Nguồn: Unsplash

1.

Từ trước lúc dịch bùng phát, mấy cái cây đã trở thành một phần không thể thiếu của mình. Mỗi sáng của mình luôn bắt đầu bằng việc phi thẳng ra ngoài ban công, tỉ mỉ xem xét đất từng cái chậu, bắt sâu bắt lá cả nửa tiếng đồng hồ. Vậy mà chẳng hiểu sao, trừ dàn cây mua từ hồi đầu tháng 3 đến giờ chăm đã trổ cơ man lá ra mấy đợt hoa, thì mấy cái cây mua từ đầu tháng 5 lại èo uột, còi cọc thấy mà thương. Chắc do thời tiết dạo này khắc nghiệt quá, khí hậu nắng mưa thất thường đến vườn cây cũng than lứa cây mới chẳng còn bao nhiêu nhiêu, hàng giờ dành ra để học cách chữa bệnh, phun thuốc bón phân, ấy thế mà cũng không lại được. Mấy đứa nhỏ cứ ngang nhiên bỏ mình đi.
Như một thông lệ, hàng năm vào tầm này, chẳng hiểu sao cuộc sống của mình vẫn luôn trôi qua trong u buồn. vô số chuyện xảy ra khiến mình chìm đắm trong nỗi buồn quay quắt. Năm đầu tiên từ bỏ tình yêu, từng ngày của trôi qua ngập lụt trong nước mắt lẫn khổ sở như thể có ai đó đã thò tay vào lồng ngực và bóp nát trái tim. Năm thứ 2 đếm trên tay không biết bao nhiêu mối quan hệ độc hại, mình nhìn trần nhà trong ánh đèn hiu hắt, mơ về phút giây chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn và chẳng cần tỉnh dậy. Năm thứ 3, mình trông ra loang loáng cả tá mảng tóc rụng trên bàn tay toàn vết thương, móng tay gẫy nát, gương mặt hốc hác, nát bấy bởi mụn nhọt - hậu quả của hàng tá trận binge lẫn self-harm hàng đêm, đấu tranh với thứ giọng nói thỏ thẻ trong đầu rằng chết sẽ tốt hơn là sống. Lúc đó mình nghĩ thế là hết rồi. Đời người trôi qua gần 1/3 mà phải dằn vặt bản thân đến độ này thì nào có khác gì một con chuột đang chạy trong bánh xe không ngơi nghỉ, đến đâu cũng chỉ là vòng tròn luẩn quẩn chẳng thấy lối thoát.
Và rồi sang năm thứ 4, mình ngồi bên ban công với những đứa con em tỉ mẩn chăm sóc: cây khuynh diệp ra cơ man lá nhỏ, hoa nhài trắng muốt toả hương. Bên cạnh mình vẫn là hơi men, hơi thảo mộc, lẩn khuất nỗi buồn từ năm này qua năm khác bầu bạn như tri kỉ. Chỉ khác rằng, mọi thứ đến với mình thật chậm rãi. Mình nhận ra mình đang buồn, cảm xúc rõ ràng thành hình hơn bao giờ hết, đồng thời mình cũng chẳng nhiều về quá khứ hay tương lai nữa, chỉ có bản thân cùng đứa trẻ trong mình ở hiện tại. Như một chiều mùa hạ ở Hà Nội, trong một quán cà phê nhỏ phát nhạc của Trịnh Công Sơn, mình đang đọc cho em bé của mình nghe một câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa. Đứa trẻ của mình cứ ngủ an nhiên như vậy, trong vòng tay mình vỗ về em, như một nét chấm cuối cùng cho bức tranh đầy niềm vui toàn bích mình đã từng tìm kiếm bấy lâu. 
Khi ấy, mình bỗng nhớ có một em bé từng hỏi mình: như thế nào mới là trưởng thành hả chị, bởi em muốn trưởng thành. Khi ấy mình chỉ cười, vì câu trả lời đích xác mình cũng chẳng biết. Nhưng nhớ lại ngày trước, rồi ngày sau lại bình thản như một ngày đã trôi qua của ngày hôm nay thế này, mình nhận ra mình đã khác xưa. Mình chấp nhận rằng cuộc sống là vậy, con người là thế. Ngoại cảnh đưa cho ta những gì, ta cũng có đủ can đảm biến nó trở thành những điều ta thích. Ta điềm tĩnh đón nhận mọi thứ, bởi đối với ta chúng đều là lẽ thường tình của cuộc sống. Đối với ta, điều quan trọng nhất chỉ là đối với tìm kiếm niềm vui như những vì sao trên bầu trời sa mạc hoang hoải. Ta nhìn lên đó, bằng tất cả sự chân thành mong cầu một điều gì đấy sẽ trở thành sự thật. Một đấng toàn năng. Một hi vọng. Hay chăng một phép màu. Và giây phút ấy mình nghĩ, nó cũng như khoảnh khắc của một chiếc lá. Tất cả mọi thứ đã ở đây đã là đầy đủ, ngay cạnh mình.

2. 

Từ bé, mình đã có một vết bớt rất lớn trên mu bàn tay. Nó khiến đám trẻ cùng trang lứa với mình lạ lẫm vì sự khác biệt, thậm chí là mỉa mai, khinh ghét. Mình lớn lên với cái bớt đó, cùng ngoại hình xấu xí lẫn những lời chê bai của tất cả mọi người. Cô độc chẳng biết làm gì, mình vùi đầu vào sách vở, học cách viết nên thứ ngôn ngữ của riêng mình. Những áng văn mình viết khi ấy nhuốm đầy nỗi đau, máu lẫn nước mắt, vừa cay đắng dằn vặt, lại cũng đầy say mê. Nhưng càng viết, mình lại càng sợ hãi cái nhân dạng được xây nên bằng câu từ có vẻ u buồn mơ mộng ấy. Mình sợ đến một lúc nào đấy khi người ta phát hiện ra người viết ra chúng chẳng phải một người họ hình dung - đứa trẻ với vết bớt to đùng xấu xí, hàm răng vổ, mái tóc bù xù hôi hám. Ngẫm lạị, thì tuổi trẻ thường có những nỗi sợ và khủng hoảng thật bản năng, nhiều khi ngẫm lại cũng vô cùng ngờ nghệch. Dẫu sao khi ấy, ta cũng chỉ biết loay hoay với bản thân trong bóng tối mà thôi. 
Nỗi sợ cùng vết bớt cứ mãi ở nguyên đó từ năm này đến năm khác, trở thành một cái gái to lớn găm sâu trong tâm trí vốn đã có quá nhiều bất an, chênh vênh và buồn bã. Lớn lên, mình nhận ra con người chẳng ai thích ở cạnh một người lúc nào cũng u buồn tiêu cực. Mình phải học được che giấu để có thể hoà nhập được vào thế giới của người lớn, phục sức, phấn son trở thành chiếc giáp để ẩn đi những vết sẹo xấu xí mình mang. Nhưng vết bớt như một sự mỉa mai châm biếm của cuộc đời cho kẻ dối trá. Những đêm dài lang thang trên con đường không một bóng người, cơn say quật ngã, nó hiện lên, như một thứ ám ảnh quỷ quyệt đang trực chờ để cười nhạo. 
Mãi đến sau này, có một tối nọ, một người em trước nay không liên hệ thường xuyên bỗng gọi cho mình. Bọn mình hẹn nhau ở một quán bia quen, nằm lẩn khuất trong khu đường toàn hoa của Sài Gòn, trời mưa râm ran nghe rõ tiếng mưa vỗ trên mái hiên như một bản nhạc không lời. Tối đó bọn mình nói với nhau rất nhiều, lại chẳng có chủ điểm gì sất. Nhưng mình nhớ, cậu bé ấy đã nói với mình rằng: cảm ơn chị đã xuất hiện trong cuộc đời này. Em chẳng thể tưởng tượng nổi nếu người ấy không phải là chị, bởi chị đã trải qua quá nhiều để hiểu được em đang phải trải qua những gì. Mình ngạc nhiên lắm, bởi từ trước đến nay có ai thích thú gì với những vết thương và sự tiêu cực mình mang? Thậm chí có người còn hét vào mặt mình hãy tránh xa họ bởi họ quá mệt mỏi với những darkside của mình. Cũng tối ngày hôm ấy, mình nhận được tin nhắn từ một người lạ: "Lời chị viết thật đẹp, khiến cho em suy nghĩ nhiều thêm về cuộc sống." Thế đâu mới là mình? Là sự đớn đau để thông cảm được cho đứa trẻ đang lớn có quá nhiều suy tư, hay là niềm hạnh phúc chân phương đã mang đến niềm vui cho một người khác? Nỗi đau này lại mang lại niềm vui cho người khác? Vậy thì thật sự, ý nghĩa của nó vốn dĩ đã chẳng phải như mình hình dung? 
Giây phút ấy mình nhận ra dù cho thế nào, tất cả đều thuộc về phần nhân dạng đích thực của mình. Bản thân mỗi người là quá nhiều gam màu đẹp đẽ lẫn thô kệch, pha lẫn vào nhau trong vũ trụ bao là mà đến chúng ta cũng chưa tường tận ngóc ngách. Có người sẽ thích, có người không, có người sẽ chấp nhận, có người căm ghét. Nhưng họ cũng chỉ là một trong số rất nhiều người sẽ đến và đi, chọn lựa ở lại hay biến mất mãi mãi. Và rồi thì chúng ta ai cũng sẽ là Paradise, gặp gỡ những Dean và Marylou khác nhau, cùng sống hết mình trong từng khoảnh khắc, rồi khi chia xa chỉ có ta đứng đó trên đường, nhìn lên bầu trời đầy sao, chất lên kệ  nỗi buồn vào góc sâu và bày biện lau chùi cho kí ức đẹp đẽ. Vậy thì sao ta lại cần sợ hãi và chối bỏ nó, khi mọi khoảnh khắc ấy đều biến ta trở thành ta của ngày bây giờ? 
Sau đêm ấy, mình quyết định xoá đi vết tràm này bằng một hình xăm. Hình xăm sau khi hoàn thành thật đẹp, và em bé xăm cho mình cũng bảo rằng: hình xăm ấy đẹp bởi nó ở trên tay của chị. Và đúng là vậy, vết tràm tối màu làm nổi bật hình xăm trên làn da trắng ởn, khiến nó trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.Ngày hôm ấy khi chạy xe về, mình bắt đầu viết những dòng đầu tiên của Story-beering, trên tay là hình xăm đẹp đẽ còn nguyên màu mực mới, từ đáy lòng mình đã mỉm cười. Dẫu cho có chia xa, thì ta vẫn còn lại từng khoảnh khắc, và trong phút giây hiện tại ấy ta tìm kiếm được niềm vui. Dẫu sao mọi thứ rồi sẽ về với cát bụi. Và khi tro bụi, những còn lại trong kí ức chỉ là khoảnh khắc chúng ta đã từng thương. Nhiều khi chẳng vì gì cả, mình sẽ kể những câu chuyện của mình cho người lạ nghe, gửi tặng họ một món quá, một miếng bánh, một câu chuyện, bởi mình hi vọng người khác cũng sẽ vậy, bởi chúng ta - con người dù là bất kì ai, đều xứng đáng có được niềm vui và cất giữ nó cho riêng mình.

3. 

Mình nhớ về một câu chuyện hồi Tết năm rồi. Có một đôi vợ chồng trẻ mình quen yêu thương nhau từ ngày trẻ, trải qua bao khó khăn tranh đấu để lấy được nhau. Khi cưới còn chẳng có một tấm ảnh tử tế chụp chung, mỗi ngày trôi qua gồng gánh từng bữa cơm, nhưng với họ thế là hạnh phúc. Đỉnh điểm của sự hạnh phúc là đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang, công việc thì càng phát đạt mỗi ngày. Ấy thế mà người chồng ra đi, chẳng kịp để lại một lời. Ngày gặp lại người vợ, trao cho chị một cái ôm, cảm xúc đau thương, dồn nén từ chị bứ lại khiến mình muốn bật khóc. Mình chẳng thể nói một lời nào an ủi, bởi vốn dĩ với một kẻ sinh ra đã chẳng sợ cái chết như mình, lời an ủi liệu sẽ có nghĩa lý gì đây? 
Có lẽ chẳng mấy người tin, nhưng hôm qua của ngày hôm nay, mình vẫn còn là một đứa trẻ u buồn như thể ngày mai sẽ là ngày tận thế. Cả cuộc đời này mình đã thử tự tìm kiếm câu trả lời cho mình về nỗi u buồn luôn chảy trong huyết quản mình. Có thể vì đấng sinh thành của mình vốn dĩ một kẻ hoang tưởng như người ta hay bảo, vào thời điểm mẹ mang thai đã có một thứ hormone gì đấy làm khiếm khuyết bộ não của mình. Như thể chấm phá cho bức tranh nỗi buồn ấy thêm đậm đà hơn hết thảy, cuộc đời cho mình đủ sức để quật ngã và lấy đi nước mắt của bất kì ai. Mình quen thuộc với máu và những cơn đau, xa lạ với niềm vui và hạnh phúc. Mình cũng chẳng xa lạ với nỗi buồn và đau đớn. Nỗi buồn đã bám rễ quá sâu, trở thành phần tối thượng của cái bản thể không toàn vẹn, đến mức mình không biết liệu nỗi buồn bị lấy ra khỏi tâm hồn mình, liệu chuyện gì sẽ xảy đến? Không, chẳng quan trọng, khi ấy, mình chỉ muốn chết mà thôi.
Và như một lẽ tự nhiên, khi bạn tha thiết cái gì, vũ trụ sẽ gửi đến bạn điều đó. Khi mong muốn được chấm dứt tất cả, vũ trụ gửi đến mình cái chết ngay trước mặt. Chẳng hoành tráng hay sung sướng như mình vẫn tưởng tượng, giây phút cận kề cửa sinh tử, mình cũng chẳng thấy bớt buồn. Đã có một thoáng trong khoảnh khăc, bản năng sống của loài người đã rời bỏ mình, mình và nỗi buồn cùng lênh đênh giữa cái hồ mênh mông tràn ngập sương, và mình sẽ mãi mãi chìm vào làn nước lạnh, nhận lấy lời nguyền vĩnh cửu cho chính mình. Nhưng mình còn sống, lạ kì, tha thiết. Khi mình mở mắt ra, nền đất trắng xoá băng tuyết, cái lạnh luồn vào da thịt đau đớn như có dòi lúc nhúc bò từ trong xương, lồng ngực rỗng không như một phần nào đó vừa chết. Một cái lỗ hổng trong tim sâu hoắm bày ra, để gió lùa vào toang hoác, đồng thời như thể mất đi mọi hi vọng, mình đã được tự do. 
Đêm hôm ấy, lê lết qua những bến tàu điện ngầm vắng lặng, chịu đựng cơn đau từ cái lạnh tím tái cả chân tay, băng qua cơn mưa tuyết bằng tất cả sức lực khi trên người chẳng có chiếc áo khoác lạnh, mình nhận ra, chẳng phải bỗng dưng chú chim ấy đã bay đi tìm lấy cây mận gai và chấp nhận cất lên tiếng hót. Nỗi đau tuyệt vời ấy phải trả một cái giá có thể bằng cả cuộc đời, nhưng đổi lại là những ánh sáng lấp lánh của niềm vui. Sống quá lâu trong cái khổ, mình nhận ra niềm vui vốn thường bị bỏ lại. Đấy là một người lạ chỉ xuất hiện xuất hiện khi mình cần nhất, để mình được khóc trên vai cậu bé và đi qua khu rừng phủ tuyết trắng xoá đang đâm chồi nảy lộc khi mùa xuân tới. Là ánh sáng mùa hạ nhuộm dải đồi vàng ươm như mật trong buổi chiều World Cup đông đúc người. Là cuộc điện thoại của mẹ, chẳng nói gì nhiều, chỉ nói hãy làm những gì con thích. Là hình xăm trong một cửa tiệm nhỏ ở Moscow, tươm máu nhưng đầy kỉ niệm. Mình đãi từ nỗi đau những câu chuyện và niềm vui, để lưu giữ lại cho mình chút kỉ niệm đẹp. Đời người thì có bao lâu để hững hờ, sao không dành nó cho những điều tốt đẹp hơn? 
Phải mất quá nhiều thời gian để mình nhận ra điều đó. Nhưng cũng không sao, vì trước khi chết đi thì chẳng bao giờ là quá muộn. Ai sinh ra cũng có quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc, chúng ta chỉ cần cố gắng thêm chút nữa để tìm kiếm niềm hạnh phúc cho riêng mình. Sau chuyến bay dài 14 tiếng chỉ toàn nước mắt, mình đã khóc đủ cho một đời người. Ngay cả trong những lần đau cuối cùng, ít nhất thì mình chẳng còn nhớ đến uất ức và hổ thẹn. Mình chỉ thấy những niềm vui. 

4.

Thi thoảng, mình vẫn hay đi nhậu với người yêu cũ. Hãy thừa nhận với nhau: Đấy là một việc không thường thấy ở những cặp đôi đã chia tay. Sau chuỗi ngày dằn vặt níu kéo nhau không thành, cuối cùng, bọn mình cũng có thể bình tâm ngồi lại đối diện với nhau trên bàn nhậu. Cũng thật là là ngày đó, bọn mình từ bạn nhậu trở thành người yêu, rồi chia tay lại quay lại đúng một vòng trở thành bạn nhậu. Anh hay bảo, mình là người duy nhất còn chịu nói chuyện với anh sau chia tay. Mình thì công nhận rằng đến giờ, anh vẫn là bạn nhậu tốt nhất mình từng có. Hai đứa dù khác biệt về tuổi tác, phong cách sống, địa vị xã hội, nên lần nào cũng cãi nhau ì xèo như mèo với chó (cả nghĩa đen và nghĩa bóng nốt). Vậy mà vẫn hợp cạ, kể cũng lạ. Ừ thì đời lạ lùng mà, còn cho hai đứa yêu nhau được thì thôi.
Anh bảo, mình đã khác xưa nhiều rồi, dạo này đã đẹp hơn, vui vẻ hơn, chẳng còn ghét anh nhiều nữa, cũng chẳng còn yêu anh nữa. Mình phì cười, ừ đúng vậy, ghét một người thì mệt lắm. Tha thứ cho một người tuy khó, nhưng lại thoải mái hơn. Không còn ghét bỏ thì mình sẽ có nhiều thứ để làm hơn, tâm trí cũng rộng mở hơn để đón nhận nhiều điều mới. Em còn đang bận tận hưởng một cuộc sống trước nay em chưa từng biết tới. Còn anh, vẫn là một phần của kỉ niệm đáng để trân trọng. Anh dạy em nhiều thứ về bản thân, rằng em phải học cách yêu thương nó, bởi nếu không, trong em chỉ còn là nỗi đau để đi đối đãi với người khác. Nên bây giờ, em đã quên hết, mỗi lần mình gặp lại, em nhớ về những niềm vui ngày xưa của chúng mình thôi.
Này, anh có nhớ cái ngày em bắt anh phải đi xem Deadpool 2 cùng em không? Em thì nhớ lắm, vì quả thật tìm được một cái rạp chiếu phim nào chịu chiếu phim nước ngoài không lồng tiết có phụ đề tiếng Anh thì hiếm như lá mùa thu. Vậy mà thế nào em lại tìm được, ở tít bên kia đầu thành phố. Hôm đấy là một ngày thu nắng thật đẹp, xung quanh nhuộm một màu vàng óng của cây mùa thay lá. Em đòi anh phải mua cho em một chiếc kem em thích, bọn mình cùng bàn luận về con game Lineage II nên cày chỉ số thế nào, vào cửa hàng tiện lợi hôm nay sẽ mua loại bia giảm giá mình cùng thích. Bộ phim Deadpool rõ ràng là một bộ phim hài gia đình, chúng mình đã cười trong rạp nhiều thế cơ mà - và cũng chỉ chúng mình cười vì hiểu ý nghĩa của những câu đùa kiểu Mỹ thôi. Cái thời mình còn trẻ thật vui anh nhỉ? Giờ thì bọn mình đã quen với việc đi xem phim một mình, thi thoảng lại nhắn tin rằng nên đi xem bộ phim này bộ phim kia. Bọn mình đã quen thuộc với việc không còn ở bên nhau, và tất cả mọi thứ đều là kỉ niệm đẹp đẽ. Em thích suy nghĩ mọi thứ là một kỉ niệm nhỏ xinh để cất giữ cho riêng mình, và sau này nếu có dịp, em sẽ kể cho những người khác nghe như một minh chứng hình hài đẹp đẽ nguyên sơ nhất của tình yêu. 
Nói đến đây, anh im lặng. Vẻ mặt thoáng buồn, anh bảo mình chúng ta gặp nhau đúng thời điểm, đúng người, chỉ tiếc khi ấy chúng ta chẳng phải là phiên bản tốt nhất nên đã rời xa nhau. Đấy có phải sự thật không? Mình cũng không biết, cũng nghĩ quá nhiều. Mọi thứ xảy ra đều có lí do của nó, việc gặp gỡ nhau nhờ nhân duyên cũng vậy thôi. Dù rằng cũng thật buồn, vì câu chuyện này không có một cái kết tròn vẹn, nhưng hành trình này ta cũng may mắn vì yêu và được yêu, để rồi ta thay đổi, trở thành một phiên bản toàn bích hơn của chính mình, xăm lên vết thương những hình xăm đẹp đẽ để nó trở thành máu thịt, đã có đủ yêu thương để biết trân trọng, tha thứ. Là lãng quên đi những tổn thương ta từng có, và chỉ giữ lại những gì tốt đẹp của nhau. Đối với em, nó còn đẹp đẽ hơn một cái kết đích thực. Thế là đã đủ rồi.
Giây phút chìm vào suy tư, mình bỗng nhớ đến một ngày đẹp trời, mẹ bảo muốn đi học workshop cà phê. Mình dẫn mẹ - một thiếu nữ U60 trẻ trung xinh đẹp - tới Lacaph. Mình đã pha hỏng một mẻ V60, chỉ bởi mải ngắm mẹ đang trò chuyện cùng cô bé nhân viên về cách đánh trứng, pha phin cho đúng. Các bạn nhân viên còn ra nói nhỏ với mình, chị ơi chị thích ghê, có mẹ vừa trẻ vừa đẹp, lại vừa xì tin, ngày nghỉ rảnh hai mẹ con cùng đi chill thư giãn, vậy là đủ. Lúc ấy mình chỉ cười, bởi chẳng bao giờ mình nghĩ có ngày ấy. Mối quan hệ giữa mẹ với mình từng là hai đường thẳng song song ngược chiều, như phố Huế với bà Triệu, như Nguyễn Du và Lý Tự Trọng, cả hai đã gây cho nhau quá nhiều tổn thương. Những lúc cãi vã, cả mình và mẹ đều dội vào nhau những kí ức xấu xí, đau khổ để dằn vặt đối phương lẫn bản thân mình. Nhưng rồi, từ ngày học được cách yêu thương, mình và mẹ bắt đầu gầy dựng lại, dù khó khăn, chậm rãi. Mình bảo mẹ, xin mẹ đừng đặt hạnh phúc của mẹ lên mình, hãy tìm lấy hạnh phúc của riêng mẹ. Đó là lí do mình luôn ủng hộ mẹ nghỉ việc, bắt đầu ước mơ ở lứa tuổi U60. Mẹ học cách quan tâm đến mình nhưng vẫn để cho mình có không gian riêng. Mẹ hiểu rằng ẩn sau vẻ bề ngoài gai góc, một tâm hồn bất ổn mong manh, thì mẹ đã làm mọi điều có thể để nuôi dưỡng một người con gái mạnh mẽ trở thành điểm tựa vững chãi của mẹ. Dù sao, mẹ cũng là lần đầu làm mẹ, có sai lầm trắc trở, thì mẹ đã làm quá tốt rồi, hãy luôn tự hào về điều đó như cách con tự hào về mẹ, mình nói với mẹ vào đêm 28 Tết, khi mâm cỗ đã xong, chai rượu đã mở, và hai mẹ con ngồi nói về những tháng ngày đã qua. Khi ấy mình biết, rồi mọi chuyện giữa mình và mẹ sẽ ổn, mẹ sẽ ổn, và mình cũng vậy. Dẫu sao, con cũng là con của mẹ - của một người phụ nữ mạnh mẽ nhất trên cuộc đời này.
Tối hôm ấy, bên bàn nhậu, mình vô tình gặp một cô bé con đi cùng cha mẹ mình. Cô bé rất dạn dĩ, dù mới khoảng 10 tuổi, căng tràn năng lượng sống lẫn sự ngây thơ của trẻ con. Cầm ly bia sóng sánh, cô bé chạy sang chỗ mình cụng một tiếng thật kêu, hào sảng lẫn sự phóng khoáng rất riêng của người Sài Gòn. Mình nghĩ, cũng phải rất lâu nữa chúng mình mới gặp lại nhau. Bọn mình đã gặp nhau đủ cho một đời người. Đã đến lúc bọn mình cùng bước đi, trên những con đường khác. May mắn được gặp người mình yêu cũng là một niềm hạnh phúc. Như vô tình giữa lòng Sài Gòn xinh đẹp, ta vô tình bắt gặp một vần thơ, một câu chữ, một con người nào đấy mang đến cho ta những niềm vui. 

5.

Ở Sài Gòn 8 năm, giọng nói của mình vẫn chẳng thể thay đổi. Thi thoảng, mình vẫn bị lẫn lộn giữa từ ngữ Nam và Bắc. Nhưng từ sâu thẳm, mình biết tính cách mình đã là của một người Sài Gòn. Người Sài Gòn có nhiều câu chuyện kì lạ lắm. Như con đường nào, bạn cũng có thể thấy những chiếc bình nước dán giấy: trà đá miễn phí, bà con tự lấy uốn.g Mỗi khi bình hết, sẽ lại thấy chú từ nhà bên xách nách bình trà, miếng đá để châm thêm. Nếu bạn hỏi lí do, sẽ nhận lại một câu trả lời rất vô tư như một lẽ thường tình: có ai bảo tao đâu, mình tự châm thêm trời nắng nóng cho người ta uống mát, đỡ khổ. Như một chiếc xe hoa đậu trước cửa nhà, muốn ra ủng hộ chị một bó nhưng không có sẵn tiền mặt trong người, chị bán hoa sẽ xua tay bảo hôm nào tiện đưa chị cũng được không sao cả. Như một ngày nắng nóng khiến bạn tụt huyết áp, cô bán nước liền vội vàng bỏ cả cửa hàng để dìu bạn vào nhà, lật đật nhờ chồng mua cho bạn một vỉ thuốc rồi nhất quyết không nhận tiền trả lại. Như cái lần chờ vá xe chung với một người lạ, người ta kiên quyết trả giúp bạn vì đằng nào cũng tiện, chú vá xe đỡ phải thối lại mệt chú ra. Sài Gòn dạy mình nỗi buồn và cô đơn lúc nào cũng hiện diện, nhưng cũng tràn đầy niềm vui từ những con người vô tư hào sảng. Ta làm việc tốt không cần lời báo đáp, bởi việc ấy sẽ mang lại niềm vui cho người khác và bản thân, với ta đấy đã là sự đền đáp chân thành.  
Chẳng biết từ bao giờ, mình đã sống như thế, như một phần của Sài Gòn thân thương. Thi thoảng, mình cảm thấy cần phải làm một điều gì cho người đó để mang tới niềm vui, vậy là mình chẳng chần chừ để làm những việc mình có thể. Mình từng tổ chức sinh nhật cho một người em chưa bao giờ gặp mặt, hay tự dưng gọi điện cho một người lạ nói nhảm cả đêm. Mình gặp những người lạ trên bàn nhậu và chia sẻ câu chuyện của mình, lắng nghe một phần tâm can của họ để thấy được con người có thể độc đáo và phong phú đến nhường nào. Mình học cách sống vô tư và suy nghĩ của một người Sài Gòn: nếu đã có duyên, hãy làm những điều mình có thể, đâu ai biết ngày mai chúng ta còn ở bên nhau hay đơn giản là chẳng còn gặp nhau nữa. Một kẻ từng chẳng sợ hãi cái chết cái chết, trân trọng nét đẹp cuộc sống lẫn con người là thứ đã khiến mình thay đổi. Để bây giờ mình chẳng phải là một bức tranh toàn bích, nhưng sẽ là phiên bản tốt hơn xưa của chính mình. Phiên bản bây giờ luôn bình thản đón nhận mọi điều của cuộc sống mang lại, biết xăm lên nỗi buồn những hình xăm đẹp đẽ và trân trọng mỗi niềm vui tới. 
Thật ngây thơ, sẽ có người bảo mình vậy. Nhưng nếu người ta vẫn tin vào tình yêu với một niềm tin thuần khiết, thì mình vẫn sẽ tin vào tạo vật đẹp đẽ như con người.  

6.

Cuối tháng 5, mình viết cho những ngày đầu tháng sau. Nhưng rốt cuộc câu từ cứ lưng chừng tại đó, và cũng chẳng biết nên dành cho nó cái kết thế nào. Mở lại vết thương cũ, để nó toang hoác đã đau một, nhìn người khác bỏ qua những nỗ lực hàn gắn của mình để phán xét còn đau hơn gấp nhiều lần. Nó giống như cảm giác một buổi tối nọ lang thang ở Huế, mình bắt gặp những ánh mắt dò xét hình xăm trên tay mình - cái minh chứng cho sự tranh đấu đẹp đẽ đến quặn thắt của mình lại trở thành một vết ố nhơ trong mắt người khác. Dẫu đã vượt qua sự phán xét, thì những ngày trái gió trở trời, ta chẳng thể nào ngăn cản được vết thương ngừng đau. 
Đúng lúc ấy đi ngang qua 7-Eleven, có một chú đang ngồi nói chuyện với bác bảo vệ. Chẳng biết 2 người bàn luận gì, nhưng mình chợt nghe loáng thoáng một câu nói "quan trọng là suy nghĩ của chú, còn người khác nghĩ sao đâu phải là vấn đề, đúng không?". Lúc ấy mình nhận ra, có những thứ xảy đến bởi nó cần dạy cho ta một bài học về bản thân mình. Bởi cái giếng này chỉ là của mình ta, và chỉ có mình ta ở đó đang nói chuyện với chính mình - tự yêu thương hay rủa xả nó, đều là quyết định của chính ta. Mỗi người đến mỗi người đi, mỗi người gặp gỡ mỗi người chia xa, mỗi câu chuyện dài hay bài học lặp đi lặp lại chỉ để dạy cho ta hiểu điều đó. 
Đời về cơ bản là những lựa chọn, hãy chọn lựa những niềm vui.

Cheer up nào các cậu êyyy. Hãy hẹn nhau cạn chén khi đã hết dịch nhesss
Ngoài kể chuyện trên Spiderum, thi thoảng mình sẽ đăng vài chiếc review nho nhỏ về đồ uống có cồn, chốn nhậu nhẹt, kể chuyện cuộc sống tại Instagram Storybeering. Hãy follow mình nếu bạn có hứng thú, hoặc muốn kể cho mình nghe câu chuyện của các bạn :3