Ngày 17/2/1979, 
Súng nổ dồn nơi Biên giới. Đại Bác đốt cháy Hoàng Liên Sơn.

Thanh niên viết đơn bằng máu để lên đường ra trận. 
Có hàng vạn người không bao giờ trở về nữa. 
Đất Mẹ cần, người ta đi giữ mảnh trời quê hương. (From BeP)
---
Một cuộc chiến mà gọi là thắng cũng đươc. Nhưng nói thật, không hề hoành tráng như phim. Đánh rồi mới thấy chiến trường thật sự khốc liệt hơn nhiều, tàn bạo hơn nhiều…
---
Album này là lời kể của cựu chiến binh Cao Sơn, đăng tải lần đầu tiên trên diễn đàn TTVNOL. Bài viết được thực hiện trên trải nghiệm cá nhân của tác giả và lời kể của các chiến sĩ QĐNDVN thuộc những đơn vị khác nhau trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc những năm 1980s, được mình biên tập và hiệu đính lại.

---


Phần 1.
Ngày đấy em thuộc Tiểu đoàn 5, trung đoàn 692 ( đoàn Thanh Xuyên, đơn vị trước đây của Lê Đình Trinh), sư 301, Quân khu Thủ Đô lên tăng cường cho mặt trận. Lên đến Bắc Quang, cách thị xã Hà Giang khoảng 80km thì lính đào ngũ hơn nửa. Sợ quá các bác ạ.

Em thì lúc đấy 17 tuổi, bẻ gẫy sừng trâu nên còn máu. Từ thị xã Hà Giang, rẽ phải đi lên cổng trời Quản Bạ. Đây goi là cửa tử vì pháo Trung Quốc suốt ngày giã cua. Bọn em hành quân bộ.

Chập tối, cả đơn vị dừng chân nghỉ ăn cơm. Cơm xong, em với thằng Toản cầm găng gô xuống suối múc nước lên đun pha trà. Đột nhiên có nhiều tiếng nổ dữ dội. 
Trung Quốc pháo kích đấy. 
Đất đá bay rào rào. Em với thằng Toản ngã dúi ngã dụi. Sợ không thở được. 15 phút thì pháo dứt, Toản nằm cạnh em không nhúc nhích. Em lay nó dậy, nó không nhúc nhích. Nó đi rồi các bác ạ.

Sau đó, em ở trên ấy 6 tháng. Bọn em tiếp quản của đặc công. Nếu em không nhầm thì đấy lính của M113. Địa hình điểm cao đấy rất buồn cười. Phía bên Trung Quốc thì rất dốc và có nhiều vật cản, phía bên ta thì thoai thoải và trống trơn. Chính vì vậy, bên kia mới tổ chức đánh theo phân dội 3 người. Đánh kiểu đó, bộ binh ta khóc thét vì địa hình trống trải.Trong kỹ thuật quân sự, mỗi nước có môt lực lượng dọn chiến trường riêng của mình. Mỹ lấy không quân làm lực lượng dọn chiến trường. Liên xô lấy tên lửa. Trung Quốc thì dùng pháo binh. Chính vì vây, chiến thuật của chúng nó là rót pháo. Cấp tập, dồn dập vào những vị trí chúng cho là trọng yếu. Khoảng 30 phút sau khi pháo bắn, bộ binh mới xông trận.

Đó là lý do tại sao bọn Tàu khoái chơi pháo thế. Những chuyện thêu dệt là pháo Tàu bắn giỏi đến mức đạn chui vào nòng pháo ta là phét lác. Khi pháo bắn, trinh sát pháo phải nằm trong trận địa pháo để báo về hiệu chỉnh. Có khi pháo dập luôn cả vào vị trí đang ẩn nấp.

Sau trận pháo đầu tiên. Em đã hiểu thế nào là chiến trường. Bọn em thu don đồ đạc nhanh chóng và hành quân tiếp.

Khi lên đến chốt, thật kỳ lạ. Bọn em vừa qua 3 tháng huấn luyện bản lề, quân lệnh như sơn, tóc tai quần áo chỉnh tề. Nhưng trên này, lính chốt trông như người rừng. Họ thực hiện 3 không:

1. Không mặc quần áo mới ( chỉ người chết mới thay quần áo mới)
2. Không cắt tóc cạo râu( Sợ vận đen)
3. Không bắt tay và chào tạm biệt ( sợ tạm biệt rồi mãi mãi không về)

Bọn em nhanh chóng vào hầm. Gọi là hầm cho oai, pháo dập trúng thì 10 hầm như thế cũng không tránh nổi. Em cùng hầm với thằng Chính. Thằng này quê Hải Hưng, nói ngọng, núc nào cũng mơ ước được ăn nòng nợn.

Thằng Chính lên đây 3 tháng, nó đánh 5 trận rồi. Em hỏi nó có sợ không. Nó bảo trận đầu sợ đ** bắn được. Nằm dưới hầm, thò súng lên trời kéo một băng.

Thằng Chính hơn em 3 tuổi đời. Nó nhập ngũ trước em 3 năm. Đúng ra, giờ này nó phải ở quê cày ruộng rồi mới phải. Nó bảo, hôm đó, chúng nó đã được ra quân. Đơn vị cách nhà ga 15 km đi bộ. Một số thằng cầm được quyết định là về ngay. Một số còn lưu luyến anh em, ở lại đêm cuối với anh em, mai đi sớm ra ga.

Chính cũng vậy, 3 năm ăn cùng mâm, ngủ cùng giường với nhau, còn một đêm hàn huyên, nên nó ở lại. Không ngờ, đêm hôm đó, bọn Tàu giở chứng. Toàn đơn vị được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao độ. Những cậu nào về từ chiều thì thôi, cậu nào còn ở lại thì phải ở lại để chiến đấu. Vậy là nó phải ở lại và hôm nay đang ngồi với em trong hầm chữ A, bên kia là đất Tàu.

Em là lính mới, nhiều cái bỡ ngỡ chưa biết, Chính phải chỉ bảo từng ly từng tý. Chẳng hạn như là, ra khỏi hầm phải đội cái nồi cơm điện nặng 1,4kg. Đầu em thì nhỏ, đội vào cứ lủng là lủng lẳng. Em nghĩ chỉ chẳng cần mảnh đạn mảnh pháo, chỉ cần hòn đá rơi vào cái mũ sắt này em cũng lộng óc mà chết.

Đầu hầm luôn đặt một khẩu cối cá nhân 60 và 2 hòm đạn đã nhồi liều phóng. Chính bảo em tranh thủ mà ngủ, ngủ được lúc nào là ngủ ngay. Bọn Tàu nó đánh không kể giờ đâu. Chính kiểm tra lại cơ số đạn, kéo cơ bẩm, khoá an toàn, đặt súng xuống rồi nằm ôm. Một lát thì thấy nó gáy như sấm.

Em ra khỏi hầm, nhìn ngó các hầm xung quanh. Các hầm được nối với nhau bằng giao thông hào. Em chạy qua mấy hầm chơi, tìm mấy thằng cùng đơn vị. Có mấy thằng đang khóc tu tu. Em cũng hơi hãi nhưng không đến mức ấy. Đại đội trưởng nhắn em về hầm. Giọng nói ông mêm mỏng đến không ngờ. Sau này em mới hiểu, trên này, cái sống và cái chết cách nhau gang tấc. Mọi người luôn cảm thấy cần nhau, dựa vào nhau để sống, vì vậy, không có chủ nghĩa quân phiệt như của mấy ông sỹ quan dưới kia.

Đêm hôm ấy, em không ngủ được. Hoàn toàn không phải vì sợ, mà thấy tiếc thời gian cho giấc ngủ. Cứ nghĩ rằng, mình ngủ và chẳng biết liệu ngày mai mình có dậy không, thế là lại cố căng mắt để thức.

Một đêm yên tĩnh trôi qua.


Link phần 2