Học toán để làm gì ?
" Toán học là gì ? ". Câu hỏi này là câu hỏi của thầy giáo đại học đầu tiên nói với chúng tôi.
Albert Einstein một trong những con người vĩ đại nhất thế kỉ XX đã từng nói: Toán học là ông vua của mọi ngành khoa học.
Có người thì coi toán học là ngôn ngữ của thánh thần, một số khác cho rằng toán học là sự chính xác nhưng thực tế đâu phải lúc nào cũng vậy ?  Căn bậc hai của 2 chỉ được định nghĩa là một số bình phương lên bằng 2 chứ để nói chính xác thì chẳng ai biết nó là số nào vậy nên toán học thỉnh thoảng cũng không có được sự chính xác triệt để. Vậy nếu toán học không phải là sự chính xác một cách tuyệt đối, vậy hỡi loài người hãy cho ta biết toán học là gì ? Đừng hỏi tôi vì tôi cũng chẳng thể hiểu hết được. Nhưng nếu hỏi tôi toán học là gì thì với tôi toán học là:
1. Khoa học của những kẻ mộng mơ.
Chắc hẳn khi còn bé ai cũng đã từng một lần nhìn thấy một bầu trời đầy sao cùng với một mặt trăng to và sáng. Tổ tiên của chúng ta cũng vậy. Một ngày đẹp trời một kẻ mộng mơ nào đó đã nói: Tôi muốn một lần được đặt chân lên mặt trăng !!!

Hầu hết sẽ nói rằng: Mày là thằng điên, làm sao có thể được cơ chứ ?
Vào năm 1969 thì ai cũng biết điều gì xảy ra. Vậy nên với sự phát triển của toán học kéo theo vật lý, thiên văn và hàng tá bộ môn khoa học khác đã chứng minh kẻ mộng mơ kia nói đúng.
2. Khoa học của những con người dũng cảm.
Vào cái thời mà mọi người đều tin vào việc tất cả mọi hành tinh quay quanh trái đất và trái đất là một mặt phẳng thì một nhà toán học, thiên văn học Galileo Galilei đã nói ra một câi nói đi vào lịch sử của nền khoa học thế giới :
- Dù sao thì trái đất vẫn quay !

Nó giống như một cái tát thật đau vào mặt những kẻ ngu dốt tự cho mình là hiểu biết và một lần nữa cho ta thấy rằng, số đông đại diện cho cái sai. Vậy nên toán học là sự dũng cảm, dám đứng lên chống lại những điều sai sự thật và nói lên sự thật
3. Khoa học của những điều phi thường
Một buổi tối năm 1796 một cậu thiếu niên 15 tuổi Carolus Fridericus Gauss ngồi làm 3 bài toán khó được thầy giáo giao riêng về nhà. Thường thì người thầy chỉ giao 2 bài nhưng không hiểu sao hôm đó thầy lại giao thêm. Với 2 bài toán đầu tiên Gauss làm rất thuận lợi, tuy nhiên bài toán thứ 3 lại khó ngoài sức tưởng tượng, theo đó bài toán yêu cầu chỉ dùng Compa và một cái thước kẻ không chia độ vẽ ra một hình đa giác đều có 17 cạnh. Càng làm thì cậu càng thấy căng thẳng, nhưng cậu chỉ nghĩ bài toán là một thử thách đặc biệt của thầy giáo. Cảm thấy bị thách thức, cậu dành một đêm để giải ra bài toán này. Sáng hôm sau Gauss xấu hổ nói với thầy giáo:
- Thầy giao cho em đề thứ 3, em đã phải mất một đêm để giải, em đã phụ lòng của thầy !
Người thầy khi đó không hiểu chuyện gì đang xảy ra và cầm tờ giấy lên xem, một lúc sau người thầy vẫn không tin vào mặt mình mà hỏi lại:
- Bài này là do em làm thật sao ?
Gauss vẫn ái ngại nói :
- Vâng, em đã phải mất một đêm để giải bài toán này
Đến lúc này thầy giáo mới bàng hoàng cho biết đây là bài toán có lịch sử hơn 2000 năm, đến cả thiên tài như Isaac Newton cũng phải bó tay và chưa có ai giải được thế mà cậu chỉ mất một đêm.

Nhiều năm sau Gauss nhớ lại và cho biết: Nếu có ai nói đây là bài toán mà hơn 2000 năm chưa có ai giải được thì có lẽ bản thân tôi cũng không thể làm nên kì tích đó chỉ sau một đêm.
Vậy thì Toán học là gì ? 
Tôi cũng chẳng biết nữa nhưng tôi biết rằng toán học sinh ra để dành cho con người có những ước mơ và hoài bão lớn, có sự trung thực, dũng cảm, kiên định và của những con người làm nên những điều phi thường.