Khoảng 2 năm trước tôi nhận ra sự đọc viết của mình, nếu tiếp diễn như hiện tại, sẽ chỉ dẫn tới khổ sở thay vì con đường hạnh phúc như tôi mường tượng. Quen thân với những người viết khác cũng chỉ ra điều tương tự ở họ. Nếu như các “bậc giác ngộ” luôn khuyên ta nhìn mọi thứ như nó là, ở lại với hiện tại; thì sự đọc viết của tôi là một sự chạy trốn toàn diện. Ngoái nhìn quá khứ, mơ tương lai và chối bỏ thực tại, việc đó cho tôi chất liệu để viết – để tạo kịch tính, đôi khi đẩy sự việc cực đoan hơn nhằm xáo động cảm xúc mạnh bên trong. Bất kể giận, khổ, nhung nhớ, ghen tị, căm phẫn, mê muội, rồi được tung hô bài viết thú vị... đều là thức ăn khoái khẩu của tâm trí không khác gì đập đá. Bên cạnh đó, việc đọc tạo cảm giác an toàn giả tạo rằng mình đang chăm chỉ lĩnh hội những cái biết này. Nhưng chỉ cần lấy một ví dụ: đọc 1000 cuốn sách về làm tình không thể khiến bạn thực sự “biết” thế nào là cảm giác làm tình. Chỉ đọc mà không thực nghiệm, vì vậy, cũng là một đường chạy trốn trải nghiệm, tức là chạy xa khỏi sự “biết”.
May be an image of grass, nature and tree

Thế nên tôi vỡ mộng. Nhận ra mình thực sự không biết gì và toàn bộ quá trình này thực ra đang dạy mình “những điều không nên làm” nếu muốn biết chân hạnh phúc. Và preference của tôi – những người viết - hóa ra không dẫn tôi tới sự thông tuệ (xin tự nhận là một sapiosexual chân chính theo nghĩa không bị chửi của nó) mà hầu toàn những kẻ trốn tránh giống tôi. Tỉnh cơn mê, tôi nhận ra mình đang không an yên ngồi trên bãi cỏ tận hưởng thực tại với những bộ não lớn mà thật ra cả lũ đang hùng hục chạy bước nhỏ trong làn khói =)) What a trip.
Rồi tôi sang giai đoạn kịch liệt chối bỏ sự tô vẽ để rơi vào một cơn mê khác - ấy là tô vẽ rằng mình đang không tô vẽ. Ở giấc mơ trong mơ này, tôi thấy mình đang đạp lên những áng văn mùi mẫn bi kịch để viết bài văn an yên bằng trải nghiệm mà tôi tưởng chính mình đã đạt được. Tôi thành thực mong muốn tạo ra gì đó tích cực bằng những gì mình cóp nhặt được, nhưng điều đó là quá sức, như đứa trẻ cấp Một cố viết nghị luận xã hội – nó đã va đập với xã hội đâu mà biết. Thật may tôi đã nhận ra khi chưa muộn lắm.
Cùng lúc với chối bỏ sự viết là chối bỏ luôn cả người viết, bao gồm chính tôi và những người viết khác. Tôi bỏ chạy, cố gắng giao thiệp với những người đọc dưới 0.8 cuốn sách một năm hay không quan tâm đến việc đúng chính tả. Lúc này tôi chuyển sang cực đoan ngược lại: thay vì nghĩ “viết lách thần thánh, người viết dài là thông tuệ” thì tôi ca ngợi nhóm người không thích nghĩ loằng ngoằng hoặc thiên về vận động và tính toán, “đây mới là hoàn hảo”.
Nhưng tôi chỉ thấy mệt và không tương thích.
Một lần nọ ngồi cùng hai bạn thợ chữ, nhìn họ gọt giũa nên bài viết và cũng được chõ mồm vào quá trình, tôi cảm thấy ấm cúng. Tôi thấy mình đã về nhà.
Hừm...vậy ra viết không chỉ là chạy trốn? Mình đã gán cho nó một trách nhiệm không tưởng rồi khi thất vọng thì đổ mọi lỗi lên nó mà quên rằng nó cũng chỉ là một đối tượng, như bông hoa ngọn cỏ ngoài kia. Và mình vẫn muốn chơi với câu lạc bộ yêu hoa. Mình vỡ mộng vì cho rằng người viết là thông thái, rằng nếu kết thân với người đó sẽ được tháo gỡ giúp những vấn đề mình đang né tránh và giấu kĩ dưới thảm. Ồ, mình và những kì vọng không tưởng.
Nghĩ đến đây tôi chạy chậm dần lại.