Hôm qua có một chị nhắn tin cho mình, hỏi mình có thể viết một bài giúp người bạn của chị “tỉnh ra” được không. Người bạn này yêu một người làm nhiều việc xấu, cư xử tệ và bỏ rơi bạn này, nhưng bản vẫn “thần tượng” và yêu người đó. Mình nói với chị điều này mình không giúp được, và cũng không muốn giúp. Những điều mình viết có thể bắt nguồn từ một tình huống nào đó, nhưng chưa bao giờ mình có ý muốn tác động đến quyết định hay hành động của một người nào (dù đôi lúc mình có ghi “hãy” hay “đừng” này nọ, nhưng chỉ là gợi ý trong chủ đề thôi, không phải nói riêng ai).
Dù rằng nhiều người vẫn còn nhầm lẫn đối với nhiều giá trị trong xã hội và cuộc sống nhưng mình tin mỗi người vẫn có lý do riêng cho sự lựa chọn của mình. Sống trong một tình trạng mà người khác cho là vô lý, không đáng, khổ sở… cũng là một loại lựa chọn. Miễn sao lựa chọn đó không gây hại cho người khác, thì mình tôn trọng tất cả. Yêu một người không đáng yêu là một nỗi khổ ngọt ngào mà. Ít ra người ta còn có thể yêu.
Điều mình có thể nói cho những người đang khốn khổ hay bị kẹt lại trong những tình trạng rối rắm, mất phương hướng, cảm thấy khổ đau mà không biết phải làm sao chỉ là những lựa chọn khác, cách làm khác vẫn còn rất nhiều. Người ta luôn có thể thay đổi mọi thứ, chỉ cần dám từ bỏ mọi thứ: từ bỏ những nỗi khổ niềm đau mà họ đang mang, quay trở về điểm xuất phát ban đầu – khi chưa “có” gì hết, kể cả những khổ đau. Trở về điểm xuất phát để đi sang một hướng mới tươi sáng an lành hơn. Thường người ta khổ là do luyến tiếc vị trí hiện tại, không muốn quay về nhưng lại muốn đổi thay.
Nhưng mình không khuyên cụ thể với một ai, mình không đủ uy tín và chuyên môn, cũng không được trả phí để làm điều đó. Mình chỉ nói về những trường hợp có thể có, ai thấy cần thay đổi thì tự họ thay đổi thôi. Khi người ta không muốn thay đổi, nói gì cũng là vô ích. Trong phim Dexter có câu nói: “Bạn có thể dẫn con ngựa đến cái máng nước, nhưng không thể bắt nó uống nước được”.
 Tối qua bạn Mai Thương đại nhà báo viết một bài về “tình yêu và sự gắn bó” (Love and attachment) với câu hỏi là bạn thật sự yêu một người nào hay chỉ đang đi tìm sự gắn bó theo “phong cách” riêng của bạn mà thôi. Kết hợp với tình huống nói trên, mình nghĩ một chút về một “người không đáng yêu”.
Là mình đây. Từ hơn 5 năm trước, mình đã tự nhận thấy mình là người không đáng yêu, không xứng đáng với tình yêu.

Tình yêu vốn là cảm xúc, chẳng ai định nghĩa rõ ràng và biết mình thật sự đang yêu một người theo “kiểu” nào, nên người ta chia những mối quan hệ yêu đương theo cách một người đến với một người khác vì muốn tìm kiếm sự gắn bó. Khi một người muốn gắn bó cuộc đời, hay một đoạn thời gian của cuộc đời mình, với một ai đó, thì có thể vì yêu hoặc vì muốn “kết đôi”. Có bốn dạng người chính trong việc tìm kiếm sự gắn bó (attachment) như vậy: an toàn – lo âu – tránh né – lo âu tránh né.
Nhóm “an toàn” là những người luôn có cảm giác an toàn trong mối quan hệ tình cảm của họ. Họ là người có thể quan tâm, chăm sóc, trấn an những người thuộc nhóm còn lại. Các nhà nghiên cứu cho rằng nhóm này chiếm 50% dân số.
Nhóm “lo âu” thì luôn bị khủng hoảng vì sự đổ vỡ, họ có nhu cầu được quan tâm, yêu thương, chăm sóc rất cao và thích kiểm soát người khác. Người lo âu luôn tìm cách kết nối, duy trì liên lạc với người kia và dễ suy tính về những đổ vỡ, mất mát trong tình yêu đến mức họ không làm gì khác để vun đắp tình yêu, hoặc vun quá nhiều đến mức nó ngộp mà chết.
Nhóm “tránh né” là những người có ít lo âu, độc lập, hay nhìn vào khuyết điểm của người khác, không tin tưởng người khác và không muốn người khác dựa dẫm vào mình. Những người này “tránh né” một mối quan hệ lâu dài, vì tính cách của họ như vậy.
Nhóm “lo âu tránh né” là những người từng bị tổn thương trong quá khứ, họ vừa sợ đổ vỡ vừa tìm cách tránh né mọi kết nối dài lâu. Mai Thương viết mấy dòng này y như đang tả mình vậy nè “Anh muốn yêu em nhưng anh sợ tổn thương. Anh biết chắc rằng rồi nó sẽ tan vỡ, vậy nên anh sẽ không bắt đầu. Làm sao chắc chắn được ngày mai lúc em ngủ dậy, tự dưng em thấy mình không yêu anh nữa và đá anh như cách em đá lon bia vào thùng rác?”
Câu hỏi đặt ra là: vì sao nhóm người “an toàn” chiếm hơn 50% dân số nhưng chúng ta – những người thuộc các nhóm còn lại ít khi gặp được họ để kết đôi? Có lẽ vì họ kết đôi với nhau cả rồi. Hoặc giả không có nhóm nào là an toàn, chỉ khi gặp đúng người, cùng nhau xây dựng một mối quan hệ an toàn thì họ mới trở thành nhóm an toàn vậy.
Những nhóm người nói trên sở dĩ được xếp vào các nhóm là vì với những đặc tính đó nhưng họ vẫn có thể tìm được người cùng họ kết đôi, họ vẫn đáng yêu theo một cách nào đó, hoặc ít nhất có người sẵn sàng yêu họ bất chấp những khó khăn hay sự xấu xí, khó chịu của các nhóm kia.
Mình là người không đáng yêu, vì mình có đủ các tính xấu của các nhóm. Mình có đặc tính của nhóm an toàn, khi đã bước vào một mối quan hệ, mình không hề nghĩ đến chuyện đổ vỡ hay lo sợ vẩn vơ, mình không thích thay đổi và luôn tìm cách duy trì mối quan hệ lâu dài nhất có thể. Tuy nhiên vì quá an toàn sinh ra chủ quan, nên khi tình cảm có những rạn nứt, cả hai có những vết thương ngầm, mình vẫn tin rồi mọi thứ sẽ qua, nhưng mà rốt cuộc không qua như mình tưởng.
Mình cũng không thật sự thuộc vào nhóm an toàn vì mình không mang đến cảm giác an toàn cho người khác. Trước đây mình còn có đặc tính của nhóm lo âu là luôn thích kiểm soát người khác, kiểm soát đến từng chi tiết, nghi ngờ mọi thứ, điều đó gây đau khổ cho cả hai người. Sau này, khi đã đi qua nhiều mối quan hệ, thậm chí là một cuộc hôn nhân, mình lại có đặc tính của nhóm lo âu tránh né. Mình luôn thích một mối quan hệ lâu dài nhưng lại sợ nó không được lâu dài. Thứ mình nhìn thấy luôn là trở ngại mà không phải là cơ hội. Mình sợ bắt đầu sẽ mất thời gian của cả hai. Mình nghĩ cho người ta rất nhiều nhưng lại không làm gì để khiến cho những lo âu đó trở nên an toàn cả.
Mình không đáng được yêu.
Có lẽ một ngày nào đó mình sẽ thay đổi, hoặc không.
23.02.2020