Vị Hà Thành
Thực tình, tôi là một người con sinh ra nơi mảnh đất xứ Nghệ đầy nắng và gió. Nhưng may mắn thay, tôi được sống và lớn lên trong vòng...
Thực tình, tôi là một người con sinh ra nơi mảnh đất xứ Nghệ đầy nắng và gió. Nhưng may mắn thay, tôi được sống và lớn lên trong vòng tay Hà Nội. Bởi vậy, tôi coi Hà Nội như quê mẹ thứ hai. Và cố nhiên, tình yêu tôi dành cho đất Hà Thành cũng rất khác…
Người phương xa khi đặt chân tới đây đều mong được rảo bước trên phố đi bộ Hồ Gươm, chụp ảnh bên tháp Rùa cổ kính, vào thăm lăng Bác trang nghiêm rồi đi thăm Cột cờ Hà Nội. Để khi về, họ gói theo chút tình đất Bắc trong những gói cốm mới, dăm búp trà sen thơm ngát hương.
Yêu Hà Nội qua những lẽ đó tất cũng dễ hiểu. Ấy vậy mà, nơi đây lại in đậm trong tâm trí tôi bằng một phong vị rất khác. Vị của Sấu.
Có kẻ nói tôi điên. Sao không thích cốm làng Vòng, chè sen Hồ Tây hay hương hoa sữa mà lại đi yêu thứ quả cây tầm thường như thế? Đấy, những sản vật kia là vẻ rất đỗi thanh cao của Hà Nội mà tâm hồn tôi chỉ quen với những gì gần gũi, thân thương nhất. Tôi yêu sấu Hà Nội vì lẽ ấy.
Bố mẹ tôi đều là dân tỉnh lẻ nên tôi đến với sấu không qua lời kể của họ về tuổi thơ mà bằng những áng văn viết về Hà Nội. Đọc văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân hay “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng, tâm hồn tôi như được sống trong ký ức tuổi thơ mình chưa bao giờ được trải qua: những trưa hè tan trường nắng chang chang như đổ lửa, lũ học sinh ùa ngay ra cổng trường. Đứa nào khá giả liền mua một túi sấu dầm để dăm ba đứa cùng chia nhau ăn. Mấy đứa khác không có tiền cũng trèo lên cây sấu ven đường bứt trái chia nhau. Tất cả cùng nhấm nháp, vui đùa… cứ thế, cái vị chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn thấm lên tâm hồn tôi một cách kì lạ, cho dù chưa từng trải qua.
Tôi nghĩ, sấu cũng như người con gái Hà Nội. Nhưng không phải cô gái tân thời, thanh tao, nhã nhẵn như hoa sữa mà mộc mạc, chân chất tựa cô hàng cốm làng Vòng trong văn của Thạch Lam. Người con gái ấy vô cùng e lệ, nép mình sau tất thảy những gì đẹp đẽ, xinh tươi nhất của Hà Nội nên ít người nhận ra. Và tất nhiên, với những kẻ đã quen thân, cô cũng chanh chua lắm đấy!
Hoa sấu nở vào mùa hạ, có lẽ vì thế mà sắc đỏ rực phượng vĩ hay tím bằng lăng đã làm lu mờ hoa sấu chăng? Không hương, không sắc. Từng chùm hoa sấu li ti, trắng ngần cứ ẩn mình trong lá chẳng ai hay. Để rồi, một lúc nào đó, bất chợt từng chúm sấu xanh lấp ló, tròn trịa ẩn hiện qua tán cây. Cô giáo tôi – một người Hà Nội gốc, từng kể: những ngày xưa đói kém, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, các bạn cô vì thiếu đói nên vặt cả sấu xanh chia nhau ăn, chẳng cần chờ chín. Vừa chua, vừa chát nhưng đó là thức quà vặt mà trẻ con Hà Nội yêu thích. Những bữa khá hơn, cô mang tờ tem phiếu hiếm hoi ra đổi lấy mớ rau muống và nắm gạo. Như vậy là đã thịnh soạn lắm. Trên đường về, tiện tay bứt chùm sấu xanh ven đường về để luộc cùng rau muống, sấu dầm với tương để chấm rau, ăn cùng mấy quả cà muối… Đến giờ, dù đã khá giả, nhưng những bữa tôi đến chơi, bên cạnh những món thịnh soạn khác, cô vẫn mời lũ chúng tôi món ăn bình dị, dân dã ấy.
Có người hỏi: Sấu miền Bắc tỉnh nào chẳng có, cớ gì Hà Nội đâu? Không đâu. Mỗi lần thưởng thức sấu, đầu lưỡi tôi cảm nhận được cả cái nắng vàng mùa hạ, vị mát lành cơn mưa đầu mùa, vị ngọt hoa sữa, mùi thơm hương sen… Có thể đó đều là do tôi tự tưởng tượng ra, nhưng những cảm giác sâu kín ấy, sấu nơi khác làm sao có được.
Bố mẹ tôi cũng rất thích sấu Hà Nội nên cứ đến mùa là lại mua một túi lớn. Nửa để ngâm uống, nửa cho tủ lạnh nấu ăn dần nên tôi nhớ lắm những khi cạo vỏ sấu đến xanh lè mười đầu ngón tay.
Tiếc thay, cũng vài năm rồi, tôi chưa được thưởng thức sấu. Không phải tôi vô tâm hay thay lòng đổi dạ mà vì cuộc sống xô bồ quá. Vả lại, nếu nhà không ngâm thì lấy đâu ra một cốc nước sấu chính gốc bây giờ.
Tình cờ, một lần, mẹ đưa chị em tôi đến trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để tri ân thầy giáo cũ đã dìu dắt mẹ năm xưa. Trên đường về, đứa em kêu khát. Mẹ sực nhớ ra, đưa hai chị em, men theo trí nhớ, đi dọc con đường Nguyễn Trãi, rẽ vào con ngách nhỏ, ẩn khuất sau những con phố sầm uất, nhộn nhịp của Hà Thành. Nơi đó, dưới tán cây bàng là một hàng nước đậm chất truyền thống. Gọi như vậy thôi chứ ở đây còn bán cả bánh mì, xôi,… Và giữa những khay nước ngọt xanh đỏ là hai thẩu sấu ngâm, sấu muối. Cô bán hàng thoăn thoắt pha nước. Tôi nhấm nháp thử… Đúng rồi, chính là vị chua thanh đầu lười nhưng ngọt dịu đọng lại sâu nơi cuống họng như ngày xưa ấy. Vừa nhấm nháp, tôi vừa nghe mẹ hỏi chuyện cô bán hàng. Thì ra đây là hàng nước ngày còn học đại học mẹ thường hay ghé. Khi đó, chưa bán nhiều loại như bây giờ, chỉ vẻn vẹn có nước mơ, sấu ngâm, nước vối và chè xanh pha đặc, người bán là một bác trung niên. Cô bán hàng bây giờ là con gái bác, thay mẹ đứng hàng. Để kinh doanh, cô phải nhập thêm các mặt hàng khác, nhưng mẹ cô vẫn muốn lưu lại chút gì xưa cũ nên ngâm thêm sấu để cô bán. Quả thực, giữa phố phường náo nức, giữa đủ thứ nước ngọt xanh đỏ mà còn có thẩu sấu ngâm để nhâm nhi thế này thật đáng quý…
Đến đây, hẳn người đọc đã nhớ ra, giữa muôn vàn thức ăn, thú chơi của Hà Nội vẫn còn có sấu. Nhắc đến thức tầm thường như sấu ở đây, không chỉ để tôi tỏ cái lòng yêu mến Hà Nội mà cũng để làm vui lòng những tao nhân mặc khách xưa kia từng thấm men say cái bình dị chân phương nơi mảnh đất Hà Thành này vậy!”
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất