Đánh giá dòng game Yakuza - cách người Nhật Bản "thổi hồn" vào game
Bài viết đánh giá tổng quan toàn bộ dòng game hành động - thế giới mở Yakuza (Ryu Ga Gotoku).
[Writer's Note: Bài đánh giá không bao gồm các phần game spin-offs và cũng không có yếu tố spoil.]
Năm 2005, một năm đặc biệt của làng game thế giới khi chứng kiến lần lượt những "huyền thoại" mang tính cách mạng của từng thể loại game được trình làng.
Những Resident Evil 4, God of War, Splinter Cell: Chaos Theory... quá đỗi xuất sắc, tiếc thay, lại khiến cho người ta có phần lờ đi một dấu mốc lớn của thể loại sandbox cũng được ra mắt cùng năm trên hệ máy PlayStation 2 với cái tên đầy khoa trương - Yakuza.
Sau một khoảng thời gian thai nghén cùng khoản tiền "nướng" vào lên tới 2 tỷ yên Nhật, Toshihiro Nagoshi cùng các cộng sự đã hoàn thành phiên bản đầu tiên của dòng game dưới bệ đỡ của SEGA, cũng ngay tại thời điểm mà công ty này đang có phần chững lại sau quãng thời gian lận đận với sự đầu tư "sai thời điểm" vào cuộc chơi console đầy khắc nghiệt với những hệ console yểu mệnh như Sega Saturn và có-lẽ-là-cuối-cùng, Dreamcast.
Kể từ thời điểm ra mắt cho đến nay, đã gần 2 thập kỉ trôi qua, Yakuza đã trở thành một trong những "tượng đài" đi vào huyền thoại của dòng game thế giới mở, bên cạnh những cái tên khác cũng "cứng cựa" chẳng kém.
Có lẽ ở Việt Nam, vào khoảng thời gian hoàng kim của hệ máy SNES, PS1, PS2, chúng ta còn đang mải "mê mẩn" những Winning Eleven (thứ Bóng đá Nhật mà nhà nhà đều biết), những Final Fantasy, những Fire Emblem..., mà lại quên đi mất sự hiện diện của Yakuza - một tuyệt phẩm cũng đến từ người Nhật.
Trường hợp này làm người viết nhớ đến một "trường hợp" khác mang tên Gran Turismo, một dòng tuyệt phẩm khác thuộc thể loại đua xe đến từ xứ sở hoa anh đào, nhưng có vẻ cũng "lạ mặt" đối với đông đảo game thủ Việt Nam.
Vậy nên có lẽ không phải "đồ Nhật" nào cũng đem lại cơn sốt.
Nhưng tính đến thời điểm này, vì khi đã phổ biến hơn, một điều khá chắc chắn là có lẽ người viết không cần phải giới thiệu quá nhiều nữa, về dòng game mà một khi đã nhắc đến thể loại beat 'em up hay open-world, thì cái tên Yakuza sẽ phải đứng ở hàng top-tier, về độ "cao su" không phải dạng vừa khi chuỗi main games lên tới 8 phiên bản (chưa kể hằng hà sa số các spin-offs đa hệ), cùng chất lượng không phải bàn cãi mặc dù chặng đường từ phiên bản đầu tiên mới chỉ kéo dài gần 20 năm - một con số tưởng chừng dài những có lẽ chưa thấm vào đâu so với những dòng game lâu đời khác.
Thế nhưng, cụm từ "gừng càng già càng cay" lại không thể phù hợp hơn để nói về dòng game này, vì cái hồn và cá tính riêng của Toshihiro Nagoshi cùng Ryu Ga Gotoku Studio "thổi" vào game vẫn tồn tại như một giá trị độc đáo, thứ "hồn châu Á" chưa từng có một tựa game nào thể hiện thành công bằng.
VỀ "YAKUZA"
Được sánh ngang với những băng đảng tội phạm nổi tiếng trên thế giới - Yakuza tại Nhật Bản được coi là một trong những tổ chức tội ác có quyền lực ngầm mạnh nhất trên toàn cầu, tương tự như cách Hội Tam Hoàng ở Hồng Kông hay Mafia ở Ý hoạt động.
Tuy nhiên, các hoạt động và vai trò xã hội của Yakuza rất khác so với các tổ chức tội phạm khác, một điều làm nên nét đặc trưng của băng đảng này, điều chỉ có người Nhật có thể khắc hoạ nên qua phim ảnh hay các mẩu chuyện trên mặt báo.
Và thật may mắn, tất cả chúng đều hiện diện một cách gần như đầy đủ trong series Yakuza.
龍が如く, hay "Ryu Ga Gotoku", cụm từ trong tiếng Nhật mang nghĩa "Như một con rồng". Cùng lúc, ta có thể hiểu ý nghĩa của cụm từ này như sức mạnh của nhân vật chính Kiryu Kazuma, hoặc cũng có thể hiểu như là sự trường tồn mạnh mẽ của thương hiệu game có tuổi đời gần 2 thập kỉ.
Nếu chỉ có một danh từ duy nhất để mô tả toàn bộ dòng game Yakuza, chỉ có thể là "cá tính".
Làm game hay là một chuyện, nhưng sự đặc trưng trong cung cách làm game cũng là một chuyện chưa bao giờ được coi là đơn giản.
Và dĩ nhiên, người Nhật đã hoàn thành quá xuất sắc thứ làm cho họ nổi danh bấy lâu nay: thứ "cá tính" được đưa vào trong game.
Những khu phố được đưa vào game từ trước đến giờ, từ Kamurocho (lấy cảm hứng từ khu đèn đỏ 18+ Kabukicho "khét tiếng" Tokyo) cho đến Sotenbori (mô phỏng theo những con phố của Osaka)..., đều quá đỗi chi tiết và sống động.
Sự đầu tư được thể hiện rất rõ, từ những quán ăn, con hẻm hay cả vũng nước giữa đường; từ những bản nhạc nền được phát ngẫu nhiên trên đường phố; từ những gã say rượu va phải mình trong game, những con người chật vật chạy theo guồng quay cuộc sống...
Tới nỗi, mặc dù người viết cũng có kha khá hiểu biết nhất định về nền văn hoá nơi này, nhưng cũng phải thốt lên đầy bất ngờ: "Quá Nhật!".
Có lẽ bởi, đây là lần đầu tiên người viết được chứng kiến một sản phẩm giải trí như trò chơi điện tử khắc họa thành công hình ảnh Nhật Bản một cách hối hả và sống động đến ngỡ ngàng như vậy.
SỰ KHỞI ĐẦU...
Dòng game Yakuza có một khởi đầu có vẻ khá... gian nan khi phiên bản đầu tiên của game - Yakuza - ra mắt vào năm 2005 trên hệ máy PS2 - không được đón nhận như kỳ vọng. Mặc dù đạt được thành công thương mại khi tới hơn 1 triệu bản đã được tẩu tán, nhưng những đánh giá trái chiều dành cho tựa game lại khiến nhiều người hoài nghi.
Nhưng dẫu sao, tựa game cũng đem lại một làn gió mang tính cách mạng cho thể loại sandbox vốn dĩ đang bão hoà thời điểm ấy, khi hầu như tựa game dán mác "sandbox" nào cũng cố gắng để trở thành GTA-killer, với lối chơi cũ kĩ và quá "GTA".
Không chạy theo xu hướng, Yakuza bản PS2 có những nét đặc trưng rất riêng.
Gameplay, đồ họa có thể đã lỗi thời và nhuốm màu thời gian, nhưng sự đầu tư đầy mới mẻ vào các mini-games, các substories... đã khiến Yakuza thật đặc biệt, dù chưa thật sự nổi bật để tạo ra "cơn địa chấn".
Cốt truyện mặc dù theo người viết là không quá đặc sắc, vẫn motif "huynh đệ tương tàn" như các bộ phim TVB, nhưng vẫn đủ để níu chân người chơi đi tiếp tới chặng đường xuất hiện màn hình credit.
Thành công thương mại của phần 1 đã khiến SEGA "bật đèn xanh" ngay tắp lự cho dòng game bằng sự ra mắt của Yakuza 2 chỉ một năm sau đó. Gameplay vẫn vậy, nhưng rõ ràng đã có sự cải thiện hơn về nhiều mặt, cốt truyện đã bắt đầu có chiều sâu và sự phức tạp, và rồi người ta dần có cái nhìn thiện cảm hơn về dòng game này.
RỒI MỘT CUỘC CÁCH MẠNG THẬT SỰ BẮT ĐẦU.
Có lẽ, rào cản về phần cứng trên hệ PS2 già cỗi đã khiến cho dòng game chững lại suốt 3 năm liền, bằng chứng là việc không có thêm phiên bản chính nào mới được ra mắt. Có lẽ studio đang dành thời gian cho các dự án khác, hay là đang dồn toàn lực để đem lại một Yakuza 3 bùng nổ trên hệ máy next-gen đầy mạnh mẽ lúc bấy giờ - PlayStation 3?
Và quả thật, được ra mắt vào đầu năm 2009, Yakuza 3 là một sự lột xác hoàn toàn cả về mọi mặt.
Tựa game đã bỏ qua hoàn toàn những góc quay camera cố định sẵn như 2 phiên bản tiền nhiệm (chủ yếu nhằm né tránh sức mạnh phần cứng có hạn của hệ console già cỗi thế hệ thứ 2) và chuyển mình sang góc nhìn thứ 3 thời thượng.
Lần này, quần đảo Okinawa - nơi Kiryu Kazuma tận hưởng cuộc sống mới tại trại trẻ mồ côi Morning Glory - kết hợp cùng hệ thống phần cứng tân tiến của cỗ máy PlayStation 3, thanks to Sony - hiện lên đầy “mướt mát” dưới không gian của một quần đảo nhiệt đới, cùng những bãi cát trải dài dưới rặng cây xanh.
Một sự lột xác có thể coi là khá ngoạn mục.
Quy mô về cốt truyện cũng đã được mở rộng và mang nhiều tính thời sự hơn, khi không còn gói gọn trong khuôn khổ các bang hội với nhau, mà còn dính líu tới cả các nhân vật quyền lực trong chính trị.
Mặc dù mắc phải một số khiếm khuyết nhất định khi hệ thống combat chưa thật sự hoàn chỉnh, dễ gây ức chế cho người chơi (cái tên đầy mỉa mai Blockuza 3 cũng ra đời từ đó - khi AI trong game chẳng biết làm gì ngoài đỡ đòn), nhưng cũng có thể thông cảm bởi việc đem đứa con tinh thần của mình chập chững bước lên hệ console mới như PS3 là điều không hề dễ dàng đối với một studio còn khá non trẻ như Ryu Ga Gotoku.
Dẫu sao, Yakuza 3 cũng đã gây nên tiếng vang lớn trong giới mộ điệu.
Thừa thắng xông lên, các phiên bản Yakuza 4 và 5 lần lượt được ra đời trong những năm tiếp theo (2010 và 2012). Vẫn tiếp tục lấy lối chơi beat 'em up làm trung tâm, nhưng những vướng mắc trong gameplay đã dần được khắc phục.
Lần này, thêm một yếu tố mới mẻ nữa được thêm vào, đó chính là hệ thống "đa nhân vật".
Cụ thể, trong Yakuza 4, nhân vật chính Kiryu Kazuma không còn "đơn phương độc mã" đi "hành hiệp trượng nghĩa" nữa, mà bên cạnh anh còn xuất hiện thêm những cộng sự mới: gã cho vay "nặng lãi" Akiyama, kẻ vào tù ra tội Saejima và tên thám tử Tanimura (vâng, tất cả đều playable).
Từng nhân vật với từng moveset đặc trưng và câu chuyện riêng được đầu tư kĩ lưỡng, những câu chuyện tưởng chừng như rời rạc nhưng lại bùng nổ kết hợp vào cuối game, một sự bùng nổ đầy cần thiết, thể hiện sức sáng tạo không giới hạn của người Nhật.
Đặc biệt, ở phiên bản Yakuza 5 ra mắt năm 2012, Ryu Ga Gotoku Studio đã tỏ ra rất hào phóng khi đưa vào tới... 5 thành phố cho người chơi khám phá, trong khi yếu tố đa nhân vật vẫn được giữ nguyên.
Kết hợp với hệ thống combat xuất sắc thuộc hàng bậc nhất cả series (mà theo người viết chỉ xếp sau Yakuza 0 - sẽ đề cập ở phần tiếp), cùng thời lượng chơi rất... dài hơi, thật không ngoa khi cho rằng đây chính là phiên bản đồ sộ nhất của cả series.
MỘT SỰ KHỞI ĐẦU MỚI "TỪ CON SỐ 0".
2015, một năm cũng thật đặc biệt của làng game với vô vàn siêu phẩm ra đời: The Witcher 3, Bloodborne, Metal Gear Solid V...
Nhưng để chọn ra danh hiệu tựa game xuất sắc nhất trong năm ấy (đối với người viết), cái tên Yakuza 0 chắc chắn sẽ được dành tặng.
Đó là điều không phải ngẫu nhiên hay dưới danh nghĩa là một fan của dòng game.
1988, định mệnh đã réo gọi cái tên Kiryu Kazuma, lúc ấy còn là một yakuza... tập sự, đang cố gắng thể hiện cho người cha nuôi rằng mình đã "đủ lông đủ cánh" để bước vào giới xã hội.
Hình ảnh một Goro Majima lịch lãm, đường đường là ông chủ một câu lạc bộ đêm - cũng đồng thời xuất hiện, khi gã trót đem lòng yêu người mà gã buộc phải giết vì đặc thù công việc là một yakuza.
Lần này, Yakuza 0 đã giải thích gần như toàn bộ những thắc mắc về nguồn gốc của các nhân vật, về mối quan hệ "chẳng biết bạn hay thù" giữa "con rồng nhà Dojima" và "chó điên nhà Shimano", cả câu chuyện thấm đẫm nước mắt về tình huynh đệ giữa Kiryu và người anh em vào sinh ra tử Nishiki...
Ngoài ra, còn nhiều hơn thế nữa.
Có thể nói, Yakuza 0 chính là đỉnh cao ở độ chín muồi khi kết hợp những yếu tố đã tạo nên tên tuổi của cả dòng game: cốt truyện phi tuyến tính đầy rẫy plot-twist, những địa danh đủ thứ cho người chơi khám phá, các substories thú vị (đôi lúc hơi "bựa" và "biến thái") cùng hệ thống combat vô cùng xuất sắc (cũng là sự kết hợp tinh túy về hệ thống combat của các phiên bản tiền nhiệm), ...
Những điều ấy đã khiến cho người viết ước rằng giá như mình chưa từng phá đảo 100% tựa game này, để được hoàn thành nó "thêm" một lần nữa.
Có thể nói, chính nhờ chất lượng tuyệt vời của Yakuza 0 mà cái tên Yakuza mới được phổ cập rộng rãi tới cộng đồng game thủ thế giới, đặc biệt là thị trường phương Tây đang ở thời điểm bão hòa - cũng là nơi đang "đói" những làn gió lạ như Yakuza.
Yakuza 0 là một sự khởi đầu hoàn hảo cho những ai là "newbie" đang muốn tiếp xúc với dòng game lần đầu.
Mặt khác, game cũng không làm cho những fan cứng cựa của dòng game phải thất vọng khi những hội tụ đủ những tinh túy, cả cũ và mới, vừa mang nhiều hoài niệm, nhưng cũng đem lại niềm mới mẻ.
KẾT THÚC À? KHÔNG PHẢI. ĐẤY LÀ...
Yakuza 6: The Song of Life - ra mắt vào 2016 - đã đánh dấu hồi kết thúc của hành trình dài hơi mang tên "The Dragon of Dojima", với một kết thúc mà theo người viết là... ổn, dù có đem lại chút tiếc nuối, nhưng đó là một sự kết thúc cần thiết cho cả series.
Thiết nghĩ "cụ" nên nhường lại sân chơi cho "sắp trẻ" nhiệt huyết thì hơn. Dù còn luyến tiếc, nhưng chúng ta chia tay được rồi.
Những năm tiếp theo, SEGA cố gắng phổ cập cái tên Yakuza cho người chơi trên các hệ máy mới bằng việc ra mắt các phiên bản game được "làm lại": 2 phần Yakuza Kiwami (remake lại từ Yakuza 1 và 2), và The Yakuza Remastered Collection, bao gồm các phần 3-4-5 được tút tát, "remastered" lại ở độ phân giải và tốc độ khung hình cao.
Và đầy bất ngờ (hoặc cũng không bất ngờ lắm), làn gió mới mang tên Yakuza: Like a Dragon xuất hiện.
Tại sao lại bất ngờ?
Quyết định mạnh dạn từ bỏ lối chơi beat 'em-up đã theo chân người chơi suốt những phiên bản trước, thay vào đó là chuyển sang... turn-base RPG (một "Dragon Quest" đánh theo lượt, dưới góc nhìn của nhân vật chính), chính là quyết định gây tranh cãi cực kì lớn. Nhiều người tung hô sự thay máu này, tất nhiên cũng có người kêu than "Yakuza đã mất chất".
Ta cũng không còn thấy một yakuza ngầu lòi, "không một vết gợn" trong cuộc đời, mà thay vào đó là một gã choai choai bận đồ đỏ đầy "nhức mắt".
Liệu có thật sự ổn?
Tính đến thời điểm của bài viết, người viết mới chỉ vỏn vẹn nướng có... 20 tiếng vào game (và cũng xin phép chưa dám đưa ra nhiều đánh giá về phần game này).
Nhưng có một điều chắc chắn là, cái tên Yakuza chưa bao giờ làm giới mộ điệu thất vọng.
Dù lối chơi có thể thay đổi, nhưng cái hồn Yakuza vẫn luôn tồn tại ở đấy.
Có thể khẳng định như đinh đóng cột, rằng người chơi có thể già đi, nhưng dòng game Yakuza vẫn luôn giữ được sự tươi trẻ, khoáng đạt và luôn biết cách làm mới mình như vậy.
Đó là sự tươi trẻ, khoáng đạt làm cho con người ta không thể dễ dàng buông tay cầm (hay chuột phím) ra được.
[Important Editor's Note:
Tính đến ngày hôm nay (14/09/2022), một sự kiện được tổ chức bởi Ryu Ga Gotoku Studio mang tên RGG SUMMIT 2022 đã được diễn ra và tạo nên những "cú sốc" cực mạnh đối với fan của dòng game (lẫn người viết), đó là sự hé lộ của Like a Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name và Like a Dragon 8 (cùng sự trở lại đầy bất ngờ của Kiryu Kazuma trong cả 2 phần game!).
Vậy có nghĩa, Ryu Ga Gotoku Studio đã bỏ cái tên 'Yakuza' khỏi title các tựa game của series này trong tương lai.
Bên cạnh đó là sự hiện diện của 2 phần game spin-off độc quyền hệ console là Judgment và Lost Judgment trên nền tảng PC.
Nhưng, điều bất ngờ hơn cả, chính là việc phiên bản spin-off vốn dĩ chỉ được phát hành ở thị trường nội địa, là Ryu Ga Gotoku: Ishin, được remake lại với cái tên Like a Dragon: Ishin Kiwami!
Kiryu Kazuma đã thật sự trở lại!]
Hẹn gặp lại,
Duon
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất