Thứ năm, 20/1/2022, 00:00 (GMT+7)
Tác giả : Vũ Viết Tuân // Nhà báo, VnExpress
---
Người Hà Nội đã quen với việc đoạn phố này bị cấm ăn uống tại chỗ, nhưng đi thêm vài trăm mét sẽ có hàng quán đang mở phục vụ.
Có những quán cà phê bên này phố được mở, nhưng đối diện bên kia đường phải đóng vì thuộc vùng cam, vùng đỏ. Ngay cùng quận cũng có phường được mở quán, phường phải đóng. Cả thành phố như giàn đèn nhấp nháy khổng lồ, liên tục đóng vào, mở ra mỗi tuần, theo cấp độ dịch bệnh.
Tuần trước, gia đình tôi đi chơi về muộn, tiện đường tìm quán ăn tối bên ngoài. Nhưng tất cả hàng quán quen trên phố Hoàng Quốc Việt và Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đều chỉ bán mang đi. Bình thường, đây là con phố ăn uống nhộn nhịp, hàng quán san sát.
Cách đó hơn chục bước chân, phố nhỏ Trần Cung chia thành hai nửa. Nửa thuộc quận Cầu Giấy hàng quán đóng cửa, nửa thuộc Bắc Từ Liêm vỉa hè tấp nập người ra vào ăn uống.
Nguyên nhân bởi quận Cầu Giấy mới nâng cấp độ dịch lên vùng cam và yêu cầu tất cả hàng quán dừng phục vụ khách tại chỗ. Trong khi đó, Bắc Từ Liêm vẫn ở cấp độ vùng vàng nên hàng quán được hoạt động.
Hơn một tháng qua, số ca nhiễm tăng cao, hàng loạt quận, huyện tại Hà Nội đã ít nhất hai đến ba lần thay đổi cấp độ dịch từ vùng xanh lên vùng vàng, cam hoặc ngược lại. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại các quận huyện này cũng nhiều lần phải đóng, mở tương ứng với từng thông báo của phường, quận.
Ba tuần trước, các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng cấm bán hàng ăn, uống tại chỗ. Khi các quận này hạ cấp độ dịch, cho phép hàng quán mở cửa đón khách, quận Cầu Giấy lại trở thành vùng cam và siết chặt dịch vụ không thiết yếu.
Sự "nhấp nháy" này dựa trên dựa trên Nghị quyết 128 - quy định tạm thời về thích ứng an toàn - của Chính phủ và hướng dẫn chuyên môn 4800 của Bộ Y tế.
Theo đó, ba tiêu chí để đánh giá cấp độ dịch bệnh với mọi tỉnh, thành gồm: số ca nhiễm trên mỗi 100.000 dân mỗi tuần; tỷ lệ tiêm vaccine; khả năng thu dung điều trị của cơ sở y tế. Dựa trên các tiêu chí này, địa phương phân loại thành bốn cấp độ dịch, tương ứng với bốn màu: vùng xanh - cấp một, vùng vàng - cấp hai, vùng cam - cấp ba, vùng đỏ - cấp bốn.
Ở vùng xanh, mọi hoạt động diễn ra bình thường. Vùng vàng hạn chế sự kiện trong nhà, ngoài trời; cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp... Vùng cam, nhiều hoạt động bị dừng như sự kiện trong nhà, ngoài trời, vận tải hành khách công cộng, bán hàng rong, vé số dạo. Ở vùng đỏ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối... bị hạn chế hoạt động.
Bộ tiêu chí trên ra đời ở cuối làn sóng dịch thứ tư, khi nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội. Vì vậy, quy định mới khuyến khích các địa phương đánh giá cấp độ dịch ở quy mô nhỏ nhất, dưới cấp xã. Chủ trương này để lãnh đạo địa phương không lạm dụng việc phong tỏa, giãn cách xã hội tràn lan, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tiến bộ, sau ba tháng thực hiện, bộ tiêu chí về đánh giá cấp độ dịch đã bộc lộ hạn chế. Một trong những hạn chế rõ nhất là việc phân loại cấp độ dịch dựa trên số ca nhiễm cộng đồng mỗi tuần. Đây đang là nguyên nhân chính khiến nhiều địa phương phải điều chỉnh cấp độ dịch liên tục.
Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế từ hồi tháng 10/2021, nếu địa bàn đã bao phủ vaccine mũi một cho 70% dân từ 18 tuổi, có 150 ca nhiễm trở lên trên mỗi 100.000 dân mỗi tuần sẽ được xếp vào vùng cam.
Tuy nhiên, theo công bố cấp độ dịch của Hà Nội ngày 14/1, có nhiều quận, huyện "loanh quanh" ở dưới 150 ca mỗi 100.000 dân mỗi tuần như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và Đống Đa. Căn cứ tiêu chí phân loại cấp độ dịch, những quận này được mở cửa hàng quán phục vụ khách tại chỗ. Trong khi đó, dù chỉ chênh nhau vài ca nhiễm, hàng quán ở Long Biên, Hoàng Mai chỉ được phép bán mang về.
Thời gian tới Việt Nam khó tránh khỏi nguy cơ với Omicron. Với tốc độ lây lan nhanh gấp nhiều lần Delta, nếu vẫn giữ tiêu chí số ca nhiễm cộng đồng để phân loại cấp độ dịch như hiện nay, hàng loạt địa phương sẽ sớm bị "nhảy màu" sang cam, đỏ, gây cản trở cuộc sống, kinh doanh và mâu thuẫn với chủ trương thích ứng an toàn. Vì vậy, việc thống kê số ca nhiễm mỗi ngày hiện nay chỉ nên nhằm mục đích để các cơ quan chuyên môn dự báo diễn biến dịch, thay vì áp ngay vào phân loại cấp độ.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề xuất chỉ nên lấy tiêu chí giường hồi sức cấp cứu (ICU) còn trống của địa phương để đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch. Bởi hiện nay nỗi lo lắng nhất không phải là người bị nhiễm Covid-19 mà là những ca chuyển nặng không có giường ICU.
Từ quan sát của mình khi tường thuật thông tin về dịch Covid những tháng qua, tôi thấy đã đến lúc không cần đếm ca theo đúng nghĩa đen. Việc đánh giá cấp độ dịch đại trà dựa trên số ca nhiễm đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cả nước đã bao phủ được vaccine mũi hai cho 94% dân số nên tiêu chí về tỷ lệ tiêm vaccine cũng có thể bỏ. Như vậy, chỉ còn tiêu chí đáng chú ý là về năng lực y tế, cụ thể là số giường ICU để cứu chữa bệnh nhân nặng. Địa phương nào thiếu giường ICU thì tăng lên hoặc kêu gọi hỗ trợ.
Khi độ bao phủ vaccine cả nước đã cao như hiện nay, việc hạn chế dịch vụ không còn quan trọng. Như tôi, nếu quận Cầu Giấy đóng cửa, chỉ cần đi quá thêm một đoạn là có quán ăn mở cửa. Việc đóng, mở theo địa bàn không hiệu quả chống dịch mà còn cản trở phục hồi kinh tế.
Việc phân loại cấp độ dịch cũng không còn cần thiết. Nếu vẫn duy trì, nó chỉ nên là cơ sở để các địa phương nâng cao năng lực y tế và số giường ICU.
Đếm ca, phân loại vùng nhằm mục tiêu để dân an toàn hơn. Nhưng tâm lý an toàn không chỉ về mặt dịch tễ mà còn ở khía cạnh đảm bảo sinh hoạt và sinh kế, để không còn phải nhấp nhổm vì quy định nay đóng, mai mở.

Vũ Viết Tuân

---
"Bài viết được lấy từ chuyên mục góc nhìn của báo VNexpress", nếu mọi người muốn ủng hộ tác giả gốc của bài viết này xin hãy qua website VNexpress để có thể tìm thấy thông tin tác giả cũng như phương thức liên lạc."
Link bài viết gốc: