I. Hữu hạn

Xin bắt đầu bằng một trích đoạn ưa thích của tôi trong cuốn Con đường chẳng mấy ai đi:
…Vì thế họ vĩnh viễn bám lấy những cách nghĩ và cách làm cũ rích của mình; hậu quả là họ bất lực không vượt qua được cơn khủng hoảng nào một cách tốt đẹp cả, họ không thực sự lớn lên, không cảm nghiệm được niềm vui tái sinh gắn liền với mức độ trưởng thành cao hơn. Mặc dù mỗi khía cạnh riêng biệt sau đây có thể được bàn đến bằng cả một quyển sách, tôi chỉ muốn liệt kê ra đây một cách đơn giản – và theo thứ tự – một số những tình trạng, những khao khát và những thái độ chủ yếu mà người ta phải từ bỏ để quá trình lớn lên của đời mình có thể mỹ mãn được:

– Tình trạng ấu trĩ trẻ con, cho rằng không cần phải đáp ứng sự đòi hỏi nào từ bên ngoài.
– Sự ảo tưởng rằng mình có mọi khả năng.
– Khao khát chiếm hữu cha (mẹ) mình một cách toàn diện
– Sự lệ thuộc của thuở thiếu thời.
– Những hình ảnh lệch lạc về cha mẹ.
– Tính cách bất cần của tuổi mới lớn.
– Sự ―tự do của lối sống phóng túng.
– Tính cách hiếu động của tuổi thanh niên.
– Hấp lực dục tính và (hoặc) sinh lực cương cường của tuổi trẻ.
– Ảo tưởng về bất tử.
– Quyền bính trên con cái.
– Những dạng quyền lực nay còn mai mất ở đời.
– Tính độc lập của sự khỏe mạnh thể lý.
– Và, cuối cùng, chính cái tôi và ngay cả sự sống.

Có thể thấy tất cả những tình trạng được liệt kê ở trên đều có một đặc điểm chung: Chúng là những tình trạng nhất thời, hay nói cách khác là hữu hạn. Và bản thân con người cá nhân là những “hữu thể hữu hạn”, điều này được nhắc đi nhắc lại trong những quyển sách pop science về triết học mà tôi từng đọc.

Thế thì một trong những thông điệp chính của cuốn sách là: Con người hữu hạn cần phải trưởng thành bằng cách từ bỏ những thứ hữu hạn trong đời mình (từ bỏ các vành đai của bản ngã, theo cách nói của tác giả).

Và có vẻ quả thật đó chỉ là “Con đường chẳng mấy ai đi”, còn con đường hầu hết mọi người đều đi, là ngược lại:

Con người hữu hạn thường xuyên tìm cách lấp đầy sự hữu hạn ấy bằng vô vàn những thứ cũng hữu hạn như tiền bạc, tình ái, địa vị, danh vọng, quần áo, bia rượu cùng các thể loại tiêu khiển khác.
Ở một mức độ nào đó, có thể nói chúng ta trăn trở để lấp đầy sự hữu hạn của bản thân mình đến mức nó trở thành một thứ đấu tranh đầy ám ảnh (obsessed fighting). Chúng ta đấu tranh đến mức như thể chúng ta chống lại đến cùng những sự hữu hạn ấy:

– Chống lại sự hữu hạn của tuổi trẻ (từ liên tục đổi quần áo, liên tục selfie đến phẫu thuật thẩm mỹ)
– Chống lại sự hữu hạn của thời gian trong ngày và sự hữu hạn của lạc thú (nhậu nhẹt say xỉn, lạm dụng thuốc lá/ chất kích thích)
– Chống lại bản chất hữu hạn của người bạn đời và sự hữu hạn của tình cảm gia đình (có những người ly hôn, tái hôn, lại ly hôn, lại tái hôn đến 5 lần)
– Chống lại sự hữu hạn của tuổi già (xem Ai rồi cũng chết — Atul Gawande)
– Chống lại ngay cả cái chết (tự đông lạnh sau khi chết)

Miệt mài lấp đầy bản thân bằng những thứ hữu hạn không kém, người ta luôn cố gắng chiến thắng mọi trận chiến tạm thời trước khi quy hàng cả cuộc chiến (khi cái chết đến một cách không tránh khỏi). Luôn luôn chiến đấu và tình nguyện trở thành những chiến binh không ngừng nghỉ, chắn chắn sẽ có vô khối bi kịch sinh ra. Với những chiến binh bị bỏ lại đằng sau, họ cảm nhận nỗi cô đơn hiện sinh (sống giữa rừng người mà vẫn lạc lõng) của con người hiện đại. Với những chiến binh ở tuyến đầu, với tất cả những ám ảnh phải lấp đầy ấy, những sự chiến đấu ấy và với một cuộc sống hiện đại mà quảng cáo, facebook luôn offer đầy rẫy những trận chiến mọi lúc mọi nơi, nghỉ ngơi dường như là điều không thể, cứ thế cho đến lúc người ta buộc phải đối mặt với sự thật phũ phàng của sự hữu hạn.

Đến lúc ấy, lạ thay trong chúng ta đã có những người học được cách biết chấp nhận sự hữu hạn và vui vẻ cống hiến sự hữu hạn của bản thân mình cho dòng chẩy vô hạn của sự sống (Đi tìm lẽ sống, Thuỷ muối, Khi hơi thở hoá thinh không)

Phải chăng, nghệ thuật sống nằm ở việc tìm đúng điểm cân bằng (ở góc độ từng cá nhân) giữa đấu tranh và chấp nhận những hữu hạn của hữu thể mang tên con người?

II. Vô thường

 Trên đây là Hữu hạn, thế còn Vô thường thì là gì? Câu trả lời của tôi là: người ta nói "Vạn pháp vô thường", một cách nôm na có thể diễn đại lại câu này thành “Mọi thứ đều đổi thay, mọi thứ đều hữu hạn”. Mọi thứ đều hữu hạn nên mọi thứ đều vô thường.