Về thói quen chêm từ ngoại và việc nên ưu tiên bản ngữ hóa hay không...
Việc chêm pha các từ thuộc ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, đã trở nên phổ biến ở Việt Nam trong cả thập kỷ qua, không chỉ trong văn...
Việc chêm pha các từ thuộc ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, đã trở nên phổ biến ở Việt Nam trong cả thập kỷ qua, không chỉ trong văn nói thông thường mà còn trên các sản phẩm truyền thông, đặc biệt là những sản phẩm hướng tới người trẻ. Bạn hẳn sẽ thấy các từ content, teamwork, plan, startup... xuất hiện nhiều hơn thay vì các từ tiếng Việt tương ứng: nội dung, làm việc theo nhóm, kế hoạch, khởi nghiệp,… Không những thế, các từ này vẫn giữ nguyên cách đọc và cách viết thay vì được Việt hóa để phù hợp với các lối phát âm và chính tả tiếng Việt (dù tôi không chắc chắn ai cũng có thể đọc, viết và hiểu đúng các từ này).
Có lẽ không phải ai cũng xem đấy là vấn đề, nhưng sự xuất hiện ngày càng nhiều từ ngữ nước ngoài, với cách đọc và viết, quy tắc về hình thái và quan hệ ngữ nghĩa vi phạm các quy tắc của bản ngữ (cụ thể ở đây là tiếng Việt), vẫn đang khiến tôi có cảm giác thiếu tự nhiên khi phải sử dụng. Đồng thời nó cũng khiến tôi quan tâm nhiều hơn về sự ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai lên tính ổn định trong các quy tắc vốn có cũng như khả năng phát triển của một ngôn ngữ.
Liệu việc chêm pha như chúng ta đang làm hiện nay có là một nước đi an toàn ?
0. Định nghĩa và xác định phạm vi đối tượng:
Mọi ngôn ngữ, trong quá trình phát triển, đều trải qua ít nhiều những sự thay đổi và vay mượn từ bên ngoài. Do đó, trước khi nói bất kỳ điều gì về vấn đề chêm tiếng nước ngoài, cần xác định rằng đối tượng từ vựng tôi nhắm đến ở đây là những từ có nguồn gốc ngoại ngữ được mang nguyên văn vào sử dụng mà không có sự biến đổi cho phù hợp với hệ thống quy tắc của bản ngữ.
Tôi có dựa vào các định nghĩa về “từ mượn”, “từ ngoại lai”, “từ ngoại” trong bài viết “Sự cần thiết phân biệt các KHÁI NIỆM TỪ GỐC, TỪ MƯỢN, TỪ NGOẠI LAI và TỪ NGOẠI trong nghiên cứu từ vựng tiếng Việt” [1], trong đó:
- Từ mượn: những từ tiếng Việt tiếp nhận của các ngôn ngữ khác sau khi tiếng đã hình thành, đã được bản ngữ hóa ở các mức độ khác nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp
- Từ ngoại lai: những từ mượn có mức bản ngữ hoá thấp, vẫn còn giữ dấu ấn của ngoại ngữ; việc xác định từ bản ngữ và từ ngoại lai còn có thể được thực hiện trên hai phương diện: đồng đại và lịch đại.
- Từ ngoại: những từ của ngoại ngữ chứ chưa phải là từ mượn trong tiếng Việt, chưa được thay đổi cách đọc, cách viết cho phù hợp với quy tắc ngữ âm của tiếng Việt.
Nội dung bài viết của tôi chủ yếu sẽ nhắm vào đối tượng “từ ngoại”. Ngoài ra, bài viết không xét đến tên riêng vì tôi cho rằng việc xử lý tên riêng nước ngoài là một vấn đề phức tạp khác.
1. Những từ ngoại không được bản ngữ hóa cẩn thận:
a. Sự vay mượn và bản ngữ hóa:
Trong quá trình tồn tại và phát triển của một ngôn ngữ, việc vay mượn các yếu tố bên ngoài là điều không thể tránh khỏi nếu người sử dụng ngôn ngữ tiếp xúc với một hoặc nhiều khái niệm mới từ một cộng đồng khác, những khái niệm vốn không nằm trong kinh nghiệm và phạm vi biểu đạt của họ. Các từ được vay mượn, trong quá trình tồn tại bên trong ngôn ngữ vay mượn nó (tôi gọi là “ngôn ngữ đích”), sẽ được biến đổi về ngữ âm và cách viết (nếu ngôn ngữ đích có chữ viết) để tuân theo hệ thống ngữ âm của ngôn ngữ đích. Sau đó, trên cơ sở các đặc điểm ngữ âm đã được bản ngữ hóa, là sự bản ngữ hóa về hình thái, về ngữ nghĩa để phù hợp với hệ thống ngữ nghĩa của ngôn ngữ đích.[2] Mức độ bản ngữ hóa ở đây có thể xem là tăng lên theo thời gian.
Một số ví dụ cho các từ đã được bản ngữ hóa cao độ trong tiếng Việt và sử dụng như từ “thuần” bản ngữ: tuyết, trúc (từ Hán Việt), trưởng khoa, trưởng phòng (các từ trưởng, khoa, phòng là các từ Hán Việt, nhưng chúng trở nên thông dụng và được ghép lại theo cú pháp tiếng Việt thay vì tiếng Hán), bốt, gác, kem, bơ (mượn các từ poste, garde, crème, beurre tương ứng trong tiếng Pháp),...
Trong tiếng Anh, nhiều từ có đuôi -ion, -ance, -ence, v.v… cũng có nguồn gốc vay mượn tiếng Pháp.
Đối với một ngôn ngữ đã phát triển và có bộ từ vựng đủ lớn, bên cạnh phương pháp vay mượn biến đổi như trên còn có cả phương pháp sao phỏng, tức là tiếp nhận tiếp nhận một mặt nào đó của từ thuộc ngôn ngữ khác. Từ sao phỏng có hai loại: sao phỏng cấu tạo từ (dùng chất liệu của bản ngữ để cấu tạo một từ nào đó dựa theo mẫu về kết cấu của các từ tương ứng trong ngôn ngữ khác) và sao phỏng ngữ nghĩa (tiếp nhận thêm ý nghĩa của các từ tương ứng trong ngôn ngữ khác, trên cơ sở chung nghĩa gốc).[2]
Ví dụ cho sự sao phỏng cấu tạo từ: Trong tiếng Việt, các đơn vị từ vựng như chắn bùn, chắn xích, chiến tranh lạnh… cũng là sao phỏng cấu tạo từ của các đơn vị tương ứng trong tiếng Pháp là garde boue, garde chain, guerre froide…
Ví dụ cho sự sao phỏng ngữ nghĩa: Từ ngựa trong tiếng Việt và từ cheval trong tiếng Pháp cùng chỉ một loài động vật, nhưng từ cheval còn chỉ một đơn vị sức kéo, do đó, từ ngựa đã có thêm cả ý nghĩa này (máy 15 ngựa).
b. Khi từ ngoại không được bản ngữ hóa:
Sự bản ngữ hóa từ ngoại lai, dù theo cách biến đổi ngữ âm - ngữ nghĩa hay cách sao phỏng, không phải lúc nào cũng được thực hiện. Vì một số lý do tôi chưa thật sự rõ, việc bản ngữ hóa thường theo con đường khẩu ngữ cũng dễ xảy ra hơn so với theo con đường sách vở. Trong thời kỳ Pháp thuộc, và cả một thời gian sau đó, trước khi tiếng Anh trở nên phổ biến ở Việt Nam (có thể từ thập niên 90), hiện tượng chêm nguyên văn từ tiếng Pháp khi nói và viết cũng từng khá phổ biến ở những người có học tiếng Pháp (dù rằng trình độ tiếng Pháp của họ, ai cao thấp ra sao, tôi không chắc được). Ở một số ngôn ngữ, trong đó có tiếng Anh và tiếng Việt, người bản ngữ ở hiện tại cũng trở nên khó chấp nhận sự bản địa hóa (với ngoại lệ là sự chuyển tự trực tiếp) từ ngoại hơn so với thời kỳ trước. (Đây cũng là thứ đã dẫn đến những cuộc tranh cãi về việc nên phiên âm hay giữ nguyên các thuật ngữ và tên.) Phải chăng là do sự chuẩn hóa trong cách đọc và viết từ vựng bằng chữ La-tinh ? Hoặc trong trường hợp của các từ tiếng Anh trong tiếng Việt, tôi đoán rằng nó có thể là do sự du nhập quá nhanh chóng của ngoại ngữ cùng các khái niệm mới chưa có cách diễn đạt trong bản ngữ (hoặc chúng không kịp xuất hiện trước khi cách diễn đạt bằng từ ngoài được phổ biến), cộng thêm sự thiếu đi một hệ thống các quy tắc hoặc/và một cơ quan gồm những người đảm bảo cho việc bản ngữ hóa được chuẩn hóa. Điều này thể hiện khá rõ ở một số thuật ngữ trong các ngành nghiên cứu (case-study - Sự nghiên cứu dựa trên đối tượng và hoàn cảnh cụ thể, có thể dịch thành “nghiên cứu trường hợp điển hình”; abstract - có thể hiểu là phần tóm lược một bài nghiên cứu, từ này có nguồn từ tiếng La-tinh, với ab có nghĩa là “từ” (xuất phát từ <abc>), và trahere có nghĩa là rút ra -> abstract có thể hiểu nôm na là rút những nét chính từ nội dung), trong lĩnh vực công nghệ thông tin (router - bộ định tuyến; internet - viết tắt của internetwork (liên mạng); smartphone - điện thoại thông minh; console - bảng điều khiển;...), và cả trong các ngành nghề cũng như các hoạt động khác có liên quan tới môi trường chuyên nghiệp (HR - Human resource - nguồn nhân lực, nhân sự; startup - khởi nghiệp; train - tập huấn, huấn luyện;...), dù rằng nhiều các từ đã nêu, và nhiều từ khác trong các mảng này hoàn toàn có thể được dịch hoặc sao phỏng.
Nhưng liệu chỉ có các từ ngữ chuyên môn hay “cao cấp” bị ảnh hưởng ? Tiếc là không. Ngay cả các từ vựng thường ngày cũng bị ảnh hưởng, và tôi không chỉ nói mấy câu chào hay cảm thán đơn giản như “bai”(bye) hay “ok”. Có những từ dùng để diễn tả các khái niệm trong cuộc sống cũng dần được/bị thay thế bởi tiếng Anh, chẳng hạn như kế hoạch - plan, qua đêm - overnight, đội/nhóm - team, lãnh đạo/dẫn dắt - lead, thiết kế - design, xây dựng - build, và còn nhiều từ không thể kể hết.
Sự trộn mã trở thành phản xạ tự nhiên do thường xuyên học, tiếp xúc và sử dụng nhiều hơn một ngôn ngữ có thể xem là một cách giải thích hợp lý cho điều này. Theo quan điểm này, người song ngữ và đa ngữ, vì sở hữu bộ từ vựng thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau, nên sẽ chọn những từ họ cảm thấy thuận tiện nhất, hay xuất hiện trong đầu họ trước nhất. Song, tôi cho rằng cách giải thích này không hoàn toàn đúng với mọi trường hợp chêm từ và trộn tiếng, nhất là khi nó còn phụ thuộc vào thời gian, thời điểm và mức độ tiếp xúc với từng ngôn ngữ (Tôi chưa thể chắc chắn với số liệu cụ thể, nhưng theo quan sát, những người thật sự sống chung, thành thạo và nhập tâm vào ngoại ngữ bên cạnh tiếng mẹ đẻ không phải là chiếm phần đông, và vẫn có người nằm ngoài nhóm này vẫn trộn mã - chêm từ), độ tương đồng giữa ngôn ngữ được trộn vào và ngôn ngữ chính, và cả mức độ cho phép trộn mã của hoàn cảnh giao tiếp (Một môi trường cấm việc trộn tiếng một cách nghiêm ngặt cũng có thể khiến người hay trộn tiếng phải tiết chế thói quen của họ, dù chỉ một phần).[3] [4] Hơn nữa, trộn mã như vậy khi giao tiếp trực tiếp bằng giọng nói thì có thể hiểu được (vì nó đòi hỏi người nói phải xử lý và phát ngôn ngay lập tức). Còn khi đã viết thành văn bản hoặc tạo ra các sản phẩm truyền thông đại chúng, với nhiều thời gian để chuẩn bị và chuẩn hóa ngôn từ hơn, việc vẫn cho phép trộn mã xảy ra ở tần suất dày đặc là một điều đáng để thắc mắc.
Trên đây chỉ là một số sự giả định của tôi về các nguyên nhân dẫn đến thói quen sử dụng nguyên văn từ ngoại. Những giả định này, tuy có ảnh hưởng từ tham khảo và quan sát, vẫn còn rất chủ quan. Do đó, tôi mong chúng ta có thể bàn kỹ hơn phần này ở dưới phần bình luận.
2. Ảnh hưởng của việc dùng nguyên văn từ ngoại lên bản ngữ:
Mỗi ngôn ngữ hoặc phương ngữ đều tồn tại một hệ thống các quy tắc riêng về ngữ âm, hình thái, ngữ nghĩa,... So với các ngôn ngữ và phương ngữ còn lại, chúng có thể có nhiều điểm tương đồng tới mức gần như giống nhau, hoặc khác biệt tới mức không thể tìm ra mối liên hệ nào giữa các ngôn ngữ được đem ra so sánh. Việc đem các chất liệu của một ngôn ngữ bên ngoài với nhiều khác biệt vào sử dụng trong ngôn ngữ đích sẽ vi phạm các quy tắc và quan hệ bên trong nó, mà cơ bản nhất là quy tắc về ngữ âm, về tính tương ứng giữa chữ và âm. Ví dụ điển hình nhất cho việc này chính là tiếng Anh. Sự vay mượn và sử dụng từ vựng, cách đọc, cách viết từ các phương ngữ và ngôn ngữ khác nhau, mà thiếu đi cơ quan chuẩn hóa ở thời kỳ trung đại, cũng như việc giữ nguyên nhiều từ mượn từ thời kỳ Phục Hưng trở về sau (các từ vignette, renaissance (Pháp), karaoke (Nhật),...) đã khiến các quy tắc đọc và viết của ngôn ngữ này trở nên rất lộn xộn. Tôi không thể xem sự lộn xộn và bất quy tắc ở trên là biểu hiện một ngôn ngữ giàu và đẹp, bởi nếu bạn vay mượn nhưng không biết cách biến những thứ vay mượn thành của bạn và mang những đặc điểm gắn liền với bạn, nó sẽ mãi chỉ là thứ thuộc về người khác, là đồ đi mượn. Và một ngôn ngữ cũng vậy, đồ vay mượn chỉ hỗ trợ trong quá trình, chứ không thật sự mở rộng khả năng diễn đạt của nó. Đồ mượn sẽ không bao giờ là một phần của bản ngữ nếu người dùng không tạo cho nó dáng dấp của ngôn ngữ nó nhập vào.
Điều được cho là đáng lo ngại hơn nữa là việc các từ ngoại dần thay thế các từ tuân theo quy tắc bản ngữ. Mặc dù việc chêm từ và trộn mã được xem là bình thường và thậm chí là có lợi cho người thực hiện điều này, đặc biệt là trong bối cảnh đa ngữ, nó có thể trở thành mối đe dọa đối với ngôn ngữ đang bị các từ ngoại chêm vào. Một bài nghiên cứu [5] đã nêu ra những lo ngại tương tự đối với cộng đồng người nói tiếng Urdu ở Pakistan, khi tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ chính thức của nước này cùng với tiếng Urdu. Tiếng Anh ở Pakistan không những đóng vai trò là ngôn ngữ hành chính, mà nó còn là một phần quan trọng trong các môi trường giáo dục, công việc, trên các phương tiện truyên thông cũng như là một trong số các thước đo địa vị xã hội. Việc sử dụng các từ tiếng Anh thay cho những từ có tác dụng tương tự trong bản ngữ một cách thường xuyên và trong thời gian dài được cho là đang khiến người nói dần quên đi cách diễn đạt một cách trọn vẹn nhất có thể bằng tiếng mẹ đẻ. Liệu đây chính là mốc khởi đầu cho sự tiêu biến của một ngôn ngữ “nhỏ và yếu” trước ảnh hưởng của một ngôn ngữ chiếm đa số và có vị thế cao hơn ? Phải chăng đó là xu hướng không thể tránh khỏi ?
Nếu đúng như vậy, đây sẽ là tin xấu cho một ngôn ngữ nếu nó rơi vào tình huống tương tự. Song, đứng ở góc độ của những người sử dụng ngôn ngữ thông thường, việc đánh mất thứ từng là bản ngữ để nhập vào một cộng đồng ngôn ngữ lớn hơn có thật sự là một tin xấu ? Giữa việc bảo tồn tính đa dạng của bản đồ ngôn ngữ thế giới và sự thuận tiện có được từ việc thống nhất các cộng đồng ngôn ngữ lại, cái nào có lợi hơn ? Đây chắc chắn không phải những câu hỏi dễ dàng.
3. Khuyến khích bản ngữ hóa: Một con đường tốt hơn ?
Ưu tiên bản ngữ hóa là một cách để giúp mở rộng vốn từ bản ngữ, và nó có thể được thực hiện theo theo mức độ ưu tiên: dùng từ có sẵn - sao phỏng - phiên âm. Việc phiên âm không hề sai, vì sau khi được phiên âm, từ mượn sẽ mang dáng dấp của bản ngữ về mặt ngữ âm, và trên cơ sở đó có thể tiếp tục được bản ngữ hóa cao độ hơn. Song, điều này không phải dễ khi một ngôn ngữ luôn chịu sự chi phối của chính cộng đồng sử dụng nó, và cả những tác nhân bên ngoài.
Bên trong cộng đồng, việc bản ngữ hóa phụ thuộc vào tỉ lệ người chấp nhận việc bản ngữ hóa cũng như sức ảnh hưởng của họ. Chừng nào công chúng còn e ngại việc bản ngữ hóa và tạo ra từ mới bằng chất liệu bản ngữ, các cơ quan bảo đảm cho sự chuẩn hóa từ vựng, chính tả và xử lý từ ngoại còn chưa bắt kịp sự du nhập các khái niệm mới (hoặc tệ hơn là không có để hoạt động), truyền thông còn chấp nhận cho việc chêm từ và trộn mã, và giáo dục chưa thật sự đề cao và khuyến khích việc bản ngữ hóa, thì việc bản ngữ hóa vẫn còn chưa thể lan rộng được. Trong trường hợp Việt Nam, ngoại trừ mấy kênh truyền thông chính thống lề phải (triệt để nhất là hai tờ QĐ và ND) cùng mấy quyển sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, việc bản ngữ hóa cũng không phải thói quen thường thấy ở những người hay tiếp xúc với các khái niệm ngoại.
Nhưng giải quyết các vấn đề bên trong cũng là một sự khó nếu ngôn ngữ ta xét đến là một ngôn ngữ thiểu số, thuộc về một cộng đồng có vị thế thấp trên thế giới. Nhìn ở góc độ của chủ nghĩa dân tộc, hẳn sẽ có mấy vị nghĩ chỉ cần có lòng tự hào với tiếng mẹ đẻ và ưu tiên dùng chất liệu bản ngữ trong mọi tình huống là sẽ ngăn chặn được sự chêm pha. Song, nếu mọi vấn đề chỉ đến từ bên trong cộng đồng, thì lẽ ra ở năm 2022, ta đã không còn thấy mấy ông bà diễn giả từ các công ty về chém gió nửa Anh nửa Việt cho bọn học sinh và sinh viên trong mấy buổi hướng nghiệp, cũng không còn mấy bài báo kêu gào về việc chêm tiếng ngoại, và cũng chẳng còn những cuộc tranh cãi muôn thuở về việc phiên âm hay giữ nguyên. Nhưng cái “lẽ ra” ấy đã chẳng diễn ra. Với tình hình của thế giới hiện nay, nơi quyền chi phối kinh tế, chính trị, công nghệ và cả nền học thuật nằm trong tay các nước và các cộng đồng ngôn ngữ lớn hơn, việc các cộng đồng nhỏ phải chạy theo họ để phát triển, hoặc ít nhất là được sống yên ổn là điều khó tránh khỏi. Việc dịch và bản ngữ hóa mọi từ, kể cả thuật ngữ, sẽ gây khó khăn trong việc tra tài liệu quốc tế, và chắc chắn là như vậy nếu cộng đồng bản ngữ không dịch hoặc tự xây dựng các bộ tài liệu liên quan và đưa lên kho lưu trữ quốc tế, và đó cũng chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là nền tri thức bản ngữ phải bắt kịp thế giới và có vị thế ngang hàng với các cộng đồng lớn hơn. Bằng không, nhiều tài liệu sẽ không được để ý, và việc tạo liên kết qua lại giữa chúng và các ngôn ngữ khác sẽ rất khó. Đây là điều đang xảy ra với Việt Nam, với các cộng đồng không nói tiếng Anh như ngôn ngữ chính ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á và cả các cộng đồng bản ngữ thiểu số trên thế giới. Các khái niệm mới sẽ tiếp tục được tạo ra ở các ngôn ngữ lớn, và chúng ta chỉ có thể hoặc chạy theo, hoặc tự tạo rào cản. Nếu theo không kịp, vậy việc ta cố giữ lấy ngôn ngữ còn ý nghĩa gì ?
Một ngôn ngữ không thể diễn đạt các khái niệm đương đại bằng chất liệu của chính nó, không sớm thì muộn, sẽ trở thành ngôn ngữ chết. Việc bản địa hóa các yếu tố vay mượn hoặc tạo ra một từ hoàn toàn mới từ chất liệu ngữ âm sẵn có hoàn toàn có thể xem là một cách để làm giàu và cứu lấy ngôn ngữ khỏi điều đó. Cá nhân tôi cũng mong điều tương tự với tiếng Việt. Tuy vậy, trong một thế giới với các trật tự đang dần ổn định và chịu sự chi phối của các thế lực lớn hơn, việc cứu lấy bản sắc và sự đa dạng liệu có còn khả thi ? Và nó có tạo ra rào cản phát triển giữa các cộng đồng không ? Nếu có, liệu việc cứu ấy có còn đáng ? Chúng ta có cách nào để làm được cả hai ? Tôi không nghĩ một câu trả lời sẽ nhanh chóng xuất hiện, cũng không nghĩ một cá nhân thấp cổ bé họng như tôi sẽ đem nó ra thực hiện ngay được.
Nhưng tôi tin sẽ có những người có cùng mối quan tâm, và việc cùng nhận ra rằng đang có sự bất thường ít ra vẫn tốt hơn là không nhận ra gì.
- Tháng 1 năm 2022 -
----------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1] GIÁP, Nguyễn Thiện. Sự cần thiết phân biệt các khái niệm từ gốc, từ mượn, từ ngoại lai và từ ngoại trong nghiên cứu từ vựng tiếng Việt. VNU Journal of Foreign Studies, [S.l.], v. 31, n. 2, june 2015. ISSN 2525-2445.
- Xem tại đây -
[3] Meike Poeste, Natascha Müller & Laia Arnaus Gil (2019): Code-mixing and language dominance: bilingual, trilingual and multilingual children compared, International Journal of Multilingualism, DOI: 10.1080/14790718.2019.1569017
[4] Factors Associated with the Code Mixing and Code Switching of Multilingual Children: An Overview (Xem phần: “Contextual and social factors connected with the code switching and code mixing of children”)
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất