Văn hay, chữ đẹp nhưng bạn đã "đè bẹp" lỗi chính tả hay chưa?
Sai chính tả luôn là câu chuyện khiến bất kỳ ai cũng phải dở khóc dở cười. Để khắc phục và hạn chế tối đa lỗi chính tả, các bạn có thể tham khảo một số cách sau đây.
Sai chính tả luôn là câu chuyện khiến bất kỳ ai cũng phải dở khóc dở cười. Từ lâu, nó đã trở thành vấn đề nhức nhối của mọi ngôn ngữ, đặc biệt là trong tiếng Việt. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến sai chính tả tiếng Việt như thói quen viết sai từ nhỏ, do không hiểu nghĩa, ảnh hưởng của cách phát âm địa phương hay chỉ đơn giản là do sự cẩu thả của người viết.
Để khắc phục và hạn chế tối đa lỗi chính tả, các bạn có thể tham khảo một số cách sau đây:
1. Nắm vững một số quy tắc chính tả tiếng Việt
Một số quy tắc chính tả có thể kể đến như quy tắc viết hoa; cách viết tên cơ quan, tổ chức; cách viết tên riêng nước ngoài; cách viết tắt; quy tắc ghi thanh điệu hoặc với các trường hợp nguyên âm đôi,... Trong các bài viết tiếp theo, mình sẽ hướng dẫn mọi người một cách chi tiết để nắm vững những quy tắc này.
2. Tham khảo một số mẹo chính tả
Hiện nay, trên Internet có khá rất nhiều bài viết đề cập đến những "mẹo chính tả" khá thú vị và bổ ích. Chẳng hạn, để "chữa bệnh" sai dấu hỏi và dấu ngã, chúng mình có thể tham khảo các mẹo sau đây:
- Với các từ Hán Việt, những từ có âm đầu là m, n, nh, v, l, d, ng thì thường viết dấu ngã. Ta có mẹo:
Mình Nên NHớ Viết Là Dấu NGã.
Ví dụ: mã lực, truy nã, nhũng nhiễu, thành lũy, vũ lực, diễm lệ, ngưỡng mộ,...
- Với từ thuần Việt, các từ láy thanh huyền, nặng, ngã thường kết hợp với dấu ngã; thanh ngang, sắc, hỏi kết hợp với dấu hỏi. Ta có mẹo:.
Chị HUYỀN mang NẶNG NGÃ đau Anh NGANG SẮC thuốc HỎI đau chỗ nào?
Ví dụ: sẵn sàng, nhẹ nhõm, nhõng nhẽo, trong trẻo, sắc sảo, rủ rỉ,...
Tuy nhiên, khi sử dụng các mẹo này, các bạn cần chú ý một số trường hợp ngoại lệ nhé!
3. Ghi chú trong quá trình đọc sách, báo, tài liệu,...
Đọc sách không chỉ giúp chúng ta nâng cao kiến thức, cải thiện sự tập trung hay giải tỏa căng thẳng mà còn mở rộng vốn từ, hoàn thiện kỹ năng viết lách và hạn chế lỗi chính tả.
Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi.
Trong quá trình đọc sách, khi bắt gặp những từ ngữ hay - lạ - khó, mình thường ghi chú vào một quyển sổ nhỏ để có thể xem lại và tra cứu khi cần. Đối với những từ ngữ thông dụng, mình sẽ cố gắng sử dụng một cách thường xuyên. Còn đối với những từ khó hơn, mình thường đặt các ví dụ hài hước để dễ nhớ. Quá trình này có thể mất rất nhiều thời gian nhưng đối với mình, nó rất vui và hiệu quả.
Hy vọng bài viết này sẽ có ích đối với mọi người. Mến chúc các bạn có thể làm chủ vốn từ của bản thân và ngày càng hoàn thiện khả năng chính tả của mình! ❤
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất