Khác với những bài viết khác trên @Blog_by_An, chỉ viết về chủ đề tech, start up (sau này maybe có cả doanh nghiệp nữa), bài này, mình viết dưới một bản dạng khác, một nhân cách khác. Là Linh, là một người đọc, và là một người viết.
Đã lâu lắm rồi, mình mới khơi gợi lại được nhân cách này, về đúng bản dạng nguyên sơ của con người mình. Hay nói cách khác, lâu lắm rồi mình mới đọc một tác phẩm văn học một cách chăm chú, đầy đam mê như thế này. Và dạo gần đây, mình đã chiêm nghiệm ra vài điều về văn học. Những dòng dưới đây, viết hoàn toàn trên cái nhìn chủ quan của bản thân, không đánh giá đúng - sai, tốt - xấu.
Cuốn sách mình đang nghiền ngẫm là tuyển tập truyện ngắn của một tác giả gạo cội người Việt. Không lậm bàn về cuốn sách, cũng như nội dung của nó, nhưng đôi lúc những dòng chữ làm mình liên tưởng tới Nam Cao và Vũ Trọng Phụng. Mình vốn là người suy nghĩ thực tế và logic, nên mình ưa thích hơn những tác phẩm "nghệ thuật vị nhân sinh" hơn. Tuy nhiên, để đặt lên bàn cân Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao và Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, cán cân bên tác phẩm của "Ông vua phóng sự đất Bắc" vẫn dành được nhiều tình cảm của mình hơn. Điều này đến từ nhận thức mơ hồ của mình về việc, đọc tác phẩm của Nam Cao có cái gì đó rất mệt, rất nặng. 
Hồi đó mình chưa thể cắt nghĩa được tại sao tác phẩm này lại nặng và mệt như vậy. Cho đến khi, mình lại gặp lại cảm giác ấy ở cuốn mà mình đang đọc, thì mình mới chợt hiểu ra. Hóa ra cảm giác ấy được tạo nên bởi vì nhà văn khi chắp bút, đang đóng vai nhà tư tưởng, không phải là một người viết. Họ nhét tư tưởng sâu sắc về nhân sinh, về thời thế thế thời vào suy nghĩ, tư tưởng của nhân vật. Một ông giáo, một nhà báo, hay một người lao động, hay một chàng thư sinh, một cậu chàng mới lớn, bất kì ai cũng mang một hoài bão lớn lao, cũng có nhiều chiêm nghiệm cần kể, cần rót vào tâm người đọc. Tiếp cận với lối hành văn ấy, lối viết ấy làm mình, cảm thấy vô cùng áp lực. Áp lực phải hiểu, phải đoán biết, phải soi chiếu bản thân với kinh nghiệm cá nhân của mình để cùng thổn thức tâm can với nhân vật. Với một người xem việc đọc là để giải trí như mình, việc phải nhọc tâm như vậy khiến mình không thoải mái.
Vì lẽ đó, mình thích Số đỏ hơn (cùng tương tự là Tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan). Mình yêu làm sao cái cách mà tác giả dụng tâm xây dựng câu chuyện, tình huống cuốn hút độc giả. Trong câu chuyện ấy, nhân vật là chính bản thân họ, hỉ-nộ-ái-ố, sinh-lão-bên-tử, yêu thương, thù hận,... Họ làm tất cả mọi thứ, trừ việc "nghĩ", họ không thổ lộ đăm chiêu nhân sinh quan của mình, họ chẳng tâm tư về thế sự. Và cứ như thế, người đọc như một người quan sát, nhìn toàn thể bức tranh dưới lăng kính của bản thân, chứ không phải của nhân vật, để mà bằng những suy tưởng của mình, vẽ nên một thế giới hoàn thiện rồi từ đó, chiêm nghiệm ra nhiều điều.
Người đọc cứ như vậy, ngây thơ trong sự sung sướng, tưởng mình làm chủ cảm xúc và nhận thức nhưng lại hóa ra không, đi theo sự sắp đặt của nhà văn. Đâu phải cứ phải phơi hết ra, bày hết ra tâm can lòng ruột người khác mới thấm, mới thấu? Nhiều khi, cứ để người đọc mò mẫm trong con đường mòn mà nhà văn đã vạch sẵn, há chẳng vẫn đi đến đích đó sao? Há chẳng phải thế mới thực sự là đại tài sao?
-------
Phải dừng bút rồi mà chẳng biết kết thế nào, thôi thì lại PR không công cho Vũ Trọng Phụng vậy. 
Mới đây, Đông A đã cho ra đời ấn bản mới nhất của Số Đỏ. Cuốn sách với ba tiêu chí:

1. Truy được bản in đầu (thất truyền) từ 1938 của Lê Cường. Có nghĩa là đây là bản in lần đầu tái tạo đúng theo nguyên bản.

2. Minh hoạ từ hoạ sỹ đầy cá tính: Nguyễn Thành Phong

3. Bìa cứng, kèm bìa áo, dày 280 trang khổ in 16x24 cm. Ruột sách được in 4 màu bằng công nghệ mực vi sinh thân thiện với môi trường, trên giấy GV76-BB định lượng 100gsm (giấy dùng in ấn bản đặc biệt S100 trước đây).
Người đọc đến đây, có thể ủng hộ tác giả, và những người làm sách qua link này.


Cảm ơn bạn, đã kiên nhẫn và đã đọc. Rất mong nhận được những ý kiến phản hồi <3
Thân