Đặt tựa vậy cho ngắn chút, chứ thực ra bài này mình định nói về hai điều: Ai là người khinh thường bạn và điều làm người ta đau lòng nhất trong tình yêu.
Hôm nay mình đọc tiếp một chút quyển “Khí chất bao nhiêu, hạnh phúc bấy nhiêu” của tác giả Vãn Tình để tìm xem có chuyện gì có thể lấy ra bàn hông, đọc vài chương mình buồn hết một tiếng.
Lại nói qua một chút cảm nhận về các câu chuyện minh họa cho từng chương, đều là hoàn cảnh của người Trung Quốc, tuy có những nét tương đồng với Việt Nam thật, nhưng theo mình thì quan niệm chung của các tác giả Trung Quốc dù có tiến bộ, mới mẻ đến đâu vẫn còn rất nhiều chỗ vướng lại từ những quan niệm xưa cũ, nhiều khi đó không phải quan điểm của tác giả, nhưng mô tả lại quan điểm của những người khác thì lại vẫn là một điều tiêu cực. Những nhân vật và câu chuyện xã hội hiện đại của Trung Quốc luôn vô tình hay cố ý dạy rằng người ta luôn phải cố gắng đạt tới một địa vị xã hội nào đó, một khả năng tài chính nào đó, những thứ thuộc về đẳng cấp để mà khoe khoang với nhau, để mà tự hào… Những thứ như kiểu “mây tầng nào chơi với mây tầng đó” dù được mang ra không phải để cổ vũ, nhưng mấy thứ như vậy chỉ cần được nói ra, mà đặc biệt qua các câu chuyện, thì dù là nói ra để phản đối cũng luôn có tác dụng phụ rất nhiều. Tóm lại mình khuyến cáo bạn đọc nên cẩn thận khi đọc mấy câu chuyện của Trung Quốc, cụ thể là các câu chuyện miêu tả trong quyển này.
Mình thì đã đọc khá nhiều truyện Trung Quốc, thấy mấy cảnh như vậy không ít, từ lâu mình không có bận tâm rồi. Điều mình quan tâm chủ yếu vẫn chỉ là những tựa đề của từng chương được ghi trong mục lục, có rất nhiều điểm tương đồng với suy nghĩ của mình. Bài này mình sẽ bàn hai mục là “Ai là kẻ khinh thường bạn” và “Thái độ khiến người ta đau khổ trong tình yêu”

1. “Kẻ khinh thường bạn không phải là đàn ông, mà là chính bạn”

Đó là tựa đề của chương 7. Ở đây tác giả kể vài câu chuyện về những phụ nữ bị đối xử tệ, bị bạo hành trong các mối quan hệ và trong hôn nhân. Điều gì khiến cho những người phụ nữ bị đối xử tệ vẫn chấp nhận ở lại trong mối quan hệ? Đó là một quá trình, từ khi họ chấp nhận bỏ qua lần khinh thị đầu tiên, lần thứ hai… cho đến ngày nay. Không phải tự nhiên mà đàn ông đối khinh thường họ, chính họ là người chấp nhận chuyện đó trước.
Tác giả đưa ra một ví dụ: có người phụ nữ mới về nhà chồng, khi tranh cãi chồng cô tát cô một cái, cô im lặng không nói gì, lần thứ hai chồng cô lại tát cô, cô lấy dao rượt đánh anh ta chạy dài cả khu phố, từ đó anh ta không bao giờ dám đánh cô nữa.
Ví dụ đó có thể có thật, cũng có thể có hiệu quả hoặc không, mình thì cho rằng nó khá bạo lực và cực đoan, có lẽ chủ yếu để nhấn mạnh việc tuyệt đối không chấp nhận để người khác khinh thường.
Mình vẫn hay nói với mấy em gái là: người ta sẽ đối xử với em như cách em nhìn nhận bản thân mình. Em bị ăn hiếp là vì em hiền. Có những người nó xấu tính, thích ức hiếp người khác, nhưng nó cũng sẽ nhìn mặt người mà ức hiếp, người nào nó cảm thấy ức hiếp mà không có hậu quả gì, không bị phản kháng, tất nhiên nó vui vẻ mà làm. Người nào nó cảm thấy bị phản kháng nhưng không đáng kể, khi nào nó hứng chí lên nó cũng sẽ thử. Còn người nào nó cảm thấy khó khăn, cảm thấy sẽ bị thiệt hại nhiều hoặc là phiền phức lớn, nó sẽ không làm.
Cũng cùng là một đứa có tính xấu kia, nó sẽ ứng xử khác nhau tùy vào việc “nó cảm thấy” mình là người như thế nào. Vậy vấn đề là làm thế nào để tạo cảm giác đúng với nó, để nó không dám ức hiếp, khinh thường mình? Có rất nhiều thứ phải làm, từ ngoài vào trong. Nhưng trước hết là mình phải xem trọng bản thân, không sợ hãi. Điều đó phải rèn luyện hàng ngày, hàng giờ. Rèn luyện sức khỏe thân thể, rèn luyện tri thức, rèn luyện tâm trí kiên định… tất cả mọi thứ đều phát triển lên thì bản thân mình sẽ tự tin hơn, và mình phải ý thức chuyện đó, tự nhiên mọi người sẽ thay đổi thái độ đối xử với chính mình.
Mình không thể bắt người khác phải tôn trọng mình. Họ như thế nào là việc của họ. Mình cần phải làm tốt việc tôn trọng và bảo vệ chính mình trước tiên.

2. “Trong tình yêu, thái độ làm người ta đau đớn nhất chính là thế này”

Đây là chương 08. Tác giả nói rằng thái độ khiến người ta đau đớn trong tình yêu chính là việc lập lờ, thiếu quyết đoán.
Mình rất đồng tình với điều này. Mình buồn vì nhớ lại những người yêu cũ, những người đã quyết đoán ra đi. Nghĩ lại thật khâm phục họ. Mình đã không làm được điều đó, có lẽ đến lúc này mình vẫn chưa phải là người đủ quyết đoán trong tình cảm.
Khi hết yêu hoặc có những khúc mắc cần giải quyết, tốt nhất là quyết đoán nói ra, rồi giải quyết, chứ đừng lập lờ, im lặng chờ thời gian trôi qua. Có những thứ càng lâu dài càng đau khổ chứ không phải thời gian sẽ hàn gắn hay phát triển được đâu.
Nhưng khó khăn là khi mình nghĩ về những tình cảm đã có trong quá khứ, không lẽ mọi thứ có thể đơn giản từ bỏ như vậy sao? Rồi mâu thuẫn là khi những điều tốt đẹp đó chỉ còn trong quá khứ, hiện tại chẳng còn gì mà mình vẫn phải ở đây chịu khổ cùng nhau. Và mình lại níu giữ chút hi vọng ở tương lai, rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn hiện tại.
Những mâu thuẫn, niềm vui và nỗi sợ đó khiến mình rất khó dứt khoát nói ra lời chia tay khi thấy hết yêu, không còn tình cảm. Mình lại còn cho rằng đó là lỗi của mình.
Ở lại trong một mối quan hệ mà không còn tình cảm, rốt cuộc là trách nhiệm hay vô trách nhiệm đây?
01.02.2020