Tôi thường nghe mọi người dè bỉu, chê bai tính vị kỷ. Rằng đó là một bản tính xấu xa và là biểu hiện của sự suy đồi. Nó luôn phải được cảnh giác và đào thải ra khỏi con người, để xã hội tốt đẹp hơn. Cũng theo họ, trái ngược với nó là tính vị tha, là sống vì mọi người, vì cộng đồng, như thế là sống tốt, sống đẹp.
Có nên từ bỏ niềm tin vì quân luật?
Có nên từ bỏ niềm tin vì quân luật?
Nghe thoạt đầu thì khá hay ho, hợp lí. Nhưng tôi thấy nó đem lại nhiều hệ lụy hơn. Những lời khuyên xung quanh để củng cố "bản chất vị tha tốt đẹp" thường là: Cha mẹ khuyên con cái sống sao cho "nở mày nở mặt gia đình". Giáo viên khuyên học sinh "vâng lời cha mẹ, thầy cô". Quản lí khuyên nhân viên "cống hiến hết mình, hi sinh vì tập thể". Xã hội khuyên "hãy vì lợi ích chung mà quên mình". Đặc điểm chung của các lời khuyên này đó là: Hãy hành động vì lợi ích của người đưa ra lời khuyên đó.
Điều này không xấu và chắc chắn là cần thiết để giữ cho xã hội ổn định và phát triển. Nhưng như thế chưa tối ưu nhất, vì nó gây ra hậu quả không mong muốn cho người nhận được lời khuyên. Trong suốt từ ngày lọt lòng đến giờ, tôi đã không biết bao lần gặp, nghe, xem trong cả từ đời thực đến phim ảnh rằng: Sống tốt thì thiệt thòi. Những phẩm chất đáng quý như chính trực, trung nghĩa, thật thà lại bị xem là trở ngại nếu muốn sống đời trọn vẹn. Và chỉ có hai lựa chọn: Tha hóa để đạt được thành công hay giữ lại nhân phẩm và bị chà đạp cay đắng, những người vừa thành công vừa tốt đẹp thì rất hiếm, và nó càng khó mà là chúng ta.
Đây là ngộ nhận đáng tiếc của nhiều người. Họ không nhận ra cái họ nghĩ là sống tốt thật ra không tốt như họ nghĩ. Bởi vì với cách sống hi sinh bản thân vì "lợi ích chung nào đó" mà bỏ qua bản thân mình, sẽ tạo ra những cá nhân yếu kém (bạn có một nguồn lực nhất định, bỏ vào cái này thì phải bỏ qua cái khác - chi phí cơ hội). Một cá nhân yếu kém không thể có đủ bản lĩnh cũng như tư cách để hạnh phúc. Một xã hội toàn những cá nhân yếu kém và đau khổ không thể gọi là xã hội tốt đẹp được.
Những phẩm chất đáng giá như trung nghĩa, chân thành, thật thà, uy tín,... không đủ sức kiến tạo được một xã hội tốt đẹp. Minh chứng rõ nhất thời phong kiến, khi đó đều là những phẩm chất được đề cao chót vót, nhưng thực trạng thối nát thế nào thì ai cũng rõ. Do đó, chúng cần một xương sống, một chỗ dựa để định hình lại giá trị đích thực. Vị kỷ chính là điều đó.

I. Thế nào là sống tốt?

Mỗi người có một góc nhìn khác nhau về thế nào là tốt. Và tốt thì tốt cho cái gì? Cho bản thân? Cho mọi người? Và tốt cho cái này thì có mâu thuẫn tốt cho cái kia không?
Tuy nhiên, tôi nghĩ mọi người có thể đều đồng ý rằng, mục đích cao cả và tốt đẹp nhất của một người là đạt được chân phúc (Bliss). Chân phúc nghĩa là trạng thái cảm xúc hạnh phúc viên mãn nhất. Đây cũng là đích đến của nhiều triết lý: Niết bàn trong Phật giáo, Đạt đạo trong Đạo Lão hay Bình an trong Stoicism. Tôi sử dụng định nghĩa này bởi vì các triết lý chỉ ra hạnh phúc-lợi ích của một người không phủ định hạnh phúc-lợi ích của người khác, của xã hội. Để viên mãn, hạnh phúc một người phải bổ khuyết, hỗ trợ, hòa vào cái suy tư, nỗi niềm của xã hội. Đó cũng là câu chuyện mà khi Đức Phật đã giác ngộ - nghĩa là hạnh phúc rồi, toại nguyện rồi, ông có thể tận hưởng một mình thành quả đó. Nhưng không, ông chọn con đường đầy trắc trở và gian truân hơn, đó là đi trao cái thành quả cho mọi người.
Nhưng trước khi đạt được điều đó, ông cần cả một quá trình. Các triết lý tuy có khác nhau nhưng lại tương đồng rõ ràng ở một điểm: Ta trao dồi sức mạnh nội tại trước, sau đó mới hòa ý nghĩa của mình vào cuộc sống. Góc nhìn này càng được cũng cố hơn bởi Tâm lý học. Phân tâm học và Tâm lý học phát triển chỉ ra những chứng nhiễu tâm gây ra bởi không thể nhìn rõ, chấp nhận được góc tối trong tâm hồn mình do đó không thể kết nối bản thân với xã hội. Nếu chưa chữa lành được vết thương lòng, thì càng "vị tha", bạn càng tạo ra vấn đề, tạo ra nhiều vết sẹo khác. Phải hạnh phúc rồi, trưởng thành rồi thì mới có bản lĩnh, tư cách mà tương trợ những nhiệm vụ khó khăn như hi sinh vì người khác.
Những lời khuyên "đầy vị tha" ở trên gây ra hậu quả là bởi vì nó đi ngược với quá trình này. Nếu soi xét từ góc đó thì Đức Phật chỉ là kẻ bỏ vợ bỏ con, bỏ sứ mệnh trị vì, bỏ cả niềm tin của cha hắn. Lão tử là tha hương, trốn chạy cái mệnh cống hiến cho nhân loại để nấp đâu đấy tận hưởng cái bình yên vớ vẩn của cá nhân. Tất cả chỉ vì cái tham vọng của họ.
Nhưng tại sao các cá thể vị kỷ kia lại viết sao toàn những triết lý mà hướng ta đến sự yêu thương con người? Sao chính cách sống lại mâu thuẫn với lời của họ? Có lẽ ta hiểu sai tính vị kỷ.

II. Hiểu thế nào cho đúng về vị kỷ?

Theo định nghĩa của Cambridge Dictionary: người vị kỷ là người chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình.
Định nghĩa có nhắc đến "lợi ích của bản thân mình" - tư lợi cá nhân. Nhưng, bản thân mình nào cơ? Nếu nói bản thân là mình ở thực tại, thì người vị kỷ sẽ đập ngay một đống đá, vì sự phê pha đó gần với những xúc cảm mãnh liệt nhất của con người, họ sẽ hạnh phúc nhất - trong khoảnh khắc thực tại. Tuy vậy, một người bình thường sẽ không làm vậy, bởi không chỉ có một phiên bản của bản thân. Bạn của bây giờ, bạn của 5 phút sau, bạn của ngày mai, tuần tới, năm tới, bạn của lúc tuổi già. Tất cả đều phải được cân nhắc lợi ích, vì đều là "bản thân mình".
Từ góc nhìn này, bạn sẽ thấy những kẻ chỉ chăm chăm lừa gạt người khác để vụ lợi, trộm cắp hay các doanh nghiệp chèn ép người lao động, hủy hoại môi trường, tham ô đều không sở hữu tính Vị kỷ. Đó đơn thuần là hành động bồng bột ngu ngốc, thiếu chiến lược và phi kinh doanh. Do người vị kỷ thật sự là người chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mình, nên họ phải tạo ra lợi ích đó cao nhất. Bạn nghĩ trộm cắp, lừa gạt, làm ăn chụp giật có tạo được lợi ích cao nhất không, có trở thành một con người toàn diện, hạnh phúc không, có tăng vốn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ và bền vững không. Không!
Do con người là động vật xã hội, lợi ích của bạn bị ảnh hưởng bởi mọi người xung quanh.
Nếu một doanh nghiệp Vị kỷ - chỉ quan tâm tới bản thân doanh nghiệp, nghĩa là chỉ muốn tăng vốn hóa, tăng lợi nhuận. Khi đặt mục tiêu như vậy, họ không chỉ phải tối đa hóa được lợi ích của cả khách hàng, cổ đông mà còn phải của quản lí, nhân viên, địa phương, môi trường, chính quyền sở tại. Đó là nguyên tắc kinh doanh cơ bản.
Thậm chí họ còn phải quan tâm tới lợi ích của đối thủ. Chẳng phải nếu bạn tung ra những chiêu trò hãm hại, bôi xấu thì sẽ triệt tiêu đối thủ dễ dàng hơn sao. Nhưng bạn lại chọn làm cho công bằng, nguyên tắc vì nếu không thì họ trả đũa và sinh ra một môi trường độc hại, nhưng thích hợp để phát triển. Tất nhiên, thực tế không đơn giản như thế, nhưng nếu tất cả đối thủ đều Vị kỷ thực sự, thì họ phải đồng ý phương án cùng hợp tác và cạnh tranh trong công bằng, như thế lợi ích chung trong dài hạn là cao nhất.
Thật vậy, Vị kỷ không xấu xa như mọi người vẫn tưởng. Mọi người thường quy cho những kẻ làm việc xấu là vị kỷ, do họ không quan tâm đến hậu quả mà người khác phải nhận. Nhưng nhìn sâu hơn, đó là những hành động không thiếu suy tính. Không ai làm việc trái với lương tâm mà lại sống hạnh phúc được, điều đó ngược với những gì ta hiểu về Tâm lý học. Những người tự gây cho mình đau khổ thì có gọi là Vị kỷ không?

III. Ý nghĩa chiến lược của tính Vị kỷ

1. Tối đa hóa phát triển bản thân
Những điều tôi trình bày ở trên tất nhiên không thể mô tả sát với thực tế, đó chỉ là những hình thức đơn giản để hiểu khái niệm Vị kỷ. Nhưng để hoạch định được một kế hoạch theo quan điểm đó, là điều khá bất khả thi. Ta không thể nào tính toàn tất cả mọi yếu tố ảnh hưởng đến tư lợi được. Một trong số đó là tất cả các chiến lược của tất cả người khác trong trò chơi cuộc đời này. Ta có thể Vị kỷ trong tình huống này, lại không trong tình huống khác, và cuộc đời thì luôn biến động. Một ví dụ, khi trò chơi sắp kết thúc, ở ván cuối cùng, nếu bạn chơi phá luật chơi xấu trong khi người kia vẫn tin tưởng "lợi ích chung", thì bạn lời hơn. Cái bóng của trò chơi đổ càng dài thì mọi người càng có xu hướng chơi đẹp hơn. Nhưng ta lại không biết cuộc đời có bao nhiêu cái bóng như vậy, và khi nào thì chúng kết thúc.
Tôi rất trân trọng những người hi sinh vô tư lự với một tâm hồn hoàn toàn thánh thiện, thực sự có những người như vậy. Nhưng tôi không thể nào đồng ý với cách làm đó, hành xử cảm tính về lâu dài chẳng bao giờ có thể kiến tạo điều tốt đẹp, ngược lại nó gây ra hậu quả do khuyến khích sự lợi dụng và thao túng.
Hãy giữ lại lòng chân thành và trong sáng, những định hướng chúng đúng người đúng việc.
Có sáu loại chiến lược khi tương tác với người khác: Thắng - Thua, Thua - Thắng, Thua - Thua, Chỉ cần mình thắng, Cùng thắng, Cùng thắng hoặc không giao kèo.
Thua - Thua đương nhiên là tồi tệ nhất, đơn giản vì không thể thắng. Thắng - Thua hay Thua - Thắng rốt cuộc cũng trở thành Thua - Thua, do khi có 1 trong hai người thua thì sẽ sinh ra trả đũa - gây giảm lợi ích chung. Chỉ cần mình thắng đạt đến mức cao nhất sẽ là Cùng thắng. Cuối cùng, hai chiến thuật thực dụng nhất là Cùng thắng và Cùng thắng hoặc không giao kèo. Nó nghĩa là bắt buộc phải tạo ra lợi ích chung cao nhất trong dài hạn.
Tất nhiên như đã nói, cuộc sống thì phức tạp và bạn cần chọn đúng chiến lược trong từng tình huống cụ thể. Nhưng về việc phát triển bản thân, trong chính từ đó đã bao hàm "lợi ích" - bản thân và "phát triển" - dài hạn. Vậy Cùng thắng luôn là chiến lược tốt nhất để phát triển bản thân. Và chỉ khi Vị kỷ bạn mới nhìn được từ nhiều góc độ lợi ích khác nhau mà thiết lập chiến lược. Rất nhiều trường hợp chúng ta nghĩ là Cùng thắng nhưng thực tế là đang Thua - Thắng, hay Thua - Thua.
2. Tạo ra động lực để cống hiến cho xã hội
Bao cấp là một thời kì tồi tệ trong lịch sử đất nước ta. Nó gây ra tồi tệ do đi ngược với bản chất con người. Bạn sẽ không bao giờ thật tâm cống hiến cho người khác khi chưa đạt đủ đầy các tham vọng của bản thân.
Thị trường tự do tạo ra xã hội thịnh vương như ngày nay do nó khiến cho ta thực tự cố gắng. Như Adam Smith viết: "Anh cho tôi thứ mà tôi thích, anh sẽ có thứ mà anh yêu cầu, đó chính là ý nghĩa của trao đổi. Cũng chính bằng cách này mà chúng ta nhận được của nhau những sự giúp đỡ mà chúng ta cần. Chính không phải vì lòng nhân từ, rộng lượng của người hàng thịt, người làm rượu bia hay người làm bánh mì mà chúng ta có một bữa ăn, mà vì sự quan tâm của họ lợi ích riêng của họ. Khi chúng ta nói chuyện với họ, không cần phải kêu gọi tình nhân loại của họ mà đánh vào lòng vị kỷ của họ, và không nên nói với họ những thứ mà chúng ta cần mà nên cho họ thấy được lợi gì khi giúp đỡ chúng ta.".
Những lời này mô tả rất đúng về bản chất của con người và cách thức mà xã hội hoạt động. Đừng chối bỏ tính Vị kỷ, hãy tận dụng nó đúng đắn hơn.
Đọc đến đây chắc các bạn cũng biết làm gì rồi. Hãy thôi tin người mà nhìn sâu vào những lợi ích mà họ đạt được khi có bất kì tương tác nào với bạn. Chỉ khi đó, mới có được một tầm nhìn để lập ra chiến lược cần thiết, giúp bạn và môi trường xung quanh tốt hơn.
Vị kỷ không chỉ giúp bạn hành động hiệu quả hơn, mà còn đạo đức hơn.
_________________________________________________________________________
THAM KHẢO:
GEN VỊ KỶ. Richard Dawkins
THE 7 HABITS OF HIGHLY EFFECTIVE PEOPLE. Stephen R. Covey
ĐẠO ĐỨC KINH. Lão Tử
PHẬT HỌC TINH HOA. Nguyễn Duy Cần
CỦA CẢI CỦA CÁC DÂN TỘC. Adam Smith