Gửi em Bông cải non.
Anh có đọc bài viết "Sinh viên mới ra trường thường mất phương hướng?" của em. Sau khi đọc xong thì anh quyết định viết riêng 1 bài để trả lời những thắc mắc của em, bởi anh nghĩ không chỉ riêng em mà nhiều bạn khác cũng đang có vấn đề tương tự.
Anh rất vui vì em đã dũng cảm nói ra vấn đề của em. Có thể em nghĩ là ở đây chẳng ai biết em là ai, việc em nói ra có được nghe hay không cũng chẳng quan trọng. Điều này cũng tự nhiên thôi. Khi mình gặp vấn đề, điều quan trọng là mình được nói ra. Khi nói ra rồi lòng mình cũng nhẹ đi đôi chút, và biết đâu sẽ có hồi đáp, kể cả là hồi đáp từ một người mà em chẳng biết là ai. Cũng không quan trọng lắm, miễn là có sự hồi đáp, nó sẽ khiến em vui hơn và biết đâu tìm được hướng đi cho mình.
Anh năm nay đã 35 tuổi. Suốt từ lúc còn là cậu học sinh lớp 12 tới bây giờ anh đã có vài lần mất phương hướng. Vậy nên anh cũng đồng cảm với những gì em đã và đang trải qua. Bước vào trường đời, khi mình bắt đầu nếm trải cuộc sống tự do, là lúc mình phải tự lo, tự bò, tự bơi giữa dòng đời mênh mông mà không biết sẽ đi về đâu. Đó là cái giá của tự do. Lời động viên của anh là: mình phải dũng cảm đối diện với thực tế và gỡ từng nút thắt, rồi đến lúc nào đó em sẽ thực sự cảm thấy "không có gì quý hơn độc lập tự do".
Nhưng ngay khi vừa tốt nghiệp được 1 tuần, mình cảm thấy bản thân như bị lạc lối trong những mâu thuẫn nội tại, cảm giác bất lực đôi khi khiến mình phải khóc. Mình không biết phải làm gì tiếp theo trên con đường của mình... Nhưng công việc đó lại không phải điều mình thích, dù liên quan đến chuyên ngành hiện tại nhưng mình lại không có chút hứng thú nào.
Anh cảm nhận rằng em đang bị "vỡ mộng" và trở nên nghi ngờ bản thân. Công việc thực tế khác xa so với em tưởng tượng, dù cho nó đúng là chuyên ngành em học, là thứ em từng đam mê. Như em có nói:
Mình thật sự rất thích ngành học của mình, đã học rất chuyên tâm nhưng mình lại chẳng biết làm công việc gì với nó. Công việc mình thích thì mình lại chưa đủ năng lực hoặc kinh nghiệm để làm. Mình lại phải học rất nhiều thứ kỹ năng khác để được làm công việc đó, nhưng mình không biết bắt đầu từ đâu, không có hướng dẫn, không có động lực nào.
Có một sự thật là: trường đại học không thể dạy em quá chi tiết được. Họ chỉ có thể dạy em những thứ cơ bản nhất, tổng quan nhất, và đôi khi là "đúng lý thuyết nhưng xa rời thực tế". Bởi vì thực tế thay đổi rất nhanh, rất đa dạng, muôn hình vạn trạng. Nguyên tắc để một người lính ra trận chỉ là dạy họ cách cầm súng, dạy họ cách đi đứng, cách di chuyển... nhưng chẳng ai dạy họ làm sao để sống sót trở về sau trận chiến. Người lính phải tự tìm cách sinh tồn, vận dụng những gì được dạy, kết hợp với khả năng thích nghi, với sự sáng tạo, kỷ luật, dũng cảm thì mới vượt qua được. Điều quan trọng là người lính ấy phải có niềm tin: tin vào bản thân và tin vào đồng đội.
Đừng tự cô lập mình. Xung quanh ta còn có đồng đội.
Khi thực tế khác với những gì em hình dung, khi những thầy cô, bạn bè hiện tại đang không giúp gì cho em được nữa, hãy nghĩ tới tìm những người bạn khác, người thầy khác. Em đang cảm thấy ngợp trước yêu cầu công việc, thấy mình nhỏ bé, yếu đuối, tự mình không thể làm được, thì điều đầu tiên là em phải "nuốt trôi" được cảm giác đó. Tức là phải chấp nhận thực tế rằng mình đúng là nhỏ bé, đúng là còn yếu kém rất nhiều. Chẳng có vấn đề gì khi chấp nhận sự thật cả. Bất kỳ ai (trong đó có anh) khi đã có 10 năm lăn lộn trường đời đều nhìn những bạn sinh viên mới ra trường như em và nói: em còn quá yếu để làm được việc, em còn phải học nhiều, em còn phải nghe chửi nhiều, em còn phải rơi nước mắt vài lần nữa mới cứng rắn lên được.
Nhưng anh cảm nhận rất rõ sự cô đơn và bất lực của em khi không có ai bên cạnh để hướng dẫn, để khơi dậy đam mê cho em. Bởi những người như anh, họ còn đang phải lăn lộn với vấn đề của họ, trong một tâm thế cô đơn, chẳng ai hướng dẫn, chẳng có đam mê. Nhiều người trong số họ đã đi qua những ngày tháng của em bây giờ, đến tận 10 năm sau vẫn vậy. Và hầu hết trong số họ đều nghĩ rằng: mình sống được thì người khác cũng sống được. Chỉ vì suy nghĩ ấy thôi mà không ai chịu đứng ra thay đổi điều này, và họ mặc nhiên quay đi, không để tâm tới những giọt nước mắt của em đang rơi.
Tất nhiên họ có lý của họ. Họ giúp em thì ai giúp họ?
Anh đã suy nghĩ rất nhiều, đã phải đối diện với câu hỏi này rất nhiều, để rồi anh quyết định quay lại: Anh sẽ giúp em.
Em bảo không ai lắng nghe em? thì anh đã đọc, đã nghe, đã cảm nhận, để rồi hồi đáp em để chứng tỏ rằng anh đã rất lắng nghe.
Em bảo không có ai hướng dẫn? thì anh có câu lạc bộ Excel của anh, nơi anh sẵn sàng đón nhận những người như em, tới đó và được hướng dẫn, bằng tất cả những gì anh biết, anh có thể làm.
Em bảo em không có động lực? thì anh sẽ dùng kinh nghiệm của anh, dùng kiến thức và khả năng của anh, để khơi dậy động lực cho em, để cùng em tìm ra hướng đi, và cùng em đi trên con đường đó.
Em không cô đơn, chỉ là em chưa đủ dũng cảm phá vỡ cái vỏ đang bọc lấy em thôi. Tới lúc vỡ vỏ và lao ra ngoài rồi. Ở đây luôn có người lắng nghe em và sẵn sàng cùng em hành động.
Thân!