Những dòng dưới đây chủ yếu là suy nghĩ của mình về cả ba thể loại tác phẩm giải trí, được viết trong khi đang ngồi nghe nhạc live tại một quán cà phê, đọc lại truyện AKB49. Đã muốn viết từ lâu vì thấy nhiều người chê manga quá. 
I. Văn học:
"Sức mạnh của văn học nằm ở việc truyền tải thông điệp bằng từ ngữ" - câu này mình bịa ra.
Tất nhiên, vì văn học toàn chữ là chữ. Trong khi manga diễn tả context bằng tranh, kịch và phim diễn tả context bằng hình ảnh thật, thì đến với một tác phẩm văn học bạn sẽ được đọc chỉ toàn những con chữ. 
Xin được trích một đoạn trong tác phẩm Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh:
 "Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học." 
Thế nào là "âu yếm"? Thế nào là "con đường làng dài và hẹp"? Thế nào là "sự thay đổi lớn"? Những câu chữ này được mắt bạn thu nhận và truyền tải ý nghĩa đến não bộ, từ đó bạn tự liên tưởng, dựa trên tất cả những ý niệm hay tiềm thức về thế giới xung quanh, về câu chuyện mà tác giả đang viết. Mình thích gọi đó là một "bộ phim chạy trong não". Và tất nhiên mỗi người có trải nghiệm khác nhau, cả bạn, người đọc khác, lẫn cả chính tác giả, nên mỗi người sẽ có cách tiếp nhận những câu chữ đó khác nhau. 
Nhưng điểm giống nhau vẫn sẽ là thông điệp tác giả muốn gửi đến người đọc. Như những dòng mình đang viết đây là muốn cho các bạn thấy cái hay mình cảm nhận ở cả ba thể loại. Thông điệp đó có thể là câu chuyện, nhân vật, quan điểm triết học, quan điểm thế giới, cái đẹp, cái thiện, một sự giác ngộ, vân vân và mây mây. Những thông điệp đó bị giới hạn bởi ngôn từ và phải được phát huy từ ngôn từ, bao gồm, chưa phải tất cả: ngữ pháp, cách ngắt câu, cách xuống dòng, các từ ngữ miêu tả, cảm thán. Những ngôn từ đó đến lượt phải diễn tả được: ý thức, phong cảnh, con người, suy nghĩ, âm thanh, màu sắc, và nói chung là context chung khác. 
"Cho nên, viết một tác phẩm là cả một nghệ thuật dừng từ." - câu này mình bịa nốt.
Mình luôn chú ý đọc kĩ các đoạn miêu tả trong tác phẩm là vì lẽ đó. Miêu tả cảnh vật, miêu tả âm thanh, miêu tả suy nghĩ, đặc biệt là miêu tả diễn biến suy nghĩ. Đôi khi diễn biến đó không rõ ràng, như tác phẩm Người đọc của Bernhard Schlink. Đôi khi diễn biến xảy ra trải dài toàn bộ câu chuyện, như Nhím thanh lịch của Muriel Barbery. Cũng đôi khi diễn biến cực kì mãnh liệt như cô cháu gái của Toohey trong Suối nguồn, bởi Ayn Rand. Cách sử dụng từ và cách ngắt câu trong các tác phẩm, đặc biệt là văn học nước ngoài, cũng cần được chú ý để hiểu hết tác phẩm. Vì chúng thể hiện tư duy, cách tư duy, và nhịp độ tư duy của người viết. Có nhiều tác giả khá dị về cách dùng từ hay ngắt câu, những tác phẩm dài ngoằng của văn học Đức, hay Quấn quít của Émile Ajar, mình luôn đọc hết, ráng cảm nhận hết, và đặc biệt cảm ơn những dịch giả đã tôn trọng nhịp câu của họ (nếu có).
Và đặc biệt, vì là từ nên người viết có thể miêu tả chi tiết, hay người đọc có thể đọc đi đọc lại nhiều lần. Đó là thế mạnh hay thế yếu tuỳ vào cách sử dụng của tác giả.
 II.Manga:
"Sức mạnh của Manga nằm ở việc truyền tải thông điệp bằng từ ngữ lẫn hình ảnh" - khỏi phải nói, câu này mình bịa.
Trước khi nói về manga, mình sẽ giới thiệu các cảnh mình cực kì tâm đắc nhất (thậm chí mình đã save sẵn list sau này cho con cháu đọc).
Vinland Saga:
Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Existental crisis. Chú ý cách sử dụng trắng, đen và faded dần của hoạ sĩ.
Sekai Oni.
Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Chỉ là những dòng suy nghĩ. Chú ý biểu cảm của đứa nhóc qua 3 khung tranh.
Hoả phụng liêu nguyên.
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Art.
Kasane.
Trong hình ảnh có thể có: vẽ và văn bản

Sự đối lập trong giác ngộ.
Bạn yêu thích gì khi xem một bức tranh? Cách hoạ sĩ vẽ, nghệ thuật hoạ sĩ dùng, ý tưởng mà hoạ sĩ sử dụng, và nhiều yếu tố khác. Nhưng nếu những bức tranh là tĩnh, chỉ diễn tả một sự vật, thì manga diễn tả cả một câu chuyện bằng tranh. Tuy nhiên, trong tranh của manga không chỉ đơn thuần là hình vẽ, mà trong đó còn chứa cả từ. Hay nói cách khác, manga là sự kết hợp cả tranh lẫn văn học, và nếu bạn yêu thích manga (như mình), thì bạn cũng sẽ đi đến thán phục các tác phẩm văn học lẫn tranh vẽ vậy.
Cái hay của manga là giản lược phần context qua những khung tranh. Nếu khi đọc một tác phẩm văn học, bạn phải mường tượng ra cảnh, thì ở đây hoạ sĩ sẽ vẽ ra dùm bạn. Chính vì vậy nghệ thuật vẽ, design nhân vật, bố cục tranh  cách diễn tả biểu cảm của nhân vật rất quan trọng. Nhưng hình ảnh không thì không đủ cho một bộ manga hay, mà còn phải kể đến câu chuyện. Nó bao gồm cốt truyện, lời thoại, cách vẽ lời thoại. Cách sử dụng lời thoại chính là cách áp dụng các nghệ thuật của ngôn từ, mà được gói gọn chỉ trong những khung bubble mô tả tiếng nói nhân vật, hay âm thanh xung quanh. Manga Bakuman miêu tả khá rõ những điều này.
Tuy nhiên, vì là tranh nên manga không thể diễn tả chi tiết cho người đọc tất cả những diễn biến một cách chi tiết bằng từ ngữ. Chẳng hạn một con người đi từ vui tươi đến tuyệt vọng, một sự chuyển biến sâu sắc trong tiềm thức. Họ, những hoạ sĩ và người viết truyện, không thể miêu tả bằng từ, nhưng họ lại sử dụng tranh cho điều đó, và họ thể hiện một cách hoàn mỹ.
Không có văn bản thay thế tự động nào.

Câu tiếp theo mà nhân vật nữ đội nón nói: "You have to be popular, even if you die" - truyện AKB49.
Nhân vật nữ đội nón - Haruko - phải về quê và dự định từ bỏ cả sự nghiệp làm idol của mình để chăm sóc gia đình, nhận ra là mình đã vô tâm quá nhiều. Còn hai nhân vật bên dưới, Minori và Yoshigawa, là hai nhân vật đã giành được vị thế trong đám idols, nhờ những nỗ lực của bản thân, được bạn bè yêu mến. Minori và Yoshigawa muốn an ủi Haruko, nói rằng sẽ nhường vị trí của mình, nhưng lại khiến Haruko nổi giận.
Bạn cảm nhận được điều gì khi xem trang truyện trên. Nỗi tuyệt vọng, đau khổ, sự bàng hoàng và có cả sự gửi gắm niềm tin, ước mơ..., tất cả được gói gọn trong đúng một trang (thực ra là cả trang sau nữa). Liệu văn học có thể mô tả được những điều này không? Có chứ, nhưng sẽ là những đoạn văn dài, có thể là cả một trang chữ để mô tả nội tâm nhân vật. Còn ở đây, hoạ sĩ cô đọng tất cả trong một trang truyện. 
"Nếu đây không phải là nghệ thuật thì cái gì là nghệ thuật nữa đây?" - mình cảm thán.
Nếu như đọc một tác phẩm văn học, mình chú ý đến nghệ thuật dùng từ, thì đến với truyện tranh mình cũng chú ý đến nghệ thuật vẽsắp xếp bố cục vậy. Mỗi mangaka có một cách thể hiện riêng, có người chú ý đến cốt truyện, có người chú ý đến cảnh nền, có người chú ý đến từng nhân vật, cũng có người chú trọng tất cả. Manga cũng có nhiều chủ đề, tình yêu, slice of life, lịch sử, chính trị và cũng là nơi để những tác giả gửi gắm nguyện vọng, tâm tình hay một tư duy. Hãy đọc nhiều để cảm nhận hết, và mình đảm bảo bạn sẽ không thất vọng nếu gặp được những bộ manga hay. Coffee Mou Ippai là một manga về cà phê có thể đọc thử, nếu bạn quan tâm.
III. Phim và kịch:
Có lẽ bạn cũng đoán được điều mình sắp bịa rồi:
Sức mạnh của kịch và phim nằm ở việc truyền tải thông điệp trực tiếp bằng hình ảnh, âm thanh.
Nói về phim là một list khá dài, nên mình sẽ so sánh với manga và văn học để dễ hiểu. Diễn biến trong phim diễn ra liên tục, từ nhân vật đến khung cảnh. Nếu một trang sách bạn có thể đọc đi đọc lại một câu, hay trong manga bạn có thể xem qua xem lại một hình ảnh, thì trong phim tất cả chỉ diễn ra một lần. Nên cái hay của phim là sắp xếp và xâu chuỗi TẤT CẢ những thứ một lần ấy thành một tác phẩm nghệ thuật để truyền tải nội dung từ đạo diễn.
Như đây:
Hay đây:
Hay đây:

Mình không nêu ví dụ kịch (vì bạn nên tự đi xem), nhưng bạn có thể hiểu rằng kịch có trước phim (về lịch sử). Và trong khi phim có thể được trau chuốt, quay đi quay lại nhiều lần thì người nghệ sĩ trong kịch chỉ có một cơ hội diễn cho khán giả. Nó không có nghĩa là kịch hay hơn phim, vì trong phim yếu tố diễn được kết hợp cùng các kĩ xảo khác và có cách truyền tải thông điệp của riêng nó, bạn chỉ cần hiểu là mỗi loại hình đều có điểm hay độc đáo. Kasane là một bộ manga khá hay nói về kịch, bạn có thể đọc qua nếu thích.
Phim và kịch nói chung đều cùng có một đặc điểm là truyền tải nội dung bằng cả âm thanh và hình ảnh. Nên cách diễn xuất của diễn viên và xây dựng nhân vật là một trong những chi tiết mình cực kì chú ý đến. Bạn xem một bộ phim, bạn sẽ thấy cảnh sắc và biểu hiện của nhân vật được chiếu thẳng vào mắt bạn, chứ không thông qua từ ngữ. Một lần nữa, đó chính là sự cô đọng. 
Mình thích xem bộ phim được chuyển thể từ một tác phẩm văn học là vì vậy. Đạo diễn phải mô tả hai, ba chục trang chữ trong một thước phim nhưng không đánh mất vẻ đẹp của nó, thậm chí có thể tôn vinh thêm tác phẩm nhờ sự cô đọng hoặc hiệu ứng truyền tải trực tiếp. 
Vậy, để thật sự thưởng thức một bộ phim, hãy chú ý đến các chi tiết nhỏ, cảnh nền, diễn xuất của diễn viên và đặc biệt là tất cả mọi thay đổi diễn ra xuyên suốt phim. Thậm chí những chi tiết ẩn dụ, vốn là nghệ thuật của ngôn từ, cũng được thể hiện trên màn ảnh, như những đoá hoa trà của Ozu, mà bạn phải đặc biệt chú ý tới mới cảm nhận được.
Chưa kể cả âm nhạc nữa, hãy xem Lala Land hoặc Begin Again để hiểu thêm :)).
4. Kết:
Nôm na là Văn học là chữ, Manga là Chữ + Hình, còn phim/kịch là Hình + Âm thanh. Mỗi loại hình có thế mạnh riêng nhờ vào cách tiếp cận tới khán giả. Thật ra mình chú ý các bộ phim một cách chi tiết hơn, mới nhận ra những cái hay đặc sắc của nó, nhờ vào việc mình thấy được những vẻ đẹp đến từ Manga (sức mạnh của hình ảnh). Nên là, muốn giới thiệu cho các bạn biết thêm :)). Bạn nào muốn mình giới thiệu một bộ phim, văn học hay đặc biệt là manga để tìm hiểu thì hãy comment ở dưới, mình biết đủ loại chủ đề, và manga cũng có đủ loại chủ đề. Các hoạ sĩ, cũng như nhà văn hay đạo diễn, phải tìm hiểu kĩ trước khi vẽ, chứ không đùa đâu :)).
-Prime-