Mình vẫn nhớ lần cuối cùng mình gặp bà nội. Một ngày tháng 5.
Cái nắng hè ngả nghiêng trên từng con đường đổ bê tông, nghiêng cả vành nón của bà cùng vạt áo đã sờn vì mặc đi mặc lại quanh năm. Giữa cái nắng gắt của mùa hè, bà đi bộ một quãng đường, xách cho mình vài hộp mi lô – thứ quà hồi nhỏ mình hay vòi, và bà vẫn luôn nghĩ mình thích, ngay cả lúc lớn đùng. Bà cứ vội vã vội vã, dúi túi sữa cho mình rồi về luôn. Mà mình vẫn cứ nghĩ, giá như hôm đó mình giữ bà lại đôi chút, trò chuyện dăm câu tan bớt cái oi ả, giá như vậy.
Sau lần đó không lâu, ngày Quốc tế thiếu nhi, bà nội nhập viện. Bố mẹ ngược trước ngược sau. Mà mình, dù lo lắng, nhưng vẫn tặc lưỡi, nghĩ, ừ rồi sẽ ổn thôi.
Là một trong những người bà nội yêu thương nhất, mình quá vô tâm. Mình sống quá vội so với tình yêu giản dị, âm ỉ, chậm rãi mà trân quý vô cùng của bà. Để rồi, mình không có cơ hội nhìn mặt bà lần cuối cùng, hay thậm chí cả nghĩ về bà lần cuối cùng trước khi bà ra đi.
Mình đã viết câu chuyện này trong hầu hết những lá đơn mình gửi cho các dự án, hay các trường Đại học mà mình ứng tuyển. Mình nhắc đến nó trong hầu hết các cuộc phỏng vấn mình tham dự. Nhưng đây là lần đầu tiên mình dám mang nó lên blog, để nó phơi sáng, đối diện với nhiều người như vậy. Vì mình nhận thấy, thời gian vừa qua, mình cứ giữ khư khư nó như một vết thương mà chỉ mình mới có thể gánh vác, hay một câu chuyện mà mình chỉ có thể kể cho những người xa lạ, mà ở đây có thể là những người đọc lá đơn của mình, hay những người phỏng vấn mình rồi chẳng gặp lại.
Mình không có đủ dũng cảm để yếu đuối. Cũng không có đủ dũng cảm để khóc trước mặt người nào khác.
Nhưng hôm trước, có người đã nói với mình là mình thật giả tạo làm sao. Thầy phanh phui với mình rằng mình đã được tâng bốc vì sự mạnh mẽ như thế nào. Về việc mình là bậc thầy của việc giả vờ là chả có gì. Phỏng vấn vào Đại học, lần đầu tiên mình nhận thấy được câu chuyện của mình thật sự được lắng nghe với mục đích không phải để chấm điểm.
Và gần như là cay nghiệt một cách lịch sự cùng một nụ cười tươi, thầy bảo mình rồi sẽ trở nên vô cảm với chính cả mình. Rằng rồi mình cũng sẽ biến bản thân trở thành công cụ chứ chẳng cần gì khác để điều khiển.
Thế mà thầy vẫn cho mình kết quả tốt.
Thế mà mình lại thấy thầy nói đúng.
Mình nhận ra mỗi một lần kể câu chuyện về bà nội một cách gần như là ép-buộc-bản-thân-phải-bình-tĩnh như vậy, mình lại thấy suy sụp.
Mình nhận ra mỗi lần như thế, mình nhớ phát điên cái giọng Nghệ An đặc sệt của bà, nhớ cái vị mì tôm Cung Đình bà hay nấu,
nhớ những bịch mi lô bà cất trong nhà chờ các cháu đến cho,
nhớ mùi dầu gió lúc nào cũng thoang thoảng trên người bà,
nhớ bà hay giấu tiền trong thùng gạo,
nhớ cái bếp củi toàn mùi khói cùng tàn bếp bay tứ tung,
nhớ cây xoài bà trồng sau nhà cứ đến mùa là quả rơi lộp độp nghe rõ đau,
nhớ mình đã vô tâm như thế nào với tình yêu của bà dành cho.
Nên mình muốn thôi giả vờ. Mình muốn thật sự ổn. Chứ không phải giả vờ là mình ổn. Mình muốn chia sẻ. Mình còn muốn trân trọng từng thứ tình cảm, từng con người trong cuộc đời mình. Mình muốn chúng đến thật tự nhiên, và thật chân thực.
Người ta thường nói, mỗi khi chúng ta mất đi người thân yêu nhất trên cõi đời này, chúng ta sẽ chìm ngập trong tiếc nuối đến lụt lội cả con đường. Cái chết chỉ xảy ra với người ở lại, mặc cho mặt đất dưới chân vẫn chạy hoài chạy mãi.
Nhưng cái sự tiếc nuối đó sẽ biến bản thân chúng ta trở thành gì, mình không rõ. Có nhiều người ắt hẳn cũng như mình trước khi viết ra bài viết này, dậm chân tại chỗ với một nỗi đau được ôm khư khư trong lòng. Một vài người khác, như mình đang cố, move on và sống tiếp cái cuộc đời dang dở mà thiếu vắng đi một bóng hình.
Sự tiếc nuối hoá thành động lực để trân quý những điều còn lại trong cõi sống.
Và mình biết rằng, bà vẫn luôn nhìn mình. Trong thời không của bà thì, mình vẫn luôn tồn tại, luôn được nhìn thấy.
Vậy nên bà ơi, con sẽ ổn thôi. Một mai.
Cái nắng hè vẫn sẽ rơi rớt, ngả nghiêng trên con đường, trên tán lá, trên nụ cười, và trên cả mái tóc, trên hạnh phúc, và trên cả tình yêu.
Một mai, trời sẽ lại đẹp, nắng sẽ lại nhảy nhót chiếu xuống cái sân vườn nơi bà mình trồng cây xoài cạnh cái giếng khoan cũ. Bếp củi thì vẫn cháy, mùi mì tôm Cung Đình thì vẫn nồng ấm cả căn nhà khu tập thể công nhân.
Và sẽ lại là mình, trở về thời tấm bé, ôm hộp Milo ngồi cạnh bà hút rùn rụt.
Một mai.
-----------------------------
Một vài dòng mình viết cuối năm 12 - 5 năm sau khi bà nội mình mất.