Nếu như tự hỏi rằng mình là ai, mình từ đâu đến, đến đây làm gì, mình sống vì điều gì… nghe có vẻ cao xa, mờ mịt quá, thì ta có thể quan sát và tự hỏi xem người khác đang sống vì điều gì, rồi từ đó nhìn lại bản thân xem mình có đang sống giống như họ hay không, và như vậy có ổn không. Đây không phải là một cách hay. Quan sát người khác nhiều cũng chưa chắc hiểu được chính mình, nhưng khi không thể tập trung quay vào bên trong để tìm hiểu bản thân, khi không có nhiều điều kiện quan sát phản ứng và cảm xúc của mình để hiểu mình hơn, thì đây cũng là một cách có thể tham khảo tốt.
Có hai cách tốt hơn, và khó hơn để hiểu mình sống vì điều gì, ý nghĩa cuộc đời mình là gì là tỉnh thức và ngộ đạo. Hai cảnh giới này không giống nhau. Tỉnh thức là nhìn rõ bản chất của sự vật, hiện tượng trên thế giới hay trong vũ trụ này theo đúng cách thức vận hành của nó, đúng bản chất của nó, trong đó có nhìn rõ chính mình. Nhìn rõ rồi thì có thể lựa chọn cách ứng xử phù hợp nhất và ít bị ngoại cảnh tác động nhất. Ngộ đạo là nhìn thấy được con đường riêng của mình, biết mình là ai, đến từ đâu, đang ở đâu và mình sẽ đi về đâu. Người tỉnh thức có thể đi theo đạo của người khác, còn người ngộ đạo có đạo của riêng mình.
Tỉnh thức cũng như ngộ đạo không phải một đáp án, mà là một sự chuyển hóa sau một thời gian dài chìm đắm trong tự hỏi, nó không phải sự xuất hiện của câu trả lời mà là sự biến mất của các câu hỏi.
Như vậy, để dần trở nên tỉnh thức hoặc ngộ ra đạo của riêng mình, ta cần đặt thật nhiều câu hỏi và đừng cố tìm câu trả lời. Khi có câu trả lời, hãy tự hỏi thêm nữa về những câu trả lời đó. Đặt câu hỏi về bản thân mình nếu như khó hiểu, mông lung và không thể nào trả lời khi chưa đến thời điểm, thì ta lại hỏi về người khác, hỏi về xã hội, về thế giới và vũ trụ này.

Những người xung quanh ta đang sống vì điều gì?

Hôm trước có một bạn tâm sự với anh rằng bạn ấy thấy rất vui khi mua điện thoại, Macbook mới. Nhưng rồi bạn ấy lại nhận ra rằng mình không thật sự thích điện thoại hay Macbook kia mà chỉ thích cảm giác được người khác trầm trồ vì bản có những thứ đó. Bạn hỏi rằng một người nếu thích thậm chí là sống vì sự ngưỡng mộ, đánh giá của người khác như vậy thì có tốt không? Anh không nói là tốt hay không tốt, chỉ là sống như vậy thì rất mệt vì phải lo sợ người khác chê cười, sợ người khác hơn mình, và quan trọng là sống vì sự nhận xét của người khác thì lúc nào cũng phải thể hiện cho vừa ý họ.
Một bạn khác cho anh xem video mới của một ca sĩ và bảo rằng “đẹp lắm, anh xem đi”. Anh rất ít khi xem những chương trình, phim ảnh chỉ vì nó đẹp. Một bài hát thì chỉ cần nghe thôi cũng đủ rồi. Đẹp thì càng tốt, nhưng đẹp mà không hay thì thôi. Phim cũng như vậy, trừ ảnh người đẹp ra thôi. Với anh mọi thứ cần đúng với chức năng của nó, những thứ đa nhiệm hoặc trá hình mà không đúng với bản chất ban đầu của nó thì anh không xem. Sao người ta có thể thích một video ca nhạc chỉ vì nó đẹp nhỉ?
Điện thoại, thời trang, mỹ phẩm, trang sức, hàng hiệu… là những thứ con người tạo ra để chìm đắm vào trong đó, đuổi theo những mục tiêu đó cả đời. Có rất rất ít người có thể đạt được tất cả nhu cầu vật chất mà vẫn thảnh thơi để lo nghĩ việc khác, chẳng hạn như tỉnh thức hay ngộ đạo, đó cũng là lí do mà hai khái niệm đó trở nên xa xỉ hay buồn cười với giới bình dân.
Con người sống đầu tiên là vì tiếp tục sinh tồn, phải có nơi trú thân, có quần áo mặc, có cơm ăn. Nhưng những thứ đó cũng có rất nhiều cấp độ, đến đâu thì dừng? Khi giải quyết được nhu cầu ăn, mặc, ở, đúng ra người ta phải xem như giải thoát để mà tập trung tinh thần quan tâm đến những tầng thứ cao hơn, thì họ lại nhìn quanh, xem hàng xóm ăn gì, xem các youtuber ăn gì, xem thần tượng của mình mặc đồ, mang giày, túi xách ra sao để phấn đấu mua hàng fake cho giống… Những người có thu nhập cao thì cũng có nhiều thứ càng cao hơn để thu hút họ, không cho họ quan tâm đến thứ gì khác ngoài hưởng thụ.
Tất cả những vật chất hay sự ngưỡng mộ của người khác kia, theo đuổi đến cuối đời cũng có hết được đâu, và càng đi theo càng thấy vô nghĩa mà lại không sao bỏ ra được. Muốn thoát khỏi những thứ đó thì không phải bước theo nó về phía trước và bước sang ngang. Quyết định rằng mình chỉ cần ăn mức này, mặc mức này, các vật phẩm cần thiết khác ở mức này… phù hợp với thu nhập của mình để không còn phải lo nghĩ về nó nữa.
iPhone bản mới nào ra cũng đẹp, hiện đại, chức năng ưu việt, giá 20-30 triệu. Bản nào cũng vậy. Mới đổi iPhone 6 đó mà nó ra tới 11 luôn rồi, và mình vẫn muốn đổi, cũng chỉ để nghe gọi, chụp hình check in mà thôi. Vòng xoáy đó sẽ không bao giờ dừng lại nếu mình cứ luôn muốn chạy theo. Vấn đề không phải ở có tiền hay không tiền, không phải ở iPhone hay những thứ khác, vấn đề là nó thật sự có ý nghĩa như thế nào với chính mình, và tác động đến mình bao nhiêu. Nếu thu nhập của mình đủ để đổi iPhone mà không cần suy nghĩ, thì đó là sự tiện nghi mà xã hội hiện đại và công nghệ mang tới cho mình. Nhưng nếu mình phải thắt lưng buộc bụng, mua trả góp để mang về, thì có đáng không?

Người khổ như vậy mà vẫn đi theo, rõ ràng phần nhiều là vì sự đánh giá của người khác.

Ngoài ra họ còn sống vì nỗi sợ: sợ ngày mai thất nghiệp, sợ bệnh tật, sợ người khác buồn lòng, sợ không mua kịp hàng giảm giá.. Người ta sợ đủ thứ, chỉ không sợ một điều là không hiểu vì sao mình sợ. Nếu họ chỉ có một nỗi sợ đó, người ta sẽ dừng mọi thứ khác lại và đi tìm hiểu chính mình, để vượt qua nỗi sợ, để không ngoại lực nào có thể tác động và điều khiển chính mình sống cuộc đời mình theo ý muốn của chúng. 
Khi ta có thể hiểu mình và dừng mọi thứ lại, đó là tỉnh thức. Khi nhìn về phía trước biết mình sẽ đi đến đâu, đó là ngộ đạo. Muốn những điều đó xảy ra thì hãy quan sát xung quanh, đối chiếu với chính mình, và bắt đầu dừng lại, thoát ra khỏi những vòng xoáy sợ hãi và đánh giá của người khác ở xung quanh. Những điều này không xa vời hay quá khó, chỉ cần bắt đầu làm, và kiên nhẫn một chút thôi.
Những người xung quanh em đang sống vì điều gì? Còn em?
05.01.2020