Bản tuyên ngôn Chơi game có Giáo dục
Câu chuyện xoay quanh chủ đề “ Gamer là cái lũ không có tương lai —đúng hay sai?” vốn đã trôi qua từ lâu, và tôi cũng không có ý định...
Câu chuyện xoay quanh chủ đề “Gamer là cái lũ không có tương lai—đúng hay sai?” vốn đã trôi qua từ lâu, và tôi cũng không có ý định đào mộ hay tham gia vào một chủ đề cũ. Bản thân tôi là một người chơi game lâu năm, và cũng có đủ đam mê và nhiệt huyết với nó để trở thành một người làm game. Nhưng tôi không có ý định phản biện những quan điểm tiêu cực về những người chơi game, vì việc đó đã có hàng đàn các bạn thanh niên tuổi mới lớn trên mạng làm rồi.
Thay vào đó, thông qua bài viết này, tôi hy vọng cộng đồng những người chơi game và yêu thích game ở Việt Nam chúng ta có một sự nhìn nhận lại, và hy vọng là thay đổi chính bản thân mình. Bởi đó mới là phương pháp hữu hiệu nhất để thay đổi định kiến, chứ không phải là kéo đàn kéo đống đi chửi nhau trên mạng. Nói vậy đủ rồi, giờ chúng ta hãy hành động, và trở thành những người chơi game có giáo dục.
Lưu ý là bài viết này chỉ dành cho tầng lớp chơi game bình dân, không phải dành cho các game thủ chuyên nghiệp. Tôi tin rằng các bạn game thủ chuyên nghiệp vốn đã hiểu và vẫn đang hành động mỗi ngày cho lý tưởng của mình rồi.
Điều 1: Hãy chơi game, nhưng đừng chỉ cắm đầu vào game (và hãy học từ chúng)
Điều này có hai ý. Để là người chơi game có giáo dục, thì trước tiên bạn phải chơi game đã. Có thể chơi nhiều, có thể chơi ít, nhưng nhất định phải chơi. Bởi điều đó ít nhất cho thấy rằng bạn coi chơi game cũng là một hoạt động giải trí đáng với thời gian bạn bỏ ra như những hoạt động khác như xem phim, nghe nhạc, đọc sách, v.v. Game sẽ không được sánh vai với những loại hình truyền tải văn hoá khác bằng những lời nói sáo rỗng, mà nó chỉ có thể bắt đầu đạt được điều đó nhờ có thời gian và tiền bạc mà bạn bỏ ra dành cho nó. Đừng nghĩ rằng chơi game chỉ khiến bạn thiệt chứ không có lợi ích gì.
Nhưng nếu vậy thì, nói một cách khách quan, thì liệu video game có thực sự đem lại lợi ích gì không? Cá nhân tôi cho rằng câu trả lời có, nhưng sẽ tuỳ thuộc vào việc bạn là ai, và bạn có sẵn sàng để tiếp nhận những lợi ích của nó hay không. Và đây cũng chính là yếu tố then chốt thứ hai của Điều 1: hãy chơi game, nhưng đừng chỉ cắm đầu vào game. Nếu bạn chỉ chơi game một cách thụ động, thuần tuý để giải trí và để “giải tán” bớt game trong thư viện Steam khổng lồ của bạn, thì khả năng cao là những tựa game đó sẽ chỉ trượt qua bạn và không để lại điều gì ấn tượng hay có nhiều giá trị. Hãy dành thời gian để suy ngẫm lại về tựa game mà bạn vừa chơi, về trải nghiệm của bạn, về những gì mà tựa game muốn truyền tải, và theo cá nhân bạn thì tựa game đã có thể thay đổi như thế nào để truyền tải những điều đó tốt hơn. Và nếu được, thì hãy ghi chép lại tất cả những điều đó, và viết một bài để chia sẻ và kết nối với những người chơi khác.
Hãy chơi và đồng thời hãy đọc và tìm hiểu sâu hơn về những thứ liên quan đến tựa game mà bạn chơi. Đó có thể là chủ nghĩa khách quan của Ayn Rand sau khi chơi Bioshock Infinite, hình thái xã hội cộng sản sau khi chơi Frostpunk, lịch sử phát xít Đức và thế chiến thứ II sau khi chơi Wolfenstein, tư tưởng của Nietzsche sau khi chơi Final Fantasy, về tình trạng xã hội hậu tư bản sau khi chơi Deus Ex, bản chất của niềm tin và tôn giáo sau khi chơi Talos Principle, khoảnh khắc “Eureka!” của con người sau khi chơi The Witness, hay thậm chí là cách các game gacha như Fate/Grand Order hay Âm Dương Sư cuốn hút và giữ chân người chơi, v.v.
Và còn vô cùng, vô cùng nhiều những chủ đề sâu sắc và rộng rãi khác mà bạn sẽ có cơ hội được tìm hiểu thông qua game. Không có game nào là tinh hoa, và cũng không có game nào là rác rưởi. Chơi Dark Souls không khiến bạn thượng đẳng, và chơi game mobile thì không có nghĩa là bạn là loại “casual.” Bất cứ một tựa game nào bạn chơi cũng sẽ có một điều gì đó để bạn học hỏi và giúp bạn làm làm giàu vốn sống của mình, miễn là bạn đủ động lực và đủ tinh ý.
Cũng giống như những sản phẩm truyền tải văn hoá khác, mỗi game cũng có những nội dung, chủ đề hay thông điệp nào đó mà nó muốn truyền tải, cho dù là có sự chủ định của nhà phát triển hay là không. Có thể một game nói về nỗi buồn chiến tranh, nhưng rộng hơn nữa thì ta có thể thấy nó nói về sự ngu ngốc của loài người. Hay một game khác lại nói về một mối quan hệ giữa hai người, nhưng thực ra nó lại nói về hành trình đi tìm bản ngã trong mỗi chúng ta. Hơn nữa, game cũng sử dụng nhiều những công cụ, những tư liệu khác nhau để truyền tải, và vì thế nên chúng ta càng biết nhiều hơn, và hiểu sâu hơn, thì khả năng truyền tải của chúng sẽ càng mạnh mẽ và sâu sắc hơn.
Điều 2: Thích—không có nghĩa là bảo vệ mù quáng
Đây là một điều mà chắc có lẽ ai cũng phải đồng ý về mặt khái niệm, nhưng trên thực tế thì không phải ai cũng có thể dễ dàng chấp nhận được khi người khác động chạm tới một sản phẩm mà mình ưa thích. Bạn có thể mê mẩn với một tựa game hay dòng game nào đó, hay bạn có thể là một weeaboo chính hiệu, nhưng hãy cố gắng có một cái nhìn khách quan nhất có thể đối với sản phẩm ưa thích của mình.
Bạn có thể phát cuồng với Dark Souls, nhưng đừng vì thế mà nghĩ rằng nó là Citizen Kane của video game, và bất cứ game nào của From Software làm ra cũng là thượng đẳng và nằm ngoài tầm phê bình của bọn hạ đẳng trần tục.
Bạn có thể say mê The Witcher, nhưng cũng đừng vì thế mà tung hô nó như một kiệt tác về kể chuyện.
Bạn cũng có thể rất yêu thích Lightning trong Final Fantasy XIII và gọi cô ta là “waifu,” nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng Final Fantasy XIII là một game chất lượng.
Mọi thứ đều có điểm mạnh cũng như điểm yếu của nó, và không phải mọi sản phẩm của một studio danh tiếng cũng đều có chất lượng và thành công như nhau. Ví như bản thân nhà phát triển Subset Games còn tự nhìn nhận rằng sản phẩm Into the Breach không có được nhiều chiều sâu và giá trị chơi lại như sản phẩm FTL trước đó của họ đó thôi. Đó là một lựa chọn an toàn của họ, và chúng ta cần phải tôn trọng và chấp nhận điều đó, thay vì tự huyễn hoặc bản thân.
Không ai chê bôi gì niềm yêu thích của bạn, nhưng khi đánh giá và nhìn nhận một sản phẩm, bạn thực sự cần phải giữ cho mình một cái nhìn khách quan.
Điều 3: Hiểu sự khác nhau giữa đánh giá & phê bình
Tiếp nối Điều 2, bạn cần hiểu sự khác biệt giữa đánh giá (review) và phê bình (criticism). Review có nghĩa là đánh giá trải nghiệm trực quan của người sử dụng sản phẩm, cho điểm từng khía cạnh của sản phẩm đó như đồ họa, hiệu ứng, diễn hoạt, gameplay, âm thanh, v.v. Tất cả những lời bình luận như “Đồ họa mãn nhãn,” “Gameplay đã tay” hay “Âm nhạc sâu lắng” đều thuộc vào phạm trù review, và chỉ đơn thuần là sự đánh giá ở bề nổi để giúp cho người đọc có thêm thông tin để quyết định xem có nên xuống tiền mua sản phẩm hay không.
Đối với phê bình game, đó lại là sự phân tích ý nghĩa sâu xa hơn trong chủ đề của game, vận dụng hết tất cả các yếu tố của một game thành một khối thay vì nhận xét riêng lẻ từng yếu tố như review, bình phẩm về cách thức truyền tải những ý nghĩa và thông điệp của game, và chiêm nghiệm xem tựa game này đã làm được những gì để đóng góp chung vào sự phát triển của game với tư cách một loại hình truyền tải văn hóa.
Nếu review là sự đánh giá về chất lượng trải nghiệm và có thể được hình thành ngay sau khi trải nghiệm xong, thì phê bình lại là một quá trình nhìn lại, nghiên cứu và suy ngẫm lâu hơn sau khi đã hoàn thành trải nghiệm.
Review là thứ mà hầu như ai cũng có thể làm được, và chúng ta cũng đã có rất nhiều các cộng đồng cũng như các trang báo game để làm việc đó.
Trong khi đó, thứ chúng ta còn thiếu và cũng đang rất cần, để nâng cao được văn hóa thưởng thức game ở Việt Nam, chính là phê bình. Cá nhân tôi chưa nhìn thấy có nhiều dấu hiệu tích cực, ngoài những cố gắng khá nhỏ ở những cộng đồng như ViNa Ludens hay Hiệp sĩ Bão táp.
Hãy nhìn xem người ta nói gì về biểu tượng của nhân vật Joker trong điện ảnh. Còn video game chúng ta có gì?
Điều 4: Hiểu thế mạnh của game so với những loại hình văn hoá khác là gì
Nhiều người chơi game sau khi được trải nghiệm một tựa game có cốt truyện vô cùng tinh vi và sâu sắc thì có thể gọi đó là một game siêu phẩm. Nhưng trên thực tế thì cái mà họ đang khen ngợi đó chỉ là cốt truyện của tựa game, và chưa bao gồm cả những yếu tố khác thậm chí còn quan trọng hơn cả cốt truyện của nó. Một tựa game có thể có một cốt truyện tuyệt vời sánh ngang với Star Wars của George Lucas, nhưng liệu phần gameplay của nó có sự kết nối gì với cốt truyện của nó hay không? Có điều gì trong trải nghiệm của nó mà bạn nghĩ loại hình điện ảnh cũng có thể làm được tương tự hay không?
Bài viết sau đây sẽ đi vào giải thích chi tiết về vấn đề này:
Dù muốn dù không, bạn phải chấp nhận rằng cốt truyện không phải là thế mạnh và không phải là điều khiến video game tách biệt khỏi những loại hình truyền tải văn hoá khác, dù bạn có nghĩ cốt truyện của Detroit: Become Human có hay đến thế nào đi chăng nữa. Bởi sự thực là video game còn quá trẻ, và dù một game có muốn kể một câu chuyện như thế nào đi chăng nữa, thì ở ngoài kia đã có một bộ phim kể chính câu chuyện đó hay hơn nó. Và ở đây chúng ta nhắc lại Điều 2—thích không đồng nghĩa với tung hô lên thành kiệt tác tinh hoa.
Điều 5: Hiểu về thiết kế game
Bất kỳ ai có liên quan đến game, dù là người chơi, người review, người làm báo, nhà phát triển, người nghiên cứu hàn lâm, v.v. đều sẽ được hưởng lợi khi có kiến thức về thiết kế game. Điều quan trọng khiến cho game khác biệt với những loại hình khác, như đã nêu ở Điều 4, đó là gameplay, hay cụ thể hơn là tính tương tác. Vậy thì bạn cần hiểu được rằng game cần phải làm gì để thỏa mãn được khán giả của nó. Bạn cần phải hiểu được lỗi mâu thuẫn giữa kể chuyện và gameplay (ludonarrative dissonance) là gì, thiết kế một màn chơi phải ra sao để tối ưu trải nghiệm khám phá, thiết kế một trận đấu boss thế nào để người chơi vừa có đủ thử thách mà lại vừa đủ thỏa mãn, cân bằng các đối tượng trong game cạnh tranh như thế nào, v.v.
Những tuyên bố như “Game này hay vì cốt truyện nó cảm động” hay là “Game kia chất vì đồ họa nó chân thực” đều là những nhận định vô nghĩa vì sai cơ sở, và sẽ chỉ thường dẫn đến những cuộc tranh luận nảy lửa không có hồi kết về những thứ cảm giác cá nhân hết sức cảm tính.
Định nghĩa cơ bản của thiết kế game là gì—bạn có thể tìm thấy trong bài viết này:
Các bạn fan điện ảnh có thể hàn huyên với nhau về cinematography của một bộ phim. Những người yêu văn học thì có thể thảo luận về những thủ pháp biểu diễn tình huống và mạch truyện. Vậy thì video game bao giờ mới có thể vươn ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của “đánh giá đồ họa” và “tóm tắt cốt truyện?”
Khi bạn hiểu thiết kế game nghĩa là gì, và đã nắm được một số hiểu biết cơ bản về nó, bạn sẽ đưa ra được những suy nghĩ, những quan điểm xác đáng và “có học” hơn về game cũng như chất lượng của chúng. Và điều đó thì có ích cho tất cả mọi người.
Bắt đầu tìm hiểu về thiết kế game ở những nguồn nào?
Để là người có giáo dục ở bất cứ ngành hay chủ đề nào, không chỉ có mỗi game, thì trước tiên bạn cần phải có ngoại ngữ. Bạn luôn cần có ngoại ngữ để có thể tiếp thu những kiến thức và chia sẻ từ bạn bè nước ngoài. Và ở đây cũng không ngoại lệ.
Tiếng Việt: Blog ViNa Ludens
Lời kết
Mọi cuộc cách mạng nếu muốn thành công đều cần hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Cá nhân tôi hiểu rằng tất cả những điều nêu trên đều không hề dễ dàng với tất cả mọi người, và cũng không thể ngày một ngày hai mà đạt được. Nhưng với tình hình ngành game nói riêng và văn hóa chơi game nói chung khá là “loạn lạc” như ngày nay, ngành game thực sự sẽ còn rất lâu để có thể phát triển và bắt kịp với thế giới. Và tôi tin rằng, điều trước tiên chúng ta cần làm, đó là thay đổi cách suy nghĩ của tầng lớp nền tảng và cơ sở nhất của ngành, đó là những người chơi game.
Hãy chơi game một cách có giáo dục hơn, vì lợi ích của tất cả chúng ta.
Viva la revolución.
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất