Dịch từ bài gốc của Julia F Christensen trên Aeon
---
“Đừng có điệu! Đừng giả đò, có sao hãy vậy!”
Giọng nói chát chúa của người thầy ballet nghiêm khắc cùng chiếc gậy và cặp kính vuông vẫn còn vọng trong tâm trí tôi. Hai câu lệnh kia là chuẩn mực tất yếu ở gần như tất cả các buổi tập lúc tôi còn theo học ballet. Cách bọn tôi múa vẫn có gì đó chưa chuẩn, dù về kỹ thuật bọn tôi đều làm đúng. “Khán giả sẽ không nhòm vào em chỉ vì đã xong một cú grand jeté hoàn hảo!” trong tức tối ông đã tru thẳng vào mặt tôi như thế ngay trước đêm diễn. Sự dồn ép ông dành cho chúng tôi còn đau hơn những vết lở trên bàn chân mang giày múa.
Nan đề ấy vẫn tiếp diễn, cho tới một ngày kia, vốn người Pháp, ông thốt lên rằng: “Mais nooo, je veux du vrai!” (Không! Ta muốn một cái có thật!) Rốt cuộc tôi đã hiểu. Chân xác có thể là chân xác với gốc cội, hay trung thành với một mô hình. Với các nhà hiện sinh chủ nghĩa, chân xác hàm chỉ sự chân thật và thuần thành trong diễn đạt, trong việc ta đúng là chính ta. 
Đúng đó. Những học viên ballet trẻ tuổi chúng tôi dễ vướng bận với vẻ ngoài các bước nhảy, với sự hoàn hảo kỹ thuật, hay liệu chân và tay chúng tôi có lần theo đúng nét chuẩn dáng hay không. “Hãy là chính mình” là thứ bọn tôi chỉ làm vào ban đêm, ở các vũ trường, chứ chẳng ở trình diễn ballet chính quy trên sân khấu.
Chúng tôi đã sai. Lẽ ra chúng tôi nên hỏi mình câu: khi khán giả thưởng thức, một động tác du vrai hay chỉ đúng kỹ thuật hay đẹp mắt có gì khác nhau? Hiện tôi là một nhà tâm lý và khoa học thần kinh nghiên cứu múa từ góc nhìn khoa học. Các thí nghiệm của chúng tôi chỉ ra là có chứ, nhiều là đằng khác.
Cùng Manos Tsakiris, một nhà khoa học thần kinh công tác với tôi ở Viện Warburg, London, chúng tôi mời một nhóm vũ công trình diễn nhiều trường đoạn khác nhau. Mỗi trường đoạn được ghi hình hai lần, lần thứ nhất hoàn hảo về kỹ thuật, và lần thứ hai, nhập tâm và có hồn của người diễn trong đó, du vrai. Chúng tôi cho làm nhòe gương mặt họ trên video và chuyển các video sang trắng đen. Sau đó chúng tôi mời mọi người lần lượt đánh giá các màn trình diễn này, theo mức độ ưa thích của họ. Dĩ nhiên, chúng tôi chẳng hề cho họ biết sự khác nhau giữa chúng. Bạn đoán ra kết quả chưa? Nhóm tay mơ về ballet, tất cả họ đều chọn các động tác du vrai thay vì cùng các động tác được biểu diễn bằng kỹ thuật hoàn hảo.
vở Sehnsucht (Longing) diễn bởi Nederlands Dans Theatre ở London, 2014. Ảnh của Leo Mason.
Không nói về ballet nữa, thì trong mỗi chúng ta đều có một phần “mình” riêng tây. Cái tôi ấy chứa những ý nghĩ lẫn cảm xúc, tính cách, ước ao, mộng ước và sợ e đích thực, tất cả những gì khiến chúng ta là ta. Cái tôi đích thực ấy kỳ thực luôn hằng hữu, không dao động, và ai chú tâm đều có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, theo những giảng thuyết của nhà hiện sinh Đan Mạch Søren Kierkegaard, hầu hết mỗi chúng ta sống ra bề ngoài là một ai đó không phải là mình, một façade - tiền diện. “Mình không-phải-là-mình” là “mình” cộng thêm vào nhiều lớp quy củ xã hội bên ngoài, như một lớp men tráng, hòng khiến diện mạo bên ngoài cuốn hút hơn với kẻ khác và với chính mình. Tỉ như, cái nụ cười giả tạo mà ta quàng lên môi để chào một tên đồng nghiệp chẳng ưa thích gì ấy? Theo Kierkegaard và các hiện sinh giả khác, nụ cười ấy khiến ta suy đồi. 
Đánh giá khoa học đầu tiên về cười thật và cười ngụy cho ra kết quả là nụ cười Duchenne, cái tên chúng ta ngày nay vẫn gọi. Vào thế kỷ 19, nhà thần kinh Pháp Guillaume Duchenne nghiên cứu về sinh lý học nụ cười, phát hiện ra rằng nụ cười thật và nụ cười giả vận dụng các vùng cơ khác nhau trên khuôn mặt. Một nụ cười Duchenne-trân nâng hai bộ cơ, hai góc miệng (“cơ nâng gò má” hay còn gọi cơ gò má lớn giúp nâng khóe miệng lên), và khẽ chạm vào cơ quanh mắt (cơ vòng mắt - orbicularis oculi). Một nụ cười giả trân, một nụ cười trong quảng cáo kem đánh răng, không có mối tương tác này giữa hai nhóm cơ. Và vấn đề cốt lõi chính là: chúng ta không kiểm soát được chuyện này. Nụ cười thật vận dụng cơ mặt khác với cách chúng ta gượng cười. Theo các thí nghiệm tâm lý hiện đại ngày nay, khi được yêu cầu đánh giá độ chân thành, họ phân biệt khác biệt giữa hai kiểu cười chỉ trong tích tắc, thậm chí còn không để ý khác nhau trong vận dụng cơ bắp.
Các nhà khoa học thần kinh nghiên cứu những diễn biến trong não mỗi khi chúng ta nhìn thấy các nụ cười đích thực, và các nụ cười giả trân: não chúng ta nắm bắt các thay đổi vi tế ấy cực tài tình! Quá trình này cũng vận hành ở chiều ngược lại: những người bơm botox vào mặt để có façade trơn láng hơn cũng đồng thời khiến cơ vòng mắt không hoạt động được. Nghĩa là họ không thể cười tự nhiên như trước nữa.
Cơ vòng mắt hết sức quan trọng đối với nhiều biểu hiện cảm xúc tự nhiên. Năm 2011, hai nhà tâm lý học David Neal và Tanya Chartrand thuộc ĐH Nam California và ĐH Duke so sánh một nhóm phụ nữ đã tiêm botox với một nhóm chưa tiêm. Họ yêu cầu cả hai nhóm nhìn vào ảnh chụp của nhiều người, và đánh giá mức độ biểu cảm trên hình họ nhìn thấy. Bạn đoán ra chứ? Nhóm tiêm botox không còn cảm thấy đủ mạnh mẽ cảm xúc của người khác. Nhiều nghiên cứu khác cũng công nhận và còn mở rộng thêm các kết quả tìm kiếm. Người có cơ vòng mắt và các cơ mặt khác không còn hoạt động trải qua một sự san phẳng trong đời sống cảm xúc. Những gì còn sót lại chỉ là một lớp tráng bên ngoài không còn khả năng biểu cảm du vrai.
Ngôn ngữ cơ thể của ta cũng phản ánh cái tôi tự nhiên. Một chùm nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ con và người trưởng thành có thể phân biệt rất tài các biểu hiện tự nhiên hay không tự nhiên của cảm xúc. Điều này thậm chí vẫn đúng khi các nhà nghiên cứu loại bỏ hết mọi thông tin trên video, và người xem chỉ có thể nhìn các hình dạng đốm chuyển động trên màn hình.
Khả năng thể hiện tự nhiên trong chuyển động cho thấy những phẩm chất sinh học sâu xa hơn mà từ ngoài nhìn vào sẽ vô cùng khó hiểu. Các nhà nghiên cứu sử dụng nhảy múa tự do để đánh giá ngôn ngữ cơ thể tự nhiên, không vướng bận của con người. Một nghiên cứu như thế, khi phụ nữ được mời xem các video múa, nam giới được đánh giá giỏi nếu chuyển động của họ cho thấy sức khỏe và sức mạnh.
Ngắn gọn là, người ta có thể nói ra những lời có cánh trong khi chính ngôn ngữ cơ thể của họ lại chuyển tải một câu chuyện hoàn toàn khác vào trong não. Rất nhiều nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng chúng ta đưa ra phán xét về người khác chỉ trong tik tok, à tích tắc, và thường đúng. Có gì đó ta thấy không ổn ở người kia? Có lẽ bộ não của chúng ta thông báo rằng ở biểu hiện của họ toát ra một điều gì đó không thành thật.
Rõ ràng, cuộc sống ngày nay bắt buộc tuân thủ các quy chuẩn nhất định, các lề luật giúp chúng ta chung sống yên ổn với nhau, sao cho tự do của tôi không xâm phạm tự do của bạn. Tuy nhiên, đôi lúc các quy chuẩn và luật lệ này xâm lấn ngược lại, và hành vi của chúng ta trở thành một màn trình diễn không ngừng, một sự giả trân chẳng còn mấy liên quan tới suy nghĩ và cảm xúc đích thực của chúng ta.
Tấn trò người có không ít gắn ghép với cách bộ não chúng ta vận hành. Trong thời Đồ đá Cũ, khi người hiện đại vẫn còn tiến hóa, chung sống hoàn toàn hợp lý. Sở hữu một bộ não mong mỏi được thuộc về tập thể giúp tổ tiên của chúng ta khỏe hơn và dễ bề sống sót khi bị tấn công, trong giá lạnh hay các nghịch cảnh khác. Ngoài ra, ở mức độ sinh học cơ bản, cơ thể chúng ta cần giao tiếp cộng đồng. Chúng ta cần sự gần gũi về thân thể để duy trì cân bằng nội sinh, tức sự cân bằng tâm sinh lý. Những cái ôm, vuốt ve, những nụ cười và liếc mắt đều là các tín hiệu sinh hóa gửi đến bộ não, giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn và kích hoạt cơ chế thư giãn của cơ thể. Khoái cảm và cảm giác thư thái đến từ giao tiếp đích thị là kết quả của các quá trình sinh hóa.
Nhờ cốc-tail hormone thần kinh cầu kỳ của các hormone gắn bó, bộ não chọn thích và gắn bó với những ai đi đứng giống với ta, trông giống ta, và thích thứ giống ta. Thực tế, bộ não của chúng ta có sẵn khuynh hướng tìm tới sự dễ chịu, thoải mái. Khi hành xử bên trong các chuẩn mực tập thể, hệ thống khen thưởng của chúng ta được kích hoạt. Hệ thống thúc đẩy bộ não chúng ta giả vờ, không có gì khó đoán. Chúng ta cảm thấy khoan khoái mỗi khi làm đẹp lòng bè bạn. Não chúng ta, theo nghĩa đen, có một phần cứng để kết nối với người khác, để tuân thủ và thích nghi.
Nhưng đôi lúc chúng ta làm quá. Liên kết não-hệ thống, tuân thủ-khen thưởng có thể đưa chúng ta ra khỏi chính mình quá xa; khi bỏ ra quá ít thời gian vào le vrai, ta có thể tạo ra một hố khoảng cách, giữa con người thật và hình ảnh dàn dựng.
hình ảnh từ thí nghiệm của Duchenne
Đây là lúc các nhà hiện sinh như Kierkegaard, Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir và Martin Heidegger thét gào như muốn chúng ta phải hiểu việc hành xử đúng theo bản thể thật của chúng ta là cách sinh và tồn tự nhiên nhất. Nhưng họ có đúng? Có hay không những lợi ích đích thực cho những ai muốn thu ngắn khoảng cách giữa chúng ta và hình ảnh ta bày ra trước kẻ khác? Một nghiên cứu tâm lý quan trọng chỉ ra câu trả lời là có. 
Tồn tại hai mức khác nhau của sự thuần khiết - cảm nhận chủ quan của chính chúng ta về bản ngã và cảm nhận từ người khác; nếu ta không thành thật với bản thân, ta cũng không thành thật với người khác. Bằng chứng thực tế cho thấy những ai thôi thúc mãnh liệt bởi các tín hiệu “ngoại cảm” từ môi trường bên ngoài hơn tín hiệu “nội cảm” từ cơ thể có nhận thức cảm xúc nghèo nàn hơn, kém kỹ năng ứng phó hơn, và rủi ro bị căng thẳng, rối loạn ăn uống và các rối loạn khác cao hơn so với những người chú trọng vào các tín hiệu nội cảm, những người lắng nghe cái tôi bên trong của họ. Trong một nghiên cứu, nhà khoa học Yona Kifer và đồng nghiệp người Israel chỉ ra rằng chỉ riêng việc nhớ lại những lần ta thành thật với bản thân trước đây, kể cả những khoảnh khắc khi ta hoàn toàn cảm thấy trọn vẹn và đúng nhất với chính bản thân mình, đều gắn với sự gia tăng đáng kể sức khỏe và hạnh phúc.
Dĩ nhiên, một số bộ não sẽ xác định ra le vrai tốt hơn số khác. Nội cảm là một trạng thái cảm nhận bắt lấy các tín hiệu cơ thể bên trong, và mách bảo tâm trí có ý thức của chúng ta điều gì đang diễn ra, từ hòa hợp theo nhịp tim, đau và nhói tới biên độ cảm xúc. Các nhà tâm lý đôi khi gọi khả năng này là giác quan thứ sáu.
Nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ mạnh mẽ giữa khả năng xác định các tín hiệu nội cảm trong cơ thể với khả năng xác định và nhận ra chính xác cảm xúc của ta và biểu đạt cảm xúc từ người khác. Chúng ta khác nhau vô cùng trong mức độ nhận dạng các thông điệp mã hóa phát ra từ cơ thể. Đánh giá rõ hơn điều này, các nhà nghiên cứu sử dụng “tác vụ xác nhận nhịp tim”. Giờ đây đo đếm được độ nội cảm chính xác của bất kỳ ai đã trở thành một tiêu chuẩn vàng. Người tham gia thí nghiệm được yêu cầu đếm nhịp tim, mà không nhấn mạch cũng không biết sẽ đếm trong bao lâu. Đồng thời, nhà nghiên cứu kiểm soát kiểm soát số nhịp tim thông qua các điện cực gắn lên ngực người tham gia thí nghiệm. Số nhịp đếm được sau đó sẽ được so sánh với số nhịp tim trên thực tế, từ đó sẽ tạo ra một chỉ số để đo lường mức độ hòa hợp của cá nhân với tín hiệu bên trong cơ thể họ, và cách làm này được đóng nhãn “độ chính xác của nội cảm”.
Bằng chứng thực nghiệm chỉ ra rằng độ chính xác càng cao càng có thể xem như một ưu thế. Cách chúng ta hòa hợp với cơ thể mình chi phối cách ta hiểu các tín hiệu do ta thể hiện và các tín hiệu phát ra từ cơ thể một ai khác. Trong một thí nghiệm nhận diện cảm xúc điển hình, người tham gia được yêu cầu nhìn một loạt hình ảnh hay video trong đó diễn viên sẽ thể hiện các biểu cảm cảm xúc khác nhau. Sau đó họ được yêu cầu đánh giá cảm xúc thấy được càng sớm và càng chính xác càng tốt. Nghệ sĩ, vũ công và nhạc công thường sẽ giỏi hơn người bình thường chưa từng chịu rèn luyện ở khoản này, cho thấy có lẽ quá trình đào tạo về biểu đạt cơ thể mà những nghệ sĩ này kinh qua khiến họ có thể hòa hợp dễ dàng hơn với biểu cảm của người khác.
“Trống daf [một loại trống Ba Tư] khiến tôi thăng hoa, và tombak [một loại trống khác] mang tôi trở về với chính mình. Tôi cảm thấy quen thuộc như hơi thở,” nghệ sĩ Mohammad Reza Mortazavi chia sẻ. “Khi chơi, tôi chơi bằng tai, bằng trái tim, chứ chẳng bằng nốt nhạc. Tôi không muốn kiểm soát âm nhạc, mà âm nhạc kiểm soát tôi, nó là tôi.”
Khi nghệ sĩ giao tiếp với nghệ thuật, họ đào sâu, đi vào cái “tôi” thực sự của mình, không bị ràng buộc bởi các quy chuẩn xã hội, không bị tổn thương và hờ hững bởi những gian khó của đời sống hàng ngày.
Đương nhiên, đôi khi thời thế tạo anh hùng, gian nan tạo cơ hội. Thời buổi khó khăn có thể tuốt đi mọi lớp lang bề mặt - nụ cười giả trân, lời chào hỏi kém chân thành dành cho những ai ta chẳng muốn gặp gỡ. Nỗi đau nhói khi thế giới của mình rạn vỡ đôi khi cũng đủ để gợi ra “tôi” thuần khiết nhất và tạo tiền đề cho cái tôi thực sự.
Đây là năm 1985. Chúng ta hiện đang ở giữa một ngôi làng ở Costa del Sol ở Tây Ban Nha. Lúc này là tháng Tám - nghĩa là nhiệt độ buổi chiều là 40 C. Một người đàn ông, trông hơi rối bời, đang từ ngôi nhà của ông ở Calle Mariposa nhìn ra. Đó là một ngôi nhà tuyệt đẹp. Một mảnh vườn cắt tỉa gọn gàng và những hàng cọ lộng lẫy điểm trang con đường dẫn vào cánh cổng to bằng gỗ. Nội thất trắng toát trong khu vườn được bố trí dịu dàng bên dưới bóng một cây vả to. Cảnh quan này thể hiện sự giàu có sung túc. Vậy mà cánh cổng sắt khổng lồ bị khóa, và chìa khóa của ông dường như không khớp.
Ông không biết sắp sửa xảy ra chuyện gì. Ông là một kiến trúc sư thành công, một người Hà Lan sống ở nước ngoài, người đã tạo dựng một cuộc sống mới dưới ánh mặt trời xa xăm cùng người vợ xinh đẹp. Ông nhanh chóng trở thành một cá nhân được nể trọng và uy thế trong ngôi làng đang sống, và mọi người đều biết rõ công trình của ông. Cho tới hôm nay.
Sáng nay ông rời nhà để thực hiện những công việc hàng ngày và giờ đang trở về nhà để yên giấc ngủ trưa dưới bóng cây, trước các cuộc hẹn ban chiều.
Ông bấm chuông cửa nhiều lần. Vợ ông có vẻ cũng không có nhà. Lạ nhỉ. Bà thường hay chờ ông về cùng vào quãng thời này. Thế là, thay vì vào nhà, ông tới quán nước ở góc phố. Đây là quãng thời gian trước khi có di động, do đó chẳng còn gì khác ngoài việc ngồi và chờ đợi. Để nhâm nhi cà phê, như cánh đàn ông Tây Ban Nha vẫn hay làm suốt tháng Tám nóng rát. Ông uống hết ly này tới ly khác. Vì không mang tiền, ông ghi sổ. Sẽ thanh toán sau.
Rồi ông quay về cổng trước nhà, nhưng ngôi nhà nó vẫn trống trải. Vợ ông không về. Tối đó cũng không. Hôm sau cũng không. Thực sự, bà còn không ở Tây Ban Nha nữa. Nhưng, vào thời điểm đó, vị kiến trúc sư không hề hay biết. Ông ra gặp cảnh sát. Ông bắt đầu lo lắng có điều chẳng lành gì đó xảy ra với bà.
Sĩ quan cảnh sát không hỏi “Bà nhà mất tích đã bao lâu?” hay “Ông có thử gọi bạn bè và gia đình của bà ấy không?”
Trái lại, anh ta hỏi vị kiến trúc sư một câu rất đỗi lạ lùng: “Có chắc đó là nhà của ông không?”
“Dĩ nhiên là nhà tôi rồi,” kiến trúc sư xua đi câu hỏi nghe cứ như một câu đùa dở tệ, và điền hết hồ sơ thông báo mất tích. Khi ấy, ông không hề nhận ra những cái ngọ nguậy vi tế quanh cơ miệng và khóe mắt của viên cảnh sát đang tố cáo cảm xúc thật sự của anh ta.
“Rõ ràng hắn ta biết gì đó - khi ấy đã biết rồi,” Joe (không phải tên thật) cho biết, vào thời điểm ngày nay. Có gì đó chẳng lành. Nhưng khi ấy Joe lại vẫn chưa nhận ra.
Nhiều người sinh sống trong ngôi làng bắt đầu trở mặt với Joe trong nhiều ngày và nhiều tuần kế tiếp, khúc khích cười nhạt trước cớ sự của ông mỗi khi nhìn thấy và bước qua, giả lả những nụ cười ngọt lịm. Joe tự nhủ tất cả rốt cuộc chỉ là một sự hiểu lầm to tát, rồi sẽ ổn. Nhưng nhoẻn cái nụ cười tự tin - bao dung trên mặt ở lần đầu ông đặt chân tới ngôi làng này, để ra tín hiệu: “Tôi là người lạ nhưng cũng là bạn của quý vị.”
Suốt một tuần Joe bí mật ngủ ngoài chỗ đụn cát ngoài biển - vẫn đủ ấm về đêm. Ông vẫn có thể ăn qua loa món gì đó ở các nhà hàng trong vùng lúc này sang lúc khác, cứ ghi sổ. Mỗi sáng, ông tắm biển.
Joe đổ bệnh vì lo lắng về người vợ của mình tới khi một họ hàng xa quen biết với bà báo tin tới ông. “Đừng có ngốc nghếch. Vợ ông đã lừa ông rồi. Còn nhớ ông đã đồng ý cho bà ấy quán xuyến các công việc hành chính không? Giờ thì ngôi nhà đứng tên bà ta. Tài sản của ông cũng vậy. Ngôi nhà của ông đang rao bán và ả ấy đã sang Barbados với nhân tình mới rồi.”
Còn có cả tiệc chia tay với vài người bạn chí cốt nữa cơ.
Chuyện gì xảy ra thế này? Một lời giải thích đó là, trong mọi sự giả vờ ở đây, cái phần trưng trổ, cái façade của ngôi nhà xinh xắn kia, Joe mất kết nối với chính con người của mình. Và một giải thích khả dĩ hơn chính là sự cô lập ra khỏi bản thể xảy ra với rất nhiều người chúng ta, trong tư cách những người nước ngoài sống giữa các nền văn hóa khác xa văn hóa của chúng ta. Khi cố sức gắn bó với cộng đồng, cố làm đẹp lòng những người xung quanh, chúng ta đánh mất kết nối với mạng văn hóa trước kia từng làm nên chúng ta - và khi ấy, chúng ta mất luôn kết nối với chính mình.
Joe đã dụng công gia cố cái lớp khoác bên ngoài quá nhiều, và vô tình làm suy yếu đi khả năng phát hiện các tín hiệu về sự chân thành của không gian giao tiếp bên ngoài của ông. Vợ của Joe ngoại tình, nhà thì bán đi, và dân làng không thật sự coi trọng ông. Họ cứ tát nước theo mưa chừng nào ông hãy còn làm trò cho bọn họ. Chắc chắn từng có các dấu hiệu cảnh báo. Không ít nghiên cứu khoa học thần kinh cho thấy bộ não đón nhận các dự định lừa dối trong quãng tính bằng mili giây. Nhưng Joe lại không.
Không hề hay biết, chúng ta nhận tính hiệu thông qua sáu kênh khác nhau cùng lúc: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và cảm giác. Sử dụng thông tin được chuyển về không ngừng từ thế giới giao tiếp và sinh sống xung quanh, bộ não của chúng ta đích thực là một cơ quan phát hiện du vrai xịn sò.
bức 6th Sense của Cristian Blanxer
Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia lắng nghe các sample giọng nói có cảm xúc thật, cùng các sample diễn. Trong các bản quét não, họ tìm thấy chỉ có những biểu cảm chân thành mới kích hoạt mạch não tham gia vào quá trình nhận dạng tâm trí của đối phương. Khi biểu cảm được diễn, khung nhận thức này bị đóng, tức các vùng thần kinh bị đóng lại. Một nghiên cứu khác so sánh giọng nói trong tâm trạng thành khẩn trích từ vô tuyến với giọng diễn bởi diễn viên và người bình thường. Người tham gia đánh giá giọng nói từ vô tuyến thành thật hơn nhiều. Một thuật toán cũng nhận ra điều tương tự, và cho thấy các biểu cảm của cảm xúc được diễn sẽ một hình dạng xướng ngôn khác với các biểu hiện chân thành. Và đó là lý do giải thích vì sao chúng ta mỗi người đều được mã hóa khác nhau từ cấp độ sinh lý cơ bản của não bộ.
Stephen Porges, một nhà khoa học thần kinh ở ĐH Indiana, cho rằng tâm sinh lý của cơ thể chúng ta được dung hòa trực tiếp từ chính môi trường chúng ta giao tiếp. Một đường liên kết chạy từ não xuống cơ mặt, gồm các cơ kiểm soát việc diễn đạt cảm xúc và giao tiếp bằng mắt. Chẳng hạn, ở Costa del Sol xứ Tây Ban Nha, các cử chỉ khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của viên cảnh sát kết nối trực tiếp với hệ thần kinh của Joe - khiến các cơ vân trên mặt của Joe như phản chiếu cực kỳ vi tế điều viên cảnh sát đang thật sự cảm thấy, truyền tín hiệu ấy tới não của Joe. Não Joe phát hiện ra sự bất xứng - và xem nó như một cảm giác bất an trong dạ đã có chuyện gì đó không hay, kể cả khi ông không thể nói vì sao như vậy. 
Hay có lẽ đó là cú bắt tay khi Joe vào đồn cảnh sát? Một cái bắt tay chỉ trong ít giây có thể mách bảo cho chúng ta nhiều thông tin hơn cả năm phút chuyện trò. Đây là bởi va chạm là một công cụ chuyển tải thông tin giao tiếp mạnh mẽ thông qua các sinh hóa chất được truyền dẫn qua tiếp xúc với da, chẳng hạn androstene và các phân tử tín hiệu khác thông báo các cảm xúc từ sợ hãi đến tởm lợm. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu thu thập mẫu mồ hôi được hiến sau khi người tham gia vừa trải qua các cơn kinh tởm và sợ hãi. Một nhóm tham gia nghiên cứu khác được mời ngửi các mẫu mồ hôi này. Trong lúc đó, các nhà nghiên cứu đo đạc hoạt động của cơ mặt bằng điện cơ đồ, một kỹ thuật sử dụng điện cực gắn trên mặt để phát hiện những cú co giật yếu ớt nhất. Ngạc nhiên thay, thiết bị ghi nhận cho thấy sự trùng khớp giữa các biểu hiện trên khuôn mặt và phản ứng tương ứng với hai trạng thái: kinh tởm và sợ hãi. Liệu viên cảnh giác có ngửi thấy nỗi sợ của Joe không?
Ấy vậy mà việc Joe không sao tìm tới được sự thật chính là báo hiệu cho một xu hướng mà ngày nay chúng ta chứng kiến online. “Chúng ta sống trong một xã hội vận hành bởi hình ảnh và vẻ ngoài hơn bao giờ hết,” Tsakiris, một triết gia cũng là một nhà khoa học thần kinh, cho biết. Chúng ta không biết liệu tác động về lâu về dài của cái xu hướng này lên tâm lý chúng ta rồi sẽ ra sao. Sự sẵn tiện về công nghệ dành cho tối ưu hóa hình ảnh và video và cả sự thao túng, chúng hết sức quyến rũ và bất tận. Nhưng chúng ảnh hưởng tới bộ não con người chúng ta ra sao? Thật sự chúng ta vẫn chưa biết. 
Khi đắm mình vào thời trang, sắc đẹp và tự ca ngợi bản thân trên mạng xã hội, cũng là lúc diễn ra nhiều quá trình tâm lý và sinh học quan trọng. Hình thái tiếp xúc ấy chú trọng hoàn toàn vào hình ảnh của bản thân và vào phản ứng của thế giới bên ngoài trước hình ảnh ấy. Một số người chụp selfie khi lái xe, đôi khi ngộ sát người đạp xe và bộ hành xung quanh. Những tai họa ấy đến từ tay những con người bình thường, có nhận thức lẽ ra sẽ được dìu dắt bởi lòng cảm thông không hề muốn gây hại tới kẻ khác bằng mọi giá.
Nghiên cứu hòng đánh giá về các hoạt động hướng sự quan tâm của chúng ta vào các chiều không gian bao ngoài của hình ảnh ra saovà địa vị làm giảm khả năng cảm thông và kết nối chưa-bao-giờ-kém-quan-trọng với lãnh địa nội cảm của chúng ta, đó là chuyện của tương lai.
Rõ ràng chúng ta càng chân thành với nhau thì xã hội càng tốt đẹp. Năm 2012, nhà tâm lý Diana Pinto cùng các đồng nghiệp ở ĐH Leicester, Anh, yêu cầu người tham gia thí nghiệm điền một bảng câu hỏi tìm hiểu về độ thành thật trong cuộc sống của họ, bằng các lựa chọn như: “Tôi không biết mình đang cảm thấy gì,” và “Tôi thường làm theo ý họ bảo,” hay “Tôi luôn giữ vững lập trường.” Khi gặp phải những hành vi bất công ở nửa sau của nghiên cứu, những cá nhân thấu hiểu bản thân hơn cũng phản ứng ít gay gắt hơn.
Có lẽ điều này xảy ra vì cảm giác ta được là chính mình khiến họ cảm thấy mình được trọn vẹn về đạo đức hơn. Quả thật, một nghiên cứu năm 2015 bởi nhà khoa học hành vi Francesca Gino, trường Harvard Business, và đồng nghiệp chỉ ra rằng cảm giác ta không được là chính mình làm con người cảm thấy bất ổn về tâm lý, thậm chí cảm thấy một sự kém thuần khiết, và khiến họ dễ tìm tới các hành vi bù đắp, chẳng hạn liên tục tắm rửa. 
Không khó để hình dung, trong sự vụ của Joe, nhà cấp nước hẳn cũng nhận ra lượng nước tiêu thụ khác thường ở nơi ông từng sống. Có thể dân làng xung quanh cảm thấy thôi thúc muốn rửa tay thường xuyên hơn? Có lẽ có cả một cú huých mọi người tìm tới thánh lễ, thậm chí đóng góp Caritas (tổ chức phi chính phủ xóa đói giảm nghèo) nhận được cũng cao hơn trước.
Nghệ sĩ rock Jim Morrison từng tuyên bố rằng: “Hầu hết mọi người yêu mến ta vì cái kẻ mà ta đang giả vờ. Để họ tiếp tục yêu thương, cứ tiếp tục sống giả - cứ tiếp tục diễn đi.”
Joe cảm nhận điều này ngay tức khắc. Ông mất tất cả. Nỗi đau khi hay tin, và nỗi sợ điều sắp sửa xảy ra với mình, đau tận tâm can. Nó xảy đến từ bên trong ông, xé toang lồng ngực, rút sạch không khí. Không hề có dù chỉ một ý nghĩ nào dành cho ngoại hình và nỗ lực chan hòa với cộng đồng nữa. Toàn bộ con người của ông chuyển vào trong, khiếp hãi trước chấn thương vừa trải qua, và tê liệt trước viễn cảnh trống rỗng trong tương lai.
Joe nhớ lại chuỗi ngày bi đát này trong thoáng mơ hồ. Chỉ có một ký ức rõ nét ám ảnh ông tới tận ngày nay: băng qua ngôi làng theo hướng ngược với tất thảy mọi người, về quảng trường trung tâm tham dự Lễ Đức Mẹ Thăng Thiên ngày 15 tháng Tám. Mọi người khó chịu khi phải nhường đường cho ông, bởi ông đi ngược lại với họ, hay (có lẽ) bởi họ cũng muốn làm điều tương tự nhưng không dám.
Nhưng Joe đã đổi hướng. Ông bắt đầu lắng nghe tiếng nói bên trong. Trong thâm tâm, ông hoảng hốt, buồn bã và thấy mình bị lạc dòng lần đầu tiên trong đời.
Ông luôn là kẻ chiến thắng. Mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió. Ông lao động cật lực, có vợ đẹp, con ngoan. Joe chẳng nhận ra rằng, cạnh bên thế giới kia, còn một thế giới song song dung chấp ông chừng nào ông còn tiền của để mua vui cho bọn họ.
Giờ ông thấy mình khác gì một con cá nhỏ vò võ giữa đại dương. Không nhà. Và bao quanh bởi những con cá khác to lớn và bẩn thỉu hơn mình. Chúng hết thảy đều bơi theo phương ngược lại, vồ vập cắn xé nhau và cắn xé cả ông, miệng vẫn giương lên những nụ cười giả trá. Ông lúc nào cũng nhìn thấy chúng, nhưng chúng hãy còn chưa dám ra tay. Giờ thì ông thế cô, chúng sáp lại gần.
Nhưng Joe không nhụt chí. Ông tìm thấy một cách khác: vẽ tranh, một thói quen luôn giữ chân ông, về những xúc cảm chân thành, ít giả tạo nhất có thể. Joe tạo dựng một hiện hữu mới từ con số không. Thoạt tiên, ông cậy vào Caritas, tổ chức tuyệt vời dành cho những ai cần cưu mang cứu giúp. Sau đó, định mệnh. 
Một ngày mưa tháng Mười Một, ông tìm thấy một khung tranh mạ vàng đẹp đẽ tại một bãi rác ở góc phố. Nó tựa như một khung hình đóng băng các nghĩ suy của Joe. Ông nán lại đó, bất động dưới cơn mưa. Càng nhìn vào khung tranh, ông thấy nó dần trở thành một bể cá đối với tâm hồn mình, ông nhìn lũ cá bơi bên trong, táp lấy nhau. Và rồi có một con cá trông khác đàn cá còn lại, chậm chập bơi ngược dòng, vẫn ra vẻ hài lòng.
Joe nhặt khung tranh và treo nó lên tường ký túc nơi ông sinh sống. Hàng ngày ông ra ngoài để tìm khắp các bãi rác ở góc phố các món còn sử dụng được và bán cho chợ ve chai. Rồi ông dành dụm đủ tiền, để mua họa cụ. Rồi ông bắt đầu vẽ cá. Ông thấy yên bình mỗi khi ngồi bên chú cá nhỏ bé sau toan vẽ, khi lũ cá dần trở nên sống động, bơi lượn giữa các công việc hàng ngày, một số nhe răng cười nhăn nhở, số khác giả tạo, và một số chỉ duyên dáng quẫy đuôi theo cách rất riêng của chúng.
Sau ít lâu, ông mang một ít tranh vẽ cá cỡ nhỏ đến chợ ve chai và bán đi, thành tựu đáng kể. Mọi người dường như trông thấy mình trong đó: một con cá tử tế, lạc loài, bơi hạnh phúc ngược lại với dòng cá lũ lượt nhe răng nham nhở hay táp tợp lẫn nhau. Hãy khác biệt, hãy hạnh phúc trở thành châm ngôn của Joe. Ông viết câu ấy ra tranh, và mọi người thích thú.
Ông dành dụm được nhiều tiền hơn và vài người thân thiện cho ông thuê nhà, rõ là “chỉ vừa đủ để sống”, còn Joe lại biến nó thành mái ấm, dần dà, mỗi ngày một chút, lang thang trên phố và hẻm hóc để tìm rác rến có thể tái sử dụng. Kiến thức thủ công ông có ngày trước khi còn là kiến trúc sư trở thành một tài sản hoàn toàn mới, để tạo cho ông một cơ sở sinh tồn: nghệ thuật.
Gian nan có thể đưa chúng ta về lại con người uyên nguyên của mình, miễn chúng ta cứng cỏi để có thể hồi sinh. Nhưng còn một cách khác dịu dàng hơn. Nghệ thuật! Vẽ tranh, điện ảnh, múa, tượng tạc, thơ, truyện kể, kiến trúc - tất cả đều có quyền năng khiến ta xúc cảm, khiến ta cảm thấy nhỏ nhoi, hoang mang tột cùng, buộc chúng ta phải nghĩ lại… và cảm nhận lại.
Một nghệ phẩm có thể có tác động biên cải cuộc sống. Lĩnh vực nghiên cứu đa ngành của bộ môn mỹ học thần kinh nghiên cứu về “các cảm xúc mỹ học” - những cảm xúc chúng ta có được khi trải qua các biến cố thường thấy trong đời, nhưng đặt trong tương quan với nghệ thuật: sợ hãi, phân vân, cảm thông, thương tâm, kính sợ. Ngoài ra, nghiên cứu về lĩnh vực này còn chỉ ra rằng nghệ thuật kích ứng một cơ chế sẵn có trong não chúng ta giúp ta nhận được vui sướng, hưng phấn và các cảm xúc mỹ cảm khác kể cả từ các biến cố tiêu cực vốn thường chỉ gây ra căng thẳng.
Hãy thử nghĩ về Guernica của Picasso, Tiếng thét của Edvard Munch, hay bộ phim gây cấn bạn vừa mới xem trên TV đêm trước. Khi một tác phẩm nghệ thuật chạm vào chúng ta, bất chợt nảy ra một cảm xúc, một ký ức về “tôi”. Để trở về cái uyên nguyên bản chất, ta có thể sử dụng nghệ thuật như một chiếc búa tạ, như trong bộ phim The Idiots của Lars von Trier, hay một thếp cọ mềm mại, như Solaris của Andrei Tarkovsky, hồi sinh các giác quan của chúng ta. Von Trier nói rất đúng: “Một bộ phim nên giống một hòn đá vướng trong giày,” nhắc nhớ về cái con người mà chúng ta phủ đậy bên trên.
Nghĩ thử về múa xem. Nhà khoa học thần kinh Dong-Seon Chang kể lại dịp ông được chứng kiến màn trình diễn tác phẩm múa do Ohad Naharin biên đạo theo ca khúc Echad Mi Yodea, diễn bởi đoàn múa Batsheva ở Israel. Tất cả các vũ công đều múa hệt nhau, trang phục như nhau, biểu cảm gương mặt như nhau. Cứ thi thoảng, một người sẽ tách khỏi đoàn, nhưng ngay sau đó được nạp trở vào. Dong-Seon chia sẻ sự xúc động sâu sắc khi ông chứng kiến màn trình diễn này, mà theo ông hiểu là lời kêu gọi mọi người hãy tuân thủ theo tập thể. Khi còn bé đến trường, ông đã đau đớn buộc phải mặc quần áo, ăn uống và nói y hệt mọi người khác. Vở múa này khuấy động ký ức ấy, và khiến ông nhớ nhớ mình là ai.
Với một người Đan Mạch như tôi, nghịch lý thay, nhạc tango Argentina từ thập niên 30 và 40 chính là thứ nghệ thuật mang tôi trở lại với chính mình. Sau một tai nạn khiến sự nghiệp ballet chuyên nghiệp của tôi dang dở, tango Argentina từ thú tiêu khiển trở thành thuốc trị tâm bệnh cho tôi, một chiêm nghiệm về chuyển động. Hễ bắt đầu cảm thấy tệ hại đi bởi sức ép tuân thủ và thiên kiến không-từ-chối bắt buộc để tồn tại trong thế giới học thuật hàn lâm, tôi thoát ly vào một milonga, một trong những sinh hoạt múa tập thể sắc đỏ sắc vàng diễn ra mỗi buổi tối khắp trên thế giới. Khi nhảy, tôi nối kết trở lại với con người mình suốt ba phút mỗi bài tango. Giờ đây, giữa giãn cách xã hội và phong tỏa do đại dịch, khi không cuộc nhảy công cộng nào có thể xảy ra, chuyển sang một khúc tango cũng gợi lên trong tôi những mỹ cảm kia, và mang lại dạt dào cảm xúc về “mình”.
Đương nhiên, trở thành chính mình vẫn chưa đủ. Tồn tại một lằn ranh mong manh giữa việc là chính ta và, chẳng hạn, ái kỷ. Tôi có một giáo viên dạy nhảy rất yêu thích. Tôi không tiện nhắc tên ông ở đây. Ông là một ngôi sao ở Mỹ. Phong cách của ông riêng có theo mọi nghĩa của từ này. Con người này đã dạy tôi tất cả, mở ra cả một thế giới mới trước mắt tôi, mách tôi biết những bí ẩn về chuyển động và về âm nhạc, mọi thứ ông có thể sẻ chia. Sống ở nước ngoài, tôi nhớ xiết bao các lớp học ấy, và tôi nhớ xiết bao những người cùng theo học vị thầy này.
Nhưng. Có một chữ nhưng (và vị giáo viên này đang mất đi rất nhiều học viên bởi chữ nhưng kia). Như nhiều nghệ sĩ thành danh, ông khổ sở với việc tuân theo tập quán xã hội, với sự thích nghi. Cảm thức ấy có thể khiến chúng ta nổi xung, cảm thấy không ai hiểu mình, và có thể phải vận dụng rất nhiều công sức chỉ để duy trì “cái tôi” chân chính. Đôi khi, những con người ấy vượt quá giới hạn, khi trở nên tự vệ và hung hăng thái quá. Và rồi, kỳ thực là, hành vi bảo vệ biên lãnh của thế giới nội tâm họ có bên trong dường như thật ái kỷ.
Aristotle trao cho chúng ta công thức để hành động đúng. Hãy chân thành với bản thân, nhưng chỉ về mặt đức hạnh. Theo ông, nghệ thuật nên được thi triển trong bối cảnh thói quen tích cực, và thay đổi tích cực sẽ nhẹ nhàng xung tỏa qua mọi lớp lang của cuộc sống chúng ta. Do đó, với Aristotle, nghệ thuật là khối tảng quan trọng của một đời sống hạnh phúc, thuần khiết.
Joe tập yoga mỗi sáng từ 6 tới 7 giờ, uống cam vắt và cafe sữa, ăn bánh sừng trâu ở cửa tiệm gần ngôi làng Santanyí quê nhà, và rồi vào xưởng, vẽ tranh, sáng tạo, suy nghĩ, tưởng tượng. Cho chính ông, cho bạn, cho tôi, cho mọi người chúng ta. Để chăm nom chính mình, và bất kỳ ai nhã ý kiếm tìm, để kết nối trở lại với phần “ta” thuần khiết trong họ.
Đây là một thói quen tích cực.
Có thể bạn sẽ nói rằng: “Nhưng ông ấy là nghệ sĩ chuyên nghiệp, còn tôi vẽ thế nào?” Thực tế nghiên cứu về các hiệu quả sinh hóa trên sức khỏe của nhiều loại hình nghệ thuật như múa, âm nhạc và vẽ tranh chỉ ra rằng các sinh hoạt chuyên nghiệp và ganh đua khá kém lành mạnh nếu chúng ta không biết cách kiểm soát. Mặt khác, các sinh hoạt nghệ thuật mà chúng ta theo đuổi như thú vui cá nhân lại có tác động tích cực về sức khỏe, từ làm giảm hormone gây căng thẳng đến cải thiện giấc ngủ.
Ngoài ra, các phép đo dài hạn chỉ ra rằng, với nhiều người, thưởng thức nghệ thuật trong vai trò khán giả tại một bảo tàng, một rạp phim hay một nhà hát opera còn gia tăng sức khỏe và hạnh phúc. Chìa khóa ở đây nằm ở chỗ chúng ta tiếp xúc với nghệ thuật, trong tư cách khán giả hay kiến tạo, và để nghệ thuật lay động, khuấy lên những cảm xúc thưởng thức trong ta, cũng là lúc chúng ta trên con đường tìm lại bản thân.
Aristotle nói rằng: “Mục tiêu của nghệ thuật không phải để đại diện cho vẻ ngoài của mọi vật, mà cho ý nghĩa nội tại của chúng.” Hàng thiên niên kỷ sau, vũ công ballet người Pháp Sylvie Guillem nói rằng: “Hoàn hảo về kỹ thuật không thôi chưa đủ. Nó tựa như đứa trẻ mồ côi thiếu vắng linh hồn của một vũ công.” Cũng theo cách tương tự, biên đạo người Mỹ Martha Graham nhận định: “Vũ công tài giỏi không tài giỏi bởi kỹ thuật, mà bởi đam mê của họ.” Kể cả trong các vở ballet, như Bảo thạch (1967) của biên đạo người Mỹ George Balanchine, nơi mục tiêu duy nhất của mỗi chuyển động chỉ là biểu đạt vẻ đẹp, vẫn tồn tại một ý đồ nghệ thuật khác bên cạnh “khả năng trình diễn hoàn hảo”. Nét đẹp thể hiện ở các vũ đạo trong tác phẩm đến từ khả năng biểu đạt cảm xúc của vũ công. Không có nó, tác phẩm không còn là múa nữa mà chỉ là các cơ chế chuyển động, uốn éo và nhào lộn không hơn.
Hãy đi mà tìm thứ nghệ thuật khiến ta lay động. Nghệ thuật của bạn mới khiến bạn lay động. Bằng không, thứ nghệ thuật cốt để trau dồi ta trở thành chính ta vẫn hoàn toàn vô ích, bất kể bao nhiêu triệu đôla đổ vào phiên đấu giá. Khoa học thần kinh hiện đại chỉ ra rằng nghệ phẩm khiến ta xúc động khi chúng kích thích những xúc cảm nơi người xem, thông qua cơ chế hóa thần kinh, khi khán giả như mô phỏng lại chính người sáng tạo ra tác phẩm. Một số nghệ phẩm sẽ hợp với ta, số khác lại không.
Và khi tạo ra nghệ thuật, hãy nhớ điều này: hành vi sáng tạo kích hoạt các mô thức hoạt động thần kinh nhất định trong não. Thông qua những hành động của mình, chính chúng ta chứ chẳng phải ai khác sẽ khiến não rực sáng tại những mô thức mỹ mãn nhất. Đây chính là cách mà những gì ta tạo ra cũng tạo ra chúng ta. 
Bạn muốn tạc nên mô thức thần kinh nào trong não mình? Lần sau hễ khi thấy buồn ngủ và khó tập trung, bởi vai trò nào đó đảm nhận trong công việc hay bởi lớp vỏ ngoài giao tiếp trịnh trọng khiến tim ta thét gào, hãy tìm tới bảo tàng, nghe nhạc ta từng nghe thủa trước, chép lại một bức tranh bằng cách đính nó lên cửa sổ, đan một chiếc khăn choàng, nhảy một điệu nhảy. Hãy để các xúc cảm nghệ thuật dìu dắt ta trở lại với bản thể chính mình.
Và nếu có tới Mallorca, hãy tìm Joe, một con người rất khác, vô cùng đặc biệt ở phòng tranh của riêng ông ở ngôi làng Santanyí nhỏ bé. Đừng kỳ vọng ông sẽ hoạt ngôn: nếu thấy ông nở nụ cười, bạn đã là người may mắn. Quá nhiều thất vọng, quá nhiều phá vỡ niềm tin mất rồi. Đừng cố ép. Hãy tôn trọng không gian và ranh giới cá nhân của ông. Hãy để nghệ thuật của ông lên tiếng thay. Để nghệ thuật ấy đục vỡ lớp ngoài, khoan xuyên qua bạn, vào các cảm xúc thật, vào “tôi” của bạn.
Chớ thương hại ông. Joe đã dàn hòa với quá khứ cô đơn nơi lũ cá quấy quá tợp lấy nhau rồi. Ông ta là một trong những con người dung hòa và hạnh phúc nhất tôi từng biết đến, vẫn đang nhớ lại để nhớ về cái ngày 15 tháng Tám, 1985 đen đủi ấy, lúc ông lội ngược dòng,  trên toan vẽ, cũng là cái ngày đã đưa ông về lại với chính mình.
k.