Sự ra đời của bài viết

Trong giai đoạn thi cử dồn dập, facebook bắt đầu đổ xô các content như thần muỗng, thần xoài, bảng điểm full A,.. như một sự cầu may online giữa bối cảnh dịch giã mà thi cử thì không delay. Chẳng phải ngoại lệ, mình đã đăng nội dung tương tự trên một page bản thân quản lý trong con mắt thú vị và tò mò. Tuy nhiên, mình lại không sớm nhận ra một điều, bất kể là page vùng ven hay page hot thành thị, thì nội dung tâm linh này vẫn phát huy sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Điều này đồng thời dẫn đến một sự cố truyền thông đáng tiếc cho page của mình, nhưng cũng là nguyên do dẫn đến mình lốc cốc lách cách bài viết này với câu hỏi: Vì sao bùa qua môn lại viral đến vậy? Đương nhiên, là một sinh viên đang chạy deadline mùa thi cử, mình sẽ không bỏ qua cơ hội tận dụng kiến thức chuyên ngành Tâm lý học để làm luận cứ cho bài viết này, sẵn tiện bắn hai con nhạn, một con ôn thi, một con tập tành viết lách. Bài viết sau đây, mình xin phân tích dưới góc nhìn của Carl Jung, một nhà tâm lý mang màu sắc tôn giáo, vì bản chất vụ việc này mang tính tâm linh.

Niềm tin tâm linh bắt nguồn từ nỗi sợ và tâm mong cầu

Con người sở hữu nhiều thứ mà không phải do mình học được mà thừa hưởng từ tổ tiên mình. - Trích "Bản đồ tâm hồn"
Câu nói trên cũng chính là nguyên do mình bắt đầu với sự lý giải của nhà Phật, và tất cả các quan điểm về Phật giáo trong bài viết này, mình đã tham khảo trên website phatgiao.org, một cổng thông tin Phật giáo từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trang này lý giải như sau: Vào thời hưng thịnh nhất của các thầy phù thủy, con người với niềm tin về sự nhỏ bé của mình, đã khiếp sợ trước các thế lực thiên nhiên, tôn thờ thần linh và tin vào bùa ngải trong u mê. Họ xây dựng niềm tin đó với hy vọng được đấng toàn năng chở che, vượt qua mọi khổ nạn. Trải qua các sự tân tiến và phát triển của khoa học kỹ thuật, niềm tin đó đã phần nào vơi dần trong nhận thức con người, tuy nhiên, vẫn để lại dấu vết trong tiềm thức.
Carl Jung có một khái niệm là vô thức cá nhân, mang ý nghĩa tương đồng với tiềm thức. Vô thức cá nhân là những ký ức đã được ghi nhận sự tồn tại, nhưng vì lẽ nào đó, nó đã trôi vào lãng quên hoặc bị dồn nén sâu vào bên trong tâm thần con người. Như vậy, có thể thấy, sự phát triển của nền văn minh nhân loại là một cái lý đẩy niềm tin vào bùa chú vào vô thức cá nhân. Thế nhưng, điều gì sẽ soi rọi niềm tin này vào ý thức của con người ? The Jung, để có thể lôi một thứ từ vô thức cá nhân lên miền ý thức, con người cần sự nỗ lực tinh thần, ý chí rồi quan sát sự tương thích với niềm tin, nhu cầu, và mục tiêu của ý thức. Đó là cơ sở để một ký ức trong vô thức cá nhân hiện hữu trong miền ý thức. Bùa chú đã ra đời trong nỗi sợ hãi và tâm mong cầu của con người, vì vậy, sự trở lại của nó cũng đến từ nỗi sợ hãi và tâm mong cầu. Bài viết trên cũng lý giải như sau:
Chính sự vô minh và tham lam đó khiến cho bùa ngải tưởng đã ngủ yên sau mấy ngàn năm giờ sống dậy. Khắp nơi người ta buôn thần bán thánh với những lời hứa hẹn ngọt ngào. - Trích từ bài viết " Nguyên nhân khiến con người tin vào bùa ngải " (Phatgiao.org)

Niềm tin tâm linh bắt nguồn từ cảm giác tự chủ

Trong một bài viết về " Why do people believe in God " được đăng trên Psychology Today, Tiến sĩ David Ludden đã dựa vào văn hóa tập tục của con người từ xã hội nguyên thủy để lý giải như sau. Trong các xã hội nguyên thủy, đàn ông săn bắn, đánh bắt hoặc nhặt rác để lấy thịt, trong khi phụ nữ thu lượm trái cây, rễ và rau. Họ sống thành từng nhóm nhỏ khoảng 100 đến 150 người để thuận tiện trong việc hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, những nhóm này vẫn lớn hơn đáng kể so với xã hội của các loài linh trưởng, có xu hướng số lượng trong khoảng vài chục.
Ngoài ra, điểm đặc biệt ở con người nằm ở chỗ họ có khả năng hợp tác với nhau. Điều này dẫn tới việc được kích hoạt bởi một số cơ chế nhận thức tiến hóa nhất định, trong đó có ý thức tự quản ( a sense of agency ). Con người nhanh chóng phát triển nhận thức rằng họ có thể cố ý gây ra mọi việc. Ví dụ như tôi có thể đập vỡ quả hạch bằng một tảng đá để làm nứt nó hay tôi rung cây để khiến quả táo rơi. Sau đó, con người áp dụng cảm giác tự chủ này để diễn giải các tương tác xã hội, với niềm tin rằng không chỉ họ có quyền tự quyết, mà những người khác cũng có quyền tự quyết. Do khả năng phát hiện cơ quan quá nhạy cảm, chúng ta cũng có xu hướng gán ghép ý nghĩa cho các tình huông ngẫu nhiên trong các quá trình tự nhiên hoặc các vật thể vô tri. Niềm tin vào linh hồn nước và linh hồn rừng, bóng ma và ma quái, ma và quỷ, xuất phát từ thời cổ xưa, trong mọi nền văn hóa xung quanh thế giới.
Như Jung đã nói, con người sinh ra từ vô thức. Mỗi một cuộc đời sinh ra mang trong mình cả một nền văn hóa mấy nghìn năm từ cổ chí kim đến thời đại ngày nay. Những giá trị kế thừa này, theo Jung, nằm trong vô thức tập thể của con người. Khác với vô thức cá nhân, mang tính cá nhân hóa, thì vô thức tập thể là một bể chứa những kinh nghiệm lâu đời từ văn hóa xa xưa. Đó là giọng nói, dáng đi, lời chào, và những lề thói khác mà con người thực hiện trong đời sống thường ngày của mình. Ý thức tự quản, a sense of agency cũng là một sự kế thừa như thế. Ngầm ẩn bên trong mỗi người luôn tồn tại ý thức kiểm soát vô hình với các sự kiện xung quanh, để tránh điều bất như ý. Nỗ lực này cũng được biểu hiện qua niềm tin vào các thế lực tâm linh bằng cách thành tâm cầu khẩn, tích cực chia sẻ thần muỗng, thần xoài,...trên mạng xã hội.

Khi nỗi sợ trở thành nguồn cơn

Niềm tin và nỗi sợ là hai mặt của một đồng xu. Vì vậy, sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta không đề cập đến tác động không nhỏ từ nỗi sợ như một vấn đề chính yếu. Đây cũng chính là công cụ truyền thông hữu hiệu mà các nhà chiến lược truyền thông chẳng bao giờ ngại vắt óc để tận dụng. Chẳng hạn như nhấn vào nỗi sợ con ốm o gầy mò của một người mẹ tần tảo trách nhiệm để quảng bá tã, sữa. Nhấn vào nỗi sợ hiệu suất làm việc kém từ việc thiếu tỉnh táo tinh thần, quảng cáo nước tăng lực ra đời. Sự viral của các thể loại bùa chú qua môn, điểm cao, cũng tương tự như thế. Nhưng nỗi sợ đã điều khiển con người như thế nào?
Carl Jung có một khái niệm mang tên phức cảm, là tập hợp những từ ngữ theo chủ đề. Những chủ đề này gợi lại những khoảnh khắc chứa đựng cảm xúc mạnh trong quá khứ của họ. Thông thường, đó là các chấn thương. Những từ kích thích này đã đánh thức liên tưởng đau đớn bị vùi sâu trong vô thức va những liên tưởng căng thẳng này là những gì đã làm rối loạn ý thức. Qúa trình một phức cảm gây nên cơn hoảng loạn cho một người gọi là quá trình hội tụ. Khi một phức cảm hội tụ, con người bị đe dọa bởi sự mất kiểm soát cảm xúc của mình và đến chừng mực nào đó là mất kiểm soát cả hành vi của mình. Đó là lý do vì sao có người dễ dàng bị kích động bởi một câu đùa bâng quơ hay một câu nói vô thưởng vô phạt. Ta dễ dàng nhận ra các trường hợp này thông qua lời bình phẩm ngoại hình cợt nhả hay các chủ đề về tình dục, giới tính,..
Vậy để tận dụng nỗi sợ làm nội dung quảng bá, người ta chỉ cần làm xuất hiện hiện tượng phức cảm hội tụ, bằng cách chọn lọc từ ngữ kích hoạt nỗi sợ trong tiềm thức con người. Có thể, vấn đề mà bài viết đang nói đến chưa thể là ví dụ tiêu biểu cho hiện tượng trên. Thế nhưng, đã có rất nhiều người lợi dụng nỗi sợ nhằm trục lợi cho riêng mình. Vì vậy, sự tỉnh táo trong việc tiếp nhận thông tin để tránh tiếp tay cho các hoạt động trên là điều vô cùng cần thiết cho người dùng trong thời đại số.

Vài lời trước khi buông bút

Không thể phủ nhận một điều rằng niềm tin tâm linh là sự cần thiết trong đời sống tinh thần của con người. Đó là chỗ dựa mỗi khi ta không còn nơi để lui về, cảm thấy mất phương hướng và chưa đủ thấu suốt để nhìn nhận cách giải quyết ta cần trong tình huống hiện tại. Thế nhưng, tin vào tâm linh không có nghĩa là phủ nhận vào sự nỗ lực tự thân của con người. Truyền thông dựa trên nỗi sợ để trục lợi là đáng trách, nhưng sẽ không thừa nếu ta tự vấn rằng: Vì sao mình chưa hoàn toàn tin vào chính bản thân mình?
Tác giả: Hi