ngoài. Càng đối diện và trải qua nhiều thách thức, và học hỏi, làm chủ được bài học sau những trải nghiệm cuộc đời, người ta càng tạo ra cho chính mình một niềm tin vững chãi về giá trị bản thân, về con người mình, về khả năng vươn lên của bản thân dù có thách thức, khó khăn gì diễn ra. Dù là trong khía cạnh tình cảm hay công việc, sự tự tin luôn cần được xây dựng từ những kinh nghiệm sống thực tế, từ những khoảnh khắc chân thực khi ta thực sự trải qua và sống trọn những khoảnh khắc, giây phút khó khăn trong cuộc sống và vượt lên trên nó. Sự tự tin đến từ sách vở hay từ việc cố gắng đè ép sự bất an sâu bên trong sẽ luôn như “cái kim trong bọc có ngày lòi ra”, dễ dàng tan vỡ trước sức ép của cuộc đời. 
Sự tự tin được xây dựng từ việc “làm chủ kinh nghiệm” (mastery experiences). Theo nhà tâm lý học Albert Bandura (3), “Nếu bạn cố gắng làm những điều khó khăn, lặp đi lặp lại và cuối cùng thành công, bạn sẽ tin tưởng vào khả năng của mình. Ngược lại, nếu bạn thất bại liên tục, bạn sẽ tin rằng bạn không thể thành công, ngay cả khi bạn cố gắng”. Như vậy, việc trở nên thực sự xuất sắc và làm chủ một lĩnh vực sẽ cho chúng ta sự tự tin trong lĩnh vực đó, dù là khi bạn muốn tán gái, muốn đạt thành công trong giao tiếp, … thì việc học hỏi và đạt được những thành công thực tế thông qua trải nghiệm “xương máu” sẽ khiến bạn vững vàng hơn trong chính mình. 
Việc trở nên xuất sắc trong một lĩnh vực giúp bạn tự tin về khả năng của mình. <i>Nguồn ảnh: Unsplash</i>
Việc trở nên xuất sắc trong một lĩnh vực giúp bạn tự tin về khả năng của mình. Nguồn ảnh: Unsplash
Tuy nhiên, sự tự tin, vững vàng từ sâu trong nội tâm này thường chỉ đến khi bạn thực sự trải qua những bài học khó khăn trong cuộc sống và đạt được thành tựu, còn nếu những bài thách thức cuộc đời của người ta quá dễ dàng, và họ luôn nhận được thành công mà không mất sức, họ sẽ luôn chờ đợi những kết quả nhanh chóng và dễ nản lòng trước thất bại. Bởi vậy, sự “tự tin” thực thụ của một người cần được xây dựng qua thời gian và kinh nghiệm thực chiến, và thực sự cần bỏ công sức để đạt được, chứ không phải tự nhiên ai sinh ra đều đã có sẵn sự tin tưởng sâu sắc vào chính mình. Thông qua trải nghiệm và sự đúc kết kinh nghiệm, bài học cho bản thân, chính ta sẽ tự hiểu bản thân hơn, hiểu khả năng của chính mình tới đâu, sự thật của bản thân, và tự đó sinh ra khả năng tin cậy vào chính mình – rằng dù khó khăn xảy đến, thì chính ta sẽ luôn làm chủ được cuộc chơi và hoàn thành bài học một cách tốt nhất.
Bên cạnh những khái niệm về “sức mạnh, sự tự tin được xây dựng thông qua trải nghiệm sống”, còn một khái niệm đặc biệt khác về sự “tự tin”, đấy là “sức mạnh tâm linh”, hay “sức mạnh tinh thần” (spiritual strength). Sức mạnh tinh thần là sự thấu hiểu từ tận sâu bên trong về sức mạnh và khả năng của bản thân, sự vững chãi vượt lên trên mọi sợ hãi, mọi gông xiềng giam cầm của những niềm tin giới hạn ta được dạy – để tìm về sự thật của chính ta, của linh hồn ta, và dũng cảm đi theo tiếng gọi từ sâu bên trong. Sức mạnh tinh thần được xây dựng chỉ khi con người ta hiểu rõ được bản chất rằng họ là một linh hồn về Trái Đất để trải nghiệm, để học hỏi, và rằng linh hồn họ – vượt lên trên tất cả – sẽ không bao giờ bị tổn hại, rằng trải nghiệm trên Trái Đất này, dù kinh khủng, dù đau thương tới đâu, đều chỉ là một bài học, một trải nghiệm cho sự trưởng thành của linh hồn.
Sức mạnh tinh thần – kết nối với sự thật của linh hồn. Nguồn ảnh: Unsplash
Sức mạnh tinh thần – kết nối với sự thật của linh hồn. Nguồn ảnh: Unsplash
Khi con người ta có đủ nhận thức về cả mặt tâm lý, tâm linh/tinh thần, người ta sẽ nhận ra được khả năng vô hạn của họ. Dù rằng trên thế giới vật lý này, chúng ta luôn có những giới hạn nhất định: sinh – lão – bệnh – tử, nhưng sau cùng, dù giới hạn nào đi nữa cũng không thể làm linh hồn ta quên mất một sự thật rằng: Linh hồn của chúng ta đã đi qua vô vàn trải nghiệm từ vô lượng kiếp, và dù có thể có những lúc đi lầm đường, có những lúc thất bại, ta vẫn vững vàng tiến lên, và linh hồn ta luôn được bảo vệ tuyệt đối, không có sự xâm hại nào có thể chạm tới. Khi ta chạm tới được sự thật sâu sắc này từ tận linh hồn – đấy là khi “sự tự tin” và “sức mạnh cá nhân” được nâng lên một tầm cao mới, một sự tự tin vững chãi rằng dù ta có đi đâu, có ở đâu, linh hồn ta vẫn dẫn lối cho ta đi đúng đường, bảo vệ ta bằng mọi cách, miễn là ta chịu lắng nghe. 

III/ Xây dựng sự tự tin 

1.Nhận thức mình đang ở đâu, đối diện với những sự bất an bên trong:

Đối diện với sự bất an sâu bên trong bạn. Nguồn ảnh: Google
Đối diện với sự bất an sâu bên trong bạn. Nguồn ảnh: Google
Người ta có câu nói rằng: “Sự nghi ngờ giết chết nhiều ước mơ hơn là thất bại” (doubt kills more dreams than failure ever will). Những người tự tin thường tạo cho mọi người cảm giác rằng họ tin tưởng tuyệt đối 100% vào chính họ, nhưng thực chất, ngay cả những người “có vẻ” tự tin nhất đi nữa thì bên trong họ cũng tồn tại những sự nghi ngại, bất an như bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, điều tạo nên sự khác biệt giữa một người thực sự tự tin, với người chỉ “tự tin giả tạm” hay những người không tự tin là khả năng đối diện với sự bất an, sự nghi ngờ – và giải quyết chúng tận gốc, không để những cây cỏ dại của sự nghi ngờ đâm rễ sâu hơn trong họ, gây lay chuyển sự vững chãi trong thâm tâm họ.
Để thực sự chấp nhận bản thân, đối diện với sự bất an và giải quyết những mối nghi ngờ bên trong tận gốc – đòi hỏi một tinh thần can đảm để có thể nhìn thẳng vào sự bất an và đủ bản lĩnh để giải quyết chúng. Một chìa khoá để bạn có thể giải quyết được những bất an bên trong khi chúng nảy sinh là thực hành viết lách, hoặc đối thoại bản thân, thông qua việc trả lời một vài câu hỏi sau:
- Tôi đang thấy nghi ngại, bất an về điều gì?
- Sự bất an, nghi ngờ này có thông điệp gì cho tôi? 
- Sự bất an, nghi ngờ này có đúng với thực tế về chính con người tôi không – thông qua những trải nghiệm của bản thân tôi?
=> Nếu sự bất an, nghi ngại này đúng về bạn, thì nó có thể là chìa khóa giúp bạn phát triển bản thân hơn. Còn nếu nó không đúng, thì hãy cho phép mình thả lỏng, buông đi những sự bất an này.
Một ví dụ cụ thể, khi có người ngoài đánh giá về cơ thể bạn – rằng bạn quá béo hay quá gầy, và điều này làm bạn thấy bất an về bản thân, thì hãy dành thời gian tự ngẫm lại – Liệu đánh giá của người ta có đúng với sự thật của chính bạn không? Có thật là bạn thấy mình không đủ cuốn hút không? Hãy tự ngẫm lại thật sâu về việc: “Đâu là sự thật của bạn?”, thay vì chạy theo việc cố được công nhận từ người ngoài, bởi với mỗi người, tiêu chuẩn đẹp hay xấu khác nhau, điều quan trọng là khi bạn thực sự tin tưởng là bạn đã đủ đầy như là chính bạn hiện tại, thì những quan điểm của người ngoài sẽ như gió thổi qua tai. Còn nếu sự thực là ngay cả chính bạn còn muốn cải thiện thêm về chính mình – thì đã đến lúc đưa ra giải pháp để chuyển hoá bản thân theo chiều hướng tốt hơn.
Nên nhớ rằng, người tự tin thực sự là người “tin tưởng vào chính họ”. Miễn là bạn biết sự thật của bạn là gì, và sống đúng với sự thật đó, thì những sự bất an, nghi ngại sẽ luôn là người bạn hỗ trợ bạn tiến lên, phát triển, hoàn thiện chính mình hơn nữa, thay vì là kẻ cản đường huỷ diệt sự tự tin của bạn. 

2. Thách thức bản thân, phát triển năng lực của chính mình

Thường xuyên thách thức bản thân và phát triển giúp bạn thêm tự tin về khả năng của mình.&nbsp;Nguồn ảnh:&nbsp;Unsplash
Thường xuyên thách thức bản thân và phát triển giúp bạn thêm tự tin về khả năng của mình. Nguồn ảnh: Unsplash
Dù là trong tình cảm hay trong công việc, khi bạn càng giỏi ở một lĩnh vực nào, thì bạn cũng sẽ càng thêm tự tin ở chính mình trong lĩnh vực đấy. Ví dụ, nếu bạn muốn trở nên tự tin hơn trong việc giao tiếp, thì học hỏi các kỹ năng giao tiếp và thực hành thường xuyên sẽ giúp bạn trở nên tự tin hơn. Hoặc tương tự, nếu bạn muốn tự tin trong kỹ năng tình trường, thì việc tập tành hẹn hò, nói chuyện với những người mà bạn thấy cuốn hút sẽ làm bạn thêm tự tin trong chuyện tình cảm.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tự tin đến từ việc trở thành một chuyên gia xuất sắc, sự tự tin cũng có thể được xây dựng từ sự thấu hiểu bản thân. Như định nghĩa “tự tin” là “tin tưởng chính mình”, sự tự tin không đồng nghĩa với việc rằng bạn phải biết tất cả mọi thứ, nắm rõ mọi câu trả lời, bởi đấy là điều không thể – càng đi xa sẽ càng thêm nhiều thách thức, để người ta hiểu rõ rằng họ hầu như chẳng biết gì cả, chẳng thể kiểm soát được tương lai, được thế giới. Sự tự tin thực sự là niềm tin tưởng rằng dù chuyện gì xảy ra, bản thân mình luôn có thể vững vàng đối diện, giải quyết vấn đề, và học hỏi từ những sai lầm/ bài học của mình. Sự vững chãi từ tận thâm tâm đấy đòi hỏi một quá trình rèn luyện và học hỏi rất nhiều, thông qua việc dám bước ra vùng an toàn, đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân, và coi nỗi sợ như một cơ hội để trưởng thành, để phát triển, thay vì cố gắng bảo vệ mình trốn tránh khỏi nỗi sợ đó, co rúm trong thế giới nhỏ bé. Sự vững tâm này – ngay cả những người xuất sắc trong học thuật, trong công việc, trong tình trường nhiều khi cũng không đạt được, kể cả khi họ có năng lực đến thế nào đi nữa – bởi việc phát triển sự tự tin tận sâu bên trong không phải là một cuộc chiến thắng thua với thế giới bên ngoài, mà là cuộc đối diện và chiến thắng, vượt lên trên những rào cản ở chính bản thân mình.
Sự tự tin thực sự là niềm tin tưởng rằng dù chuyện gì xảy ra, bản thân mình luôn có thể vững vàng đối diện, giải quyết vấn đề, và học hỏi từ những sai lầm/ bài học của mình.
Cách tốt nhất để tạo sự vững chãi tận sâu thâm tâm là đối diện, giải quyết những nỗi sợ của mình, và dám làm những gì mình thực sự muốn làm – bất chấp nỗi sợ hãi. Việc dám nhảy ra khỏi vùng an toàn, thử những điều mới sẽ giúp mở rộng sự tự do của bạn, cho bạn cơ hội khám phá những sức mạnh, món quà tiềm tàng ẩn sâu trong bạn – mà vùng an toàn mãi mãi không bao giờ hé lộ. 
Một bài tập đơn giản cho bạn, là hãy đặt câu hỏi cho bản thân: “Có điều gì sẽ giúp mình phát triển, có lợi cho mình, nhưng mình không dám làm vì sợ hãi, vì sợ không thoải mái?” – Và hãy bắt tay lên kế hoạch thực hiện những điều đó. Đấy là bước đầu tiên để bạn thực sự tìm lại sự vững chãi, ổn định, tự tin từ sâu bên trong bạn.

3. Đọc câu khẳng định

Những câu khẳng định giúp bạn thêm tự tin vào sức mạnh của bản thân.&nbsp;Nguồn ảnh: Pinterest
Những câu khẳng định giúp bạn thêm tự tin vào sức mạnh của bản thân. Nguồn ảnh: Pinterest
Ngoài hai phương pháp căn bản trên, việc đọc câu khẳng định (affirmations) cũng sẽ giúp bạn thấy an toàn, vững chãi, tự tin hơn khi đối diện với những thách thức của cuộc sống. 
Dưới đây là một số câu khẳng định mà mình và các học viên khoá “Self-love” của mình đã thực hành và thấy vô cùng hiệu quả:
“Tôi vững vàng trong thực tại, trong giây phút này”,
“Tôi cân bằng và toàn vẹn từ sâu bên trong”,
“Tôi thả lỏng trước mọi sự kiện trong cuộc sống”, 
“Tôi tin tưởng vào sự thông thái của Cuộc đời, của Linh hồn tôi”; 
“Tôi mạnh mẽ, ổn định và bình yên.” 
“Tôi tin tưởng vào khả năng và sức mạnh của chính tôi”.
Khi thực hiện đọc những câu khẳng định này, bạn hãy lưu ý: 
1. Đặt lòng bàn chân thật vững vàng trên mặt đất, giữ thẳng lưng
2. Bạn có thể thực hành nhìn thẳng vào mắt mình trong gương và đọc – thì hiệu quả sẽ càng tăng lên.
Trước khi tham gia các sự kiện lớn, ví dụ khi mình cần thuyết trình, cần chia sẻ trước đám đông, bản thân mình thường có những âu lo, bất an xuất hiện. Việc đọc những câu khẳng định và nhìn thẳng vào mắt mình trong gương giúp bản thân mình cảm thấy thêm vững vàng, an toàn, và tự tin để thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất.

4. Tạo tư thế tự tin 

Bên cạnh việc đọc những câu khẳng định, việc tạo dựng cho bản thân một tư thế vững chãi, ổn định, đầy sức mạnh cũng sẽ làm bạn thấy tự tin hơn, đặc biệt là khi bạn đang phải đối diện với một thách thức gây khó khăn, theo nghiên cứu từ tạp chí NeuroRegulation (4). 
Một tip đơn giản giúp bạn thấy vững vàng hơn, tự tin hơn khi bắt chuyện với một người bạn thích, khi đi phỏng vấn, hay khi thực hiện bất kỳ điều gì làm bạn thấy lo âu – đấy là giữ cho mình một tư thế thẳng lưng, hai chân thẳng hàng với vai và hai bàn chân cách nhau khoảng 4 đến 6 inch (10-15cm). Khi đi, bạn hãy tưởng tượng như thể có những sợi dây đang kéo đầu bạn hướng lên trời – kết nối với những quả bóng bay, trong khi hai chân bạn thì vững vàng trên mặt đất. Tư thế đi đứng chắc chắn, vững chãi sẽ làm cơ thể báo hiệu với não rằng bạn đang cảm thấy tự tin, và do đó, não sản xuất nhiều testosterone hơn và làm giảm mức cortisol của bạn, còn được gọi là hormone căng thẳng.
Dưới đây là hình ảnh của một “tư thế quyền lực” phổ biến, còn gọi là tư thế “The Wonder Woman” (Nữ anh hùng), mà bạn có thể áp dụng (dù bạn là nam hay nữ). Việc đứng vững trong tư thế này ít nhất 2 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn thấy tự tin hơn, cải thiện dáng đứng của bạn – và từ đó giúp cải thiện sự tự tin, sức mạnh cá nhân của bạn. 
Tư thế nữ anh hùng – Wonder Woman posture. Nguồn: https://jamesclear.com/
Tư thế nữ anh hùng – Wonder Woman posture. Nguồn: https://jamesclear.com/

5. Kết nối với sự hỗ trợ từ xung quanh 

Có một sự thật rằng dù bạn có tự tin, mạnh mẽ tới đâu, bạn vẫn luôn cần được hỗ trợ bằng cách này hay cách khác. Thế giới của chúng ta tiến xa được là bởi sự hợp tác, kết hợp giữa người và người với nhau, bởi vậy, những lúc bạn thấy bất an, thấy âu lo, bạn có thể kết nối, nhận sự hỗ trợ từ xung quanh, thông qua việc chủ động hỏi nhờ sự trợ giúp. Bạn không cô độc, và chúng ta không phải chiến đấu trong cô độc – bởi xung quanh ta luôn có những sự hỗ trợ, dù là từ những người xung quanh, hay từ thế giới vô hình, thì luôn có những năng lượng sẵn lòng hỗ trợ ta tiến xa trên hành trình của mình.
Kết nối với sự hỗ trợ từ xung quanh. Nguồn ảnh: Unsplash
Kết nối với sự hỗ trợ từ xung quanh. Nguồn ảnh: Unsplash
Bên cạnh việc kết nối, nhờ đến sự trợ giúp từ những người bạn bè, người thân thiết xung quanh, sẽ có những thời điểm bạn cảm thấy mất kết nối với với tất cả, thấy mình nhỏ bé chống chọi. Thực chất, ngay cả trong những khoảnh khắc đấy, xung quanh bạn vẫn có những lực lượng hỗ trợ về mặt tâm linh, còn được gọi là những “linh hồn hướng dẫn” (spirit guides) mà bạn có thể kết nối và nhận sự giúp đỡ từ họ. 
Chính bản thân mình, khi lựa chọn đi theo con đường tâm linh và sự nghiệp như hiện tại đã từng gặp sự chống đối từ những người gần gũi nhất, và mình cũng đã nghi ngờ bản thân mình rất nhiều lần về con đường mình chọn. Tuy nhiên, mỗi khi mình bất an, lo âu, và mời sự hỗ trợ từ các vị thầy tâm linh, các linh hồn hướng dẫn, họ đều gửi tới mình những thông điệp chỉ dẫn – thông qua những con số, những lá bài Tarot, những thông điệp mình vô tình đọc được mà vô cùng đúng cho trường hợp của mình. Dù bạn tin hay không tin về tâm linh, thì những thế lực vô hình với đầy tình yêu thương này vẫn đang bên cạnh, sẵn sàng hỗ trợ bạn, miễn là bạn thực sự mở lòng đón nhận sự hỗ trợ đó – với một đôi mắt mở to và tỉnh táo, để quan sát, phân biệt, và cái tai sẵn sàng lắng nghe và đón nhận những điều mà bạn chưa từng nhận ra.
- Bạn có thể tìm hiểu về “Các linh hồn hướng dẫn và cách kết nối với họ” thông qua bài viết sau: https://mysticcatlady.wordpress.com/2020/09/24/linh-hon-huong-dan/
Những bài tập và chia sẻ trên đây không chỉ nhằm giúp bạn xây dựng sự tự tin trong một lĩnh vực cụ thể, mà quan trọng hơn, chúng hướng đến chỉ dẫn cho bạn con đường tìm lại và khẳng định sức mạnh của chính mình, sức mạnh mà đôi khi chúng ta để cho sự nghi ngờ và lo âu, bất an lấy đi mất. Mong bạn tìm lại được sự tự tin thực sự, sự can đảm và sức mạnh để vươn lên trên những âu lo, và dám đi đúng con đường của chính mình, của linh hồn mình – con đường cao nhất cho sự phát triển của bạn.
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
Quỳnh Anh – Mystic Cat Lady 

Nguồn tư liệu: 
(2) Sách “The Defining Decade: Why Your Twenties Matter” – Meg Jay 

BLOG TRÊN FACEBOOK CỦA MÌNH:
https://fb.me/mysticcatlady  - MYSTIC CAT LADY
Ghé thăm nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển/ Thấu hiểu bản thân, Chữa lành, Tâm linh, Tâm lý học nhé.
Trang Blog trên Wordpress:
https://mysticcatlady.wordpress.com/