Về tối giản.
Tôi là người sống tối giản. Lần đầu tiên tôi nghĩ về tối giản là khi tôi đọc được một câu, đại ý là: ...
Tôi là người sống tối giản.
Lần đầu tiên tôi thật sự nghĩ về tối giản là khi tôi đọc được một câu đại ý là:
Lần đầu tiên tôi thật sự nghĩ về tối giản là khi tôi đọc được một câu đại ý là:
KHI SINH RA BẠN KHÔNG CÓ GÌ, KHI CHẾT BẠN KHÔNG MANG THEO GÌ. TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẠN SỞ HỮU Ở HIỆN TẠI ĐẾN MỘT NGÀY RỒI SẼ BIẾN MẤT.
Sau khi chiêm nghiệm điều này, tôi biết mình sẽ trở thành người sống tối giản suốt đời.
Dưới đây là một vài khía cạnh tôi cho là nổi bật trong phong cách tối giản của mình hiện tại.
MẠNG XÃ HỘI
Tôi không thích mạng xã hội. Tôi vừa không thấy cần chia sẻ thông tin của mình cho người khác, vừa không có nhu cầu xem người khác cập nhật thông tin, bởi hầu hết đều vô nghĩa. Tôi chọn hạn chế quan tâm đến những thứ không trực tiếp liên quan đến mình để có thêm thời gian dành cho bản thân. Có thể hiện tại tôi không sử dụng thời gian rất hiệu quả, nhưng tôi từ chối dành nó vào những thứ tôi biết rằng không đem lại hiệu quả: mạng xã hội là một trong số đó.
Từ khi sử dụng Facebook đến giờ tôi đã có khoảng hơn 10 tài khoản, hiếm khi có 2 cái đồng thời. Trừ một hai cái bị hack, tôi chẳng nhớ tại sao tôi lại phải thay đổi nhiều tài khoản vậy, có lẽ là những nguyên nhân giời ơi đất hỡi từ thời còn bồng bột nông nổi. Hiện tại, tôi chỉ còn 1 tài khoản duy nhất. Tương đối giống một tài khoản Facebook rác điển hình bởi chỉ có ảnh đại diện, ảnh bìa, số điện thoại. Tôi không để thêm thông tin gì ngoài quote sau ở phần trích dẫn yêu thích:
"We are in great haste to construct a magnetic telegraph from Maine to Texas; but Maine and Texas, it may be, have nothing important to communicate... We are eager to tunnel under the Atlantic and bring the old world some weeks nearer to the new; but perchance the first news that will leak through into the broad flapping American ear will be that Princess Adelaide has the whooping cough." Henry David Thoreau
Tạm dịch: "Chúng ta vội vã xây dựng một máy điện báo từ Maine đến Texas; nhưng Maine và Texas, có thể chẳng có gì quan trọng để nói với nhau ... Chúng ta háo hức đào đường hầm dưới Đại Tây Dương và đưa tin tức từ thế giới cũ (châu Âu) đến thế giới mới (Bắc Mỹ) nhanh hơn vài tuần; nhưng có thể tin tức đầu tiên lọt vào đôi tai đầy tò mò của người Mỹ là tin công chúa Adelaide mắc bệnh ho gà."
Lý do duy nhất tôi dùng Facebook là liên lạc. Do vậy tôi chỉ cài Messenger. Hiếm khi cần dùng Facebook, tôi sẽ vào bằng trình duyệt, thực tế thì chẳng có gì khác biệt so với Facebook app.
Tôi từng có khoảng 70 người trong danh sách bạn. Khi bảo lưu, tôi không biết có muốn tiếp tục học hay không, thế là tôi xóa dần bạn đại học ra khỏi danh sách, những người tôi kết bạn chỉ vì cùng lớp và không liên lạc bao giờ. Rồi tôi để ý có những người bạn cũ tôi đã lâu không tương tác, những người tôi kết bạn chỉ vì nể hay vì chúng tôi từng có chút quan hệ từ lâu mà không biết bao giờ mới có cơ hội gặp lại. Tôi tiếp tục xóa. Tôi tự đặt quy tắc rằng nếu không gặp hay liên lạc với ai trong 1 năm, tôi sẽ xóa người đó khỏi Facebook. Hiện tại tôi chỉ còn hơn 30 người, gần một nửa trong số đó có khả năng sẽ bị xóa theo quy tắc 1 năm kể trên. Nếu ai đó bị xóa muốn liên lạc với tôi sau đó thì vẫn có thể thông quan tin nhắn chờ, nhưng tôi không nghĩ nó sẽ đến thường xuyên.
Tôi không có ý định sử dụng Instagram. Lý do thì như trên, tôi không thích mạng xã hội. Ở đây việc đăng ảnh về cuộc sống cá nhân, cũng như theo dõi cuộc sống người khác không phải điều tôi thấy có ý nghĩa. Dù vậy, tôi có tài khoản Instagram.
Trong một nỗ lực nhằm kết nối với một whore (có lẽ vậy), tôi đã tạo tài khoản Instagram, gửi follow request tài khoản của chị ấy với mục đích là để thỏa mãn sự tò mò của tôi về thế giới quan, phong cách sống của chỉ, cách chỉ nhìn đời, nhìn người. Tôi hoàn toàn không có gì đánh giá chỉ cả, tôi chỉ không biết rằng chỉ đã trải qua những gì, suy nghĩ ra sao khi quyết định hành động như vậy. Giờ chỉ đã accept follow request của tôi nhưng sau 2 tuần vẫn chưa trả lời tin nhắn. Tôi cũng không hi vọng gì, chị chắc có cả đống tin nhắn vớ vẩn của cánh đàn ông, trong khi tài khoản của tôi thì rõ ràng trông như tài khoản rác. Nếu chị có hồi đáp tôi cũng không nghĩ sẽ có một cuộc nói chuyện ý nghĩa. Tôi hi vọng vậy mà thực tế không ủng hộ tôi lắm - có thể chỉ sẽ nghĩ tôi là một thằng dở hơi từ đâu mò ra. Nhưng cũng chẳng có gì nhiều để mất nên cứ thử thôi. Tôi sẽ chờ thêm ít lâu trước khi xóa tài khoản này.
ZALO
Tôi không thích mạng xã hội nói chung, nhưng với Zalo (tạm coi là mạng xã hội) tôi chọn dùng từ "ghét". Không kể đến việc giao diện không đẹp mắt, có phần xấu xí, cái khiến tôi không thể sử dụng Zalo là tin nhắn rác. Tôi đã từng bỏ theo dõi hết tất cả những mục vớ vẩn nhưng đợt vừa rồi tôi vẫn phải chịu đựng tin nhắn của Bộ Y tế (vì vài lý do tôi phải cài), cùng với một số loại khác. Bắt tôi phải nhận tin nhắn không mong muốn ư? Vậy thì bye! Nghe có vẻ nhỏ nhặt, nhưng giữa bỏ tiền gọi trực tiếp hoặc gọi miễn phí qua Zalo và phải chịu đựng tin nhắn không mong muốn, tôi chọn gọi trực tiếp. Tôi không thể chấp nhận được việc mình phải nhận tin nhắn từ ai đó. Con người tự do của tôi gào thét khi bị cưỡng ép, từ chối bị nhét thông tin vào đầu. Sau khi không còn gì để làm với Zalo, tôi đã xóa ngay lập tức. Trước đó tôi vẫn có tài khoản Zalo, chỉ không cài app. Giờ tôi xóa tài khoản, xóa app và không hề có mong muốn quay trở lại.
Có lần tôi đăng kí vào một lớp nọ. Tuần đầu, giáo viên chia nhóm 10 người và yêu cầu sinh viên về lập nhóm Zalo để thảo luận. Tôi đã đề nghị với nhóm chuyển sang sử dụng Facebook, vì ai cũng có Facebook và việc tạo nhóm bài tập trên Messenger là chuyện rất bình thường. Cuối cùng tôi không thành công và tôi đã xóa lớp đó. Cũng chẳng phải lớp quan trọng gì, học lúc nào cũng được, còn hơn tôi phải chịu đựng cái ứng dụng ngu xuẩn đó suốt cả học kì.
YOUTUBE
Một ngày tôi nhận ra Youtube dù giúp ích rất nhiều trong việc tôi học tiếng Anh thì hầu hết những gì tôi xem ở đó đều không quan trọng. Vậy là tôi xóa Youtube. Tôi hiếm khi thật sự cần xem video gì đó ở điện thoại. Nếu cần, tôi sẽ sử dụng trình duyệt, trải nghiệm gần như tương tự. Thực tế tôi chủ yếu sử dụng Youtube trên máy tính cá nhân.
Youtube có một chức năng rất hữu ích, đó là ngưng đề xuất video từ 1 kênh nào đó. Tôi đã ngưng đề xuất từ hàng chục kênh và kết quả thật mĩ mãn: chẳng còn nội dung không mong muốn nào đề xuất cả. Sau này tôi dùng extension thì điều đó hơi thừa thãi, nhưng vẫn ổn với điện thoại. Tôi sử dụng một extension để che đi homepage - trang đề xuất, và tab thịnh hành. Nhờ vậy mà khi vào Youtube, chẳng có nội dung nào hiện ra cả và tôi phải dừng lại và xem tôi muốn làm gì ở đây. Cần xem nội dung nào đó, tôi sẽ tìm kiếm.
Tôi từng có 1 email rác bên cạnh email chính để đăng nhập vào mấy trang web linh tinh mà không sợ email chính bị nhận spam. Quyết định này tỏ ra hiệu quả. Tôi thoải mái truy cập vào mấy trang web vớ vẩn mà không sợ email chính gặp vấn đề. Nhưng tôi dần thấy có vẻ email rác đã khiến tôi bớt đắn đo trên mạng, khiến tôi dành ít nhiều thời gian vào những thứ vô bổ. Vậy là tôi xóa nó, đi cùng là rất nhiều tài khoản ở các website được đăng kí bằng email đó. Một quyết định khó khăn nhưng tôi đã làm được. Giờ đây tôi chẳng nhớ gì ở tài khoản đó cả. Điều bất tiện, đôi chút, là email chính của tôi giờ sẽ nhận thêm thông báo của một vài trang web khác tôi cần dùng sau đó.
ĐIỆN THOẠI
Tôi chắc mình vẫn đang dùng chiếc BlackBerry Classic Q20 nếu như trường đại học không có một vài thay đổi (ngớ ngẩn) khiến cho tôi phải sở hữu một chiếc điện thoại Android hoặc IOS nếu muốn yên thân. Tôi đã gửi mail cho trường về việc đó nhưng chẳng nhận được hồi đáp - đại học hàng đầu Việt Nam mà vậy đấy. Dù rất muốn tiếp tục sử dụng chiếc BlackBerry thì lúc đó chưa có dịch vụ 2 sim 1 số điện thoại. Đến khi có thì mức giá khá khó chấp nhận: 140k để yêu cầu dịch vụ và 25k duy trì mỗi tháng cho mỗi sim clone. Tôi đành chuyển hẳn sang dùng Android.
Tôi bắt đầu bằng việc xóa ứng dụng. Những ứng dụng mặc định có sẵn, những tưởng cần thiết mà qua thời gian tôi thấy chúng vô dụng đều đi bị loại bỏ. Tôi gần như không cài thứ gì thừa thãi cả. Nếu là một chiếc điện thoại cấu hình thấp thì việc xóa đi ứng dụng thừa đem lại thay đổi rõ rệt, điện thoại sẽ nhanh và mượt hơn rất nhiều. Một lần, tôi thấy mình để tâm nhiều đến hình nền. Đôi lúc tôi hứng thú với một vài hình ảnh hay quote và thay làm hình nền, nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay số ngày đến khi tôi chán. Do vậy, tốt hơn là không để nền gì hết, tôi nghĩ vậy, và từ đó màn hình chỉ còn một màu đen. Tôi cũng cài một ứng dụng theme (giao diện) tối giản. Sau khi tùy chỉnh một chút thì điện thoại tôi khi mở ra sẽ có 8 mục chính như hình dưới đây.
Có một vài tùy chọn khác như vuốt qua trái để mở điện thoại (danh bạ, bàn phím); vuốt qua phải mở Google dịch, giữ nút Home ảo để mở trình duyệt. Tôi hiếm khi dùng đến chức năng nào ngoài những chức năng kể trên.
Không có Messenger bởi tôi thông thường tôi không cần dùng đến. Nếu có tin nhắn, tôi chỉ cần ấn vào theo thông báo là truy cập được. Nếu thật sự muốn nhắn tin cho ai đó, tôi cần thao tác khoảng 3 giây để có thể vào đây, các ứng dụng khác cũng vậy.
Nếu không có gì đặc biệt, tôi sẽ không nâng cấp điện thoại trong cỡ 3 năm tới. Tôi đang dùng một chiếc Sony ra mắt hồi 2017, đến nay đã 4 năm tuổi nhưng vẫn rất ổn. Khác biệt của các thế hệ mới so với nó chủ yếu đến từ sức mạnh của chip xử lý và RAM, vốn không quan trọng với các tác vụ thông thường, nhất là khi không chơi game. Nói một cách đơn giản, điện thoại của tôi có thể làm mọi thứ tôi cần.
SÁCH
Đây có lẽ là phần khó khăn nhất, vì tôi chưa có định hướng gì cả. Tôi sẽ mua nhiều sách. Không phải vì tôi đam mê sở hữu sách gì cho cam. Tôi thật lòng muốn sở hữu chúng càng ít càng tốt nhưng vẫn muốn có thể tiếp cận chúng dễ dàng. Chuyện là như vầy: vì tôi không muốn dùng tiền nhà gửi cho mục đích cá nhân, ở đây là mua sách, tôi đã mua máy đọc sách (rẻ hơn mua sách rất rất nhiều). Tôi đã đọc nhiều sách bằng cách tải ebook trên mạng dù biết đó là điều không nên. Bởi vậy, tôi đã quyết định rằng trong tương lai tôi sẽ mua tất cả các cuốn sách mà tôi đã đọc lậu trên mạng. Tôi sẽ có rất nhiều sách mà cách xử lý chúng thì chưa nhiều và chưa thật sự hoàn hảo: đi tặng, quyên góp hoặc giữ lại. Có những cuốn tôi muốn đọc lại nhiều lần nhưng chính chúng có thể sẽ là gánh nặng cho tôi. Tạm thời tôi chưa quyết định được, tôi cũng chưa có nhiều sách lắm. Nhưng nhanh chóng chúng sẽ trở thành một vấn đề.
ẢNH
Tôi không biết lý do gì khiến một người giữ ảnh từ vài năm trước trong điện thoại họ, tôi thì không có. Không một lý do nào có thể khiến tôi thoải mái giữ bức ảnh trong điện thoại hay cloud quá lâu. Do vậy mà tôi không có ảnh trong điện thoại và cloud. Tôi không theo đạo, không tin vào tôn giáo nhưng tôi đã học được từ đạo Phật một điều thay đổi tôi mãi mãi:
Hiện tại là điều quan trọng duy nhất.
Khi thật sự hiểu điều đó, tôi không thấy có lý do gì mình cần níu lấy những thứ ở quá khứ, ảnh là một thứ như vậy. Với tôi, chúng có thể đẹp, có thể gợi lại những khung bậc cảm xúc, những kỉ niệm, nhưng chúng cả thảy đều vô nghĩa ở hiện tại. Điều tốt nhất tôi có thể làm cho bản thân là sống tiếp và tận hưởng khoảnh khắc này, thay vì tìm kiếm lại những kích thích ở quá khứ. Không phải khi nào tôi cũng làm được vậy, đúng hơn là không mấy khi nhưng tôi biết đó là điều tôi cần làm, là đích đến tôi hướng về.
Trong cuốn "Lối sống tối giản của người Nhật", tác giả (có lẽ) chỉ đề cập tới tối giản về mặt vật chất. Tôi nhớ có một đoạn tác giả nói rằng ông scan thư mà ông đã nhận được để bỏ đi bản giấy. Nếu ông ấy có mở ra để đọc lại chúng trong tương lai thì tôi nghĩ đó là một lựa chọn tốt. Tôi thì không: tôi không nghĩ mình sẽ đọc lại chúng. Hiện tại tôi có hai thứ viết tay tôi biết mình không có ý định đọc lại nhưng tạm thời chưa đủ mạnh mẽ để từ bỏ, mà đến khi viết những dòng này tôi mới nhớ ra chúng: đây là tờ giấy viết lời bài hát tôi có từ hồi cấp 3, kia là thư viết tay của một chị gửi tôi ngày tôi rời Đà Lạt. Một ngày nhìn lại tôi sẽ thấy thật tầm phào, vớ vẩn khi tôi giữ chúng lâu vậy. Tôi sẽ bỏ chúng trong tương lai. Tôi đang đợi một ngày đẹp trời.
Cũng là ảnh, mà là ảnh trong bài viết. Tôi nhận thấy có vài ảnh sẽ làm bài viết trông dễ chịu hơn tương đối, nhưng chèn ảnh vu vơ không bổ sung ý nghĩa cho nội dung thì thật thừa thãi, cảm nhận này khá là cá nhân nên khó mà nói rằng ảnh nào vu vơ hay không. Như bài này tôi chỉ thấy ảnh cần thiết khi cho người đọc thấy điện thoại tôi trông như thế nào. Dù vậy, hình mặc định của bài viết khá xấu nên có lẽ tôi cũng sẽ xem xét thêm ít nhất một ảnh đủ liên quan vào những bài khác để trông đỡ nhàm chán hơn.
QUẦN ÁO (dài dòng)
Hồi nhỏ tôi không có nhiều quần áo, đúng hơn thì có ít. Tôi mặc áo đồng phục xuyên suốt thời đi học bởi chẳng có cái gì trông gọn gàng ngay ngắn hơn. Anh tôi thì khác. Hơn tôi 2 tuổi, hắn từ nhỏ đã rất chú ý tới chuyện ăn mặc. Khi lên cấp 2 hắn chẳng bao giờ để mẹ tôi mua cho một bộ quần áo nào, tiền thì vẫn là của mẹ tôi mà hắn xin bằng cách này hay cách khác. Tôi không nhớ hắn làm gì để được tự tay cầm tiền nhưng tôi biết mấy cách đó không hay ho gì bởi tôi đã không làm vậy. Khi hắn mặc chán thì lại cho tôi, mẹ tôi thấy vậy lại chẳng mua đồ mới cho tôi nữa, dù đồ để lại cũng chẳng đẹp đẽ gì cho cam. Vòng luẩn quẩn đó diễn ra suốt thời tôi đi học.
Khi lên đại học, lần đầu tiên tôi cầm tiền. Trước đó tôi chẳng mấy khi có tiền do mẹ không hay cho và cũng vì đã nướng hết vào tiệm net. Tôi cũng chẳng vì thế mà tiêu nhiều, chẳng có gì để tiêu cả: game thì đã bỏ, chẳng đam mê ăn uống, chơi bời,... Tôi lại không muốn lấy tiền nhà gửi để mua đồ không thật sự thiết yếu, ở đây là may mặc. Mãi tới khi nhận lương gia sư tôi mới lần đầu tiên tự mình đi mua quần áo. Hồi đó tôi sống gần Phùng Khoan nhưng chọn mua ở tiệm thay vì chợ, tôi biết cả khu đó như nhau, tiệm chẳng khác gì chợ, chỉ là tôi không muốn phải mặc cả, với tôi mặc cả và mọi thứ liên quan đến nó đều ngớ ngẩn. Đồ rẻ tiền, chất lượng trung bình, nhưng đến giờ tôi vẫn còn vài ba món từ hồi đó. Cũng có mấy thứ tôi mua chỉ để thỏa mãn ham muốn trong phút chốc rồi nhận ra mình sẽ chẳng bao giờ dùng, để rồi đem bỏ. "Thật lãng phí!" tôi nghĩ vậy.
Tôi rút được nhiều kinh nghiệm sau thời gian đó. Dần dà, tôi sáng suốt hơn và chẳng mấy khi mua quần áo hay đồ đạc nói chung mà sau đó không ưng nữa, mỗi thứ tôi có đều đi kèm một sự suy tính. Tôi cũng chú ý tới chất lượng hơn, tôi chọn mua đồ ở Uniqlo cùng một tiệm gần đó, mắc hơn đôi chút nhưng chất lượng tốt và sử dụng được lâu dài. Chuyện ăn mặc cũng dần chẳng còn khiến tôi bận tâm. Tôi lời hóa phong cách sống của mình với thằng bạn: ăn mặc giản dị để bên người khác tập trung vào con người bên trong. Khi quần áo chẳng có gì nổi bật, chẳng toát ra mùi nước hoa hay nước xả vải, thì đối phương sẽ dồn sự chú chú ý đến những yếu tố khác, phần nào đó sẽ là bản chất của mình. Với tôi đó là cách tiếp cận tối ưu: tôi chẳng hề muốn người khác để ý gì về mình hơn là con người thật của mình. Họ sẽ nhanh chóng biết được rằng họ thật sự nghĩ gì về tôi, và qua biểu hiện của họ tôi cũng sẽ có câu trả lời cho họ. Tôi nghĩ mối quan hệ nào cũng nên như vậy, rằng thật vô bổ và tốn thời gian cho cả hai khi cố gắng tạo ấn tượng với người khác bằng vẻ bề ngoài. Tôi chẳng muốn mất nhiều thời gian vào việc lựa chọn trang phục, điều tôi quan tâm là chúng có sạch sẽ và trông gọn gàng hay không.
Cũng từ đó, tôi biết rằng tôi sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến thời trang. Hết mùa xuân, tôi cần đồ thoáng mát. Hết mùa thu, tôi cần đồ che phủ. Khi tôi thấy thiếu gì đó, tôi tưởng tượng rằng tôi sẽ sử dụng chúng như nào với những món hiện đang có. Và khi viễn cảnh vẽ ra trong đầu hợp lý, tôi biết rằng tôi cần mua chúng.
We buy things we don't need with money we don't have to impress people we don't like. — Dave Ramsey
Để tổng kết tôi sẽ thử liệt kê những gì tôi đang có bằng trí nhớ, thay vì mở tủ ra, thú thật là tôi chưa từng nghĩ đến điều này (nếu thấy những chú thích dài dòng thì có thể bỏ qua):
Quần jean: 2
Quần vải: 2 (1 cái bị cháy nhẹ khi là :v, tôi thích mặc quần vải, sẽ tuyệt hơn nếu chúng không hơi ngắn sau khi đi sửa)
Quần đùi: 3
Quần short: 1 (với tôi tác dụng giống hệt quần đùi)
Quần ngủ dài: 2 (Có quần ngủ ngắn không nhỉ :v, tôi chẳng biết gì về quần áo cho lắm)
Đồ lót: 5
Áo mùa nóng
Áo sơ mi: 4 (Tôi thích mặc sơ mi khi ra ngoài nên mua để ngày nào cũng có thể mặc, 1 cái đã hơi cũ và ngắn)
Áo thun: 2 màu,1 trắng (thường mặc cùng sơ mi hoặc mặc ở nhà, khá tiếc khi mua cái màu trắng, vì cần giặt riêng)
Áo ba lỗ: 1 (trong combo 2 cái tôi mua để thấm mồ hôi khi đi tình nguyện, 1 cái đã bỏ, khi trời nóng nó sẽ giúp ích rất nhiều)
Áo mùa lạnh
Nhìn chung tôi không có nhiều vì tôi thường xuyên mặc sơ mi với áo khoác, tôi thích mặc vậy nếu không quá lạnh.
Áo thun dài tay: 1 màu, 1 trắng (tôi mua cái màu trắng để bõ công giặt riêng đồ trắng, tôi hay đợi cái áo thun trắng ở trên để giặt 2 cái cùng nhau. Trước đó tôi còn 1 áo trắng nữa (là 3 cái cả thảy để giặt riêng) nhưng đã tặng cho một cô gái hồi còn ở Đà Lạt - đó cũng là cái áo duy nhất của tôi có hình trang trí thay vì màu sắc đơn giản).
Áo len: 1 (có hay sử dụng, nhưng không cần thiết có thêm).
Áo khoác: 2 (1 cái đã cũ).
Áo khoác lông giữ nhiệt: 1 (cần thiết, cùng với áo len tạo nên combo thay phiên giữ nhiệt tại nhà nếu trời quá rét - như năm ngoái thì hiếm có dịp như vậy, không cần nhiều hơn 1 cái).
Áo gió: 1 (hữu ích khi ra ngoài trong hầu hết các điều kiện thời tiết)
Tất: 8 (lịch giặt đồ của tôi là 1 tuần 2 lần nên 8 đôi không quá nhiều, và chúng cùng màu, tôi không muốn vậy mà có vẻ lưu ý dành cho người bán của tôi khi mua online đã không được đọc).
Giày: 3 (1 đôi giày Fake, tôi đã rất hối hận vì đã mua hàng Fake, tôi đã không dùng nó rất lâu. Có lẽ tôi sẽ bỏ nó ngay sau khi viết xong bài này).
Dép: 2 (1 đôi dép đi gần nhà, 1 đôi xăng đan tôi luôn luôn đi vào mùa hè - tôi không thích đi giày khi trời nóng).
Nhìn lại danh sách tôi nhận ra 2 điều: một là tôi có ít đồ thật, một số hạng mục cần bổ sung để hoàn toàn thoải mái như áo thun ngắn và dài tay, áo khoác thì cần mua trong mùa đông này; hai là tôi đã không kể tới 3 mảnh đồ thể dục ở đại học, trừ áo gió thì tôi đã không sử dụng chúng ngoài mục đích đi học mấy môn thể dục. Nếu không tính đồ mùa lạnh (to, dày) và giày dép thì tất cả quần áo tôi vừa đủ để đựng trong một vali - đã được điểm chứng.
LỢI ÍCH CỦA TỐI GIẢN
Để diễn giải ra thì có một tá, nhưng rút gọn lại thì sống tối giản giúp chúng ta giảm bớt xao nhãng và tập trung nguồn lực (thời gian, sức lực, tiền bạc) vào những hạng mục bản thân ưu , cho là quan trọng. Với cá nhân tôi, có một vài lợi ích cụ thể sau:
1. Tôi biết rằng mình đã và đang lãng phí nhiều nguồn lực.
Tôi đã từng dành rất nhiều thời gian và tâm trí vào những thứ tưởng như năng suất để khi đạt được kết quả thì tôi sắp chúng vào hạng mục vô nghĩa (hoặc ít ý nghĩa) như đi uống nước tám chuyện, xem video vớ vẩn, đọc tin tức, chơi game, nhắn tin giết thời gian, tình nguyện,.... Trong khi những mục tiêu cụ thể của tôi lại đang trong hàng chờ.
2. Tôi có thể dành thời gian vào những vấn đề cụ thể.
Lý do chính mà tôi lãng phí thời gian là làm bản thân xao nhãng khỏi những vấn đề tôi đang gặp. Khi loại bỏ dần các hoạt động không quan trọng, ta sẽ dần có xu hướng đổ nguồn lực vào những vấn đề còn lại có nhiều ý nghĩa hơn. Vấn đề lớn và bao trùm lên trên cả của tôi là xây dựng, tái tạo hệ tư tưởng, triết lý cá nhân. Nó đã thay đổi rất nhiều so với khi tôi bắt đầu khi vào con đường này và có vẻ sắp tới một cột mốc đáng kể tiếp theo. Đây là một hành trình khó khăn và không hồi kết, nhưng sẽ không thể tiến triển nếu tôi không bắt tay vào. Về khoản này tôi cũng không biết chính xác tôi cần làm gì, nhưng tôi như đã nói đại ý ở đâu đó trong bài: tôi không biết nên làm gì nhưng tôi biết không nên làm gì. Khi nhận thức được điều không nên làm, tôi loại bỏ nó.
3. Tôi nhận ra tiền không phải là vấn đề.
Sống tối giản phần nào khiến tôi nhận ra được rằng về vật chất thì chỉ liên quan đến 2 yếu tố là quan trọng, giảm dần theo thứ tự: ăn và ngủ. Tôi cần ăn đồ ăn và chỗ ngủ mỗi ngày. Nhu cầu tiếp theo là may mặc thì độ ưu tiên giảm đi rất nhiều.
Vậy tôi cần bao nhiều tiền để sống? Nếu tôi chọn sống ở quê, nhu cầu về chỗ ngủ đã được đáp ứng, mối quan tâm còn lại là đồ ăn. Hồi đi học mỗi tháng tiền ăn của tôi chẳng đến 2 triệu. Cộng thêm phụ phí phát sinh: điện, nước, mạng, may mặc,... trung bình cỡ 1 triệu. Là 3 triệu/tháng. Nếu tôi chọn ở Hà Nội hay bất cứ nơi nào khác thì phát sinh thêm nhu cầu về chỗ ở, hồi năm 2 tôi từng trọ một mình giá 1.3 triệu. Cũ và thiếu đồ cơ bản nhưng vẫn thoải mái để sống, tôi còn dư nguyên cái gác xép bám bụi chẳng buồn dùng đến. Nếu tìm ở xa trung tâm hơn hay nếu tôi sống ở tỉnh khác chỉ cần 1 triệu là đủ. Nhìn chung tôi cần khoảng 4 triệu. Đó không phải một con số lớn. Lương của một công việc cơ bản - những công việc đơn giản không cần trình độ gì ngoài học hết cấp 3, rơi vào khoảng 8 triệu, dư mỗi tháng là 4-5 triệu. Một cách nói khác, tôi chỉ cần làm nửa năm để có thể sống yên ổn cả năm với mức lương thấp nhất. Thử tưởng tượng một người có thu nhập thụ động hay là freelancer sẽ sống dễ dàng như thế nào.
Nếu sống theo tư duy thông thường thì có quá nhiều khoản để chi với 4-5 triệu còn lại: tiền ăn chơi tụ tập bạn bè, tiền cưới hỏi, tiền tặng quà ngày lễ, tiền sắm sửa, nâng cấp đồ đạc,... chưa kể khoản khủng khiếp nhất là tiết kiệm mua/xây nhà. Khi tối giản, tôi loại bỏ hầu hết các khoản trên.
Còn một khoản khổng lồ khác đại đa số phải đối mặt là nuôi con,bản thân tôi không có ý định kết hôn, nếu có thì không trước 30 và sau đó cũng không định có con nên là problem solved - cho mình tôi.
3+1. Sau khi tiền không còn là vấn đề.
Điều này khá khó để tưởng tượng với ai chẳng có mục tiêu gì ngoài cứ kiếm thật nhiều tiền rồi cho là làm vậy cuộc sống sẽ tự động tốt đẹp hơn. Khi bằng một cách nào đó nhận ra rằng tiền không quan trọng (thông qua tối giản hoặc không), một người hẳn sẽ tự hỏi ngoài kia người ta đang làm cái quái gì vậy.
Vì lẽ đó cá nhân tôi hầu như muốn hỏi tất cả mọi người rằng họ sẽ làm gì nếu tiền không phải là vấn đề. Một cơ số người trả lời ngay rằng họ sẽ mua này mua kia. Những người khôn khéo hơn một chút lại nghĩ đây là câu hỏi để đánh giá, phân loại nên cố nghĩ ra câu trả lời nghe "có học" một chút, rằng họ muốn giúp đỡ mọi người chẳng hạn. Cũng có những người ý thức được họ thật sự muốn gì, nhưng số này không nhiều, và cũng có thể một số trong đó thật sự muốn giúp đỡ mọi người.
CHỐT LẠI: TỐI GIẢN CÓ LÀ MỘT Ý TƯỞNG TỐT? CÓ NÊN TỐI GIẢN?
Với tôi: có và có.
Với người khác: tôi không biết và tôi không biết.
Tôi không hô hào với mọi người rằng hãy tối giản. Với cá nhân mình, tôi thấy đó là một phong cách sống lý tưởng. Với người khác, tôi không biết. Tôi chẳng biết gì về họ cả để nói rằng họ có nên hay không. Bản thân tôi trước kia có lẽ cũng không thể ngấm nổi lối sống này, đơn giản là có nhiều bài học cần phải trải qua để có thể chấp nhận được câu trả lời. Nếu nói với một đứa trẻ 5 tuổi rằng không nên trả đũa khi bị đánh, tôi cho là khó để có thể giải thích cho nó hiểu được tại sao, nhưng sẽ dễ dàng hơn đôi chút với một thanh niên 20 tuổi.
Tôi đọc được rằng có những người thấy trống rỗng sau khi tối giản, đó là điều có thật. Nếu chưa dừng lại, chất vấn bản thân về những điều quý giá trong đời, nếu chạy theo như một thứ trào lưu thời đại, tôi không nghĩ ai đó có thể thấy thoải mái với cuộc sống tối giản. Đôi lúc tôi có thấy trong lòng dâng trào ham muốn sở hữu một thứ gì đó, nhưng nhanh chóng nhận ra đó là chút hệ quả còn sót lại từ việc bị nhồi sọ suốt quãng đời vừa qua, từ trong gia đình, trường lớp đến ngoài xã hội. Khi nhìn những người xung quanh, concept về cuộc sống của họ lắm lúc làm tôi bật cười.
Edit: Thêm một lý do nữa tôi sống tối giản (đấy là nếu ai đó thấy được lý do tôi sống tối giản là gì từ mớ chữ ở trên) đó là nghèo :v Tôi cũng không định giàu nên đành phải tối giản. Haizzz
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất